Muốn xây nhà cao chọc trời phải có nền móng vững chắc, nếu không có nền móng vững chắc thì chỉ là người si nói mộng. Thay cũ đổi mới thật không dễ dàng chút nào, nhưng cái cũ không đi thì cái mới không tới.
Sinh thời, lãnh tụ Hồ Chí Minh viết: Trẻ em như búp trên cành/ Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan. Đây là 2 câu mở đầu bài thơ Trẻ em như búp trên cành, đăng trên báo Việt Nam Độc Lập, ngày 21.9.1941. Khi đất nước còn quằn quại dưới gót giày xâm lược, thì có được suy nghĩ này rất đáng trân trọng. Nhưng nhân loại hôm nay đã bước vào thời kỳ Cách mạng Công nghiệp 4.0, thì trẻ em bây giờ nếu chỉ “Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan” là chưa đủ.
Búp trên cành là búp non, là phần sáng và đẹp, giàu sức sống nhất nhưng cũng là phần dễ bị tổn thương nhất, nên cần phải chăm sóc chu đáo nhất trong khả năng cho phép. Ai cũng biết cây có xanh tươi, vạm vỡ thì cũng nhờ từ búp mà ra. Do vậy, làm sao cho cây được xanh tươi, phát triển lớn mạnh là bổn phận và trách nhiệm của người trồng.
Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và là nước thứ 2 trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên Hiệp Quốc về Quyền trẻ em vào ngày 20.2.1990. Đến nay, chúng ta có hàng trăm văn bản luật và dưới luật liên quan đến trẻ em. Đặc biệt, Luật Trẻ em có hiệu lực từ ngày 1.6.2017, đã cụ thể hóa nhiều quan điểm tiến bộ, góp phần tăng cường công tác giáo dục, chăm sóc, bảo vệ trẻ em.
Thế nhưng thời gian qua, báo chí phản ánh nhiều chuyện không hay về việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Trước thực trạng không hay ấy, ngày 31.10.2019, TP.HCM kiến nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu, đề xuất việc thiết lập các đơn vị cảnh sát chuyên biệt về bảo vệ trẻ em.
Yên tâm khi giao con cho nhà trẻ
Tôi có đứa cháu nội phải gửi nhà trẻ lúc 4 tháng tuổi (nay gần 3 tuổi), để cha mẹ cháu có thời gian đi làm. Theo luật pháp Mỹ, trẻ sinh ra trên đất nước Mỹ là công dân Mỹ. Và cháu nội tôi nằm trong diện ấy. Thời gian qua, báo chí xứ ta phản ánh nhiều người “đục số” để kéo dài thời gian nghỉ hưu nhằm có điều kiện tiến thân, ít nhất giữ được chiếc ghế của mình.
Ở Mỹ, không thể có chuyện ấy. Trên giấy chứng sinh của cháu nội, tôi thấy ngoài họ, tên, ngày giờ sinh, cân nặng, chiều cao của cháu, còn có dấu vân tay của cha mẹ và 2 bàn chân của trẻ sơ sinh. Có tờ giấy này, ai muốn “đục số” cũng khó.
Gửi con vào nhà trẻ ở Mỹ, giá cả khá đắt (2.800 USD/tháng, vào lớp 3 tuổi: 3.000 USD/tháng), đắt gần gấp 3 lần so với việc thuê riêng một người đến nhà giữ trẻ (sáng đến, chiều về: 1.000 USD/tháng), đắt gần gấp 6 lần gửi ở nhóm nhà trẻ tư nhân (mỗi người giữ chừng 4-5 cháu tại nhà riêng, với giá 500 USD/cháu/tháng). Dĩ nhiên, giá này không thống nhất toàn nước Mỹ mà tùy vào khu vực mà người lao động có thu nhập cao hay thấp.
Khi biết mình sắp có con, vợ chồng con tôi bắt đầu tìm hiểu, nên hết thời gian nghỉ hộ sản, vợ chồng con tôi quyết định gửi con vào nhà trẻ có giấy phép Cục Sự vụ xã hội của bang, vì ở đó, họ nuôi dạy trẻ tốt hơn, có bài bản hơn, giúp cha mẹ yên tâm hơn khi giao con cho nhà trẻ. Ở Mỹ, mọi hành vi đánh đập trẻ em đều là vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Trong các trường, nhất là các trường mầm non, nghiêm cấm tất cả các hình phạt về thân thể, bất cứ hình phạt thân thể nào cũng là một loại ngược đãi không thể tha thứ được.
