Bên trong tuyệt vọng vô biên vẫn còn một tia hy vọng, đó chính là niềm tin. Chỉ cần có niềm tin là có thể đảo ngược tình thế, giành lại quyền chủ động cho mình, giành lấy chiến thắng.
Cái nóng tháng bảy ở Hải Phòng khá khó chịu đối với những người ở phương Nam như chúng tôi. Trên đường đến khu Di tích Bạch Đằng Giang (Tràng Kênh, thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng), nhìn thế sông núi nơi đây, TS Lê Mạnh Thát cho hay quân xâm lược phương Bắc nhiều lần bại trận ở sông Bạch Đằng là phải. Khi quân xâm lược bị dụ vào đoạn sông có cắm cọc và mắc cạn lúc thủy triều xuống thì quân ta chỉ cần đứng ở triền núi, chứ chưa cần trên núi, phóng tên, bắn đá xuống là từ chết tới bị thương. Đúng là đi một ngày đàng hơn đọc ngàn cuốn sách.
Lưu giữ hồn thiêng dân tộc
Theo ông Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hải Phòng, khu Di tích Bạch Đằng Giang là quần thể hội tụ những dấu ấn lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng bậc nhất của Hải Phòng. Nơi đây có đền thờ Ngô Quyền Vương, người khai sinh trận địa cọc Bạch Đằng, đánh thắng quân Nam Hán năm 938, chấm dứt 1.117 năm Bắc thuộc, mở ra nền văn minh Đại Việt; đền thờ vua Lê Đại Hành, năm 981, ngài đã tái tạo lại địa cọc của Ngô Quyền, có công đánh Tống bình Chiêm, đưa nước Đại Cồ Việt ngang hàng với nước Tống (cả hai đều xưng Hoàng đế); đền thờ Quốc Công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn – ngài có công 3 lần đánh bại Nguyên Mông, đỉnh điểm là chiến thắng Bạch Đằng năm 1288, đập tan dã tâm của bọn giặc cướp Nguyên Mông, mở ra nền văn minh Đông A rực rỡ.
Khu Di tích Bạch Đằng Giang còn có đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam. “Đảng bộ và nhân dân Hải Phòng xác định việc xây dựng khu Di tích Bạch Đằng Giang ngay tại chiến trường oanh liệt của ông cha ngoài việc muốn lưu giữ hồn thiêng dân tộc, còn muốn giáo dục niềm tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ và muốn dặn dò thế hệ trẻ ghi nhớ lời dạy Bác Hồ: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước””, ông Lê Văn Thành nói.
Ông Lê Doãn Thăng (Hà Nội) cho biết đã có người khẳng định trận Bạch Đằng đánh quân Nam Hán ở vùng Quảng Ninh, chứ không phải ở đây. Tôi cũng đồng ý như thế, nhưng lịch sử vẻ vang của dân tộc là niềm tự hào chung của dân tộc, địa phương nào có điều kiện xây dựng những khu di tích như vầy đều đáng quý cả.
- Xem thêm: Đến Huế thăm di tích Hổ Quyền Voi Ré
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, thì trận Bạch Đằng đánh thắng quân Tống thời Lê Đại Hành, và đánh thắng quân Nguyên thời nhà Trần đều ở vùng đất Hải Phòng này. TS Lê Mạnh Thát cười nói: “Danh sĩ Phạm Sư Mạnh thời Trần có viết: “Giang san vượng khí Bạch Đằng thâu” (Khí thiêng sông núi thu lại ở Bạch Đằng), đã nói lên tất cả. Cứ cho rằng không có trận Bạch Đằng nào xảy ra tại Hải Phòng, nhưng Hải Phòng xây dựng được khu Di tích Bạch Đằng Giang với quy mô như thế là quá tốt”.
