Khi không phải những giọt nước mưa, mà là một thứ khác rơi xuống từ trời, thường đó là dấu hiệu không hay. Tuy thế, những hiện tượng như vậy không quá hiếm mà xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới. Thiên nhiên có bao cách khiến ta phải bất ngờ; bên cạnh đó, sự can dự của con người cũng không phải nhỏ.
Mưa cá
Năm 2014, một cơn bão mạnh quét qua một làng nhỏ ở Sri Lanka, ngoài mưa to, gió mạnh, dân làng còn phải chịu đựng một cơn mưa bất thường với khoảng vài trăm con cá nhỏ từ trời rơi xuống. Trọng lượng số cá chưa đầy 50kg. Hiện tượng này dù lạ, nhưng không quá hiếm và có thể giải thích theo quan điểm khoa học.
Tại những vùng ven biển, bão có thể tạo ra vòi rồng hút cá từ hồ hay đại dương mang vào trong đất liền, rồi thả rơi xuống. Hiện tượng trên được quan sát tại nhiều nơi trên thế giới, ngoài Sri Lanka, còn xảy ra ở Úc, Mexico… Nếu cá ăn được, cư dân bị ảnh hưởng còn xem đó là “của trời cho”, chẳng hạn làng Yoro ở Hungary ăn mừng “Iluvia de peces” (mưa cá) ít nhất một lần mỗi năm.
Tháng 6.2015, cư dân ở thành phố Fairbanks, bang Alaska (Mỹ) sửng sốt khi thấy vài chục con cá hình dáng xấu xí rơi xuống thành phố. Đó là cá mút đá, thân dài, không có hàm, thay vào đó một miệng ống giác lởm chởm răng sắc bén, giúp cá hút máu của con mồi. Loài cá này không sống trong vùng. Người dân cho rằng có thể hải âu đánh rơi con mồi khi bay ngang thành phố.
Mưa ếch
Ếch cũng có thể là nạn nhân của vòi rồng. Đã có những báo cáo xưa và nay về những trận mưa ếch và cóc. Triết gia người Hy Lạp Héraclide Lembos nhắc đến trường hợp ếch rơi như mưa đến nỗi đường và nhà đầy ếch. Vào năm 2005, người dân ở Odzaci (Serbia) chứng kiến hàng ngàn con ếch nhỏ từ mây rơi xuống.
Mưa kỳ nhông
Khác với người anh em luỡng thê, kỳ nhông từ trời rơi xuống không phải là nạn nhân của vòi rồng nước. Hiện tượng khoa học này xem ra còn kỳ lạ hơn. Vào mùa đông năm 2018, một cơn bão mạnh thổi qua miền Nam Florida, gây một tác dụng phụ bất ngờ: một trận mưa kỳ nhông. Nhiệt độ xuống thấp, trời lạnh đến độ những chức năng cơ thể của loài sinh vật máu lạnh này hoàn toàn ngưng hoạt động. Kỳ nhông vẫn sống, nhưng bất động và mất cảm giác, tức là con vật mất khả năng bám lấy cành cây, và thế là rơi xuống.
Mưa nhện
Ác mộng đối với những người sợ nhện xảy ra vào năm 2015 tại Úc và gần đây ở Brazil vào năm 2019. Nhưng ngược với cá và ếch, nhện không bị lôi ra khỏi nơi chúng sống bởi bão mạnh.
Mưa nhện là hệ quả của một hiện tượng được gọi là “bay” (ballooning) do nhện sản xuất những sợi tơ để di chuyển trong không khí. Với mục đích theo một luồng gió để sang nơi khác, kỹ thuật này được nhện sử dụng thường xuyên. Thế tại sao mưa nhện không thường xảy ra? Vì hiếm khi một số lượng lớn nhện làm cùng lúc. Những điều kiện khí tượng phải thật lý tưởng để “mưa nhện” diễn ra.
Mưa tiền
Cơn mưa này dễ chịu hơn nhiều so với mưa nhện và mưa ếch, và hẳn được nóng lòng chờ đợi. Mưa tiền xảy ra nhiều lần trong lịch sử, thậm chí gần đây. Chẳng hạn năm 2015, hàng trăm ngàn dirham (tiền của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất) được rải ở Koweit City.
Ở thành phố Indiapolis (Mỹ) cũng diễn ra một hiện tượng tương tự vào năm 2017 khi một người thợ điện phát hiện những tờ giấy bạc, khoảng 200 USD, bay trên mái nhà nơi anh làm việc.
Trong cả 2 trường hợp trên, xuất xứ của những tờ tiền này không được phát hiện, để lại cho cư dân và giới hữu trách nhiều câu hỏi không có câu trả lời.
Mưa kim cương
Vào tháng 8.2017, các nhà khoa học ở Đại học Stanford đã tái tạo những điều kiện khí quyển như ở Neptune và Uranus, kế đó phát một sóng va chạm mạnh gây biến đổi một hỗn hợp carbon và hydro thành kim cương li ti. Theo họ, kim cương trên 2 hành tinh trên to hơn nhiều và tương ứng với nhiều triệu carat.
