Đó là điều ước của Henry David Thoreau (1817-1862, Mỹ) trong tác phẩm “Dạo bước” (Walking, 1862).
Ông là nhà thơ, tiểu luận gia, triết gia thực hành, nổi tiếng vì đã sống tinh thần thuyết tiên nghiệm (transcendentalism) được thể hiện trong kiệt tác Walden (1854) của ông (1), và vì đã là người ủng hộ nhiệt thành các quyền tự do dân sự như được minh chứng trong tiểu luận Bất tuân Dân sự (1849). Nhắc đến Thoreau nhiều người nghĩ ngay đến… Thomas Jefferson, tổng thống thứ ba của Hoa Kỳ, khi hai người bày tỏ quan điểm về chính phủ. Nếu Jefferon nói: “Chính phủ tốt nhất là chính phủ ít cai trị nhất”, thì Thoreau còn đi xa hơn: “Chính phủ tốt nhất là chính phủ không cai trị gì cả”. Nhắc đến Thoreau người ta cũng lập tức nhớ đến một nhà quan sát tạo vật và thiên nhiên, một kẻ mê thích sự cô liêu đến tận cùng những tế bào thân xác và những rung động tâm thức sâu kín của mình.
Để thực hiện quan niệm sống giản dị và để lấy chất liệu viết Walden, Thoreau cất một mái lều gần Walden Pond vùng Concord, trồng đậu, khoai, sống hai năm ở đó với những thức ăn đạm bạc như gạo, bột mì, mật mía và không tiếp xúc với xã hội bên ngoài. Tên ông, Henry David Thoreau, cùng với tên của một nhà văn-triết gia Mỹ khác, Ralph Waldo Emerson, tạo thành biểu tượng cho một tình bạn vĩ đại về mọi mặt, từ sự tương trợ tinh thần vật chất đến việc cùng nhau theo đuổi văn chương, học thuật và lý tưởng siêu việt.
Với Henry David Thoreau, cá nhân con người có thể tìm thấy niềm vui từ sự giản dị, tự nhiên và tự túc, rồi từ đó có thời gian và hứng thú để nghĩ về chỗ đứng của mình trong thế giới này.
Tư tưởng cốt lõi của Dạo bước được gói gọn ngay trong đoạn văn đầu tiên, khi tác giả nói rõ “muốn đưa ra một tuyên bố cực đoan” coi con người là cư dân, hoặc một phần không thể tách rời của Tự Nhiên, hơn là thành viên của xã hội. Ai đó có nói đến bộ mặt xa lạ của thiên nhiên trước khi con người “nhân hóa” nó; nhưng tiếc thay chính sự nhân hóa mà thực chất là một cuộc khai thác thực dụng mới làm cho thiên nhiên ngày càng trở nên xa lạ. Dưới con mắt của Thoreau thì thiên nhiên không xa lạ chút nào, trái lại, với ông, thiên nhiên là bà mẹ yêu thương của chúng ta và chúng ta là một phần không thể tách rời của thiên nhiên. Và vì là một phần của tự nhiên, chúng ta có một chiều kích hoang dã không chịu khuất phục trước khuôn khổ chật hẹp của xã hội.
Trong Dạo bước, Thoreau cho ta thấy tầm quan trọng của thiên nhiên đối với con người, và vì sao con người không thể tồn tại mà không có thiên nhiên, về mặt thể chất, tinh thần, và linh hồn. Đối với Thoreau dạo bước là hành động phản tư, nó cho phép bạn hiểu rõ mình là ai, và khám phá những khía cạnh khác của chính bạn vốn đã bị xã hội làm cho mờ nhạt, yếu đuối.
