Con người đang sống trong thời selfie (tạm gọi là “tự sướng” dù chưa chính xác cho lắm). Selfie được coi là từ của năm 2013 theo Từ điển Oxford công bố vào ngày 17-11-2013. Việc sử dụng từ selfie, theo thống kê của Từ điển Oxford, được xem như là kỷ lục được xác định trong ngôn ngữ tiếng Anh.
Theo số liệu thống kê mới nhất thì Việt Nam có hơn 38% dân số (36 triệu/93 triệu) sử dụng internet và khoảng 26% dân số (25 triệu/93 triệu) dùng Facebook. Ngay với những người trước đây “nói không” với mạng nói chung hay Facebook nói riêng thì giờ đây cũng đã có tài khoản Facebook để giao lưu với bạn bè cũ, liên lạc với con cái đi học xa…
Người ta cũng thấy, cánh phụ nữ không chỉ chịu khó diện đẹp (để chụp hình) mà còn chịu khó nấu ăn, cắm hoa, đọc sách, xem phim, nghe nhạc… để có chuyện mà post “phây”! Nói chung, Facebook đã giúp con người rất nhiều về mặt tinh thần. Người già thấy mình trẻ ra, người trẻ có cơ hội quảng bá, trao đổi thông tin, học hỏi kinh nghiệm, chia sẻ công việc…
- Xem thêm: Văn hóa selfie hại nhiều hơn lợi
Bây giờ, hầu như trong các câu chuyện người ta nói với nhau không thể thiếu đề tài Facebook. Những cuộc tranh luận trên mạng ảo tưởng là vô thưởng vô phạt hóa ra thành tranh cãi ngoài đời thật. Một ví dụ nhỏ, hai người bạn chơi với nhau lâu nay không có việc gì. Rồi tham gia Facebook, giao lưu qua lại. Một hôm đọc được bình luận (“còm”) của bạn, không vui, thế là hủy kết bạn.
Người bị hủy không hề hay biết, lâu không thấy người kia xuất hiện trên bảng tin liền qua “nhà” người đó xem thử, hóa ra đã không còn bạn bè. Chuyện vậy mà tránh mặt nhau cả ngoài đời, gặp không thèm chào, thậm chí còn nói xấu sau lưng. Đấy là người đàng hoàng, với bọn “trẻ trâu” đôi khi mang mối hiềm khích ra ngoài đời thật làm chuyện dại dột!
Bởi là chơi nên khi khoe hình lên mạng ai cũng chọn cái hay nhất, đẹp nhất. Trẻ nữa, càng thích! Không chỉ chủ nhân thích mà bạn bè cũng xúm vào “like”. Nói vui, người ta sống không bằng cơm bằng cá mà bằng like, bằng “còm” không oan chút nào!
Cả ngày ngong ngóng chuyện trên “phây”, có gì hay, đẹp là khoe ngay. Sắm một cái áo mới liền mặc đi cà phê với bạn để có cớ chụp hình lên “phây”. Ngay cả người không chơi “phây”, không quan tâm đến vẻ bề ngoài giờ đây mỗi lần họp mặt bạn bè cũng phải diện đẹp để lỡ có ai đó đưa lên “phây” thấy mình không lùi xùi.
Nhiều ông chồng than thở, vừa nhận thiệp đám cưới là vợ nghĩ ngay đến trang phục. Tủ đầy quần áo đẹp mặc cả đời không hết lại đi sắm thêm. Hỏi thì nghe trả lời là mấy áo này lên “phây” hết rồi, mặc lại người ta chê mình ít áo!
Các cô cắm hoa, trang hoàng nhà cửa, các bà nấu ăn cũng phải lên “phây”. Nhờ có “phây” mà các ông vô tình được hưởng lợi không chỉ ăn ngon mà nhà cửa sạch, đẹp, các bà chăm chút bản thân hơn. Con dâu tư vấn mẹ chồng may áo đẹp cũng được mẹ mang lên “phây” khoe là con dâu tâm lý. Mẹ chồng thương con dâu cũng được con dâu khoe (cho cả thế giới biết). Nhiều bà nhờ đó thấy trẻ ra, ngày bận rộn hơn không còn ủ ê như trước khi chưa chơi “phây”, nhất là cánh về hưu.
- Xem thêm: Tiến hóa của nghệ thuật selfie
Việc gì cũng có hai mặt, ông bà xưa dặn, có sức mới chơi. Mạng ảo cũng thế, nghĩ rằng chỉ đối diện với màn hình máy tính thì an toàn là sai lầm lớn. Bây giờ nhiều công cụ chỉnh hình ảnh, chỉ cần vài giây người xấu trở thành đẹp.
Ngắm mãi trên “phây”, đến khi đối diện khối chuyện cười… té ghế! Không thiếu các bài báo, có anh tự tử vì hình cô kia trên “phây” đẹp như tiên nga, khi xuất hiện thất vọng tột cùng; lại có kẻ tức giận vì bị lừa, trước khi bỏ đi còn tẩn một trận cho chừa!
Dù selfie và được người ta xúm vào khen cũng phải tỉnh táo. Khen cho… chết, khen sinh hư khó sửa là điều cần chú ý. Nghiện cái nào cũng khổ, nghiện selfie, nghiện lời khen, nghiện post hình lên “phây”… đều là những việc không bình thường, mất thời gian.
Có câu nói đáng để suy ngẫm: Facebook giống như nhà tù, bạn ngồi trước mặt nó và lãng phí thời gian, bạn viết lên tường câu trạng thái và bạn bị trêu chọc bởi những người mà bạn không biết.