Trước khi trở thành một thứ văn hóa mạng, nghệ thuật tự chụp ảnh mà từ điển ghi là “selfie” đã xuất hiện rất sớm với những chiếc máy ảnh cổ lổ sỉ, rồi bùng nổ trong những năm 2010 theo sau việc iPhone đưa ra chức năng chụp ảnh mặt trước, trở thành một làn sóng tải ảnh tự chụp lên các mạng xã hội như Facebook, Instagram hay Snapchat như một hình thức thể hiện chính mình, một hình thức chia sẻ rộng rãi những khoảnh khắc đáng nhớ trong cuộc đời.
“Selfie” không ngẫu nhiên xuất hiện
Từ “selfie” không ngẫu nhiên xuất hiện trong từ điển Oxford trong năm 2013 mà là sự ghi nhận từ tiếng lóng đã lưu truyền rất lâu trong dân gian và sau đó được sử dụng tại diễn đàn internet “Dr Karl Self-Serve Science Forum” tại Úc từ ngày 13-9-2002. Nhưng sau đó nhiều năm, sự xuất hiện rầm rộ của selfie trên loại tập san giải trí ở Mỹ làm nhiều người lầm gán cho trào lưu tự chụp ảnh khởi xuất từ Kim Kardashian West.
Khi nghệ thuật tự chụp ảnh này thay đổi và tiếp tục bùng phát thì chính Kim Kardashian cũng nghĩ rằng “selfie” đã chết và đề nghị sử dụng tên mới là “usie”để chỉ những bức ảnh do người sử dụng điện thoại tự chụp. Nhưng thực tế nghệ thuật tự chụp ảnh (self-portraiture) hay nghệ thuật “selfie” không chết; nó đang tiến hóa cũng như đã tiến hóa từ lâu trước đó và ngày nay phát triển mạnh mẽ nhờ những ứng dụng công nghệ số gắn liền với điện thoại di động.
Một cuộc khảo sát xã hội học ở quy mô lớn thực hiện bởi trang selfiecity.com cho thấy nghệ thuật tự hình “selfie” từ một trào lưu vụng về của giới trẻ đã nhanh chóng trở thành một thứ hình thái văn hóa rộng lớn, cho dù từ điển Wikipedia chỉ định nghĩa vỏn vẹn: “Selfie là một bức ảnh tự chụp bằng chiếc điện thoại thông minh cầm trên cánh tay dang xa hay đặt trên đầu gậy. Các bức ảnh selfie thường được chia sẻ trên các mạng xã hội như Facebook, Instagram hay Snapchat. Chúng thường được dùng để thể hiện tính tự cao, sự hãnh diện và được chụp một cách tình cờ hay được tạo cho có vẻ tình cờ”. Chúng ta có thể thấy lời dẫn trên Wikipedia không ổn lắm, và thực tế là selfiecity.com đã chứng minh selfie đang tạo nên ảnh hưởng xã hội mỗi ngày một lớn.
Cuộc khảo sát hướng dẫn bởi nhà truyền thông học Lev Manovich và nhà phân tích kỹ thuật số Daniel Goddemeyer thực hiện tại năm thành phố lớn, gồm Bangkok, Berlin, New York, Sao Paulo, Moscow cho thấy số ảnh selfie hiện nay đã chiếm đến 4% lượng hình ảnh tải lên mạng. Tuổi trung bình những “nghệ nhân selfie” tại năm thành phố là 23,7, trong đó độ tuổi tập trung tại Bangkok là 20,3-22,7, tại Berlin 23,7-26,3, ở Moscow 23,3-25,7, tại New York 24,3-26,7, và tại Sao Paulo là 22,3-25,0. Đa số nghệ nhân tự chụp ảnh là nữ giới, chiếm tỷ lệ 55,2% tại Bangkok, 59,4% tại Berlin, 61,6% tại New York, 65,4% tại Sao Paulo, và 82,0% tại Moscow. Như vậy, nghệ thuật “selfie” ngày nay chủ yếu được thực hiện bởi giới trẻ, nhưng người ta cũng ghi nhận ở dưới tuổi 40, phái nữ chiếm đa số trong khi trên 40 lại là phái nam.
- Xem thêm: Tiếp thị kỹ thuật số bằng “selfie”
Những giải thích khác nhau về “selfie”
Nhiều nhà phân tích đã đưa ra những giải thích khác nhau về nghệ thuật “selfie”, từ một hiện tượng đến một trào lưu, rồi trở thành một hình thái văn hóa mạng. Nhưng một điều mà người ta không thể phủ nhận là trào lưu “selfie” ngày nay cũng là kết quả của những tiến bộ trong kỹ nghệ chụp ảnh, bao gồm cả máy ảnh trong các dòng điện thoại thông minh và những ứng dụng kèm theo dành cho việc sửa ảnh và xuất bản hình ảnh lên mạng internet. Trên thực tế, sự tiến hóa của nghệ thuật tự chụp ảnh gắn liền với nghệ thuật chụp ảnh, với các chiếc máy ảnh mà khi bước vào thời đại kỹ thuật số, phổ biến nhất là điện thoại di động và mới nhất gồm cả sự tham gia của trợ lý ảo thay thế cho việc thao tác bằng tay, và cả sự góp mặt của thiết bị bay flycam.