- Xem thêm: “Tự do vượt trên sự hiểu biết”
Trước Thoreau, nhiều triết gia thường xuyên có những buổi dạo bước trầm tư. Triết gia Aristotle và các đồ đệ vừa đi tiêu dao vừa đàm đạo triết học, vì thế mà có trường phái tiêu dao (peripatos). Những cuộc đi dạo của Thalès gắn với một giai thoại bất hủ kể rằng, một hôm trong khi vừa đi thơ thẩn vừa ngước nhìn bầu trời đầy sao trên đầu ông đã sa chân xuống một cái hố. Nhạt nhẽo hơn hai vị kia, triết gia Immmanuel Kant chỉ là người đi dạo thường xuyên, chính xác vào lúc bốn giờ mỗi chiều và nhiều bà nội trợ hàng xóm của ông hễ thấy ông ra khỏi nhà là nổi lửa chuẩn bị cho bữa ăn tối. Ngoài ra lịch sử còn ghi nhận một kẻ đi dạo vĩ đại Jean-Jacques Rousseau, vừa đi vừa thai nghén tác phẩm “Những suy tư vơ vẩn của người dạo chơi cô độc”.
Không đi theo trùng khít với những dấu chân của các vị tiền bối ấy, Thoreau dạo bước theo một cách khác, như chính ông tự tin thổ lộ: “Tôi dạo bước giữa thiên nhiên như những nhà tiên tri và nhà thơ thời xưa, Menu, Moses, Homer, Chaucer, đã từng đi vào thiên nhiên.”
Nhưng tinh thần thoát tục đó sẽ đến sau, khi ông đã đi được nhiều, còn với những bước dạo đầu tiên, ở những trang đầu của tác phẩm, ông sẽ ca ngợi thân xác trong sự tiếp xúc trực tiếp với thiên nhiên. Và như một lẽ tất nhiên, cái phần thân xác mà ông chú ý đến trước hết là đôi chân.
Tác giả sẽ làm kinh ngạc những người suốt ngày ngồi im trong nhà, trong văn phòng, trong xe hơi như thể đôi chân sinh ra dùng để ngồi chứ không phải để đứng hay đi, và mỉa mai khen họ đã “có đủ sức mạnh để ngồi suốt ngày như vậy mà không tự sát sớm”. Chúng ta đã quên vị trí thẳng đứng của Homo erectus (giống người thẳng đứng), một tổ tiên xa xưa của chúng ta rồi sao?
Và một cách tự nhiên, từ đôi chân ông nghĩ đến “Lòng bàn tay chai sạn của một người lao động liên hệ mật thiết với lòng tự trọng và quả cảm của anh ta, ngón tay của anh ta chạm vào làm rung động con tim, chứ không như những ngón tay uể oải của kẻ lười nhác.”
Tiếp tục nghĩ về phương diện thể chất của kẻ dạo bước, Thoreau cho biết ông không thể ở trong nhà nguyên một ngày trời mà không ít nhiều héo mòn.
“Tôi nghĩ là tôi không thể giữ được sức khỏe và tinh thần, trừ khi tôi dành tối thiểu bốn tiếng mỗi ngày – và thường là hơn thế – tản bộ qua những cánh rừng, những ngọn đồi và những cánh đồng, hoàn toàn thoát khỏi mọi ràng buộc của thế gian.”
Nhưng cuộc dạo bước của ông chắc chắn không liên quan gì đến việc tập thể dục đã đành, nó cũng không phải là một cuộc lang thang vô định. Trong tâm thức ông luôn có một la bàn luôn chỉ về phía Tây, ông sẽ đi về phía đó, phía có đủ hoang dã và tự do cho ông, với khu rừng ở chân trời đằng tây trải dài bất tận về phía mặt trời lặn. “Miền Tây mà tôi nói đến đơn thuần chỉ là một tên gọi khác của Hoang dã, và (…) sự bảo tồn của Thế giới này nằm ở Thiên nhiên hoang dã.”
Miền Tây là nước Mỹ. Miền Tây là Hoang dã. Wild West. Và cuộc dạo bước của ông sẽ dẫn ông đến Hoang dã. Nhưng dạo bước, với ông, không chỉ là để đi xa về miền Tây, mà còn để khám phá nội tâm, là để trầm tư (meditation) hay phản tư (self-reflection). Hai “chiều hướng” này không phủ định nhau. Dạo bước là cuộc hiến dâng cả hồn lẫn xác cho thiên nhiên. Xác cho đầm lầy, rừng cây, sông suối mỗi lúc một trải rộng trước mặt và quyến rũ cặp mắt, đôi chân:
Đến với cuộc sống tôi gọi là tự nhiên, tôi sẵn lòng đi theo một đốm lửa ma trơi xuyên qua các đầm lầy kì quái, mà không ánh trăng hay con đom đóm nào có thể dẫn đường cho tôi tới đó.
