Có một thông tin không vui: Liên hiệp châu Âu (EU) mới đây đã chính thức áp dụng biện pháp “thẻ vàng” đối với hải sản Việt Nam vì tình trạng ngư dân chúng ta đánh bắt bất hợp pháp, xâm phạm vùng biển các nước. Họ cho biết có thể cấm nhập các mặt hàng hải sản của nước ta nếu Chính phủ không làm nhiều hơn trong việc ngăn chặn tình trạng này. Nếu như chiếc thẻ vàng trong thi đấu thể thao được trọng tài đưa ra nhằm cảnh cáo việc vi phạm luật chơi chỉ tác động vào một cá nhân hay một tập thể nhỏ, thì chiếc thẻ vàng chúng ta vừa nhận lại khác. Không do vị trọng tài nào đưa ra mà từ một tổ chức có tầm ảnh hưởng lớn, chiếc thẻ vàng này buộc chúng ta phải tuân thủ luật pháp quốc tế mà nếu phớt lờ sẽ phải trả giá cho việc gây phương hại đến chủ quyền và quyền lợi của quốc gia khác.
Hình thức cảnh cáo “thẻ vàng” là một trong các bước quy định trong bộ quy tắc áp dụng giải quyết tình trạng đánh bắt lậu hải sản được EU thông qua năm 2010, không đi kèm các biện pháp trừng phạt nhằm để quốc gia vi phạm có thời gian khắc phục tình hình. Nếu vấn đề được giải quyết êm đẹp trong vòng sáu tháng thì EU sẽ ban hành “thẻ xanh” đồng nghĩa với việc xóa cảnh cáo. Ngược lại, nếu vấn đề không được khắc phục thì nước vi phạm sẽ nhận chiếc “thẻ đỏ” kèm theo một số biện pháp trừng phạt bao gồm lệnh cấm thương mại đối với các mặt hàng hải sản. EU ước tính trong một năm, có từ 11 triệu đến 26 triệu tấn cá của chúng ta là đánh bắt bất hợp pháp và họ không muốn gặp rắc rối khi nhận những sản phẩm này vào thị trường của mình.
Thật ra, chúng ta cũng đã nhận thức rất rõ về những tác hại của hành vi đánh bắt hải sản lậu ở vung biển thuộc chủ quyền các nước cũng như thường xuyên phản đối các tàu đánh cá nước ngoài xâm phạm vùng biển chủ quyền của nước ta. Đã có nhiều hội nghị phổ biến giáo dục pháp luật cho ngư dân về vấn đề này nhưng tình hình ngư dân đánh bắt lậu vẫn chưa khắc phục được phần lớn do việc kiểm soát của chúng ta thiếu chặt chẽ mà vi phạm nhiều nhất là ngư dân các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Quảng Ngãi, Bình Định, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu. Một trong những dẫn chứng cụ thể là trong tám tháng qua có hàng chục tàu cá, hàng trăm ngư dân các địa phương này bị lực lượng chức năng của Philippines, Indonesia bắt giữ.
Một trong những nguyên nhân chính là hầu hết chủ tàu, thuyền trưởng, ngư dân thiếu hiểu biết về ranh giới trên biển trong khu vực cũng như kiến thức về luật pháp các nước. Phần khác hiện một số ngư trường của chúng ta đang cạn kiệt nguồn thủy sản và ngư dân đã liều lĩnh đánh bắt lậu trong khi các nước đang mạnh dạn xử lý vi phạm. Đây là cách lý giải rất khó thuyết phục các định chế quốc tế.
Một lý do khác quan trọng hơn là các cơ quan chức năng quản lý kiểm soát tàu cá đánh bắt xa bờ, kiểm soát ngư trường còn dễ dãi. Tất cả những điều này đang được chấn chỉnh nhằm khắc phục “thẻ vàng” của EU, tránh phương hại đến uy tín và thương hiệu ngành thủy sản Việt Nam.
Thông tin từ cơ quan chức năng cho biết Tổng cục Thủy sản sẽ sớm báo cáo Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia nhằm ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác hải sản bất hợp pháp. Chúng ta cũng đang chờ đợi Luật Thủy sản được Quốc hội thông qua trong đó có khung pháp lý về quản lý nghề cá theo yêu cầu của EU. Được biết hiện có 25 quốc gia và vùng lãnh thổ từng nhận “thẻ vàng” của EU trong đó có sáu quốc gia bị “thẻ đỏ”. Chúng ta hy vọng sẽ không vướng phải tình trạng này, như Hiệp hội Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định: thẻ vàng của EU thực sự là một thiệt hại nặng nề đối với xuất khẩu hải sản Việt Nam vào thị trường này và tiếp theo là ở các thị trường quan trọng khác như Mỹ chẳng hạn.
- Hoàng Long