Khu du lịch tâm linh – lịch sử
Trên đường vào Quảng trường Chiến thắng, nơi có 3 tôn tượng cao 11 m bằng đồng (không tính bệ đỡ) của các ngài: Ngô Quyền, Lê Đại Hành, Hưng Đạo Vương và bãi cọc tượng trưng dựng lại dưới lòng sông (180 cọc gỗ lim, đầu bịt sắt), còn có chùa Trúc Lâm Tràng Kênh, đền thờ Thánh Mẫu, nhà bảo tàng… Chùa Trúc Lâm Tràng Kênh được mô phỏng theo mô hình chùa Đồng (Yên Tử), ngoài thờ Phật còn thờ Phật hoàng Trần Nhân Tông, người đứng đầu quân dân Đại Việt trong kháng chiến chống Nguyên Mông và sáng lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
Phía dưới chân chùa (ven đường đi) có đặt 18 tượng La Hán bằng đá trắng khá sinh động. Đền thờ Thánh Mẫu cũng giống như bao đền thờ mẫu khác trên đất nước này, như: Mẫu đệ Nhất Thượng Thiên, Mẫu đệ Nhị Thượng Ngàn, Mẫu đệ Tam Thoải Phủ. Trong đền còn có hương án và pho tượng thờ Ngũ vị tôn ông, Tam vị ông Hoàng, Nam Hải thần vương, Mẫu Sơn Trang…
Đây là tìn ngưỡng dân gian lấy hình tượng Mẫu (Mẹ) với các quyền năng sinh sôi, che chở con người trước thiên tai, dịch bệnh… đã đi sâu vào đời sống văn hóa tâm linh của người Việt từ bao đời qua. “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã được UNESCO ghi nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại (1.12.2016).
Ở nhà bảo tàng, trưng bày hiện vật cọc Bạch Đằng được bảo tồn nguyên trạng – nhân chứng lịch sử của chiến thắng Bạch Đằng; sơ đồ diễn biến các trận Bạch Đằng; các di chỉ khảo cổ đồ gốm các thời kỳ Lê, Trần…; lịch sử Việt Nam qua các thời kỳ cũng như hình ảnh các vị lãnh tụ đã tới thăm, dâng hương và chiêm bái khu di tích.
Trước đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng tôi thấy có các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước trồng cây lưu niệm, như: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc… Phía sau cây lưu niệm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn có bia đá chạm khắc lời Tổng Bí thư động viên Đảng bộ, nhân dân Hải Phòng…
- Xem thêm: Hòn Chén, cảnh đẹp bên dòng sông Hương
Gần đó, có cây bàng vuông mang về trồng từ đảo Trường Sa, như muốn nhắc nhở nhân dân Hải Phòng cũng như khẳng định với khách tham quan: Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam. Nghe nói, ngày 6.10.2017, Đô đốc Scott H. Swift, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương (Mỹ) và Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius đã đến thăm khu Di tích Bạch Đằng Giang, cũng khá thích thú với những hiện vật trưng bày tại đây.
Lịch sử đã viết như thế
Tại Quảng trường Chiến thắng, GS-TSKH Vũ Minh Giang, nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, giới thiệu về những trận chiến thắng của ông cha ta trên sông Bạch Đằng, khiến tôi háo hức muốn đọc lại những trang sử vẻ vang của dân tộc, gắn với thế sông thế núi nơi này… Theo Đại Việt sử ký toàn thư (NXB KHXH, 2004), mùa đông, tháng 12 năm Mậu Tuất (938), vua Hán “sai Hoằng Tháo đem chiến thuyền theo sông Bạch Đằng mà vào, muốn đánh [Ngô] Quyền (…) Ngô Quyền bèn cho đóng cọc ở hai bên cửa biển.
Khi nước triều lên, Quyền sai người đem thuyền nhẹ ra khiêu chiến, giả thua chạy để dụ địch đuổi theo. Hoằng Tháo quả nhiên tiến quân vào. Khi binh thuyền đã vào trong vùng đóng cọc, nước triều rút, cọc nhô lên, Quyền bèn tiến quân ra đánh, ai nấy đều liều chết chiến đấu. [Quân Hoằng Tháo] không kịp sửa thuyền mà nước triều rút xuống rất gấp, thuyền đều mắc vào cọc mà lật úp, rối loạn tan vỡ, quân lính chết đuối quá nửa. Quyền thừa thắng đuổi đánh, bắt được Hoằng Tháo giết đi. Vua Hán thương khóc, thu nhặt quân lính còn sót rút về” (sđd, T.1, trang 205-206).
Chiến công này, về sau (thế kỷ 13), Lê Văn Hưu viết: “Tiền Ngô Vương có thể lấy quân mới họp của nước Việt ta mà đánh tan được trăm vạn quân của Lưu Hoằng Tháo, mở nước xưng vương, làm cho người phương Bắc không dám lại sang nữa. Có thể nói là một lần nổi giận mà yên được dân, mưu giỏi mà đánh cũng giỏi vậy. Tuy chỉ xưng vương chưa lên ngôi đế, đổi niên hiệu, nhưng chính thống của nước Việt ta, ngõ hầu đã nối lại được” (sđd, trg 206-207).
