Dấu chân Rama và Lakshmana
Những dấu bàn chân khổng lồ trên mặt khối đá hoa cương ở ngôi làng Piska Nagri, ngoại ô thành phố Ranchi, bang Jharkahnd, miền Trung Ấn Độ, có lẽ đã tồn tại hàng ngàn năm.
Người dân địa phương tin rằng đó là dấu chân để lại của hai vị thần Rama và Lakshmana khi xuống trần gian để tìm người vợ của Rama là Sita.
Cũng có giả thuyết cho rằng dấu chân khắc trên đá nhằm mô tả những đôi dép quai bằng gỗ mà người cổ thường mang vào chân.
Ngoài ra, cạnh đó còn có một hình khắc trên đá dường như muốn mô tả một loại vật thể bay có cánh kỳ bí nào đó từ không gian hạ cánh xuống trái đất cách đây hàng ngàn năm.
Một cặp dấu bàn chân dài 27,9cm và rộng 12,7cm; còn một cặp dấu chân khác dài 25,4cm và rộng 11,4cm. Nhà địa chất Ấn Độ Litish Priyadarshi nhận định các dấu bàn chân hằn rõ nét trên mặt khối đá hoa cương nên có lẽ chúng được người địa phương ngày xa xưa khắc bằng vật cứng nhằm để tưởng nhớ đến những du khách đã đặt chân đến ngôi làng Piska Nagri!
Cho đến nay, độ tuổi của các dấu bàn chân vẫn chưa được xác định, nhưng nhà địa chất học Priyadarshi cho rằng nếu xét theo sự phong hóa (tình trạng đá bị phân hủy do tác động của thời tiết) của các dấu bàn chân thì có lẽ độ tuổi của chúng vào khoảng hàng ngàn năm.
Nhà địa chất cho biết trên thế giới cũng khám phá nhiều dấn bàn chân khổng lồ có hàng ngàn năm tuổi.
Tuy nhiên, những dấu chân trên mặt đá hoa cương ở làng Piska Nagri có sự khác biệt: chúng được coi là thuộc về những người mang dép quai bằng gỗ chớ không phải đi chân trần.
Có một điều đặc biệt thú vị là những dấu chân cổ được khắc bên cạnh hình ảnh mô tả vật thể bay có cánh. Priyadarshi giải thích: “Dấu chân và vật thể bay được khắc ở mỗi bên trên cùng khối đá hoa cương. Có lẽ chúng được khắc để mô tả hai vị thần hạ giới bằng một vật thể bay”.
Có nhiều cuộc nghiên cứu khảo cổ cho thấy bằng chứng về một loài thuộc họ người rất to lớn từng bước đi trên trái đất của chúng ta. Vào đầu thế kỷ 20 xuất hiện nhiều báo cáo về những sinh vật khổng lồ hóa thạch được tìm thấy ở châu Mỹ.
Ví dụ: vào tháng 9-2925, một dấu chân có nguồn gốc từ thời tiền sử dài hơn 2m được James Higgins khám phá trên cấu trúc đá Busy Peak ở Mỹ.
Tháng 10-1926, giáo sư George Louderback của Đại học California tìm thấy các dấu chân thời tiền sử dài khoảng 1,5m trên vách đá gần San Jose thuộc hạt Santa Clara, miền Tây bang California.
Năm 2012, một dấu chân khổng lồ dài khoảng 1,2m tiếp tục được phát hiện trên tảng đá gần Mpuuluzi, gần biên giới Vương quốc Swaziland miền nam châu Phi.
Người khổng lồ tóc đỏ Si-Te-Cah
Thổ dân thuộc bộ tộc Paiute ở Nevada (Mỹ) có truyền thuyết về tổ tiên của họ và những người khổng lồ tóc đỏ gọi là Si-Te-Cah. Mặc dù chỉ là một nhóm nhỏ, song Si-Te-Cah luôn tấn công và bắt cóc người bộ tộc Paiute để ăn thịt.
Theo truyền thuyết, người Paiute chống cự bọn khổng lồ đến cùng và truy đuổi đến tận hang ổ của chúng. Quyết tận diệt bọn Si-Te-Cah, người Paiute chất cây cối nơi cửa hang Lovelock rồi phóng hỏa. Vài tên chạy thoát ra ngoài hang bị trúng tên chết, số còn lại trong hang cũng mất mạng vì lửa khói.
Cuối cùng, một trận động động đất đã vùi lấp hang Lovelock, xóa hết dấu tích của bọn người khổng lồ tóc đỏ.
Các nhà sử học và nhân chủng học hiện đại coi truyền thuyết về người khổng lồ tóc đỏ chỉ là hư cấu của người xưa, trong khi số khác tuyên bố những phát hiện khảo cổ học đã chứng minh điều ngược lại.