Hồn cho Hoang dã và Tự do nơi phía Tây xa xôi:
Lòng khát khao tri thức của tôi lúc có lúc không, nhưng lòng khao khát được đắm mình trong những bầu không khí xa lạ là bất biến, bất diệt.
Với Thoreau, dạo bước là một nghệ thuật mà rất ít người thủ đắc được, một cuộc phiêu lưu ra khỏi vương quốc bận rộn thường ngày để đi xa, xa mãi đến những chân trời hoang dã.
Cuộc dạo bước lẽ dĩ nhiên được thực hiện mỗi ngày trong thực địa với những cánh rừng, sông suối, đầm lầy bao quanh ông; rồi ông sẽ trở về nhà sau ba, bốn tiếng đồng hồ. Và khám phá đầu tiên là những khám phá của các giác quan ông. Ông sẽ kể lại cho chúng ta nghe bằng thứ văn xuôi kỳ diệu những khoảnh khắc – quang cảnh độc nhất vô nhị mà tâm hồn ông được đón nhận, linh hồn ông được tắm mát.Nhưng rồi khi ông “trực giác” thấy đó không phải là “hiện tượng độc nhất, không bao giờ lặp lại, mà nó sẽ diễn ra mãi mãi, trong bất tận những buổi chiều tà…” thì ta đành chịu thua, vì ông đã là người của “cõi trên” mất rồi, ông đã là người của nhất nguyên thế giới.
Trước hết, không quên mình là một người Mỹ, ông yêu nước Mỹ bằng một tình yêu vượt lên mọi trải nghiệm thông thường, ông thấy tất cả vẻ đẹp siêu phàm của “quê nhà” ông, nghĩ rằng nước Mỹ của ông phải đẹp hơn thiên đàng.
Là một người yêu nước chân chính, tôi cảm thấy xấu hổ khi nghĩ rằng Adam trong vườn địa đàng có nhiều lợi thế hơn người du mục ở đất nước này.
Nếu bầu trời châu Mỹ dường như cao hơn hẳn, và các vì sao sáng rõ hơn, tôi tin những sự kiện này là biểu hiện của đỉnh cao triết học, thi ca và tôn giáo mà người dân ở đây sẽ đạt đến trong một ngày không xa.
Ông thấy tương lai của nước Mỹ khi xuôi dòng Mississippi:
Tôi nhận ra rằng con sông này là một dạng khác của dòng sông Rhine; rằng nền móng của các lâu đài vẫn chưa được xây dựng, và những cây cầu nổi tiếng vẫn chưa bắc qua phía bên kia dòng chảy…
Những ý tưởng mới lạ đó cần cho một cuộc dạo bước tập thể của đồng bào ông.
Nước Mỹ luôn hiện hữu trên từng bước chân đi của ông.
Thoreau tin rằng môi trường tự nhiên gợi cảm hứng cho con người và rằng sự mênh mông hoang dã Mỹ là “biểu tượng cho đỉnh cao mà triết học và thi ca và tôn giáo của các cư dân Mỹ một ngày nào đó sẽ xoải cánh bay lên.” Nước Mỹ, mà quang cảnh chưa hoàn toàn được khai hóa, gợi cho thấy “nhiều tương lai hơn là quá khứ hay hiện tại”. Tác giả nhìn thấy trong nước Mỹ hoang dã một sự hứa hẹn của “Kỷ nguyên anh hùng”.
