Nhà đầu tư phải thực sự là ông chủ
Trả lời câu hỏi là các nhà đầu tư có tiếp tục cuộc chơi trong bối cảnh này không và kỳ vọng vẫn còn nhiều diễn giả cho là vẫn có, vì bản đồ đầu tư ngày càng rõ ràng hơn. Dù nằm yên, ít giao dịch nhưng các nhà đầu tư trong nước không đóng hẳn các tài khoản. Còn khối ngoại vẫn tích cực mua trong năm nay và có thời điểm đã giúp thị trường tăng điểm. Nhưng nhà đầu tư sẽ dè dặt hơn với cổ phiếu ngân hàng, bất động sản hoặc các công ty kinh doanh đa ngành, đầu tư dàn trải trong khi mặn mà với các doanh nghiệp hàng tiêu dùng, doanh nghiệp tập trung hoạt động của mình trong lĩnh vực chuyên sâu. Ông Phạm Ngọc Bích, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán SSI cho biết, hiện vẫn có các nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản có sản phẩm tốt đến thăm dò thị trường Việt Nam để tổ chức sản xuất, lập công ty phân phối vì cho rằng đây vẫn là thị trường có tiềm năng. Các công ty quản lý quỹ quốc tế cũng có đến nhưng họ ngại nhất tỷ giá đồng Việt Nam bất ổn khi nợ xấu lớn, Nhà nước lại chưa có phương án giải quyết hiệu quả hay công bố gói kích thích kinh tế cụ thể như thế nào.
Trong những yêu cầu để nhà đầu tư quay lại với thị trường chứng khoán Việt Nam thì minh bạch thông tin là vấn đề được quan tâm đặc biệt. Ông Nguyễn Thế Lữ, Chủ tịch Quỹ SAM đã lên tiếng nhiều lần vấn đề này vì các nhà đầu tư nước ngoài tập trung sự quan tâm của họ vào những người điều hành công ty hơn là giá lên xuống của cổ phiếu. Do vậy, khả năng lãnh đạo, công bố thông tin kịp thời, rõ ràng là điều mà nhà đầu tư nước ngoài soi xét rất kỹ. Vậy mà rất ít doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn này. Hội đồng quản trị thường là họ hàng, người quen biết, không chia sẻ thông tin về quản trị, cổ phiếu, cổ phần, nhân thân ban lãnh đạo có vấn đề nên doanh nghiệp khó thu hút vốn bên ngoài. Doanh nghiệp Việt Nam cũng chưa quen chọn các công ty kiểm toán độc lập có uy tín nên cũng thường bị nghi ngờ chuyện minh bạch.