Bây giờ con cái nhảy việc, đừng có cha mẹ nào “ngứa miệng” góp ý. Chứ đừng nói đến việc ngăn cản. Càng “dại dột” hơn nữa nếu lại mang “tình yêu và lý tưởng nghề nghiệp” nọ kia của những năm 1970 ra mà nói. Lý tưởng cho lắm chỉ… làm hại gia đình.
Này đây, một ông con nhà nòi, gốc tư sản Hà Nội xưa, cha mẹ cho học vẽ, học nhạc và thạo tiếng Pháp từ khi còn… chưa giải phóng thủ đô. Sau này thành cán bộ một vụ gì đó không biết, chỉ biết rằng cô vợ của ông, lúc trước là nhân viên cấp dưới, nhờ cấp quota xuất nhập khẩu cái thời hưng thịnh đó mà cô giàu sụ. Phục cái ông ngoài Đảng, “ăn nói như phản động” nhưng liêm khiết một cách kỳ dị, thành biểu tượng đàm tiếu về “sự ngớ ngẩn”, nên cô lấy ông.
Hai cách tính toán và lối sống đó tất nhiên dẫn đến ly dị. Con cái lấy ông ra làm dẫn chứng về sự “lý tưởng ngu ngốc” nghèo xơ xác, còn bà là thí dụ tiêu biểu về “sự nhạy bén thị trường”. Giờ có mấy cái nhà, giàu có nên con cái cũng theo về phe. Tùy thuộc vào lối sống và cách suy nghĩ cả thôi, chứ đừng nói giàu nghèo là do làm nghề gì.
- Xem thêm: Con không học cái nghề… thất nghiệp
Ấy vậy mà thiên hạ vẫn phải lo chọn nghề chọn việc. Thế nhưng trong khi người ta huấn thị cho thanh niên mỗi mùa tuyển sinh là chọn nghề gì hợp với khả năng của mình (toàn… xui dại), thì họ lại hành xử ngược lại. Ông cậu được cả nhà khen khôn ngoan đã kịp đưa gần hết cả gia đình vào ngành dầu khí. Con cái du học nghề gì cũng dẹp, xin vào làm trong sân bay đã. Không cần chuyên môn gì đặc biệt.
Ngành nào lại chẳng cần kế toán, văn phòng, thậm chí làm cán bộ nữ công, công đoàn chuyên trách cũng tốt, lương đâu kém ai. Lại tỏ rõ năng động. Mấy vị già cả lạc hậu trước đây thường tiết kiệm, chẳng dám chia chác, cũng không cho anh em đi chơi đâu. Có vị còn liêm khiết đến mức ngày tết “cơ sở” người ta biếu quà thì nghiêm khắc phê bình và bắt… đem về. Nhân viên oán hận.
Nay ấy à, quỹ nghiên cứu đâu, quỹ học tập đâu? Mình phải về nguồn, cả doanh nghiệp kéo đi thăm chiến trường xưa, vòng lên biên giới, về tận chiến khu… Đi máy bay nhé, ở khách sạn hạng sang. Vui vẻ lắm. Được khen là năng động, anh em hài lòng. Quỹ đã có Nhà nước lo. Chẳng ai có lý gì phê bình.
Đó, chọn công việc là vậy. Khi đã vào guồng máy, tự nhiên sẽ có sáng kiến, nhìn nhau mà cư xử, chẳng phải học từ trường lớp nào. Bằng cấp nói chuyện ở đây mới là vớ vẩn nhất, người ta cần thực lực chứ ai cần bằng cấp. Có người nói: “Ở Mỹ (?) hễ bằng cấp cao là… khó xin việc.
Mày định nghiên cứu ở viện hàn lâm không mà làm tiến sĩ? Họ lấy người đi làm mà. Còn ở Việt Nam ta, nhiều vị không có việc làm, thất nghiệp nên cứ tạm… học lên thạc sĩ, tiến sĩ chờ thời vu vơ”. Đó, bây giờ chọn nghề, xin việc… quái thai vậy đó, cho nên lý thuyết làm gì, cãi sao nổi trước thực tế hùng hồn.
Cãi cọ mãi cũng chẳng ăn thua thắng bại, chợt có ông bạn trên Phây (Facebook) rao thế này: Lương 500 triệu một tháng: “thử” thuốc trừ sâu cho công ty. Lương 800 triệu một tháng: Sáng bê… xe tăng ở Viện bảo tàng ra cho khách xem, tối bê vào…
Cũng chưa bằng lương 2 tỉ đồng một tháng này. Đâu, đâu, nghề gì ngon vậy?
Đây này: Lương 2 tỉ một tháng, chỉ nội trợ tại nhà. Ngon rồi đây. Dễ lắm, không phải làm gì. Sáng: Nghe vợ chì chiết. Trưa nghe vợ mắng. Chiều nghe vợ khóc lóc. Tối, nằm cho vợ vắt chân lên cổ…
- Xem thêm: Lương bao nhiêu thì đủ sống?
Ôi trời, đi xin việc mãi chưa có gì sáng sủa, lại còn nghe chuyện tiếu lâm của mấy ông thất nghiệp suốt ngày thở than trên Phây.
Xem ra, chẳng có công việc nào sang hay hèn, mọi sự đảo lộn hết cả. Nghe đâu người ta nghiên cứu, cái nghề khó xơi và danh tiếng như làm báo mà nay cũng xếp sau công việc rửa bát tới 75 bậc. Vậy nên thấy ai nhảy việc thì đừng có thắc mắc. Phải chạy theo nơi lương cao hơn, vậy thôi, chẳng biết được nghề nào sang trọng, cao quý. Biết đâu mà lần.