Có người thắc mắc một nước như Mỹ có các “đại công ty” công nghệ Amazon, Facebook, Google, Apple đang thống trị cả thế giới lẽ ra phải tự hào rồi o bế chúng như những báu vật quốc gia, đằng này nhà nước lại bắt CEO các tập đoàn phải ra giải trình đủ thứ rồi bàn tính cách chặt bớt vây cánh, thậm chí chia nhỏ họ ra. Vì sao lạ thế?
Suốt một năm qua, Quốc hội Mỹ tổ chức nhiều cuộc điều tra cách thức kinh doanh của các tập đoàn công nghệ trong nước nhằm trả lời câu hỏi: chúng có triệt tiêu cạnh tranh, chặn đường các doanh nghiệp khác và gây hại cho người tiêu dùng hay không.
Nhìn từ góc độ lợi ích của nước Mỹ, rõ ràng Apple và Google giúp công nghệ nước này chiếm lĩnh toàn thế giới. Thử hỏi có nhà sản xuất điện thoại di động thông minh nào mà không cần hệ điều hành Android của Google; cùng hệ sinh thái iOS của Apple, không nước nào là không phụ thuộc vào Mỹ ở lãnh vực này.
Cái cần bảo vệ đầu tiên: tính cạnh tranh
Tuy nhiên, nhìn ở góc độ cạnh tranh, Amazon hay Facebook giờ đã quá lớn; chúng như những đế chế riêng, trong đó người dùng là thần dân phải tuân phục luật chơi do các tập đoàn đặt ra. Các nhà bán lẻ muốn sống yên thân trên ngôi chợ Amazon phải ngoan ngoãn nghe theo mọi chỉ dẫn.
Chỉ cần Amazon không hài lòng một ai, nó có thể đẩy họ từ chỗ là một nhà bán lẻ sôi động đến chỗ phá sản trong chốc lát. Amazon có tiềm lực to lớn nên một khi muốn tiêu diệt một đối thủ cạnh tranh, họ chỉ việc giảm giá đến khi đối thủ buông súng đầu hàng.
Amazon lại sản xuất hàng loạt loại hàng Amazon Basics, đúng y sở thích của nhiều người tiêu dùng nhờ khai thác dữ liệu nó thu thập bấy lâu. Giả thử bạn là nhà bán lẻ trên Amazon, lâu nay sống được nhờ bán một loại vali thiết kế đẹp. Lại giả thử Amazon thấy doanh số loại vali này cao, muốn nhảy vào; họ sẽ sản xuất một vali tương tự, dán nhãn Amazon Basics, giá rẻ hơn, xuất hiện ngay khi người dùng vào Amazon tìm mua vali. Thử hỏi làm sao bạn cạnh tranh cho nổi.
Câu chuyện tương tự cũng diễn ra với Apple, Google hay từng xảy ra với Microsoft. Muốn được đưa vào cửa hàng App Store, người kinh doanh phải “cống nạp” đến 30% doanh thu cho Apple. Cái này không phải chỉ thu một lần khi người dùng tải ứng dụng về trên iPhone của họ mà thu đều đặn, thu mãi mỗi khi có doanh thu từ “hàng hóa hay dịch vụ kỹ thuật số”; ưu ái lắm thì thu 30% năm đầu và 15% những năm sau đó.
Cách tận thu này làm các nơi cung cấp dịch vụ như Spotify hay Hulu điên tiết nhưng không làm gì được cả. Cứ thử hình dung cảnh Spotify phải đầu tư rồi trả tiền cho ca sĩ – nhạc sĩ để tạo doanh thu nhưng Apple sẽ hớt ít nhất 15% trong khi không làm gì cả. Như thế làm sao Spotify cạnh tranh với Apple Music, là dịch vụ của chính Apple nên không mất phần trăm nào cả. Chính Apple cho biết năm 2019 họ thu được 15% từ tổng doanh thu 519 tỉ đôla trên App Store!
Với Google thì tình hình ngày càng tệ hại. Cứ thử tìm một sản phẩm nào đó trên Google, quảng cáo cho sản phẩm này sẽ xuất hiện dày đặc, cả những kết quả đầu trang, những kết quả cuối trang, cả sản phẩm có hình ảnh – chỉ còn vài ba kết quả thuộc loại khách quan, không quảng cáo.