Liệu thật sự từng tồn tại giống người khổng lồ da trắng sống ở Bắc Mỹ trước khi xuất hiện thổ dân châu Mỹ?
- Xem thêm: 5 bí ẩn kỳ dị nhất nửa đầu năm 2018
Hang Lovelock ở Nevada (Mỹ) được khám phá lần đầu tiên vào năm 1913 và đến năm 1924, một đoàn thám hiểm khảo cổ của Đaị học Berkeley bắt đầu lên đường điều tra và khám phá hài cốt được cho là của người khổng lồ Si-Te-Cah.
Hang Lovelock – sâu chừng 12m và rộng 18m – ban đầu được gọi là hang Móng ngựa do bên trong hang có hình dạng chữ U.
Nhiều bộ tộc thổ dân ở miền Tây Bắc và Tây Nam châu Mỹ liên quan đến các truyền thuyết về bọn người khổng lồ tóc đỏ và cách mà tổ tiên của họ chiến đấu trong những cuộc chiến khủng khiếp chống lại bọn ăn thịt người này từ khi chạm trán với chúng lần đầu tiên cách đây chừng 15.000 năm.
Ngay đến thổ dân Aztec (chủ yếu sống ở miền Trung và Nam Mexico suốt hai thế kỷ 14 và 15) và người Maya (dân tộc phát triển nền văn minh tuyệt đỉnh sống từ thế kỷ 4 đến thế kỷ 8 ở Trung Mỹ và miền Nam Mexico) cũng từng đối đầu với chủng tộc người khổng lồ miền Bắc.
Năm 1970, bộ xương người khổng lồ tóc đỏ lộ ra ở vùng Amazon. Thổ dân Paiute gọi người khổng lồ tóc đỏ là Si-Te-Cah, nghĩa là “bọn người ăn cây bấc”, do hai lý do: bấc là loại cây mọc ở đầm lầy được người khổng lồ dùng để đóng bè để thoát thân và thứ hai là, bọn người này thường bắt cóc những phụ nữ chặt cây bấc ở vùng ven hồ Humboldt.
Các nhà khảo cổ tìm thấy bên trong hang Lovelock hơn 10.000 đồ tạo tác và xác ướp của hai người khổng lồ tóc đỏ – một nữ cao chừng 1,9m và một nam cao hơn 2,4m.
Sau đó, nhiều đồ tạo tác ở hang Lovelock được chuyển về Hội Lịch sử Nevada ở Reno, song một số khác cũng rơi vào tay những các nhà sưu tập cổ vật tư nhân.
Ngày nay, du khách đến tham quan Nhà bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Humboldt ở Winnemucca, bang Nevada (Mỹ), sẽ nhìn thấy vài đồ tạo tác, xương sọ và xương hàm của người khổng lồ.
Ngoài ra, các nhà bảo tàng lớn khác trên khắp nước Mỹ cũng trưng bày những di tích về người khổng lồ tóc đỏ – vi dụ, đầu vịt giả làm mồi bắt vịt trời tìm thấy trong hang Lovelock được trưng bày ở Bảo tàng Smithsonian, những mẩu xương ở Bảo tàng bang Nevada.
Mặc dù những dấu tích còn sót lại cho thấy giống người khổng lồ từng tồn tại trên một vùng rộng lớn của thế giới, song một số học giả vẫn nghi ngờ về nguồn gốc của các đồ tạo tác cũng như tính xác thật của những di tích được phục hồi.
Nghi vấn về người tuyết Almas
Một nhóm người Nga tuyên bố họ có bằng chứng mới về sự tồn tại của người tuyết (Yeti) “phiên bản” Nga được tìm thấy bên ngoài thành phố Moskva.
Tháng 8-2014, trên chiếc bàn bên trong Bảo tàng Quốc gia Darwin nổi tiếng ở thủ đô Moscow của Nga, là thứ mà một nhóm người Nga khẳng định là bằng chứng về người tuyết – đó là một mẩu vỏ cây được “đánh dấu” bởi một loài linh trưởng khổng lồ.
Mẫu vỏ cây được Andrei Stroganov – chuyên gia vật lý sinh học Viện Nông nghiệp Moscow – thu thập từ thân cây cao 2m với những vết cào nằm ngang.
Tháng 7-2014, Stroganov bắt đầu lùng sục trong một khu rừng nằm gần tuyến đường sắt thuộc vùng Solnechnogorsk – nằm cách thành phố vệ tinh Zelenograd của Moscow 5km – để tìm kiếm dấu vết của Almas, được cho là “phiên bản” người tuyết của Nga, sau khi nghe thấy những tin đồn về một sinh vật khác thường xuất hiện trong khu vực này.