Tháng 8 năm Canh Thìn (980), vua Tống xuống chiếu đem quân xâm lược nước ta. Thập đạo tướng quân Lê Hoàn thay vua nhà Đinh còn nhỏ, lên ngôi Hoàng đế, chuẩn bị chống quân xâm lược. Mùa xuân, tháng 3 năm Tân Tỵ (981), các cánh quân giặc, gồm: “Hầu Nhân Bảo, Tôn Hoàng Hưng đến Lạng Sơn, Trần Khâm Tộ đến Tây Kết, Lưu Trùng đến sông Bạch Đằng (còn gọi là sông Rừng, chảy qua giữa hai huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh và Thủy Nguyên, Hải Phòng).
Vua [Lê Đại Hành] tự làm tướng đi chặn giặc, sai quân sĩ đóng cọc ngăn sông. Quân Tống lui, lại đến sông Chi Lăng. Vua sai quân sĩ trá hàng để dụ Nhân Bảo, nhân đó bắt được Nhân Bảo, đem chém. Bọn Khâm Tộ nghe tin quân thủy thua trận, dẫn quân về. Vua đem các tướng đánh, quân Khâm Tộ thua to, chết đến quá nửa, thây chết đầy đồng, bắt được tướng giặc là Quách Quân Biện, Triệu Phụng Huân đem về Hoa Lư. Từ đó trong nước rất yên” (sđd, trg 225).
“Mậu Tý (1288). Mùa xuân, tháng giêng, Ô Mã Nhi đóng vào phủ Long Hưng.
Ngày mồng 8, quan quân hội chiến ngoài biển Đại Bàng (nay là cửa Văn Úc ở huyện Kiến An, Hải Phòng), bắt được 300 chiếc thuyền giặc, 10 thủ cấp giặc, quân Nguyên bị chết đuối rất nhiều.
Tháng 2, ngày 29, Ô Mã Nhi đánh vào trại Yên Hưng.
Tháng 3, ngày mồng 8, quân Nguyên hội ở sông Bạch Đằng để đón thuyền lương của bọn Trương Văn Hổ nhưng không gặp. Hưng Đạo Vương đánh bại chúng.
Trước đó, Vương đã đóng cọc ở cửa sông Bạch Đằng, phủ cỏ lên trên. Hôm ấy, nhân lúc nước triều lên, Vương cho quân khiêu chiến rồi giả cách thua chạy, bọn giặc đuổi theo, quân ta cố sức đánh lại. Nước triều xuống, thuyền giặc vướng cọc hết. Nguyễn Khoái chỉ huy quân Thánh dực dũng nghĩa đánh nhau với giặc, bắt sống Bình chương Áo Lỗ Xích.
Hai vua đem quân tiếp đến, tung quân đánh lớn, quân Nguyên chết đuối nhiều không kể xiết, nước sông do vậy đỏ ngầu cả. Đến khi Văn Hổ tới, quân mai phục hai bên bờ hăng hái xông ra đánh, lại đánh bại chúng. Nước triều rút nhanh, thuyền lương của Văn Hổ mắc trên cọc, nghiêng đắm gần hết. Quân Nguyên chết đuối rất nhiều. Bắt được 400 chiếc thuyền. Nội Minh tự Đỗ Hành bắt được Ô Mã Nhi và Tích Lê Cơ Ngọc dâng lên Thượng hoàng” (sđd, T.2, trang 65-66).
Qua những dòng lịch sử trên, ta thấy chuyện do người làm, chỉ cần kiên nhẫn, ắt có gặt hái. Bên trong tuyệt vọng vô biên vẫn còn một tia hy vọng, đó chính là niềm tin. Chỉ cần có niềm tin là có thể đảo ngược tình thế, giành lại quyền chủ động cho mình, giành lấy chiến thắng. Bài học này, đời đời không thể quên dẫu thói đời sau khi nhộng hóa bướm rồi, thì bướm không bao giờ cho rằng mình là con nhộng trước kia.
