Phần lớn giải Nobel đều được trao đúng người, nhưng cũng có không ít bê bối tạo ra “những giải Nobel sai lầm” diễn ra trong 118 năm kể từ ngày giải được trao.
1. Giả trao cho người ủng hộ thuyết ưu sinh, tôn vinh người da trắng
William Shockley (1910-1989) là một nhà vật lý, phát minh người Mỹ gốc Anh đã được trao giải Nobel Vật lý cùng với John Bardeen và Walter Brattain về phát minh transistor vào năm 1956. Những nỗ lực của Shockley trong việc thương mại hóa một loại transistor mới từ năm 1950 đến những năm 1960 đã dẫn đến sự ra đời của Thung lũng Silicon, nơi cách tân các thiết bị điện tử, thúc đẩy khoa học kỹ thuật trong nửa cuối thế kỷ 20 phát triển, trở thành chi tiết chính của máy tính và điện thoại di động, đưa Internet lên tầm cao mới. Tuy có nhiều công lao, nhưng Shockley lại là người ủng hộ thuyết ưu sinh và phân biệt chủng tộc, coi người da trắng là chủng tộc thượng đẳng
Những năm cuối đời, Shockley bị ám ảnh bởi ý tưởng về sự chênh lệch chỉ số thông minh (IQ) giữa các chủng tộc khác nhau và quyết định chuyển hướng sang thuyết ưu sinh. Shockley tin rằng người da trắng vượt trội về mặt trí tuệ và đề xuất những người có di truyền bất an, xấu xí (tức là người da đen) nên cho họ tiền để triệt sản để không sinh ra giống người này nữa.
Thuyết ưu sinh (eugenics) là “khoa học ứng dụng hoặc là phong trào sinh học-xã hội ủng hộ việc sử dụng các phương thức nhằm cải thiện cấu tạo gen của dân số”, thường là dân số loài người. Thuyết này rất nổi tiếng vào những thập niên đầu thế kỷ 20 và vào giữa thế kỷ 20 không còn phổ biến do dính dáng tới Đức Quốc xã.
Thuyết ưu sinh đồng nghĩa với hành động lạm dụng của phát xít để “rửa sạch chủng tộc” và tiêu diệt các nhóm dân tộc “không mong muốn”. Ngày nay, khi công nghệ gien và công nghệ nhân bản phát triển, nhất là từ cuối thế kỷ 20 đã đặt ra nhiều câu hỏi về thuyết ưu sinh và vấn đề đạo đức của nó, làm trỗi dậy những mối quan tâm của dư luận về thuyết ưu sinh mang tính phân biệt chủng tộc này.
2. Alexis Carrel – bác sĩ giải phẫu ưu sinh
Alexis Carrel (1873-1944) là nhà giải phẫu và sinh vật học người Pháp đã được trao giải Nobel Sinh lý và Y khoa năm 1912 cho công trình tiên phong trong kỹ thuật khâu mạch máu. Ông đã phát minh ra bơm tiêm truyền máu (perfusion pump) đầu tiên cùng với Charles Lindbergh, mở đường cho việc cấy ghép cơ quan và phát triển một phương pháp cải tiến để điều trị vết thương bằng thuốc sát trùng.
Cũng giống như nhiều nhà trí thức thời Thế chiến thứ hai, Carrel đã quảng bá thuyết ưu sinh, từng quản lý “Quỹ Nghiên cứu các vấn đề con người của Pháp” trong thời chính phủ Vichy dưới sự chiếm đóng của Đức Quốc xã. Quỹ này là nơi thi hành các chính sách ưu sinh, riêng Carrel bị cáo buộc hợp tác với Đức Quốc xã.
Chuyện bắt đầu từ năm 1935, Carrel xuất bản cuốn Man, The Unknown (Con người, kẻ vô danh) trong đó, bày tỏ quan điểm ủng hộ thuyết ưu sinh. Ông cho rằng phụ nữ có đặc điểm hấp dẫn nên kết hôn với những người đàn ông khao khát để cho ra đời những đứa con hoàn hảo. Carrel tin rằng những người “hạ đẳng” không nên khuyến khích sinh con và nên “xử lý một cách nhân đạo và loại bỏ mang tính kinh tế” trong các buồng khí gas.