Đến đây ta có thể nói Henry David Thoreau, bất chấp tất cả những gì ông cảm nghiệm và viết về Tự nhiên đến độ ta có thể xem ông là sứ giả của thiên nhiên, được thiên nhiên phái đến trần gian để thông tin về yếu tính của mình, ông vẫn không phải là kẻ chống lại văn minh. Đúng hơn, ông có một cuộc sống bên lề như chính ông thừa nhận. Và nếu có dấu vết gì đó chống lại văn minh có lẽ chỉ có thể tìm thấy trong tâm thức thi sĩ của ông. Nhưng suy cho cùng thi sĩ đích thực nào mà không ít nhiều quay lưng lại với văn minh?
Nhà thơ thời nay, bất chấp mọi phát kiến của khoa học, và tri thức cả nhân loại, chẳng hề có chút lợi thế nào so với thời của Homer.
Trong cuộc dạo bước ngày càng xa khuất này, Thoreau dấn bước vào địa hạt của văn chương, và không cần phải lý luận nhiều, chỉ bằng trực giác khi nhìn vào một vài hình ảnh thiên nhiên, ông cung cấp cho ta một dẫn chứng về bản chất của thi ca.
Đọc “Dạo bước”, ta như đang nghe bài hát ngợi ca Hoang dã và Tự do, được cất lên từ thân xác và tâm tưởng của một cá nhân trong những giờ phút kết nối hoàn toàn với Tự nhiên, nhập làm một với Tự nhiên trong tinh thần phiếm thần luận của Spinoza (2).
Với ông, Hoang dã là lẽ sống. Với ông, tất cả những điều tốt lành đều là hoang dã và tự do.
Ông không giấu diếm sự coi thường xã hội sau lưng:
Hỡi dân thành thị, công khó (xây dựng) của các bạn, với tôi, thật vô ích làm sao!
Khi đang đi dạo lúc chiều tà, tôi sẵn sàng quên hết tất cả công việc buổi sáng và tất cả bổn phận của tôi đối với xã hội.
Cuộc dạo bước của Henry David Thoreau bắt đầu ở Concord, một vùng thiên nhiên tuyệt đẹp ở bang Massachusetts. Có thể đó là điểm xuất phát may mắn trời cho để ông có thể dạo bước hoài không chán, đi xa mãi không bao giờ quay về, và mỗi ngày lại gặt hái thêm hoa trái ngọt lành cho tâm tưởng.
Đó quả thật là một cuộc phiêu lưu vĩ đại, một cuộc đi không trở lại với những công trình văn minh và trật tự xã hội, nhưng không phải là một cuộc tự hủy của một kẻ điên rồ, hay một kẻ theo chủ nghĩa hư vô.
Nếu trong chúng ta, những người Việt, có ai đó có tâm thức dạo bước sẽ bắt đầu từ đâu để có thể bắt gặp dấu chân của Henry David Thoreau? Tìm những chỗ nào đó trên bản đồ hay dò tìm cho ra một chỗ thiết thân trong nội tâm mình?
Rõ ràng đất nước ta có nhiều rừng núi, biển cả, sông hồ, nhưng liệu Việt Nam còn có một Tự nhiên, một Hoang dã cho chúng ta không? Hay chỉ là một vùng “tự nhiên xa lạ” để chúng ta khai tháctheo tinh thần cách mạng dời non lấp biển?
Học hỏi từ thiên nhiên, phản tư và suy tưởng về đất nước (Mỹ) trong cuộc dạo bước ngày càng xa thẳm đến những chân trời và vào tâm tưởng mình – đó là những nội dung chính của thiên khảo luận đầy chất thơ này.
(1) Walden – Một mình sống trong rừng, Henry David Thoreau, bản dịch của Hiếu Tân, NXB Tri Thức, 2016
(2) Baruch, hoặc Benedict, Spinoza, (1632 – 1677), triết gia duy lý và nhà tư tưởng tôn giáo gốc Do Thái, sinh ra và làm việc suốt đời tại Hà Lan. Thuyết phiếm thần chủ trương mấy điểm sau: 1/ Cái gì cũng là Thượng đế. 2/ Thế giới và Thượng đế là một: vạn vật nhất thể 3/ Thượng đế không sáng tạo ra vũ trụ mà thể hiện ra nơi vũ trụ.