Xe vận hành trên mọi địa hình
Một cuộc diễn tập quân sự do quân đội Mỹ tiến hành vào tháng 4.2015, bên trên căn cứ quân sự Hohenfels (Đức) gặp sự cố. Khi các xe địa hình, loại Humvee, được máy bay thả bằng dù, 3 xe bị tuột dù, rơi sầm xuống đất. Dù không ai bị thương trong tai nạn này, ngoại trừ đống sắt méo mó phải tốn công dọn. Sự cố hy hữu này đã được quay phim và phát trên Internet.
“Mưa máu”
Trong khoảng thu – đông năm 2014, thành phố Zamora của Tây Ban Nha bị tác động bởi một sự cố khí tượng rất kỳ lạ: một trận mưa với những giọt nước màu đỏ, khiến người ta nghĩ đến máu. Hiện tượng trên khiến phát sinh nhiều giả thuyết ngông cuồng. Các nhà khoa học thuộc Đại học Salamanque rốt cuộc khẳng định đã tìm ra điều bí ẩn. Sau khi phân tích những mẫu mưa này trên kính hiển vi, họ khám phá nước mưa chứa vi tảo có tên Haematococcus pluvialis. Thế mà tảo này được biết có khả năng tổng hợp một sắc tố astaxanthine, màu đỏ nhạt, khi gặp những điều kiện bất lôi.
Tuy vậy, một câu hỏi vẫn chưa có lời đáp: làm cách nào mà vi tảo sống dọc bờ Đại Tây Dương ở Bắc Mỹ và châu Âu này lại có thể lạc đến thành phố Zamora? Các nhà khoa học đưa ra giả thuyết: vi tảo có thể bị những cơn gió Tây mạnh cuốn đi. Họ cũng thừa nhận nguồn gốc của “mưa máu” ở Zamora hiện vẫn chưa được biết.
Mảnh vỡ của thiết bị không gian
Một số vệ tinh và thiết bi công nghệ sau khi hết hạn sử dụng không còn đủ mạnh để trụ trên quỹ đạo và rơi xuống trái đất. Ngày 2.4.2018, trạm không gian Thiên Cung-1 của Trung Quốc xuyên khí quyển rồi vỡ tan trên Thái Bình Dương. Nếu thiết bị vẫn “sống sót” sau khi vào khí quyển, nó sẽ vỡ tan ra từng mảnh rồi mảnh sẽ rơi xuống đất. Tuy vậy, không có gì đáng lo ngại vì nguy cơ bị mảnh vỡ không gian rơi trúng vô cùng nhỏ.
Thiên thạch Sylacauga
Ann Hodges, một phụ nữ ở Sylacauga (bang Alabama, Mỹ) bị thương bởi một hòn đá khi đang ngủ trong nhà, vào ngày 30.11.1954. Viên đá xuyên thủng mái rồi rơi trúng bụng của bà. Thoạt tiên, Ann tưởng trẻ con nghịch ngợm ném đá vào nhà.
Nhưng nhà địa chất học George Swindel cho rằng đó là một mảnh thiên thạch, rồi Lực lượng Không quan Mỹ trưng thu viên đá. Ann và chồng kiện ra tòa đòi lại viên đá, hy vọng bán nó đề sửa nhà. Vụ kiện kéo dài, mất dần sức thu hút, rốt cuộc bà chỉ nhận được món tiền khiêm tốn, khoảng 500 USD (tương đương 4.000 USD hiện nay). Ann giữ mảnh thiên thạch một thời gian, rồi tặng cho Đại học Alabama.
Một gói cần sa 12kg
Đêm 8.9.2015, Maya và Bill Donnely ở Nogates (bang Arizona, Mỹ) tỉnh giấc vì một tiếng ầm vang dội. Họ kinh ngạc khi phát hiện thủ phạm là một gói cần sa 12kg rơi thủng mái, trúng chuồng chó, may mà con vật không nằm trong chuồng. Họ báo với nhà chức trách, gói cần sa ấy ước lượng 10.000 USD trên thị trường chợ đen. Có lẽ “gói quà” ấy được ném từ một máy bay siêu nhẹ, do kẻ giao hàng vội vã nên lầm mục tiêu. Kiểu giao hàng này thường diễn ra trong sa mạc hay ở vùng ngoại ô.
Phụ gia cho cà phê
Năm 1969, một xưởng sản xuất chất nhuộm màu cho cà phê không sữa Cremora ở bang South Carolina gặp sự cố do lỗ hơi bị nghẽn, khiến hỗn hợp bột thoát vào không khí. Khổ thay, lúc ấy trời mưa. Bột ấy trộn với nước mưa tạo thành một chất lầy nhầy rơi xuống thàn phố nhỏ Chester, ở cùng bang.
Phải đợi 20 năm sau, vào năm 1991, xí nghiệp Borden, nhà sản xuất Cremora, trả tiền phạt vạ 4.000 USD vì đã để sản phẩm thoát ra khỏi nhà máy.