Nghệ phẩm Bidri là một mặt hàng thủ công mỹ nghệ tạo tác trên kim loại đến từ Bidar. Nó được phát triển vào thế kỷ 14 dưới thời cai trị của Bahamani Sultans. Thuật ngữ “nghệ phẩm Bidri” có nguồn gốc từ thị trấn Bidar’ nơi đây vẫn là trung tâm chính để sản xuất các đồ dùng kim loại độc đáo và đặc trưng này. Do sự hấp dẫn, thu hút của nghệ thuật khảm/dát nổi bật của nó, Bidri là một nghệ phẩm thủ công xuất khẩu quan trọng của Ấn Độ và được coi là biểu tượng của sự giàu có.
Kim loại được sử dụng ở đây là hợp kim đen của kẽm và đồng đỏ được khảm/dát bằng các tấm bạc mỏng nguyên chất. Loại hình nghệ thuật bản địa này đã nhận được đăng ký Chỉ dẫn địa lý (GI).
1. Nguồn gốc của nghệ phẩm Bidri thường được quy cho các vị vua Bahamani cai trị Bidar vào thế kỷ 14-15. Kỹ thuật và phong cách Bidri chịu ảnh hưởng của nghệ thuật Ba Tư. Nó được đưa đến Ấn Độ lần đầu tiên bởi Sufi Khwaja Moinuddin Hasan Chisti dưới dạng những món đồ dùng/dụng cụ. Loại hình mỹ thuật được phát triển ở vương quốc là sự pha trộn giữa ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Tư và Ả Rập xen kẽ với các phong cách địa phương và do đó, một phong cách độc đáo của riêng nó đã ra đời.
Abdullah bin Kaiser, một người thợ thủ công đến từ Iran đã được quốc vương Ahmed Shah Bahmani mời đến để trang trí các cung điện và triều đình hoàng gia. Theo một số ghi chép, Kaiser đã bắt tay với những người thợ thủ công địa phương và hình thành nên nghệ phẩm Bidri dưới thời cai trị của Ahmed Shah và người con trai thứ hai của ngài Alauddin Bahmani. Cùng với các nghệ nhân địa phương, các nghệ phẩm này đã lan rộng và được truyền lại cho các thế hệ sau này.
- Xem thêm: Nghệ phẩm khảm đá Pietra dura
Nghệ nhân nhận giải thưởng nghệ nhân Bidri nổi tiếng trên thế giới là Shah Rasheed Ahmed Quadri. Thay mặt Karnataka Tableau Shah Rasheed Ahmed Quadri đại diện thể hiện tạo tác trực tiếp về nghệ phẩm Bidri vào năm 2011 nhân ngày Cộng hòa tại Rajpath ở New Delhi. Chính phủ Ấn Độ đã trao tặng cho ông giải thưởng Shilpguru vào năm 2015. Bên cạnh đó, là Syed Tassaduq Hussain – một nghệ nhân được trao giải quốc gia đầu tiên (1969) là người đứng đầu Hiệp hội Hợp tác xã Gulistan, Bidar. Những người được trao giải quốc gia đáng chú ý khác là Abdul Hakeem, Mohammed Najeeb Khan, Shah Majeed Quadri, Mohammed Moizuddin, Mohammed Abdul Rauf và Md. Saleemuddin.
2. Nghệ phẩm kim loại Bidri trải qua một quá trình tạo tác gồm tám giai đoạn. Tám giai đoạn này, đó là đúc, làm mịn bề mặt bằng dũa, phác họa bằng những cái đục, chạm/khắc bằng đục và búa, khảm/dát bạc nguyên chất, làm mịn lại, đánh bóng bằng vải mềm và cuối cùng là oxy hóa bằng đất và amoni clorua. Nghệ phẩm Bidri được sản xuất từ một hợp kim của đồng đỏ và kẽm (theo tỷ lệ 1:16) bằng cách đúc khuôn.
