Ngày 27/5/2025, Cơ quan Giáo dục New Zealand (Education New Zealand – ENZ) chính thức công bố loạt hỗ trợ bổ sung từ toàn bộ hệ thống đại học New Zealand dành riêng cho ứng viên Việt Nam theo học bậc Thạc sĩ và Tiến sĩ, đặc biệt trong khuôn khổ Đề án 89 do Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam chủ trì. Đây là động thái tiếp nối sau lễ ký kết Thỏa thuận Hợp tác giữa hai bên dưới sự chứng kiến của Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon và Thủ tướng Phạm Minh Chính hồi tháng 2/2025 tại Hà Nội.
Theo nội dung thỏa thuận, các trường đại học New Zealand cam kết phối hợp chặt chẽ với các cơ quan ban ngành, trường đại học Việt Nam trong quy trình tiếp nhận và hỗ trợ học giả Đề án 89, đồng thời thúc đẩy trao đổi nghiên cứu, giao lưu học thuật và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giáo dục đại học. Trên thực tế, kể từ sau lễ ký, tất cả các đại học New Zealand đã đồng loạt triển khai các chương trình hỗ trợ mới nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho ứng viên Việt Nam.
Học bổng, trợ cấp và hỗ trợ toàn diện cho nghiên cứu sinh Việt Nam
Các hỗ trợ mới bao gồm học bổng tiếng Anh tăng cường kéo dài 3 tháng giúp ứng viên đáp ứng yêu cầu đầu vào, trợ cấp thêm cho sinh hoạt phí gia đình, hỗ trợ tài chính khi tham gia hội thảo quốc tế hoặc thu thập dữ liệu nghiên cứu, các khóa bồi dưỡng năng lực nghiên cứu, xuất bản học thuật, chăm sóc sức khỏe và tư vấn tâm lý. Điều này không chỉ giúp ứng viên chuẩn bị kỹ hơn cho quá trình học tập, mà còn góp phần làm nhẹ áp lực tài chính trong thời gian du học.
Một lợi thế đáng kể khác là mức học phí tại New Zealand hiện nay chỉ dao động từ 3.600 – 6.000 USD/năm cho bậc Tiến sĩ, trong khi định mức hỗ trợ theo Đề án 89 là 25.000 USD/năm. Sinh hoạt phí trung bình cũng nằm trong ngưỡng 12.000 USD/năm, hoàn toàn phù hợp với hỗ trợ hiện hành của Việt Nam. Với cơ cấu chi phí này, ứng viên có thể toàn tâm theo đuổi hành trình học thuật mà không cần lo lắng quá nhiều về tài chính.

Đảm bảo môi trường học tập thân thiện và quốc tế hóa
Không chỉ dừng lại ở hỗ trợ vật chất, New Zealand còn cho phép nghiên cứu sinh được mang theo vợ/chồng, con cái trong suốt thời gian học tập. Đồng thời, sinh viên bậc Thạc sĩ nghiên cứu và Tiến sĩ còn được quyền làm thêm toàn thời gian. Đây là điều mà rất ít quốc gia nói tiếng Anh khác cho phép. Đây là những yếu tố quan trọng giúp nghiên cứu sinh duy trì sự cân bằng giữa đời sống cá nhân và học thuật trong môi trường xa nhà.
Ông Ben Burrowes – Giám đốc Khu vực Châu Á của ENZ chia sẻ: “Chúng tôi tin vào tiềm năng của đội ngũ giảng viên và cán bộ giáo dục Việt Nam trong việc góp phần xây dựng nền giáo dục toàn cầu. Việc đồng hành cùng Đề án 89 là cách chúng tôi tạo nên kết nối bền vững giữa hai quốc gia, đồng thời nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu và hợp tác học thuật song phương”.

Theo thống kê, mỗi năm có khoảng 1.500 nghiên cứu sinh Tiến sĩ tốt nghiệp tại New Zealand, trong đó 57% là sinh viên quốc tế. Tất cả 8 trường đại học công lập của New Zealand đều thuộc Top 2% các đại học hàng đầu thế giới, xếp hạng cao ở nhiều ngành như Kỹ thuật, Giáo dục, Nông nghiệp, Y học, Khoa học Xã hội – những lĩnh vực Việt Nam đang ưu tiên nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học.
Các buổi làm việc trực tiếp giữa ENZ, Đại sứ quán New Zealand và các trường đại học lớn tại Việt Nam như ĐHQG TP.HCM, ĐHQG Hà Nội, Đại học Đà Nẵng… gần đây cho thấy sự phối hợp đang được thúc đẩy mạnh mẽ, tạo tiền đề để ngày càng nhiều học giả Việt Nam tiếp cận cơ hội đào tạo bài bản và quốc tế hóa tại New Zealand.