Anthony Robbins là một chuyên gia siêu sao trong lĩnh vực truyền cảm hứng. Quyển sách Awaken the Giant Within của ông (bản tiếng Việt có tựa đề Đánh thức con người phi thường trong bạn) được xếp vào hàng kinh điển trong mảng sách “self-help”.
Những bài học của Robbins khuyến khích người đọc tin vào chính họ, kiểm soát cuộc đời họ, cam kết liên tục hành động và làm chủ cảm xúc. Những lời khuyên tích cực, thúc đẩy sự chuyển hóa đó nhằm hướng dẫn người đọc:
- Học cách tránh tự hủy hoại bản thân (ăn uống quá đà, tật hay chần chừ, ghen tỵ, v.v).
- Sử dụng ngôn từ để thay đổi cuộc đờ Nếu có cách lựa chọn ngôn từ hiệu quả để mô tả các trải nghiệm sống thì chúng ta có thể làm tăng những cảm xúc lành mạnh, tích cực. Còn ngược lại, nếu lựa chọn sai lầm ngôn từ thì sẽ nhanh chóng gây tổn hại cho bản thân.
- Định nghĩa những ưu tiên cá nhân và tự áp đặt nguyên tắc để tối đa hóa hạnh phúc.
- Xây dựng chiến lược để thường xuyên đạt được mục tiêu, bao gồm việc nhận diện những niềm tin hạn hẹp về bản thân đang cản trở chúng ta đạt được trọn vẹn tiềm năng của mình.
- Nghiêm khắc chịu trách nhiệm về những hành động (và thất bại) của bản thân thay vì đổ lỗi cho nguyên do bên ngoài.
Theo bà Melody Wilding, một giáo sư về hành vi và chuyên gia huấn luyện về hiệu suất cao, Robbins đã chắt lọc những thủ thuật huấn luyện của ông vào cuốn sách này, nhưng việc tiếp theo là của độc giả. Những nguyên tắc xác lập mục tiêu mà quyển sách vạch ra không phải là “ mẹo vặt hời hợt” mà để giúp phát triển sự tự nhận thức lớn hơn – là nền tảng để thay đổi những thói quen của chúng ta.
Việc rà soát và phát hiện những “thế lực giấu mặt” đã và đang nhào nặn nên cuộc đời ta hay hệ thống niềm tin đang chi phối, dẫn dắt các quyết định và hành vi của ta có thể tạo nên một tác động sâu sắc và lớn lao. Peter Guber, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Sony Pictures Entertainment nhận xét: “Cuốn sách là một công cụ mạnh mẽ và có ý nghĩa sâu sắc giúp chuyển hóa nhận thức bản thân. Đây là nguồn sức mạnh, nguồn cảm hứng khơi dậy những hiểu biết thấu suốt bên trong, không chỉ hữu ích với việc phát triển bản thân mà còn cho cả nghề nghiệp chuyên môn”.
Năm mới là thời điểm để mỗi chúng ta tạo nên sự khác biệt. Nếu bạn muốn ứng dụng cách tiếp cận của Đánh thức con người phi thường trong bạn cho những mục tiêu “quyết tâm Năm mới” thì câu trả lời là: Bạn có thể. Những điều chỉnh nhỏ trong cách suy nghĩ và thói quen hàng ngày có thể giúp bạn triển khai những nguyên tắc hữu dụng, đã được kiểm nghiệm qua thời gian của cuốn sách.
“Thẩm tra” những niềm tin nội tại đang dẫn dắt các quyết định của bạn
Cách ngôn có câu: “ Vì lòng hắn nghĩ sao, con người hắn như vậy.” Vì thế, hãy đánh giá xem những “nguyên tắc” hiện tại có mang lại hạnh phúc và sự hài lòng cho bạn hay không? Chẳng hạn, nếu bạn xem mình là một người “thân thiện” và dị ứng với chuyện phải làm việc một mình, thì hãy suy nghĩ xem nguyên tắc này có đang giúp bạn tiến gần hơn đến mục tiêu hay không.
Lấy ví dụ, bạn mong muốn trở thành nhà văn hoặc nhà phát triển công nghệ. Dù cho bạn muốn trở thành một nhà tư duy chiến lược ở tầm mức nào thì bạn vẫn phải thoải mái với sự cô độc cần có để có thể đào sâu tư duy trong công việc. Trước khi bỏ qua những khả năng và giải pháp chọn lựa, hãy tự chất vấn những giả định của bạn.
Khởi tạo những cảm xúc tích cực và thói quen tốt
Nếu bạn nhận ra mình khó ngủ là do tiêu thụ quá nhiều thông tin gây stress thì hãy thử dành cho mình “một giờ không công nghệ” trước khi đi ngủ. Thay vào đó là những khúc nhạc hay vài trang sách mà bạn yêu thích. Bằng cách này, bạn sẽ làm cho “quá trình leo đồi cao” trở nên dễ dàng hơn đôi chút.
Chạm đến những mục tiêu tham vọng
Những phương pháp của Anthony Robbins xoay quanh sự nhất quán, kiên định và tạo đà phát triển bản thân bằng những “thắng lợi nhỏ”. Nghĩa là ta cần xác định những động lực và cam kết mạnh mẽ để tiến đến mục tiêu, đồng thời cần linh hoạt trong cách tiếp cận. Chẳng hạn, xây dựng tầm nhìn 5 năm có vẻ là cách tốt nhất để đạt đến một mục tiêu lớn (như thay đổi nghề nghiệp), nhưng nếu cứ “bám dính” với kế hoạch thì bạn có thể bị “mắc kẹt”.
Thay gì xem trở ngại là một cơ hội thực hành và bước tiếp từ thất bại thì nhiều người lại từ bỏ mục tiêu. Vì vậy, nên đặt ra những mục tiêu nhỏ và thường xuyên đánh giá bằng cách đặt câu hỏi: Tôi đã học được gì hôm nay? Tôi đã đóng góp được gì? Tôi đã tận hưởng được gì? Lần tới, liệu tôi có thể làm tốt hơn? Điều này cũng giống với câu “Thử và làm lại” trong văn hóa startup. Nói cách khác, hãy sử dụng và điều chỉnh những cách tiếp cận phù hợp với bạn. Hãy thoải mái, đừng chần chừ và loại bỏ phần còn lại.