3. Egas Moniz, người phát minh ra lobotomy
Theo tiêu chuẩn hiện đại, lobotomy là một thực hành y tế lỗi thời giống như kiểu tra tấn thời Trung cổ hơn là điều trị bệnh tâm thần. Nói ngắn hơn, lobotomy là gọt não bệnh nhân để chữa bệnh. Tuy nhiên, vào đầu thế kỷ 20, thủ tục này đã được xem như là phương pháp điều trị hiện đại nhất cho bệnh tâm thần.
Tại Mỹ có khoảng 20.000 người đã trải qua phẫu thuật lobotomy, trong đó vỏ não trước trán bị cắt đứt các kết nối trong não. Đây là phát minh của nhà thần kinh học Egas Moniz người Bồ Đào Nha, chính thức được ứng dụng giữa những năm 30 ở thế kỷ trước. Sau các thử nghiệm sơ bộ trên một nhóm bệnh nhân tâm thần phân liệt, Egas Moniz tuyên bố, lobotomy là phẫu thuật đơn giản, an toàn nhưng thực tế đã bị giới y học phản bác là sai.
Một số bệnh nhân bị tổn thương nhân cách không thể phục hồi sau khi trải qua lobotomy. Một số còn bị rơi vào tình trạng tâm thần giống như trẻ con, thậm chí còn sống đời thực vật sau thủ thuật lobotomy.
Trong khi lobotomy còn nhiều tác dụng phụ và được xem là vô đạo đức thì Moniz đã được trao giải thưởng Nobel về sinh lý học hay y học năm 1949. Vào thời điểm đó, rất ít nghiên cứu khoa học đã được tiến hành để kiểm chứng lobotomy. Một số nhà sử học cho rằng Moniz đã nhận được giải thưởng Nobel do “mua” giả hay hợp pháp hóa thủ tục để được trao giải.
Chính việc đi nhầm chỗ này mà lobotomy trở nên phổ biến, gây họa cho nhân loại. Rất nhiều đơn từ phản đối nhưng ủy ban Nobel vẫn không hủy. Thay vào đó lại lập luận, không có lý do nào để phản đối cả bởi những năm 40 không có lựa chọn nào khác để thay cho kỹ thuật này.
Về phần mình, chính bản thân Egas Moniz cũng bất ngờ với cái tên gọi khá kêu “phương pháp điều trị rối loạn tâm lý bằng phẫu thuật cắt thùy não” bởi ông cho rằng phương pháp chụp hình não bộ bằng tia X-quang mới là thành công lớn nhất trong sự nghiệp của mình.
4. Kary Mullis, nhà chiêm tinh kiêm “kẻ buôn vua”
Kary Mullis (12.1944 – 8.2019) là nhà khoa học người Mỹ, từng nhận giải Nobel hóa học năm 1993. Ông được ca ngợi là “một trong những bộ óc lớn nhất thế kỷ XX”, giỏi mọi lĩnh vực, chuyên ngành, người đã phát minh ra chất dẻo đổi màu khi chiếu tia tử ngoại.
Năm 1993, Kary Mullis đã chia giải Nobel với Michael Smith vì những khám phá mang tính bước ngoặt trong lĩnh vực nghiên cứu ADN. Mullis đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển kỹ thuật được gọi là phản ứng chuỗi polymerase (PCR). Phát minh tuyệt vời này cho phép các nhà khoa học tạo ra hàng triệu bản sao của một phân tử ADN. PCR được coi là một trong những bước đột phá quan trọng nhất của thế kỷ 20, được sử dụng trong mọi thứ, từ phân tích hóa thạch đến nhận dạng tội phạm.