Nhà nhiếp ảnh Robert Cornelius được coi là cha đẻ của nghệ thuật “selfie”, và tác phẩm đầu tiên ra đời năm 1839 nhờ vào tốc độ máy ảnh lúc đó rất chậm giúp ông có thể điều chỉnh, bấm nút rồi di chuyển đến vị trí để chụp. Ngày nay một bản sao bức ảnh tự chụp đầu tiên này được đặt tại ngôi mộ của ông ở nghĩa trang Laurel Hill tại thành phố Philadelphia (Hoa Kỳ). Trang theodysseyonline.com trong bài “Sự tiến hóa của selfie” đã viết câu mở đầu: “Xin lỗi Kim K, xem ra bà không phải là người phát minh ra selfie”. Selfie đã trở thành một thứ nghệ thuật nhờ vào các nghệ sĩ, các nhà kinh doanh, và ngày nay nhờ vào giới trẻ. Nghệ thuật tự chụp ảnh mỗi thời mang một vẻ khác nhau, kéo dài hay chỉ tồn tại trong một thời gian nhất định, và nhiều tác phẩm kể cả từ rất xưa vẫn lưu truyền đến nay.
Trong những tác phẩm tự chụp đó có ảnh tự chụp của một nhân vật nổi tiếng, Vincent Van Gogh vào năm 1889, một bức hình tự chụp qua gương thực hiện năm 1898, một ảnh tự chụp với cánh tay dang xa thực hiện năm 1920. Năm 1934 Carl Van Vechten tự chụp nhờ cài đặt thời gian cho máy ảnh, bức hình rất rõ và chân phương chẳng giống gì với trào lưu selfie ngày nay. Nhưng từ đây trào lưu tự chụp dần trở nên phổ biến với nhiều bức hình còn lưu lại đến ngày nay như bức ảnh gia đình Tổng thống Kennedy trong khoảng năm 1950. Từ sau năm 2000 nhiều người đã tự chụp bằng điện thoại nắp gấp và rồi những bức ảnh như thế xuất hiện khá nhiều trên mạng xã hội MySpace trong khoảng 2006.
- Xem thêm: Thời của… selfie
Nghệ thuật “selfie” luôn tái phát minh
Nghệ thuật “selfie” gắn liền với kỹ thuật chụp hình, và cùng với đó tạo nên trào lưu xã hội. Trào lưu này lan rộng kể từ năm 1900 khi Kodak cho ra đời loại máy ảnh xách tay Kodak Brownie vừa nhẹ vừa ổn định chứ không như những kiểu máy đặt trên giá ba chân trước đó. Năm 1914, công chúa nước Nga Anastasia Nikolaevna được coi là người trẻ đầu tiên chụp hình “selfie” ở tuổi 13. Trào lưu tải hình “selfie” lên mạng internet khởi phát từ Úc vào năm 2001.
Đầu năm 2003, nghệ sĩ người Ý Alberto Frigo khởi xướng trào lưu tự chụp bằng cánh tay mặt với mọi loại vật dụng kèm theo. Đến cuối năm 2003 hãng Sony cho ra đời thế hệ điện thoại di động Sony Ericsson Z1010 chụp hình phía trước, và đến năm 2010 Apple đẩy mạnh hơn nữa trào lưu “selfie” với dòng điện thoai iPhone chụp hình được cả mặt trước lẫn mặt sau, và từ đây các mạng xã hội từ Facebook, Instagram đến Snapchat tràn ngập hình ảnh “selfie”.
Bình luận về sự tiến hóa của nghệ thuật đương đại này, Anna Hart viết trên trang theguardian.com rằng nghệ thuật “selfie” luôn luôn được tái phát minh, và về căn bản “selfie” của năm 2017 khác với “selfie” năm 2013, cả về mặt biểu hiện và ý nghĩa truyền tải. Nhà nghiên cứu nghệ thuật James Hall, tác giả sách The Self-Portrait: A Cultural History viết: “Khi tôi nhìn một bức ảnh selfie, tôi nhận ra người đó muốn tạo nên những kết nối với thế giới vô danh rộng lớn”. Ông viết tiếp: “Họ muốn thể hiện chính mình, tự phát minh chính mình, cũng như những nghệ nhân đã làm trong suốt lịch sử nghệ thuật selfie”.
“Selfie” chính là nơi người ta tự khám phá ra chân trời mới, những khuôn mặt, những cặp mắt và cánh tay dang xa của năm 2013 đang bị thay thế bởi các bức chân dung của năm 2017, và những ngón tay cũng có thể không cần nhấp vào máy mà thay thế bằng khẩu lệnh “Ok Google, take a selfie” để trợ lý ảo Google Assistant trong chiếc điện thoại selfie cho vị chủ nhân.
Thay vì nhìn nhận “selfie” như một phá cách của tâm lý và xã hội thì các nhà nghiên cứu ngày nay nhận ra ở đó cả một kho tàng dữ liệu xã hội học. Nhà tâm lý học Jessamy Hibberd, tác giả cuốn This Book Will Make You Confident, nói: “Selfies là một phần của đời sống hiện đại và ông nói tiếp “ó hay hay dở tùy vào cách mà bạn dùng nó”.
Ngày nay hầu hết các nhà nghiên cứu đều công nhận “selfie” là “hậu duệ” của nghệ thuật tự chụp ảnh, và hơn thế nữa đang trở thành một văn hóa mạng nơi rất nhiều người trẻ có thể trở nên nghiện ngập. Trong khi nghệ thuật “selfie” là trào lưu thì các nhà nghiên cứu cũng phải bắt kịp làn sóng mới nhằm bảo đảm rằng văn hóa mạng này luôn nằm trong hệ sinh thái tốt đẹp.
– Tổng hợp