Cứ vào những tháng cuối năm, chuyện lương tiền lại được nói đến như một điệp khúc chưa thấy lối ra nhưng vẫn được nhiều người quan tâm, trong điều kiện ngân sách nhà nước eo hẹp và những khuyết tật cố hữu của bộ máy hành chính.
Từ năm 2004, chúng ta đã qua 10 lần điều chỉnh tiền lương nhưng vẫn thể hiện những bất cập, bất hợp lý, tiền lương chưa trở thành động lực tăng năng suất và hiệu quả công việc đối với công chức, người lao động. Điều này được Phó thủ tướng Vương Đình Huệ – Trưởng ban chỉ đạo cải cách tiền lương – thừa nhận trong buổi làm việc tuần qua với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: “Chính sách tiền lương hiện nay chưa làm người lao động gắn bó với công việc, mức lương tối thiểu chưa bảo đảm mức sống tối thiểu, tiền lương của lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước quá cao so với hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp”.
Không có gì phấn khởi khi các giải pháp cải thiện đồng lương vẫn chưa có lối ra, trên phương diện lý thuyết tất cả mọi quy kết cho tình trạng lương nhà nước không đủ sống cũng quanh quẩn mấy vấn đề.
Lương tăng nhanh mà ngân sách không đáp ứng kịp cho hơn 8 triệu người lãnh lương nhà nước. Vậy thì phải tinh giản bộ máy cán bộ, công chức, giảm bớt các khoản trợ cấp cho hoạt động các đoàn thể.
Ngân sách gặp khó khăn thì làm sao để có thêm nguồn thu qua việc nâng cao chất lượng dịch vụ và hiệu quả của các đơn vị sự nghiệp, các biện pháp tiết kiệm và chống lãng phí cần làm triệt để chứ đừng kêu gọi chung chung “theo tinh thần nghị quyết”. Giảm chi chính là tăng thu.
Nhưng chừng ấy vẫn chưa đủ nếu không tìm nguồn thu từ hiệu quả làm ăn của doanh nghiệp qua các biện pháp cởi trói thật sự, điều mà Chính phủ nói rất nhiều nhưng chưa làm được bao nhiêu do những rào cản về nhận thức của một số bộ phận làm chính sách.
Một bộ máy nhà nước trong sạch là mục đích nhắm đến nhưng rõ ràng con đường còn xa vời vợi mà điển hình là tham nhũng và các nhóm lợi ích vẫn còn là câu chuyện thời sự hằng ngày. Nói về tham nhũng, chúng ta thường nghe nhắc đến Singapore, nơi có bộ máy nhà nước được đánh giá là trong sạch nhất thế giới. Đặc biệt là công chức đảo quốc này không dám tham nhũng vì sợ bị nghiêm trị và trưng thu tiền tiết kiệm bắt buộc; không thể tham nhũng vì công chức bị quản lý tài sản chặt chẽ qua khai báo tài sản hằng năm; không cần tham nhũng do đồng lương được đãi ngộ bảo đảm cuộc sống cho gia đình và bản thân. Đó là chuyện ở Singapore mà với chúng ta chỉ là mơ ước, nhưng suy cho cùng thì đời sống xã hội tốt xấu phần lớn cũng xuất phát từ lương tiền mà ra.
Nghe nói Bộ Nội vụ cùng Ban chỉ đạo Cải cách tiền lương đang xây dựng đề án nhằm cải thiện chế độ lương tiền đối với cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang, người lao động trong các doanh nghiệp để trình các cơ quan trách nhiệm xem xét chậm nhất là vào tháng 4-2018.
Tất nhiên, cũng như bao lần điều chỉnh lương tiền, chúng ta cũng đặt niềm hy vọng về một sự đổi thay ngày càng tốt hơn.