Hàm lượng kẽm mang lại cho hợp kim một màu đen sâu lắng. Đầu tiên, khuôn được hình thành từ loại đất dễ uốn bằng cách thêm dầu cây thầu dầu và nhựa thông. Kim loại nóng chảy sau đó được đổ vào khuôn để thu được một mảnh đúc mà sau đó nó được làm mịn bằng cách mài dũa. Vật đúc giờ đây được phủ dung dịch đồng sunfat để có được một lớp phủ màu đen tạm thời trên các đồ án được khắc axít bằng tay với sự trợ giúp của bút khắc kim loại (để viết trên sáp, ở thời cổ).
Chúng được giữ chắc chắn trong một chiếc nỏ cặp/ê-tô và người nghệ nhân sử dụng những chiếc đục nhỏ để khắc chạm đồ án thiết kế trên khắc axít bằng tay. Dây bạc mảnh hoặc những mảnh/dải bạc phẳng thuần sau đó được đóng cẩn thận vào các đường rãnh này.
Vật thể sau đó được dũa, đánh bóng và làm mịn để rũ bỏ lớp phủ màu đen tạm thời. Điều này dẫn đến việc lớp cẩn bạc hầu như liền lạc với bề mặt kim loại sáng bóng mà giờ đây có cả sắc trắng bạc.
Nghệ phẩm Bidri đã sẵn sàng cho quá trình nhuộm đen cuối cùng. Ở đây, một loại đất đặc biệt chỉ có ở những phần chưa khai thác của pháo đài Bidar được sử dụng. Nó được hòa trộn với amoni clorua và nước để tạo ra một hỗn hợp sau đó được chà xát cho nóng lên bề mặt Bidri. Hỗn hợp được chọn lọc làm tối phần thân trong khi nó không ảnh hưởng hay tác động lên lớp khảm bạc.
- Xem thêm: Nghệ phẩm khảm gỗ hồng sắc Mysore, Ấn Độ
Hỗn hợp sau đó được rửa sạch để lộ ra một đồ án màu bạc sáng bóng nổi bật trên bề mặt đen thuần. Như một sự hoàn thiện, dầu được áp dụng cho thành phẩm để tạo nên lớp phủ sâu lắng và mờ xỉn. Các nghệ phẩm hoàn thiện hiển hiện sắc đen với khảm bạc lóng lánh, rực rỡ.
3. Người ta nói rằng đất của Bidar rất đặc biệt. Không ai biết chính xác điều đặc biệt đó là gì. Một số nghệ nhân cảm nhận rằng loại đất này xa cách ánh sáng mặt trời và mưa trong nhiều năm và do đó nó có đặc tính oxy hóa tuyệt vời. Những người khác tin rằng đất mang một phần của pháo đài và do đó chiết xuất kim loại trong đất làm cho nó trở nên độc đáo. Các nghệ nhân nói rằng chất lượng của đất Bidri là rất quan trọng và nghệ thuật thực sự nằm trong việc thử nghiệm/kiểm soát bùn cần thiết để tạo ra các vật phẩm.
Nó được người nghệ nhân nếm thử bằng lưỡi của họ và sau đó quyết định có nên sử dụng nó hay không. Sở trường này xuất phát từ kinh nghiệm và được truyền lại cho các thế hệ kế tiếp. Một điều quan trọng khác là tất cả quy trình tạo tác nghệ phẩm Bidri bắt đầu từ đổ đúc đến quá trình ô-xi hóa đều được tạo tác thủ công bằng tay và vì vậy chúng tiêu tốn nhiều thời gian và do đó cũng tốn kém và đắt đỏ hơn.
4. Theo truyền thống, nhiều loại hoa khác nhau (được biết đến như là Asharfi-ki-booti), lá (cây nho), đồ án hình học, hình người, cây anh túc cách điệu với hoa,… thường được tìm thấy trên các nghệ phẩm này. Yêu cầu về các mẫu hình hoa hồng Ba Tư và các đoạn từ Kinh Quran bằng chữ Ả Rập cũng có nhu cầu rất lớn ở các nước phương Tây.