Theo lời vợ chồng con tôi kể lại, những nhà trẻ loại này đều phải thỏa mãn mọi điều kiện của bang, như đội ngũ giáo viên, hộ lý, cơ sở vật chất… mới cấp phép, chứ không phải cấp phép trước, rồi chủ đầu tư từ từ thực hiện các điều kiện của Cục Sự vụ xã hội.
Tùy vùng, nhưng về cơ bản phòng giữ trẻ luôn có nhiệt độ từ 20 đến 270C, phải đặt điện thoại miễn phí cũng như đáp ứng các quy định nghiêm ngặt về an toàn như đạt chứng chỉ về phòng chống cháy nổ, vệ sinh y tế, cửa ra vào phòng giữ trẻ luôn có đèn sáng trước lúc mặt trời mọc và sau khi hoàng hôn xuống; tường phải đảm bảo không bị bong tróc hay có đinh lồi ra; hệ thống điều hòa không khí phải đặt ở nơi trẻ không với tới được; ổ cắm điện phải được bảo hộ cẩn thận; nơi rửa tay cho trẻ phải có bồn rửa với nhiệt độ nước không bao giờ quá 490C; dụng cụ vệ sinh, chất tẩy rửa, sát trùng… phải đặt ở nơi có khóa cẩn thận.
Đối với khu vực hoạt động ngoài trời, quy định ghi rõ phải có nền là loại vật liệu có tính đàn hồi, đảm bảo không làm trẻ bị thương, đồng thời vào tháng nắng nóng phải có bóng râm che ánh nắng mặt trời…
Ở loại trường này, các cháu dưới 16 tháng tuổi, thì một cô giữ 4 cháu; tuổi cháu lên cao dần thì cô giữ nhiều hơn một chút, nhưng không quá 10 cháu (3-5 tuổi).
Cục Sự vụ xã hội có thể kiểm tra đột xuất để xem xét nhà trẻ có thực thi tốt các quy định hay không. Nếu có vấn đề mà chủ đầu tư không kịp thời sửa chữa, cơ quan chức năng sẽ lập tức thu hồi giấy phép kinh doanh. Ở Mỹ, việc nuôi dạy trẻ được xếp vào công việc cực kỳ quan trọng, nên những người nuôi dạy trẻ được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, không có chuyện tay ngang hoặc đào tạo cấp tốc, hay bồi dưỡng ngắn ngày…
Xây dựng tính tự lập cho trẻ
Nhìn những ảnh con tôi gửi về, tuy không rành lắm tính khoa học về giảng dạy và giáo dục trong nhà trường ở Mỹ, nhưng tôi cảm nhận được từ thực tế bản thân từng ôm vở tới trường, từ người cha có con đi học từ bậc nhà trẻ tới bậc cao. Trong lớp có dán ảnh các cháu nhằm giúp các cháu phân biệt người thực trong lớp và người trong ảnh.
Trên tường, có hình ảnh gia đình các cháu nhằm giúp các cháu luôn thấy có người thân bên cạnh. Sinh nhật, cô làm thiệp sinh nhật có in hình cháu và cô ghi tên mình bên dưới. Tuổi này, cháu chưa biết gì, nhưng tôi tin tấm thiệp ấy sẽ là kỷ vật đáng nhớ khi cháu trưởng thành.
Nhìn qua các tấm ảnh, và tôi có hỏi lại, thì con tôi xác định nhà trẻ ở Mỹ tập trung xây dựng tính tự lập cho trẻ và dặn phụ huynh về nhà cũng để cháu tự ăn, tự uống chứ không ép cháu, thậm chí chỉ dạy thêm cháu một số việc vặt, cha mẹ không nên “gánh” hết mọi việc cho con. Theo họ, con người cũng là động vật, nên đói thì tìm ăn, khát thì tìm uống, cần gì phải tự tìm, phải động não.
- Xem thêm: Người lớn mới có tuổi thơ lý thú
Chỗ con tôi gửi trẻ, có nhiều cháu người Ấn Độ, nên nhà trường dặn về nhà cho cháu ăn thêm thịt bò, thịt heo để đủ chất. Trong lớp, các cô dạy cháu mở, đóng vòi nước, dùng giấy lau khô xong thì phải bỏ vào thùng rác; chơi đồ chơi xong thì phải để lại đúng chỗ.
