Nghe tin vị lãnh đạo đề nghị cấm giáo viên dạy thêm, ai cũng mừng và hy vọng. Bởi vì cái nạn học thêm dạy thêm tràn lan như một căn bệnh khó chữa làm khổ hết mọi người.
Nhưng liền ngay lập tức có một cô giáo phát biểu trên báo: “Nếu lương đủ sống thì chẳng cần cấm dạy thêm”.
Ai chà, có vẻ vấn đề gay cấn rồi đây. Là bởi chuyện lương, thì cũng là vô vàn bài toán khó. Có người nói ở cuộc họp, trên diễn đàn hẳn hoi: “Đi bán vé số lương đủ sống”. Trong khi đó, lương của cán bộ làm phần mềm mười triệu đồng cũng được nhà lãnh đạo nói rằng thế thì sống sao được.
- Xem thêm: Việc gì lương cao nhất?
Bà xã đọc tin tức xong quay ra nói, cứ lấy các thí dụ thế này để mà lý sự bảo vệ lập luận của mình, nghe có vẻ không phân phải trái. Đúng là nếu sống bằng lương được thì có nhiều thứ tiêu cực cũng có thể dẹp được, là vì mọi sự rối ren làm thêm này nọ đều có lý do chung nhất, đó là mưu sinh.
Ai mà chẳng phải lo kiếm sống nuôi gia đình mình, lo bao nhiêu việc ăn ở học hành. Mà cứ thử không có tiền xem, ốm đau vào cấp cứu không có tiền xem, nằm đấy có ai hỏi han gì không.
Xã hội có vẻ như… bao nhiêu tiền cũng không đủ. Là vì, nếu không có tiền, đi buôn thúng bán bưng, sửa xe, bán vé số, ở nhà thuê, thì cam chịu thiếu thốn mọi bề. Thế nên phải phấn đấu luôn vươn lên cao hơn nữa. Cuộc đời này, nói cho cùng, chẳng biết lương bao nhiêu thì được gọi là đủ sống.
Bà xã nói, nếu có tiền, sẽ cho con học trường tốt, nhiều nữa thì học trường quốc tế. Cha mẹ ơi, có trường quốc tế bên Thảo Điền, nghe đâu một tháng tiền học đã gần… 50 triệu đồng.
Trường quốc tế của chính quốc chứ không phải loại song ngữ nửa Tây nửa ta. Làm gì mà một đứa oắt con, xe đưa xe đón, tiêu tiền một tháng cỡ đó. Tây họ sang “vơ vét cắt cổ” ngay tại xứ mình.
Chỉ tại nền giáo dục nước nhà yếu kém, phải bơm tiền cho con du học, phải “nộp ra một đống tiền” cho họ thu hợp pháp ngay trên xứ sở của mình. “Thực dân đế quốc” là đây chứ đâu.
Thế nên có đủ các mức sống, người ta cứ chạy theo mãi hụt hơi vẫn phải chạy. Chẳng ai “ra quy định” giùm một vài “công thức mẫu”, nếu công nhân, lao động, sinh viên, trí thức… đại loại thế – xem chuẩn lương bao nhiêu.
Thì Nhà nước có tính lương cơ bản, hệ số này nọ cả rồi đấy. Người ta nói, lương không ai đủ sống, nhưng rồi… ai cũng sống hết. Chẳng ai dám nói loại đẳng cấp nào thì sống kiểu nào. Không ai biết thu nhập kiểu gì mà giàu. Nói chung là đố ai biết.
Vì thế, có bao nhiêu bi hài. Thí dụ có người kêu tiến sĩ lương chỉ như người giúp việc. Thậm chí cả ngàn tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân thất nghiệp kia. Biết thế nào mà so sánh?
- Xem thêm: Con không học cái nghề… thất nghiệp
Thế nên nếu “lấy lương làm chuẩn” giàu nghèo thiếu đủ thì lầm to. Mà cô giáo nói nếu lương cô “đủ sống” thì khỏi cần cấm dạy thêm. Nhưng giả sử đủ sống, thì cô có dạy thêm không, mọi người có đi kiếm thêm không? Bà xã tự trả lời: “Chắc chắn là có. Kiếm được thì cứ kiếm thôi, lợi hại cho xã hội thế nào, xét sau. Không phạm pháp (à, mà có phạm nhưng không bị bại lộ) thì hiển nhiên vẫn làm”.
Nếu lương bao nhiêu thì cô giáo sẽ không đi dạy thêm? Có ai dám khẳng định không?
Chứ theo phân tích của bà xã tôi, thì ở nước ta, chẳng biết bao nhiêu gọi là đủ… Bao nhiêu người đang ồ lên, kêu rằng cái dân nước Thụy Sĩ, Thụy Điển gì đó, rõ là… khó hiểu. Ai đời chính phủ trưng cầu dân ý xem có đồng ý để nhà nước… cấp lương cho toàn dân dù không cần làm gì – lại đi phản đối ầm ầm. Nghe tiếng dân xứ văn minh, mà sao… dại thế không biết.