Cách đây hai năm, nếu như có ai bảo tôi sẽ lên xe hoa, chắc là tôi sẽ bảo họ thật hoang đường. Vậy mà cuộc gặp gỡ kỳ diệu ở nhà thờ Sacré-Coeur trên đồi Montmartre, Paris, nơi được coi là “trái tim của chúa Giêsu” đã làm thay đổi hoàn toàn số phận của tôi. Tình yêu của Richard, hơi ấm của gia đình, vẻ đẹp của miền quê nước Pháp và những cánh đồng hoa bạt ngàn đã khiến tôi như lạc vào một thiên đường…
Làng cổ Chinon – vẻ đẹp cổ xưa của nước Pháp thế kỷ XII
Đi dọc thung lũng sông Loire, bạn có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp huyền thoại của những lâu đài cổ. Và thật bất ngờ đối với tôi, ở một góc nhỏ cách Paris hơn 300km, được sống lại cảm giác của một ngày xưa trong những câu chuyện cổ về các chàng hoàng tử và công chúa. Nơi đây cất giữ gần như nguyên vẹn đời sống của người nông dân Pháp thế kỷ XII.
Xe đưa chúng tôi băng qua những cánh đồng hoa hướng dương bạt ngàn xen lẫn những cánh đồng nho. Gam màu thay đổi liên tục, từ vàng rực chuyển sang xanh mướt, như một bức tranh kỳ vĩ của thiên nhiên, thi thoảng lại là những cánh đồng lúa mì vừa gặt, còn trơ lại gốc rạ thẫm nâu sực ấm. Dưới chân một tòa lâu đài cổ, làng Chinon hiện lên thơ mộng bên dòng sông, xa xa là một thung lũng mướt xanh. Làm sao có thể hình dung ở một góc nào đó trên trái đất này lại còn không gian cổ xưa đến thế, để cho trái tim người phải ngẩn ngơ, lưu luyến. Nằm trên bờ sông Vienne, phụ lưu của sông Loire, Chinon còn được mệnh danh là Vườn Hoa nước Pháp, khí hậu ôn hòa có nhiều di tích lịch sử, lâu đài thời trung cổ. Cuộc sống thường nhật của dân làng với những phong tục tập quán gần như còn giữ được nguyên vẹn. Ý thức gìn giữ từng bức tường, từng con đường, những lâu đài bằng đá trắng biến ngôi làng như một bảo tàng sống về kiến trúc và lối sống của người dân quê miền Trung nước Pháp.
Thật may mắn, chúng tôi đến đúng vào ngày lễ hội văn hóa của làng. Chính những người dân quê hằng ngày trồng cấy trên cánh đồng của mình bỗng biến thành những hoàng tử, công chúa trong đám rước của làng. Có cả những con heo rừng, gấu rừng, những người lính, kẻ ăn mày. Những cô bé xinh xắn nhảy múa cùng những vũ nữ, tái hiện không khí sinh hoạt tín ngưỡng, nghệ thuật dân gian của thế kỷ thứ XII. Không khí sống động và chân thực như dẫn tôi vào câu chuyện cổ tích mà thích nhất là những gian hàng làm giày thủ công. Chàng thợ giày mải mê chế tác những chiếc giày gỗ. Họ “vào vai” một cách say mê, vui vẻ, giống như cuộc sống đang có của mình. Du khách làm sao có thể từ chối nếm thử những loại mứt hoa quả do các em bé với trang phục cổ xưa mời chào, hương bánh mì thoảng thoảng trong gió quyến rũ đến lạ lùng…
Chinon còn có một bí ẩn thú vị nữa, đó là những phiên chợ nhà quê, chỉ nhóm họp hai phiên mỗi tuần. Hoa tràn ngập khắp nơi, chiếm hơn nửa chợ, với đủ các sắc màu rực rỡ. Những người nông dân Pháp chân thành và hiếu khách bên những sản vật được hái trong vườn nhà như nho, táo, đào, lê, mận, dưa hấu, mơ lông,… hoặc thực phẩm đã được chế biến như: mật ong, phó mát, giăm bông, thịt xông khói. Thật vui là chợ còn bán cả những chú gà, vịt, ngỗng, heo, thỏ, hươu… Phiên chợ Pháp khiến tôi nhớ đến những phiên chợ quê thời thơ ấu. Có gì đó thật gần gũi, thân thương, trong trẻo, như thể được trở về với những hồi ức tươi đẹp mà tôi tưởng đã mất tăm trong cái thế giới xô bồ và ngộp thở này…
Tôi thầm cảm ơn Richard vì đã được làm vợ anh, đã được anh dẫn đến một nơi hợp với con người hoài cổ của mình với biết bao cảm xúc thật nồng nàn.
