Giải thưởng Nobel Văn chương 2018-2019 tôn vinh hai nhà văn thuộc hai thế hệ khác nhau. Tác phẩm của cả hai người là tiêu biểu của chủ nghĩa hậu hiện đại với tính phân mảnh, hư ảo lúc nào cũng thách thức giới hạn đọc của độc giả.
Sau lần hoãn trao giải Nobel Văn chương năm 2018, lúc 13 giờ ngày 10-10 theo giờ Thụy Điển, Viện Hàn lâm Thụy Điển đã công bố giải Nobel Văn chương năm 2019 thuộc về nhà văn người Áo Peter Handke và giải năm 2018 thuộc về nhà văn người Ba Lan Olga Tokarczuk.
Nhà văn thường xuyên gây tranh cãi
Peter Handke chính thức trở thành chủ nhân của giải Nobel Văn chương năm 2019, vì “một sự nghiệp có sức ảnh hưởng mà với ngôn ngữ tinh tế đã khám phá những ngoại biên và đặc trưng sự thử thách của con người”.
Ở Việt Nam, tác phẩm “Trong một đêm tối trời tôi ra khỏi ngôi nhà tịch mịch của mình” của ông được phát hành trong năm 2019, sách do Ngụy Hữu Tâm dịch (Domino Books và NXB Đà Nẵng ấn hành).
Cuốn tiểu thuyết này được đánh giá là một trong những tác phẩm quan trọng giúp ông nhận được giải thưởng Kafka năm 2009.
Kể câu chuyện về dược sĩ lập dị, thích nghiên cứu nấm, sống lạnh nhạt với gia đình, đã dấn thân vào cuộc viễn du xuyên châu Âu, “Trong một đêm tối trời tôi ra khỏi ngôi nhà tịch mịch của mình” như một thiên bút ký lạnh lùng ghi lại sự phân rã của một châu lục già nua, thiếu sức sống.
Peter Handke là người Áo thứ hai đoạt giải thưởng Nobel Văn chương, sau nữ văn sĩ Elfriede Jelinek (đoạt giải năm 2004). Chính Jelinek cũng từng tuyên bố rằng Peter Handke xứng đáng đoạt giải Nobel Văn chương hơn bà.
Ông sinh năm 1942, sống ở thị trấn nhỏ bị chiếm đóng. Mẹ ông tự sát năm 1971 và theo những nhà viết tiểu sử; cha dượng của ông là một người nghiện rượu. Chủ nhân giải Nobel Văn chương này có một sự học dang dở.
Ông bỏ học năm 1956 sau khi tiểu thuyết đầu tay của mình, Ong bắp cày, được xuất bản. Peter Handke là nhà văn thường xuyên gây tranh cãi, không chỉ bởi những tác phẩm mình viết ra mà còn bởi những phát ngôn của ông.
Đến mức năm 2006, việc đề cử ông cho giải thưởng Heinrich Heine đã gây ra một vụ bê bối, giải thưởng đã bị rút do quan điểm chính trị của ông.
Đoạt giải thưởng kép
Còn chủ nhân của giải Nobel Văn chương năm 2018, người đáng lẽ đã hưởng trọn niềm vui này vào tháng 10 năm ngoái, Olga Tokarczuk (sinh năm 1962) lại là một trường hợp khác. Bắt đầu sự nghiệp văn chương từ năm 1989, bà đang sống tại một ngôi làng nhỏ, nơi bà điều hành một công ty xuất bản riêng của mình.
Olga Tokarczuk trở thành nhà văn Ba Lan thứ 5 đoạt giải Nobel Văn chương, người đầu tiên là Henryk Sienkiewicz tác giả đã được dịch và đọc rộng rãi ở Việt Nam với những tác phẩm như Quo Vadis, Trên sa mạc và trong rừng thẳm.
Người đoạt giải Nobel Văn chương trước Tokarczuk là nữ thi sĩ Wisława Szymborska (đoạt giải năm 1996), thơ của bà đã được dịch khá nhiều ở Việt Nam.
Olga Tokarczuk là người phụ nữ thứ 15 lãnh giải trong suốt lịch sử hơn trăm năm của giải Nobel Văn chương. Trước bà là nữ văn sĩ Svetlana Alexievich đoạt giải năm 2015.
Ba Lan có giải Nobel Văn chương từ rất sớm, năm 1905, nhưng bước sang thế kỷ XXI, chỉ có Olga Tokarczuk là người đầu tiên đoạt giải thưởng này.
Trước khi công bố, nhiều người dự đoán bà sẽ là chủ nhân của giải Nobel năm nay, bởi có nhiều lời than phiền rằng quá ít nhà văn nữ đoạt giải Nobel, nhất là trong thời điểm bê bối vì nạn quấy rối như hiện nay. Bà là người Ba Lan đầu tiên đoạt giải thưởng Man Booker quốc tế năm 2018 cho tiểu thuyết Chuyến bay.
Cho đến nay, Tokarczuk đã xuất bản 8 tiểu thuyết, 2 tập truyện ngắn, đồng thời người tổ chức festival văn học ở Lower Silesia. Vậy là trong năm 2018, Tokarczuk đã đoạt giải thưởng kép: Man Booker quốc tế và Nobel Văn chương.
Tokarczuk là một tác giả có sách bán chạy, nhà tâm lý học xuất sắc. Bà được độc giả đại chúng biết đến nhiều hơn kể từ sau khi tác phẩm Chuyến bay của bà đoạt giải Man Booker quốc tế.