Cần mạnh dạn xã hội hóa
Cùng trong khuôn viên, bên phải đền thờ vua Lê Đại Hành, tôi thấy có đền thờ Lê Duy Mật (1738-1770). Đây là thủ lĩnh một cuộc khởi nghĩa lớn chống lại chúa Trịnh vào giữa thế kỷ 18. Cuộc khởi nghĩa được hình thành và phát triển cùng với các cuộc khởi nghĩa khác trong phong trào khởi nghĩa nông dân Đàng Ngoài. Những cuộc khởi nghĩa ở Đàng Ngoài chống chúa Trịnh ngày ấy còn có Nguyễn Hữu Cầu, Nguyễn Danh Phương, Hoàng Công Chất… nhưng tại đây chỉ có đền thờ Lê Duy Mật, chắc vì ông là hoàng thân nhà Hậu Lê, con thứ của vua Lê Dụ Tông (1705-1729).
Gần tới Quảng trường Chiến thắng, khu Di tích Bạch Đằng Giang phục dựng lại vườn cau, rừng lim và vườn tượng chế tác cọc Bạch Đằng. Vườn tượng tái hiện hình ảnh nhân dân Hải Phòng hạ gỗ lim chế tác cọc Bạch Đằng đều bằng đá trắng, giúp cho khách tham quan hôm nay thấy được phần nào không khí khẩn trương chuẩn bị cho cuộc chiến một mất một còn với quân xâm lược.
Theo ông Lê Văn Thành, khu Di tích Bạch Đằng Giang Hải Phòng là một trong số ít địa điểm tham quan, du lịch trong cả nước thực hiện 3 không: không thương mại, không buôn bán hàng quán tại khu di tích; không thu bất kỳ một loại phí nào khi du khách vào tham quan, kể cả phí gửi xe; không rác thải, khu di tích luôn luôn được vệ sinh, dọn dẹp sạch sẽ. Khu nhà khách rộng rãi, có sức chứa cả ngàn người, nước uống miễn phí, wifi tốc độ cao phục vụ miễn phí…
Chủ trương này rất tốt, cần tiếp tục phát huy. Nhưng sau cả tiếng đồng hồ tham quan, nhiều du khách cần một ly nước ngọt, cần một cốc cà phê, cần một tô bánh đa cua – đặc sản của Hải Phòng – để lót dạ, cần mua sắm một thứ gì đó để làm quà, để kỷ niệm một chuyến đi…, nên cần có khu dịch vụ.
Các hiện vật trưng bày tại khu di tích đều là vật tĩnh, khó hấp dẫn với du khách của thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0 này. Hiện nay, công nghệ 3D không còn xa lạ.
Bước đầu, chúng ta đã sử dụng công nghệ 3D ở Hoàng thành Thăng Long, ở Hoàng thành Huế… Tôi nghĩ, các nhà đầu tư sẵn sàng bỏ tiền ra cho dịch vụ này. Khu vực nhà để xe miễn phí tại khu Di tích Bạch Đằng Giang Hải Phòng, rộng những 2.000m2, có thể giao cho nhà đầu tư, tầng hầm làm chỗ để xe, tầng trên sử dụng công nghệ 3D tái hiện lại những trận đánh lịch sử trên sông Bạch Đằng, rồi có rạp chiếu phim như một số rạp chiếu phim của tư nhân ở TPHCM, có chỗ ăn uống, nghỉ chân cho du khách, có những quày bán một số sản phẩm của địa phương, nhất là một số mô hình ở khu di tích…
Thông qua công nghệ 3D, chúng ta tái hiện các hình ảnh, cảnh sinh hoạt mà du khách đã hình dung và cảm thấu được những giá trị chất chứa trong điểm đến. Khu Di tích Bạch Đằng Giang hoàn toàn có thể tạo ấn tượng mạnh với du khách nếu tái hiện không gian những trận chiến trên sông Bạch Đằng qua các thời kỳ lịch sử, cũng như những quyết tâm của nhân dân Hải Phòng chuẩn bị cho cuộc chiến chống quân xâm lược hùng mạnh hơn mình gấp nhiều lần qua việc hạ gỗ lim làm cọc, tiếp tế lương thực, kể cả vua tôi cùng ra trận… Lịch sử như thế nào, chúng ta tái hiện như thế ấy, không thêm không bớt đã đủ thu hút khách.
Tôi tin khu dịch vụ này sẽ giúp địa phương có thêm kinh phí để tôn tạo, sửa chữa khi khu di tích xuống cấp theo thời gian, mà không ảnh hưởng gì tới chủ trương 3 không. Nên chăng?