Chỉ trong hai tháng đầu năm nay, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, lượng doanh nghiệp bất động sản mới thành lập tăng tới 89% so với cùng kỳ năm 2014. Tính theo con số tuyệt đối, cứ mỗi ngày có đến vài ba trăm doanh nghiệp bất động sản đăng ký thành lập mới trên cả nước.
Những con số ấy cho thấy sự lạc quan đã trở lại với những người kinh doanh trên thị trường bất động sản. Nhiều người đã nhận định theo kiểu “tất yếu phải thế”, rằng thị trường bất động sản phải ấm lên theo nền kinh tế. Khi kinh tế suy thoái, thị trường đóng băng, nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thu hẹp quy mô, thậm chí ngưng hoạt động, các doanh nghiệp chuyên môi giới bất động sản phải đóng cửa. Nay, thị trường tích cực trở lại, nhận ra cơ hội, một số doanh nghiệp đã vào cuộc. Có thể thấy hầu hết số doanh nghiệp mới gia nhập này quy mô không lớn và chủ yếu là các doanh nghiệp chuyên phân phối các sản phẩm địa ốc. Một dạng “đón sóng”, nhưng cũng có thể do nguyên nhân từ sự thay đổi của chính sách, bởi kể từ ngày 1-7 tới, Luật Kinh doanh bất động sản 2014 bắt đầu có hiệu lực, khi ấy số vốn pháp định tối thiểu của doanh nghiệp bất động sản phải là 20 tỉ đồng chứ không chỉ 6 tỉ đồng như hiện nay.
Phía các doanh nghiệp lớn, chuyên đầu tư xây dựng các dự án cũng không thua kém. Có thể nói, dù không đến mức “sốt” như những năm 2007-2008, nhưng năm 2015 cũng được xem là thời điểm “bung sức” của đa số doanh nghiệp bất động sản – những đơn vị đã vượt qua giai đoạn khó khăn vừa qua để hy vọng vào sự khởi sắc của thị trường. Nhiều chủ đầu tư hào hứng khởi động các dự án bất động sản và lập kế hoạch đưa sản phẩm địa ốc của mình ra thị trường. Ước tính sẽ có đến hàng chục ngàn căn hộ được tung ra trong thời gian tới.
Không chỉ các dự án giá rẻ và trung bình vốn được mặc định là “hàng nóng” trên thị trường, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào những phân khúc khác, trong đó có cả phân khúc cao cấp vốn đang ứ đọng nhiều sản phẩm tồn kho. Cơ sở để các doanh nghiệp mạnh dạn khai thác phân khúc này là tự tin vào việc sẽ cung cấp các sản phẩm cao cấp phù hợp hơn, vị trí, chất lượng, tiện ích tốt hơn, đồng thời kết nối với ngân hàng và hỗ trợ các thủ tục thanh toán cho người mua.
Sự hứng khởi của các doanh nghiệp rõ ràng đến từ những tín hiệu tích cực của thị trường trong thời gian qua và trên lý thuyết sẽ dẫn đến sự đa dạng trong sản phẩm và có sự cạnh tranh về giá để đem đến thêm cơ hội lựa chọn cho người mua. Tuy nhiên, sự đầu tư quá hào hứng dễ dẫn đến tình trạng dư cung, đặc biệt là với phân khúc cao cấp. Dù những người lạc quan cho rằng bài học từ thị trường giai đoạn đóng băng vừa qua khiến các chủ đầu tư nghiên cứu kỹ nhu cầu và có tiến độ cung ứng phù hợp để thị trường không bị “bội thực” khi sản phẩm được tung ra, thì vẫn còn đó những nhận định dè dặt.
Mức độ cạnh tranh trên thị trường trong thời gian tới sẽ rất quyết liệt. Người ta cho rằng tỷ suất lợi nhuận mà các chủ đầu tư được hưởng tại các dự án bất động sản thương mại vẫn ở mức cao, nhiều dự án lên tới 20 – 30%. Việc các chủ đầu tư thời gian qua đưa ra các chương trình khuyến mãi lớn càng khiến người ta nghĩ rằng mức lợi nhuận mà chủ đầu tư được hưởng vẫn cao so với các lĩnh vực khác, trong bối cảnh thị trường chỉ đang trong giai đoạn hồi phục. Nhiều người mua có thể dừng lại để xem xét và vì vậy, một sự cấp tập nguồn cung trong ngắn hạn có thể ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường. Nếu các doanh nghiệp thực sự chủ động được cung – cầu trên thị trường, tình hình vẫn sẽ tiếp tục tiến triển tốt. Còn ngược lại, sự lạc quan quá sớm có thể trở thành nỗi lo với các doanh nghiệp bất động sản trong tương lai.
Hồng Thuận (DNSGCT)