Những đồ chơi này cũng mang tính giáo dục cao, như làm quen với những con vật và gọi đúng tên những con vật, chơi lắp ráp từ đơn giản tới khó hơn; cho cháu làm quen với màu sắc rồi cho cháu dùng bút chì màu vẽ nguệch ngoạc trên giấy, khi tay cầm của cháu vững hơn thì dạy cháu dùng cọ với màu nước; dạy cháu tập đếm và làm quen với những con số, những con chữ rồi dùng những trò chơi để cháu tìm ra những con số, con chữ; dạy cho cháu dán giấy, dán hình, dạy cháu phân biệt các loại xe, dạy các cháu phân biệt nghề nghiệp, như: bác sĩ, công nhân tưới hoa, công nhân xây dựng, đầu bếp…
Những trò chơi vận động ngoài trời, nhà trường cũng chú ý, như dạy các cháu đẩy xe, chạy bộ, ném bóng vô rổ, đi cầu thăng bằng, rúc ống… Nói chung, những người chăm sóc “búp trên cành” này không chỉ là những người giữ trẻ bình thường mà còn là người hướng dẫn, dạy bé từ những điều nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống để hình thành kĩ năng sống và nhân cách.
Thời của chúng tôi về trước, gọi nhà giáo là nhà mô phạm, tức là người mẫu mực để mọi người noi theo, nhưng bây giờ không nghe nhắc đến và cũng không thể nhắc đến, bởi nó tào lao quá. Tôi không dám quơ đũa cả nắm, nhưng cứ vào trang mạng tìm kiếm sẽ thấy những việc đáng buồn do những người được gọi là nhà giáo gây ra. Theo con tôi, xã hội Mỹ quan niệm các em bé hằng ngày đi học tiếp xúc với cô giáo nên mọi cử chỉ, hành động của cô sẽ in hằn trong tâm trí trẻ.
Vì thế, cô giáo mầm non phải là một hình mẫu để trẻ học theo, không thể là một người thiếu nhân cách, nóng nảy, cộc cằn, cư xử nhất thời được. Do đó, việc lựa chọn giáo viên, các tiểu bang ở Mỹ đòi hỏi giáo viên mầm non phải có trình độ đại học, giấy chứng nhận tư cách và thông qua kiểm tra lai lịch. Một số tiểu bang, đòi hỏi giáo viên mầm non phải có bằng thạc sĩ trở lên.
Chuyện đúng sai tới đâu, tôi chưa tường, song từ thực tế cuộc sống của người chuẩn bị bước qua đẳng tuổi “xưa nay hiếm”, tôi thấy ý chí cùng lòng tin kiên định của một người tự nhiên hiện ra là tốt nhất, nhưng cũng có thể qua giáo dục từ cơ sở dần lớn lên theo tuổi trưởng thành, nếu ai cố gắng đều có thể biểu hiện ra. Và vì điều này, nhân loại mới cần đến sự giáo dục bài bản, khoa học chứ không phải làm cho có, làm theo kinh nghiệm của mỗi người, làm vì thành tích nhất thời…
Muốn xây nhà cao chọc trời phải có nền móng vững chắc, nếu không có nền móng vững chắc thì chỉ là người si nói mộng. Thay cũ đổi mới thật không dễ dàng chút nào, nhưng cái cũ không đi thì cái mới không tới. Chuyện tưởng đơn giản, nhưng cần phải có quyết tâm lớn mới làm được. Người xưa từng nói: “Hậu tích bạc phát”, nghĩa là có tích lũy, mới có thể có bộc phát.
- Xem thêm: Hai vé đi tuổi thơ
Tích lũy thiếu, sức bật không được mạnh. Với tôi, thất bại không đáng sợ. Đáng sợ nhất là sau khi thất bại lại không thể đứng lên được. Thời gian như cái sàng, không ngừng đem những hạt cát đào thải, chỉ giữ lại những viên sỏi. Những viên sỏi này chính là trụ cột của gia đình và cộng đồng.
Con đường tương lai không ai biết trước, nhưng nếu có cơ sở vững vàng từ tấm bé thì dễ tạo nên niềm tin cùng quyết tâm ở mỗi người. Và chính từ niềm tin cùng quyết tâm ấy sẽ nhận được kết quả tốt ở tương lai. Việc dạy người cho ra trò là ngàn nan vạn khó chứ chẳng dễ đâu. Chỉ nói trong gia đình, ai đã có con và thật lòng thật dạ quan tâm đến tương lai của con hơn tương lai của mình thì có thể hiểu được.
Cuộc sống thời nào cũng cho thấy không có thực lực, nước mắt không đổi được bất luận sự đồng tình nào. Nhân loại đã bước vào kỷ nguyên toàn cầu hóa 4.0, chúng ta cũng không thể chậm chân. Và việc gia cố nền móng, chăm sóc “búp trên cành” là việc quan trọng hàng đầu, không thể xem nhẹ, nếu ta muốn “cây đời mãi mãi xanh tươi” (Goethe).