Văn hóa Việt được cất giữ giữa lòng nước Pháp
Đám cưới của chúng tôi được tổ chức ở Tòa thị sảnh quận 10,Paris, nghi lễ thiêng liêng trong khung cảnh nên thơ. Trong nghi lễ, một người phụ nữ đeo trên mình cờ nước Pháp trang trọng nói: “Bạn đang đứng trước nước Pháp, tôi trao cho hai bạn cuốn sổ gia đình”.
Tôi không khỏi lo lắng, hồi hộp vì tổ chức đám cưới ở một đất nước xa lạ. Nhưng sự gần gũi, chân thành của mẹ chồng và các bà chị chồng đã khiến cho mọi lo lắng trong tôi tan biến. Mẹ chồng tôi là người phụ nữ gốc Việt nhân hậu, đối với tôi như một đứa con đi xa trở về. Bà đặc biệt xúc động khi chiêm ngưỡng những bức hình thiếu nữ trong tà áo dài xưa của tôi.
Thật bất ngờ như được trở về nhà khi tôi đã học được cách nấu những món ăn thuần túy ViệtNam do chính mẹ chồng dạy trong những ngày đầu đặt chân tới Paris. Bà nấu riêu cá, riêu cua thì ngon hết biết, mùi vị thanh tao, chua rất dịu. Cách tráng bánh cuốn của bà cũng rất… sáng tạo và độc đáo bằng chiếc chảo làm bánh crêpe của người Pháp! Nói về mẹ mình, Richard lúc nào cũng xúc động: “Anh lớn lên ở Pháp, học hành ở Pháp, sống theo luật của Pháp, nhưng anh vẫn luôn nhớ về quê mẹ là ViệtNam. Nếu nước Pháp cho anh một kiến thức vững vàng để thành tài, thì chính mẹ mới giúp anh thành người. Mẹ dạy anh nói tiếng Việt, để bây giờ có thể nói với em những lời yêu thương. Anh thích nhất món canh chua, bánh cuốn của mẹ. Ở Pháp cá tôm khá đắt, nhưng mỗi tuần đều được mẹ nấu canh chua cho ăn. Chính vì vậy anh luôn dành ngày cuối tuần để đi chợ cùng mẹ”.
Hỏi anh có lo sợ nhiều cho tương lai của hai đứa, khi tôi phải rời bỏ công việc, rời bỏ nơi chôn rau cắt rốn để sống bên anh? Richard cười, nụ cười rạng rỡ, thơ trẻ: “Giây phút đầu tiên khi gặp em ở đồi Montmartre, anh đã biết rằng đó là định mệnh của đời anh. Nếu chậm một phút, hay nhanh một phút, cũng không thể có cuộc gặp định mệnh đó. Anh vừa hạnh phúc, vừa lo lắng. Lo lắng vì em phải làm quen với một môi trường sống hoàn toàn mới, với những mùa đông giá lạnh, phải học tiếng Pháp để làm việc, để sáng tạo… Nhưng anh tin khi mình yêu nhau, làm gì cũng vui. Mỗi ngày được sống bên nhau là một ngày tươi đẹp… Anh cảm ơn Chúa đã cho anh được gặp, và được yêu em…”.
Tôi và chị Jeanne – người có cùng sở thích tham gia các hoạt động xã hội và có cùng mong ước như tôi là một ngày nào đó sẽ cùng nhau tổ chức Ngày hội văn hóa Việt Nam tại thành phố Champigny – Sur – Veude, nơi chị đang sống và làm việc. Một ước mơ mà tôi luôn tâm niệm phải biến thành hiện thực.
Bài Nguyệt Vy
Ảnh Leonard, Joseph, Marc và Nguyệt Vy