Trong văn hóa tâm linh của người Việt Nam, thờ cúng là một truyền thống, là việc hệ trọng và thiêng liêng. Trong ngôi nhà hiện đại, không gian thờ cúng vì thế vẫn có một vị trí rất quan trọng, không thể thiếu.Năm hết tết đến, công việc chuẩn bị bàn thờ mang ý nghĩa rất lớn trong đời sống tinh thần của mỗi gia đình.
Trong ngôi nhà Việt, không gian thờ tự từ xưa đã chiếm một vị trí khá quan trọng. Chỗ thờ cúng, tủ thờ luôn được đặt ở “nhà trên”, “chính giữa ngôi nhà chính” hoặc tại phòng khách hay những nơi trang trọng nhất trong nhà. Nhiều ngôi nhà còn có không gian thờ phượng theo từng lớp lang, bàn thờ chính và hai bàn thờ phụ, thậm chí có nhà thờ, nhà tổ riêng biệt… Tuy nhiên ở các đô thị lớn, đất chật người đông, nhất là ở những ngôi nhà mới hoặc những căn hộ hiện đại, nhiều gia chủ đã bối rối trong việc bố trí nơi thờ cúng. Thời gian gần đây, nhiều thiết kế nhà phố đã bố trí không gian thờ cúng theo nhiều cách kiểu linh hoạt.
Vị trí của góc tâm linh
Trong sách Nếp cũ tín ngưỡng Việt Nam của tác giả Toan Ánh, xuất bản năm 1969 (NXB Trẻ tái bản năm 2005), mục về “Bàn thờ gia tiên” có đề cập rất cụ thể đến “Bàn thờ gia tiên ở các nơi đô thị”. Theo đó, trong tình trạng “nhà cửa chật chội, người đông đúc”, không thể thiết lập bàn thờ theo đúng cổ tục “nhưng không có bàn thờ không được”, “người ta đành thiết lập bàn thờ trên một tấm ván đóng trên tường, trên một chiếc trang treo trên tường” hoặc “chế biến một mặt tủ thành một bàn thờ tạm thời để tiện việc cúng lễ gia tiên”… “cố có một bình hương nhỏ, nếu không có cũng phải lấy một bát sành để cắm hương!”.
Một chỗ thờ cúng, thật ra không chỉ biểu hiện sự thành tâm mà phần nào còn thể hiện cách sống của chủ nhà. Nếu không có khả năng và để tận dụng diện tích cho nhiều nhu cầu khác, các gia chủ vẫn có thể tranh thủ một góc phòng khách, phòng sinh hoạt, không thì một góc hành lang, thậm chí một góc buồng thang… để làm một “góc tâm linh” cho ngôi nhà, quan trọng nhất là để có một nơi chốn khấn vái, thắp hương cho ông bà mỗi ngày.
Trong giải pháp thiết kế kiến trúc dành cho những căn nhà phố hiện nay, theo kiến trúc sư Lê Đức Dũng (Công ty cổ phần Kiến trúc DMC Việt Nam), nhà thiết kế thường bố trí bàn thờ đặt trong một phòng nhỏ riêng ở tầng trên cùng hoặc tầng tum của ngôi nhà. Vị trí này không chỉ mang đến sự trang nghiêm, kín đáo, tĩnh lặng… mà còn thuận tiện cho việc cúng kiếng ngoài trời, hóa vàng mã trên sân thượng trong điều kiện nhà phố nhỏ hẹp, không có sân vườn…
Đối với các căn hộ chung cư, do bị hạn chế về diện tích sử dụng nên có thể sắp xếp chỗ thờ cúng trong các không gian sinh hoạt chung như khu vực sảnh, tiền phòng hoặc bố trí góc thờ, bàn thờ trong khoảng giữa mặt bằng căn hộ hay các phòng chức năng, thậm chí kết hợp trên tủ trang trí, kệ ngăn phòng… Ở những không gian này, tủ, bàn thờ thường được thiết kế đơn giản, tránh cầu kỳ lạc lõng. Không cần quá to lớn, nhưng không gian đặt bàn thờ phải vừa đủ thông thoáng. Không đặt bàn thờ cao quá gây khó khăn cho việc thờ cúng, cũng không nên đặt thấp quá thiếu trang nghiêm.
Sự thành kính
Dù là nhà ở truyền thống hay hiện đại, bàn thờ luôn đảm bảo được đặt ở vị trí cao ráo, sao cho các không gian sinh hoạt khác không xâm phạm. Thiết kế đơn giản, tránh cầu kỳ rườm rà hay gây cảm giác nặng nề, tạo được sự tôn nghiêm nhưng vẫn mang lại cảm giác gần gũi với các thành viên trong gia đình và các sinh hoạt chung khác.
Hiện nay trên thị trường có nhiều món đồ nội thất thay thế cho các tủ thờ to lớn, được thiết kế giản dị nhưng vẫn mang đậm hồn Việt. Bàn thờ có thể là hàng làm sẵn hoặc được thiết kế riêng để phù hợp với từng không gian nhà, nhất là những căn hộ hiện đại; kiểu dáng họa tiết vì thế cũng phụ thuộc theo từng thể loại kiến trúc nhà và nguyên liệu sử dụng. Thêm một chút bài trí với bộ lư đồng, thậm chí chỉ cần bộ chân đèn, một bát nhang, bình hoa… các gia đình đã có một nơi chốn để khấn vái, thắp một nén hương cho tổ tiên ông bà.
Một góc nhỏ thôi, nhưng đó là một nơi chốn để ai đi xa cũng hướng về…
- Bài Vũ Vi, Ảnh CTV