Theo ước tính của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), trong 15 năm qua không một nước nào trong số các quốc gia có tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông có tỷ lệ chi tiêu quân sự tăng cao so với GDP. Ngoại trừ Malaysia năm 2003 có mức chi tiêu quân sự chiếm khoảng 2,6% GDP, không nước nào có mức chi tiêu này vượt qua con số 2,5% GDP.
Với sự tăng trưởng kinh tế nhanh, Trung Quốc duy trì mức chi tiêu dành cho quân sự tương đối ổn định trong suốt thời gian dài, chiếm khoảng 1,9% GDP trong suốt thời kỳ từ 2007 đến 2016. Đây cũng là giai đoạn nước này gia tăng các hoạt động quyết đoán với các làn sóng căng thẳng mới hình thành tại Biển Đông.
Trước đó, từ 2003 đến 2006, khi xung đột tại Biển Đông chưa bị đẩy lên cao, chi tiêu quân sự của Trung Quốc khoảng từ 2 đến 2,1% GDP.
Trái với lối suy nghĩ thông thường, trong 15 năm qua cả Malaysia lẫn Philippines đều giảm tỷ lệ chi tiêu quân sự so với GDP. Mức giảm nhiều nhất là Malaysia, từ 2,6% năm 2003 xuống còn 1,4% năm 2016. Tại Philippines, mức này giảm từ 1,6% năm 2003 xuống còn 1,3% năm 2016. Riêng chi tiêu quân sự của Việt Nam tăng thêm chút ít, từ 2,1% năm 2003 lên mức 2,4% năm 2016.
Từ năm 2007 đến 2016 khi các căng thẳng tại Biển Đông bắt đầu làn sóng mới, chi tiêu quân sự của Trung Quốc đã tăng 2,2 lần trong khi chi tiêu của Việt Nam tăng 1,8 lần. Philippines tăng 1,4 lần và Malaysia không thay đổi.
Những số liệu này chưa cho thấy một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực.
- Đ.N