Trước đây, nghệ phẩm Bidri đã được sử dụng trong tạo tác tẩu thuốc/ống điếu, hộp đựng trầu cau và bình hoa nhưng giờ đây chúng là những vật lưu niệm, bát/chén, bông tai, khay, hộp đựng trang sức, đồ trang sức và các vật phẩm trưng bày khác. Những người thợ thủ công thực hiện tạo tác nghệ phẩm này đã có được sự công nhận trong và ngoài nước. Một trong số đó là Shah Rasheed Ahmed Quadri là người nhận được một số giải thưởng như giải thưởng quốc gia mà ông đã nhận được vào năm 1988, giải thưởng bang Karnataka năm 1984, giải thưởng Rajyostava năm 2006, giải thưởng Thành tựu Ấn Độ vĩ đại năm 2004 và giải thưởng quận Rajyotsava năm 1996.
Tại Aurangabad, các nghệ nhân cũng tạo ra các mô-típ họa tiết từ hang động Ajanta đặc biệt là Ajanta Padmapani đã trở nên rất phổ biến đối với du khách nước ngoài.
5. Nghệ phẩm kim loại nổi tiếng thế giới này đang trên đường hồi sinh sau khi được giới thiệu các đồ án thiết kế sáng tạo và một loạt các mẫu hình mới mẻ. Các đồ án thiết kế bao gồm các đề tài từ Ấn Độ đến quốc tế với các phụ kiện mới nhất cho nhà cửa và lối sống. Các đồ án thiết kế sáng tạo được phát triển bởi Viện Công nghệ Thời trang Quốc gia (NIFT). Công ty TNHH phát triển thủ công mỹ nghệ bang Karnataka đã tiến hành quảng bá cho loại hình mỹ nghệ Bidri.
Mỹ nghệ truyền thống này được nhận biết với một bộ đồ án thiết kế hạn chế hiện đang cố gắng đa dạng hóa và tìm chỗ đứng trên thị trường ngày nay và thu hút các nhà bảo trợ trẻ tuổi. Các mặt hàng mới bao gồm vỏ USB, văn phòng phẩm như kẹp giấy, chùm chìa khóa, ổ khóa, dụng cụ để bì thư, giá để bút, chao đèn và thậm chí là gạch lát sàn. Viện thiết kế quốc gia đã đưa ra các mặt hàng mới lạ và nhẹ hơn sử dụng ít bạc hơn và do đó ít chi phí hơn.
6. Trong khi Bidar ở Karnataka và Hyderabad ở Telangana là những trung tâm sôi động nhất, nghệ thuật này cũng được thực hiện ở một số vùng khác của đất nước Ấn Độ như Purnia ở Bihar, Lucknow ở Uttar Pradesh và Murshidabad ở Tây Bengal. Các đồ án hoa văn chủ yếu thông thường là dây leo, hoa và đôi khi là những hình người.
- Xem thêm: Mỹ nghệ đĩa kim loại Thanjavur
Ở Bellori, một ngôi làng gần Purnia, những người thợ thủ công địa phương được biết đến như là Kansaris đã tham gia vào việc đúc và tạo tác các bình, vại, chậu… Các sonars (thợ kim hoàn) sau đó chạm khắc và đánh bóng. Cũng thấy ở đây là Gharki, một biến thể ít phức tạp hơn của Bidri. Một biến thể khác của nghệ phẩm Bidri có thể được nhìn thấy ở Zar Buland của Lucknow, nơi các đồ án trang trí nổi trên bề mặt.
Ở Aurangabad, mỹ nghệ Bidri đã được giới thiệu bởi Nizam của Hyderabad vì nó là một phần của đế chế của Nizam. Vì Aurangabad có di sản nghệ thuật và thủ công phong phú của riêng mình, nghệ phẩm Bidri đã sớm hòa nhập vào mỹ nghệ địa phương.