Stroganov nói vui: “Almas là sinh vật quốc tế. Chúng nhân từ và cần được nhận sự bảo vệ của chúng ta”. Igor Burtsev, nhà nghiên cứu về Almas, cũng bày tỏ sự đồng tình. Burtsev gọi sinh vật bí ẩn này là “người rừng” và coi chúng là loài lai nửa người nửa sinh vật gì đó chưa biết được.
Stroganov phán đoán dấu vết cào nằm ngang trên mẫu vỏ cây là dấu bàn tay to có vuốt đo được gần 23cm. Nhưng không có dấu ngón cái hay dấu vuốt của loài gấu.
Cuối cùng, Stroganov cùng với Burtsev gửi mẫu vỏ cây bằng đường không đến bang Alabama của nước Mỹ, nơi nhà nghiên cứu người Nga Vladimir Yamschekov sẽ thực hiện nghiên cứu hình thái học về dấu vết và kiểm tra ADN.
Burtsev lãnh đạo một cộng đồng các nhà nghiên cứu và điều tra nói tiếng Nga bao gồm các thành viên ở Ukraina và Kazakhstan. Họ cùng chia sẻ niềm tin về sự tồn tại của sinh vật Almas.
Burtsev đã thực hiện hành trình gần 2.000km đến thành phố Miass trong dãy núi Ural để tiếp xúc với những người tuyên bố đã nhìn thấy Almas và có thể chỉ cho xem những dấu hiệu về môi trường sống của sinh vật. Burtsev không muốn bàn luận chi tiết mà chỉ cho biết ông có thể “khằng định” về sự tồn tại của Almas ở Miass!
Burtsev nói: “Hiện nay có nhiều thông tin về Almas hơn cách đây 50 năm. Nhưng người tuyết ở Mỹ to lớn hơn”.
Cuộc tìm kiếm bằng chứng đáng tin cậy nhất về người tuyết – giống khỉ hình người cao lớn đi bằng hai chân, gây khiếp sợ cho tiều phu và những người cắm trại ở khu vực Bắc Mỹ – kéo dài trong suốt nhiều thập niên.
Torng khi đó, cuộc tìm kiếm dấu vết của Almas lại ít được biết đến. Chính quyền Liên Xô cũ đã cho thành lập một tổ chức gọi là “Ủy ban Almas” năm 1958 để tiến hành cuộc điều tra ngoài trời về sinh vật sau khi những người leo núi Everest quay về cùng với câu chuyện về người tuyết Yeti.
Ủy ban này tồn tại không lâu, nhưng những khu vực như dãy núi Ural, vùng Kemerovo của Siberia và Caucasus đều nổi tiếng có dấu vết đi lại của Almas.
Hiện nay, Burtsev – tác giả một cuốn sách viết bằng tiếng Anh về Almas ở vùng Kemerovo – đang chờ visa để bay sang Mỹ, gặp gỡ những chuyên gia về người tuyết như Thom Cantrall và Randy Bisson.
Những người săn Yeti của Nga không chỉ có đồng minh ở nước ngoài mà họ còn có những người bác bỏ sự tồn tại của Almas như nhà di truyền học 67 tuổi Bryan Syeks ở Đại học Oxford (Anh) là tác giả một cuốn sách vạch trần một số bằng chứng về sự tồn tại của sinh vật khổng lồ.
Trước đây, Sykes giúp xác định hài cốt của người cuối cùng trong dòng họ Romanov – hoàng gia Nga bị người Bolshevik sát hại năm 1918. Trong cuốn sách nhan đề Ẩn số Yeti mới phát hành của mình, giáo sư Bryan Sykes đưa ra những bằng chứng cho thấy không có sự tồn tại của Yeti.
Sykes tuyên bố tất cả 39 mẫu tóc và răng được cho là của Yeti mà ông đã xét nghiệm qua thật ra là của những con vật thông thường. Sykes cũng cho rằng Yeti ở dãy Himalaya thuộc về loài gấu trắng Bắc cực.
Burtsev cũng xung khắc với Sykes về một mẫu xương sọ thuộc sở hữu của Burtsev và được tin là của một “phụ nữ hoang dã” bị bắt ở Mông Cổ cách đây 150 năm.
Sau khi xét nghiệm một số mẫu, Sykes đưa ra giả thuyết “phụ nữ hoang dã” có lẽ là một nô lệ châu Phi da đen, hay hậu duệ của một nhóm người từ châu Á di cư đến Mông Cổ cách đây hàng ngàn năm. Nhưng Burtsev nhấn mạnh rằng hình dạng xương sọ không phải của con người bình thường.
Michael Trachtengerts – một đồng nghiệp của Burtsev – không đồng tình với những lập luận của Sykes nhằm phản bác lại sự tồn tại của Yeti.