Được xuất bản ở Ba Lan vào năm 2007, tiểu thuyết Chuyến bay kể câu chuyện xuyên suốt nhiều thế kỷ với những lát cắt, những mảnh đời đan xen nhau. Được biết trong thời gian tới, tác phẩm này sẽ được xuất bản ở Việt Nam.
Rất khó có cơ hội cho châu lục khác
Mùa giải năm 2019, Nobel Văn chương hy vọng lấy lại được ánh hào quang của mình. Trước khi giải thưởng được công bố, người đứng đầu Ủy ban Giải thưởng Nobel Văn chương, ông Anders Olsson đã nói nhiều về việc hội đồng cần nhìn rộng hơn, thoát khỏi tư tưởng “dĩ Âu vi trung”.
Dù nhiều bê bối nhưng giải Nobel vẫn được xem là giải thưởng danh giá nhất hành tinh không chỉ vì sự lâu đời của nó mà một phần nữa là với số tiền thưởng trị giá khoảng 1 triệu USD (con số này thay đổi theo thời giá).
Tuy nhiên, có lẽ lời của Olsson không còn mấy giá trị nữa khi thực tế hai nhà văn đoạt giải Nobel đều là dân châu Âu.
Về khoảng cách tuổi tác, Handke hơn Tokarczuk khoảng 20 tuổi. Giải thưởng năm nay ghi nhận hai nhà văn thuộc hai thế hệ khác nhau.
Tác phẩm của cả hai người là tiêu biểu của chủ nghĩa hậu hiện đại với tính phân mảnh, hư ảo lúc nào cũng thách thức giới hạn đọc của độc giả.
Nhìn lại giải Nobel Văn chương năm 2018 và 2019, có thể thấy những châu lục khác rất khó có cơ hội để nhà văn ở đó được Viện Hàn lâm Thụy Điển công nhận. Cộng thêm nhiều bậc thầy văn chương như Milan Kundera hay Ismail Kadare gần như nằm trong danh sách những nhà văn bị Nobel lãng quên vì tuổi đã cao.
Tuy vậy, Nobel Văn chương 2018-2019 trao cho Handke và Tokarczuk được giới chuyên môn đánh giá là lựa chọn khôn ngoan và an toàn của Viện Hàn lâm Thụy Điển, trong tình thế hiện nay.
Trường hợp hy hữu
Năm nay cũng là trường hợp hy hữu đối với giải Nobel Văn chương khi cùng lúc trao giải cho hai nhà văn của hai năm khác nhau.
Điều này làm ta nhớ đến mùa giải năm 1950, khi tuyên bố trao giải Nobel Văn chương cho triết gia Anh Bertrand Russell và văn hào Mỹ William Faulkner.
Trong quá trình tuyển chọn vào năm 1949, Ủy ban Nobel Văn chương đã quyết định không có đề cử nào trong năm đáp ứng các tiêu chí như được nêu trong di chúc của Alfred Nobel.
Theo luật của Quỹ Nobel, giải thưởng Nobel trong trường hợp này có thể được bảo lưu chờ đến năm sau và luật này sau đó đã được áp dụng.
Do vậy, William Faulkner đã nhận được giải thưởng Nobel năm 1949 vào năm 1950. Lúc được tin mình được trao giải Nobel, Faulkner đang bón phân trên cánh đồng.
Trong năm 1950, ở Stockholm, William Faulkner đến nhận giải Nobel Văn chương năm 1949, còn Bertrand Russell nhận giải Nobel Văn chương năm 1950.
Năm 2018, Jean-Claude Arnault, chồng của bà Katarina Frostenson, một trong những thành viên của Viện Hàn lâm Thụy Điển, bị kết tội cưỡng hiếp và bị phạt hai năm tù, cộng thêm những bê bối về lạm dụng tình dục và sự thiếu minh bạch về tài chính khiến cho bảy thành viên của Viện Hàn lâm Thụy Điển phải từ chức, trong đó có cả thư ký thường trực của viện lúc bấy giờ là Sara Danius. Một loạt bế bối này dẫn đến việc giải Nobel Văn chương 2018 buộc phải hoãn lại.
Giải thưởng Nobel bắt đầu vướng xì-căng-đan vào năm 2016 khi trao giải cho Bob Dylan. Sự im lặng kéo dài của Dylan sau đó khiến cho Viện Hàn lâm khá “mất mặt”, thêm vào bài đáp từ nhận giải được cho là đạo văn có lẽ làm cho các viện sĩ suy nghĩ lại quyết định có phần khó đoán của mình.
Tiếp đó, giải trao cho Ishiguro Kazuo, nhà văn người Anh gốc Nhật, giới phê bình đánh giá tuy Kazuo là nhà văn tài năng nhưng không phải là nhà văn xuất sắc nhất thế giới thời điểm hiện tại dù năm 2008, tạp chí Times xếp hạng Kazuo thứ 32 trong danh sách “50 nhà văn Anh vĩ đại nhất kể từ năm 1945”.
Giải Nobel Văn chương và Nobel Hòa bình thường gây nhiều tranh cãi trong dư luận. Có lẽ một phần vì văn chương đại chúng hơn so với những hạng mục khác của giải, khi mà mỗi độc giả tự thân là một “giám khảo” và có những lựa chọn của riêng mình.
Tuy nhiên, ông Anders Olsson cũng đã chia sẻ trong buổi phỏng vấn rằng điều khó khăn nhất khi chọn chủ nhân cho giải Nobel Văn chương đó là “chọn người đoạt giải có được sự đồng thuận của mọi người nhưng đó cũng là chuyện thú vị vì bạn phải nói, tranh biện, thuyết phục người khác theo ý kiến của mình”.