Nguyên nhân thì có nhiều và cũng nhiều lần được phân tích trên các diễn đàn, trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng do không được cải thiện kịp thời cộng thêm ảnh hưởng của suy thoái kinh tế càng tăng thêm cảnh vắng vẻ. Các chuyên gia cho rằng sau 12 năm đi vào hoạt động (từ 28-7-2000 đến nay) thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn ì ạch, chậm chạp, chưa tạo được sân chơi công bằng, sòng phẳng cho người tham gia như thường thấy ở thị trường các nước khác. Thực ra, theo đại diện của các quỹ đầu tư nước ngoài thì luật lệ của chúng ta không tệ, quy định, quy chế cũng chặt chẽ nhưng cái chưa ổn là giám sát việc thực thi và xử phạt chưa đến nơi, đến chốn. Ở nước ngoài, bên cạnh các cơ quan quản lý hay chức năng có các tổ chức, các nhà phân tích độc lập cũng như các nhà đầu tư cá nhân cùng tham gia giám sát nên mọi thứ phải minh bạch.
Trong thời gian qua đã có một số các đơn vị bị cơ quan chức năng xử phạt. Các công ty niêm yết, tư vấn vì lợi riêng mà rời bỏ nguyên tắc trung gian, dùng tiền của nhà đầu tư để tự doanh rồi mất vốn, đẻ nợ. Có công ty bắt tay với doanh nghiệp thổi phồng các con số trong báo cáo tài chính, tạo sốt ảo…; doanh nghiệp thì chậm hoặc không báo cáo, giao dịch nội gián, tạo tin đồn gây hại cho nhà đầu tư… Ngay bản thân các nhà đầu tư với nhau cũng vì cái lợi mà lừa lọc nhau. Nhưng khi những hành vi này chưa được nêu đích danh, gọi đúng tội trạng và xử trọng điểm làm gương thì vai trò giám sát, chế tài của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vẫn còn mờ nhạt. Nghe nói dự kiến mức phạt cho những giao dịch mờ ám rồi đây sẽ lên đến hàng tỉ đồng, nhưng nếu không bóc hết những lợi nhuận bất chính hay tịch thu tài sản làm gương thì khó mà răn đe.
Báo cáo của các diễn giả cũng cho thấy những khó khăn của nền kinh tế Việt Nam còn kéo dài đến 2013. Những vấn đề như lạm phát rồi giảm phát, chính sách tiền tệ, lãi suất, tính ổn định của hệ thống ngân hàng là điều mà nhà đầu tư nước ngoài quan tâm nhiều nhất hiện nay. Những tin tức xấu từ bản thân hệ thống ngân hàng, nợ xấu từ các doanh nghiệp nhà nước, thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán, nợ công, bên cạnh hạ tầng kỹ thuật, hệ thống hành chính kém… đã khiến nhiều đoàn đầu tư nước ngoài đến rồi đi. Không phải dòng tiền đầu tư quốc tế đã hết, nhưng hiện tại, họ có quá nhiều chọn lựa, nhất là khi thị trường tại Myanmar, Indonesia mở ra nhiều cơ hội tốt hơn các năm trước. Điều này đe dọa trực tiếp tới việc thu hút đầu tư của Việt Nam và cụ thể một vài dự án lớn đã rút đi sau khi đã xây dựng cơ ngơi. Lãnh đạo nhiều quỹ đầu tư nước ngoài cho biết, họ cũng đang lo lắng vì sắp tới kỳ đại hội cổ đông, các quỹ này còn ở lại hay rút đi là tùy thuộc các cổ đông. Tuy các nhà đầu tư nước ngoài không “lướt sóng” ngắn hạn như cổ đông Việt, thậm chí không bị chi phối bởi các biến động cụ thể, nhưng nếu chúng ta không có chính sách vĩ mô sáng sủa, ổn định lâu dài, tạo động lực tăng trưởng thì khó giữ chân họ. Có một ví dụ vẫn được các chuyên gia nhắc lại nhiều lần là Quỹ Dragon Capital bị mất 100 triệu USD trong một ngày khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá USD lên hơn 9% vào cuối năm 2011.