Hiện nay, Việt Nam là một trong những quốc gia có sự gia tăng đáng báo động về tỷ lệ người bệnh đái tháo đường (ĐTĐ).Vì thế, cần đẩy mạnh việc nâng cao hiệu quả chẩn đoán và điều trị để có thể kiểm soát tốt hơn căn bệnh nguy hiểm này.
Có xu hướng trẻ hóa
Người bệnh ĐTĐ có lượng đường trong máu tăng cao nhưng tế bào cơ thể không dung nạp đường, nên thiếu đường để hoạt động. Có hai loại ĐTĐ chính là týp 1 và týp 2, với týp 2 chiếm 90 – 95%, ngoài ra còn có ĐTĐ khi mang thai.
ĐTĐ týp 1 là do cơ thể thiếu hoàn toàn insulin. Bệnh thường gặp ở người trẻ tuổi, khởi phát đột ngột. ĐTĐ týp 2 thường gặp ở người trưởng thành (trên 40 tuổi).Trong một thập niên gần đây, bệnh ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Trên thế giới đã phát hiện trẻ vị thành niên mắc bệnh đái tháo đường týp 2, ở Việt Nam đã có người dưới 20 tuổi bị béo phì và ĐTĐ týp 2.
Nguyên nhân của ĐTĐ týp 2 là do thiếu insulin từ tuyến tụy và/hoặc tế bào cơ thể đề kháng với insulin. Bên cạnh đó là lối sống ít vận động, ăn nhiều năng lượng từ chất bột đường, chất béo dẫn đến thừa cân làm bệnh dễ phát sinh.
Chẩn đoán sớm, điều trị toàn diện để ngăn ngừa biến chứng
Các triệu chứng thường gặp của ĐTĐ là đi tiểu thường xuyên, cảm giác rất khát nước, rất đói ngay cả khi đang ăn, mệt mỏi, nhìn mờ, vết cắt chậm lành, sút cân nhanh ngay khi bạn ăn nhiều hơn (týp 1), cảm giác đau hay mất cảm giác ở tay/chân (týp 2).
Để chẩn đoán được bệnh, cách duy nhất là thử đường máu lúc đói hoặc tại thời điểm bất kỳ. Nếu đường máu lúc đói ≥7.0mmol/l hay ≥126mg/dl, hoặc đường máu tại thời điểm bất kỳ ≥11,1mmol/l hay ≥200mg/dl và có một trong các triệu chứng trên, bạn có thể đã mắc bệnh ĐTĐ. Lúc này, bạn cần đến bác sĩ để được chẩn đoán chắc chắn và lên kế hoạch chữa trị.
Giải pháp nâng cao hiệu quả chẩn đoán và điều trị
Những nghiên cứu mới nhất gần đây cho thấy nếu điều trị bệnh ĐTĐ sớm và toàn diện, chúng ta có thể ngăn ngừa được biến chứng, cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống của bệnh nhân và giảm giá thành điều trị.
Hằng năm, những công trình nghiên cứu được công bố đem lại nhiều cơ hội mới trong chẩn đoán và kiểm soát bệnh ĐTĐ. Do vậy, cập nhật kiến thức thường xuyên cho đội ngũ bác sĩ là một trong những giải pháp then chốt và đặc biệt quan trọng để kiểm soát bệnh ĐTĐ, đặc biệt ở giai đoạn sớm.
Việc đào tạo, cập nhật kiến thức thực hành theo tiêu chuẩn quốc tế về bệnh ĐTĐ cho các bác sĩ nội tiết và đa khoa là rất có ý nghĩa và cần thiết, bởi sẽ hỗ trợ rất lớn cho y tế cơ sở, giảm gánh nặng bệnh nhân ĐTĐ đổ dồn về tuyến cuối. Cộng thêm đó, những kiến thức mới, phương pháp mới trong điều trị ĐTĐ mà bác sĩ có được sẽ giúp bệnh nhân kiểm soát bệnh tốt hơn.
Để góp phần cập nhật kiến thức thực hành theo tiêu chuẩn quốc tế về chẩn đoán và kiểm soát bệnh ĐTĐ, qua đó nâng cao hiệu quả chẩn đoán và điều trị bệnh ĐTĐ ở Việt Nam, mới đây, Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam (VADE) cùng với Hội Đái tháo đường Mỹ (ADA) đã phối hợp cùng năm trung tâm đào tạo trên toàn quốc (Đại học Y Dược TP.HCM; Đại học Y Dược Huế; Trung tâm Đào tạo Bệnh viện Chợ Rẫy; Trung tâm Đào tạo Bệnh viện Bạch Mai; Trung tâm Đào tạo Bệnh viện Nội tiết Trung ương) và Công ty Sanofi chính thức tổ chức lễ khai giảng Chương trình Đào tạo quốc tế chuẩn hóa về ĐTĐ (iSTEP-D).
Từ năm 2014 đến 2016, lần lượt các khóa đào tạo về bệnh ĐTĐ sẽ được tổ chức cho 1.500 bác sĩ chuyên khoa nội tiết và các bác sĩ đa khoa trên toàn quốc.