Ký họa, ghi chép, phác thảo của Nguyễn Phan Chánh thật sự là những tác phẩm cho dù chúng được vẽ vào những ngày khó khăn, thiếu thốn trăm bề. Xem những ký họa mới thấy ông đã cẩn trọng tới mức nào.
Thật cảm động khi nhìn những mảnh giấy cũ, sậm màu tháng năm, những mảnh giấy chất lượng thật xấu, những mảnh lụa đầy vết gián nhấm… nhưng những gì được ghi trên ấy mới thật quý giá, cho thế hệ sau biết được công phu lao động nghệ thuật của cha đẻ nghệ thuật tranh lụa Việt Nam hiện đại, người đã được ca ngợi không chỉ tại quê nhà.
Phó giáo sư Remarchuk V. – chuyên gia về tiếng Việt và văn hóa Việt Nam, hiện công tác tại Trung tâm Việt Nam học, Học viện Á Phi, thuộc Trường Đại học Lomonoxov ở Moskow – có một bài viết đáng chú ý về họa sĩ Nguyễn Phan Chánh (tạp chí Tao Đàn của chi hội nhà văn Việt Nam tại Nga dịch và in lại).
Năm 1982, khi họa sĩ Nguyễn Phan Chánh tổ chức triển lãm tranh tại thủ đô Liên Xô (trước đây) ông đã chụp và lưu giữ được các bản chụp tranh Nguyễn Phan Chánh. Cũng chính từ đó, Remarchuk V. dành nhiều thời gian nghiên cứu về Nguyễn Phan Chánh.
Remarchuk V. đã cho biết nguyên nhân đưa đẩy cậu thiếu niên ở một vùng quê Hà Tĩnh đến với hội họa: “Họa sĩ Việt Nam lỗi lạc Nguyễn Phan Chánh (1892-1984) xuất thân từ một gia đình trí thức nông thôn. Ông nội của ông thi đỗ tú tài xuất sắc và làm nghề dạy học trong làng… Bố ông làm nghề kế toán.
Nhưng người bố mất sớm và thế là gia đình rơi vào cảnh nghèo khổ. Cậu bé buộc phải bỏ học. Người mẹ đành phải cho con đi theo một họa sĩ lang thang, dù sao đi nữa thì nhà cũng đỡ được một miệng ăn…”.
Cũng nhờ giai đoạn đi học nghề và phụ việc vẽ tranh truyền thần ấy mà cậu thiếu niên Nguyễn Phan Chánh đã nắm được những kỹ thuật ban đầu hết sức bổ ích cho sự nghiệp dài lâu sau này.
- Xem thêm: Tranh lụa của Lê Thúy
Remarchuk V. viết tiếp: “Khát vọng học tập đã đưa Chánh tới thành phố, nơi có những trường Pháp – Việt vừa được mở.
Tại đây, ông đã tích cực học tiếng Pháp và sau khi tốt nghiệp xuất sắc, ông được phân về một huyện làm phụ giảng. Thế nhưng lòng say mê hội họa của ông không hề suy giảm.
Năm 1925, khi Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương được mở tại Hà Nội, người duy nhất trong số hàng trăm thí sinh miền Trung trúng tuyển là anh thanh niên 33 tuổi Nguyễn Phan Chánh.
Ở độ tuổi đã trưởng thành, không phải Chánh không do dự trước một bước ngoặt như vậy trong đời mình. Ông phải nuôi mẹ và vợ, mà hội họa lại không phải là nghề đem lại nhiều lợi nhuận vật chất”.
Năm đầu tiên khi vào học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, sinh viên Nguyễn Phan Chánh quan tâm nhiều đến sơn mài, đặc biệt từ góc độ kỹ thuật của chất liệu truyền thống này và đây là thời kỳ ông “say mê tìm tòi cách kết hợp giữa tranh dân gian và hội họa hiện đại”.
Sang năm thứ hai, Nguyễn Phan Chánh và bạn học của ông “được chuyển sang nghiên cứu kỹ thuật tranh sơn dầu. Sơn dầu đã thu hút được sự chú ý của các họa sĩ Việt Nam… Chánh đã thí nghiệm không mệt mỏi trong lĩnh vực này.
Ông có sáng kiến sử dụng bút lông viết chữ nho để vẽ sơn dầu, tạo ra những đường nét nhẹ nhàng mềm mại hơn trên nền vải”.