- Xem thêm: Giải Nobel Văn chương: Lựa chọn an toàn
Tuy nhiên, Mullis cũng là một nhân vật kỳ quặc gây tranh cãi. Cho đến khi qua đời vào tháng 8 năm 2019, ông đã để lại tiếng xấu về thử nghiệm LSD. Mullis hoài nghi về mối liên hệ giữa HIV và AIDS, và là người ủng hộ trung thành chiêm tinh học. Có lẽ kỳ lạ nhất trong tất cả các tuyên bố của Mullis là ông đã bị bắt cóc bởi một con gấu trúc ngoài hành tinh phát sáng.
Chưa hết, Mullis còn là người kinh doanh “siêu phẩm” của các vĩ nhân, buôn bán gien hay “sản phẩm di truyền” của các nhân vật nổi tiếng như gien của vua nhạc Rock&Roll Elvis Presley và siêu sao màn bạc Marilyn Monroe… nên ông được mệnh danh là “kẻ buôn vua” khi làm chủ tịch của một ngân hàng gien ở Mỹ.
Không công khai chính thức nhưng dư luận không loại trừ khả năng một phần nhỏ trong số các “mặt hàng” của Mullis đã được phục vụ cho việc nghiên cứu sinh sản vô tính trong khi cả thế giới đang rộ lên trào lưu thay đổi gen cho vật nuôi và cả con người. Và cuối cùng, bất chấp sự lập dị của mình, ủy ban Nobel vẫn coi ông xứng đáng với giải Nobel danh giá nói trên.
5. Fritz Haber, cha đẻ của chiến tranh hóa học
Fritz Haber (1868-1934) là một nhà hóa học Đức được trao giải Nobel Hóa học năm 1918 cho công trình phát triển phương thức tổng hợp amonia (NH3) rất quan trọng trong quá trình tổng hợp phân bón và chất nổ. Haber, cùng với Max Born đã đưa ra chu trình Born-Haber như là một phương pháp ước tính năng lượng tinh thể của kim loại rắn. Ông cũng được miêu tả như là “cha đẻ của vũ khí hóa học” trong phát triển và ứng dụng chlorine và các loại khí độc khác trong Thế chiến I.
Fritz Haber cũng là một trong những người nhận giải Nobel gây tranh cãi nhất. Người thì xem ông là một nhà hóa học lỗi lạc, nhưng lại có không ít xem ông là một nhân vật hèn hạ giám sát chương trình chiến tranh hóa học của Đức trong Thế chiến thứ nhất. Haber sinh ra trong một gia đình Do Thái ở thành phố Breslau của Phổ, hiện là một phần của miền Tây Ba Lan.
Như đã đề cập, khoảng đầu thế kỷ XX, ông và đồng nghiệp Carl Bosch phát triển một phương pháp cải tiến để tổng hợp khí amoniac và quy trình hay công nghệ Haber-Bosch vẫn được sử dụng rộng rãi trong nông nghiệp. Khoảng một nửa nguồn cung thực phẩm toàn cầu phụ thuộc vào phương pháp tuyệt vời của Haber. Quá trình này đã cứu hàng tỷ người khỏi nạn đói. Với thành tích đáng nể nói trên, Haber đã được trao giải thưởng Nobel năm 1918.
- Xem thêm: Cãi cả… Nobel
Khi Thế chiến thứ nhất nổ ra, Haber đã dành nghiên cứu của mình để phát triển vũ khí hóa học cho quân đội Đức, đứng đầu Phân ban Hóa học tại Bộ Chiến tranh Đức, Haber quyết định cho sử dụng khí clo trong chiến tranh, từ đây ông được mệnh danh là “cha đẻ của chiến tranh hóa học”. Clo là một vũ khí độc, được dùng để sát hại phương một cách không thương tiếc.
Nó được phát tán từ phía một địa điểm nhất định, sau đó được gió đưa vào các hầm hào đối phương, khiến binh lính bên dưới chết ngạt. Theo thống kê, tổng cộng có trên một triệu binh sĩ bị thiệt mạng vì các cuộc tấn công bằng khí hóa học trong Thế chiến thứ nhất. Ngoài ra, Haber còn là người phát minh ra quy trình Oxy hóa amoniac để tạo ra axit nitric, hợp chất chính để dùng cho sản xuất thuốc nổ.