Vậy nên bạn có sản phẩm muốn bán, dù muốn dù không cũng phải quảng cáo với Google mới trông mong người dùng biết đến sản phẩm của mình. Điều đáng buồn nhất là do doanh thu quảng cáo, Google cho các nơi có trả tiền xuất hiện lên đầu, ngay cả khi thông tin không đúng ý người dùng đang tìm kiếm; thông tin chính xác thì nhét tận các trang sau.
Thử nghĩ bạn giận dữ vì bị các “đại công ty” công nghệ xử ép, bạn suy tính khởi nghiệp, tạo dựng các dịch vụ mà các “đại công ty” đang hầu như độc quyền cung ứng cho thị trường, bạn có cơ hội nào chen chân được chăng? Không một công ty nào làm được bộ máy tìm kiếm thông tin cạnh tranh nổi với Google; không sàn thương mại điện tử nào dám lấn sân Amazon.
Mọi nỗ lực xây dựng một mạng xã hội để lật đổ Facebook đều thất bại. Những tác hại của các tập đoàn công nghệ gây ra cho môi trường kinh doanh ở Mỹ và trên thế giới quá lớn; các nhà lập pháp Mỹ không còn cách nào khác là khởi sự điều tra và tìm giải pháp phá vỡ thế độc quyền của chúng.
Giải pháp nào?
Bị gọi ra điều trần trước Quốc hội Mỹ vào giữa tuần trước là các ông trùm công nghệ: Jeff Bezos của Amazon, Tim Cook của Apple, Mark Zuckerberg của Facebook và Sundar Pichai của Google. Do dịch COVID-19 nên phiên điều trần tổ chức từ xa qua video. Và dĩ nhiên các CEO này tìm mọi lý lẽ để bác bỏ các cáo buộc, rằng họ đâu có o ép ai, họ không triệt tiêu cạnh tranh và không làm gì hại đến người tiêu dùng.
Các lập luận chất vấn của các nghị sĩ Mỹ cũng không ra ngoài những vấn đề đã nói ở trên. Nên không thể trông chờ phiên điều trần có hé lộ giải pháp gì đột phá. Nó chỉ là một cơ hội để mọi người “động não” suy nghĩ về các giải pháp khả thi.
Cách đây 20 năm, nước Mỹ cũng từng tìm cách phá vỡ thế độc quyền của Microsoft, đầu tiên là cân nhắc giải pháp chẻ đôi tập đoàn này, một bộ phận sẽ làm hệ điều hành, bộ phận kia làm phần mềm. Sau đó Microsoft phải dàn xếp với Bộ Tư pháp Mỹ để tránh cảnh bị xẻ thành hai, nhờ đó mà sau này phần mềm duyệt web Chrome của Google mới nổi lên, rồi hệ điều hành Android mới ra đời suôn sẻ.
Ngoài cuộc điều tra của Tiểu ban chống độc quyền Hạ viện Mỹ đã kéo dài 13 tháng nay, các tập đoàn còn chịu nhiều cuộc điều tra chống độc quyền khác của Bộ Tư pháp, Ủy ban Thương mại liên bang và các vụ kiện riêng lẻ của các bang.
Độc quyền hay lạm dụng vị thế độc quyền là cáo buộc rõ ràng nhất, nhưng các tập đoàn công nghệ còn bị gán những tội lỗi khác như lan truyền thông tin sai lệch, thiên vị bên này hay bên kia, vi phạm quyền riêng tư của người dùng…
Có lẽ trong trường hợp các “đại công ty” công nghệ, chuyện chia nhỏ ra để hạn chế tình trạng độc quyền, bóp nghẹt cạnh tranh là giải pháp sau cùng, đối đế lắm mới áp dụng. Các nhà làm chính sách có thể dùng giải pháp này như “cây gậy” buộc các tập đoàn công nghệ tự điều chỉnh hành vi như Microsoft ngày xưa. Cái họ sẽ nhắm tới ở giai đoạn này là buộc các tập đoàn tự tách bạch phạm vi hoạt động để chọn lựa chỉ được tham gia một bên mà thôi.