Trachtengerts nhận định: “Các mẫu vật mà Sykes xét nghiệm đều rất đáng ngờ. Mẫu tóc từ Siberia lại được xác định là của gấu nâu Bắc Mỹ! Sao lại có chuyện như thế được?”
Trachtengerts – người sở hữu trang web hai thứ tiếng về Almas – vẫn còn lạc quan cho rằng chẳng bao lâu nữa sẽ tìm thấy bằng chứng xác thực về sự tồn tại của Almas “phiên bản” Nga!
Nhưng hiện nay Trechtengerts đã 80 tuổi và Burtsev vẫn còn đang chờ visa sang Mỹ. Bộ sưu tập dấu chân cũng như xương sọ được cho là của Almas của Burtsev đang được cất giữ kín đáo trong một garage ở Moscow.
Burtsev hy vọng sẽ chuyển chúng đến một khu bảo tồn như là Nhà Bảo tàng quốc gia Darwin. Nhà bảo tàng là thiên đường cho những người săn lùng Almas từ năm 1960 và họ đều tụ hội về đây vào mỗi tháng trong năm.
Vấn đề dành cho các nhà khoa học
Ngoài ra, những dấu tích người khổng lồ cũng được tìm thấy ở khắp các châu lục. Theo đưa tin của tờ Nevada Review-Miner ngày 19-6-1931, hai bộ khung xương rất to lớn được tìm thấy ở đáy hồ cạn Humboldt gần Lovelock.
Một bộ xương cao 2,5m và được mô tả là được bọc trong tấm vải phủ nhựa, không giống như các xác ướp Ai Cập. Bộ khung xương còn lại cao 3m.
Vào cuối thập niên 1950, một bộ xương người dài 4,57m được công nhân làm đường tìm thấy trong thung lũng Euphrates miền Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ. Nhiều ngôi mộ của những người khổng lồ cũng được phát hiện ở khu vực này của Thổ Nhĩ Kỳ.
Vào năm 1976, các nhà khảo cổ học ở Bảo tàng Smithsonian của Mỹ tiếp tục phát hiện những mảnh xương của người đàn ông cao khoảng 2,5 đến 3m tại vùng người Kurd sinh sống ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ.
Năm 2004, những mảnh xương còn lại của người khổng lồ cao khoảng 3m được phát hiện sau một trận sóng thần ở đảo Phi Phi của Thái Lan.
Năm 2005, hai cổ mộ người khổng lồ dài hơn 10m được khám phá ở Syria. Ngón tay xác ướp dài 35cm được khám phá ở Ai Cập; bộ xương dài 7m tìm thấy năm 1456 cạnh con sông ở Valence (Pháp); bộ xương người dài 5,97m tìm thấy năm 1577 ở thị trấn Lucerne miền trung Thụy Sĩ; bộ xương dài 7,8m tìm thấy năm 1613 gần lâu đài Chaumont ở Pháp; và cách đây khoảng 100 năm một bộ xương khổng lồ hóa thạch được tìm thấy ở Ireland.
Trong một bài báo trên tạp chí Strand số tháng 12.1895, tác giả đề cập đến một bộ xương người khổng lồ hóa thạch dài 3,74m được công nhân khai mỏ phát hiện ở hạt Antrim, Ireland, và phải dùng cần trục để di chuyển nó.
Ở Georgia, các bộ xương người khổng lồ cũng được tìm thấy trong một hang động gần núi Gora Kazbek trong thập niên 1920 và vào năm 2000 một bộ xương người dài 3,96m được hai nhà khảo cổ tìm thấy gần ngôi làng Udabno ở Georgia.
Nhà địa chất học Priyadarshi nói: “Chúng ta đang sống trong thế giới của kỹ thuật và công nghệ tiên tiến nhưng vẫn còn nhiều bí ẩn lớn tồn tại quanh chúng ta. Và bất chấp những cuộc điều tra căng thẳng, những bí ẩn này luôn ám ảnh con người”.
Không may là phần lớn những khám phá nói trên lại không phù hợp với thuyết tiến hóa được chấp nhận nói rằng loài người là hậu duệ của những sinh vật nhỏ thó đầu tiên thuộc họ người (những người này có kích thước như người Pygmy, cao chưa đến 127cm ở vùng xích đạo châu Phi) ở châu Phi cách đây hàng triệu năm!
Tuy nhiên, nhiều người vẫn cố gắng giải thích những dấu chân hay bộ xương khổng lồ là kết quả của những biến đổi tự nhiên hay sự đột biến hiếm hoi khiến kích thước trở nên quá khổ.
Trong khi đó, các văn bản cổ cũng mô tả người khổng lồ như trong sách Sáng Thế Ký (quyển đầu tiên trong kinh Cựu ước): “Có những người khổng lồ trên mặt đất hiện nay cũng như sau đó”.