Nhưng Nguyễn Phan Chánh không dấn mình vào sơn dầu mà chọn tranh lụa để theo đuổi suốt đời mình, bởi như Remarchuk V. viết: “Là một trí thức nhà nòi kế thừa sâu sắc những truyền thống văn hóa dân tộc, Nguyễn Phan Chánh hiểu và yêu quý những bức họa cổ xưa vẽ trên lụa.
Đồng thời cũng là một họa sĩ có nền học vấn phương Tây được đào tạo chuyên nghiệp, ông đã nhận ra trong nền hội họa cổ truyền Việt Nam có những mặt cần thiết cho hội họa phương Tây…
Ở trường Mỹ thuật, người ta rất chú trọng đến kỹ thuật thể hiện hình khối. Nguyễn Phan Chánh cũng mô tả hình khối. Ở ông, hình khối đạt được một cách dễ dàng bằng những mảng màu, những đường viền tinh tế, nắn nót và tao nhã.
Với màu sắc cũng vậy. Ông không hề quên những bài học ở trường. Nhưng khác với tranh các họa sĩ phương Tây, màu sắc trong tranh của ông nhẹ nhàng, mềm mại, không hề sặc sỡ. Đó chính là phong cách độc đáo của ông”.
Chính phong cách vẽ tranh lụa thoát khỏi ảnh hưởng của Trung Hoa, khai sinh một nghệ thuật tranh lụa thuần Việt đã khiến tên tuổi Nguyễn Phan Chánh được ghi đậm nét trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam hiện đại, bên cạnh những Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tường Lân, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Lê Phổ… những họa sĩ khóa đầu tiên của Trường Mỹ thuật Đông Dương.
Tranh lụa Nguyễn Phan Chánh vì thế đã được đưa ra phương Tây rất sớm. Những tác phẩm đầu tay của ông như Chơi ô ăn quan, Rửa rau cầu ao, Bé cho chim ăn được giới thiệu tại Triển lãm thuộc địa Paris năm 1931, sau đó năm 1932-1934 tranh của ông được triển lãm ở Roma, Milan, Napoli, và đến Mỹ năm 1937.
Tranh lụa Nguyễn Phan Chánh cũng đại diện cho hội họa Việt Nam đến với các nước Đông Âu vào đầu thập niên 1980.
Suốt đời mình, Nguyễn Phan Chánh chỉ vẽ những gì ông quan sát trong cuộc sống hằng ngày nhưng bằng tất cả tình yêu thương; đặc biệt là hình ảnh của người phụ nữ ở nông thôn Việt Nam.
Nói như nhà văn Nguyệt Tú, con gái họa sĩ: “Cuộc đời của cha tôi gắn liền với nông thôn. Cuộc sống ở nông thôn lúc nào cũng đầy ắp trong ký ức của cha tôi. Xem tranh của cha tôi, nhận ra ngay ông là họa sĩ của những phụ nữ ở nông thôn”.
- Xem thêm: Thị trường tranh Việt đang khởi sắc
Bà Nguyệt Tú nói: “Ngay bức tranh lụa đẹp cũng không thể là cái đẹp vô hạn. Màu sắc tươi đẹp bao nhiêu cũng không thể sống mãi với thời gian. Những gì còn lại bất chấp sự phôi pha của thời gian là tình người. Tình người giúp cho cha tôi trải qua những sóng gió của cuộc đời…”.
Những ký họa của Nguyễn Phan Chánh nói lên đầy đủ điều ấy.
Nguyễn Phan Chánh (1892-1984) tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương khóa I (1925-1930), là người đầu tiên vẽ lụa ở Việt Nam từ những năm 1930.
Kỹ thuật rửa lụa sau một lần vẽ làm cho lụa mềm mại, màu sắc thấm nhuộm vào từng thớ lụa là một tìm tòi lớn của ông. Cũng vậy là cách hồ lụa trước khi vẽ phác hình rất nhẹ ở mặt trái, mờ nhạt các đường viền hình họa.
Tác phẩm chính: Chơi ô ăn quan (1930), Bé cho chim ăn (1930), Rửa rau cầu ao (1930), Bữa cơm vụ mùa thắng lợi (1960), Sau giờ trực chiến (1967) Trăng tỏ, trăng lu (1970)… Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 1996.