Ví dụ với Amazon, họ chỉ được tổ chức một khu chợ khổng lồ gồm nhiều nhà bán lẻ hoặc tự tham gia hoạt động bán lẻ, chứ không được “vừa đá bóng vừa làm trọng tài”. Với Apple hay Google thì hoặc tổ chức gian hàng các ứng dụng hoặc cung cấp dịch vụ, chứ không được vừa chào mời dịch vụ Apple Music vừa có gian hàng độc quyền sẵn sàng chặn đường các ứng dụng cung cấp dịch vụ nghe nhạc tương tự.
Nhìn về thị trường Việt Nam
Mới nhìn qua, nỗ lực ngăn chặn lạm dụng vị thế độc quyền có vẻ không liên quan gì đến một thị trường đang phát triển như Việt Nam. Thế nhưng tình trạng “lấy thịt đè người” cũng đang diễn ra ở nước ta trên nhiều lãnh vực. Lấy ví dụ trên thị trường thương mại điện tử, thử hỏi có doanh nghiệp mới nổi nào đủ khả năng tham gia thị trường khi mà các “ông lớn” hiện đều có sự chống lưng của nguồn vốn bên ngoài, sẵn sàng chịu lỗ nặng, lỗ kéo dài, miễn sao tranh giành được thị phần.
Thấy ứng dụng gọi xe, giao thức ăn dễ làm, nhưng các start-up Việt Nam nếu không có sự hậu thuẫn của dòng vốn ngoại, loại vốn đầu tư mạo hiểm, làm sao đủ sức cạnh tranh? Chúng ta ca ngợi các doanh nghiệp khởi nghiệp, nhất là trong lãnh vực công nghệ, thế nhưng chủ sở hữu thật sự các doanh nghiệp này thực tế là ai, đến từ nước nào?
Mặt khác, dù ở xa, các “đại công ty” phải ra điều trần tại Mỹ lần này cũng đang gián tiếp bóp nghẹt cạnh tranh ở nước ta. Lấy ví dụ có người nhìn ra cơ hội làm một bản đồ chỉ đường, có quảng bá các địa điểm ăn uống, giải trí. Nhưng làm sao người đó qua nổi Google Maps?
Một người khác muốn làm một game chơi trên điện thoại di động, họ phải chia phần cho Apple hay Google để lên được cửa hàng ứng dụng hai nơi này đang nắm độc quyền. Liệu có ai làm nổi một ứng dụng nội địa để cạnh tranh với Airbnb? Liệu có ai không quảng cáo mà trông mong xuất hiện trên kết quả tìm kiếm của Google?
Vấn đề không phải là năng lực – vấn đề là nguồn tài chính và quy mô nhân bản. Nếu vẫn để các gã khổng lồ lừ đừ cán bẹp hết mọi nỗ lực cạnh tranh, doanh nghiệp công nghệ Việt Nam sẽ chẳng còn cơ hội nào ngóc lên, ngay ở thị trường chính nước mình.
Các nhà làm chính sách vì thế nên theo dõi động thái của Mỹ và sau đó là các nước khác, đặc biệt là châu Âu, để rút ra mô hình chính sách cần theo đuổi. Mục đích sau cùng phải là tạo môi trường cho sáng tạo và cạnh tranh được nảy nở.
Dù sao buổi điều trần cũng là dịp để các nhà lập pháp Mỹ – thay mặt dân chúng và người tiêu dùng – lên tiếng, như câu nói hùng hồn của chủ tịch Tiểu ban chống độc quyền, nghị sĩ David Cicilline: “Những nhà lập quốc của chúng ta không chịu cúi đầu trước vua chúa. Chúng ta cũng sẽ không cúi đầu trước các vị vua của nền kinh tế số”.
Cái họ cần là những điểm nhấn cho cử tri thấy họ không nhượng bộ, nên mở đầu ông Cicilline mới hỏi thẳng Pichai: “Vì sao Google đánh cắp nội dung từ các doanh nghiệp lương thiện?” (dĩ nhiên Pichai đáp ngay: “Thưa ông chủ tịch, với lòng kính trọng, tôi không đồng ý cách khái quát như thế”). Hay khi các nghị sĩ hỏi Bezos có chèn ép các nhà buôn nhỏ không, ông trả lời “đó không phải là cách chúng tôi kinh doanh” thì các nghị sĩ mới cho phát cuộn băng ghi âm một nhà sách cầu xin chính Bezos cứu giúp.