Dù lĩnh vực trồng rau thủy canh có xu hướng thoái trào trong thời gian gần đây nhưng với một số doanh nghiệp đủ tiềm lực, rau thủy canh đang trở thành mặt hàng xuất khẩu nhiều tiềm năng.
Hiện nay, kênh phân phối rau thủy canh trong nước còn khá hạn chế. Ông Tô Quang Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Trang trại Trường Phúc chia sẻ, để tìm kiếm và mở rộng thị trường, ngay từ những ngày đầu trồng rau thủy canh ông đã nghĩ tới việc xuất khẩu loại mặt hàng này.
Qua tìm hiểu, ông Dũng biết mùa đông ở Hàn Quốc trùng với thời điểm Lâm Đồng có thời tiết phù hợp nhất để trồng rau nhà kính.
Nắm bắt cơ hội cầu vượt cung ở xứ Hàn, Công ty Trường Phúc đã chủ động kết nối đối tác, xuất khẩu các loại rau xà lách thủy canh Đà Lạt. Tháng 3-2018, công ty đã thực hiện chuyến hàng 4,5 tấn xà lách đầu tiên đến thị trường Hàn Quốc.
“Để đi đến ký kết chính thức hợp đồng sản xuất và tiêu thụ các loại xà lách cao cấp, phía Hàn Quốc đã cử đoàn cán bộ kỹ thuật qua khảo sát trang trại Trường Phúc, lấy mẫu đất, mẫu nước và mẫu sản phẩm rau thử nghiệm đưa về các trung tâm khoa học của hai nước Việt Nam và Hàn Quốc, phân tích các tiêu chuẩn đo lường chất lượng. Sau khi có kết quả an toàn, Trường Phúc mới tiến hành các công đoạn từ xuống giống sản xuất cho đến khi thu hoạch, sơ chế, đóng gói đều được sự giám sát thường xuyên, chặt chẽ của phía đối tác Hàn Quốc…”, ông Dũng cho hay.
Hiện nay, sản lượng sản xuất rau thủy canh của công ty là 300 tấn/năm, trong đó 80% sản phẩm tiêu thụ trong nước, còn lại là xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc với giá bán khoảng 55.000 đồng/kg.
Ông Dũng cũng cho biết, nhu cầu thị trường xuất khẩu rất lớn, trong khi quy mô sản xuất của các doanh nghiệp vẫn chưa đáp ứng đủ.
Chính vì vậy, cần phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa các doanh nghiệp với nhiều hộ sản xuất theo chuỗi liên kết mới đủ khối lượng hàng cung ứng theo hợp đồng.
Mặt khác, công nghệ xử lý sau thu hoạch của Lâm Đồng vẫn chưa phát triển, trong khi rau thủy canh thường chỉ đạt chất lượng tốt nhất trong bốn ngày sau cắt gốc, phải để cho rau ở trạng thái ngủ đông, khi tới tay người tiêu dùng sản phẩm phải đảm bảo độ tươi ngon.
Để làm được điều này, các công ty xuất khẩu rau phải đầu tư hệ thống máy lạnh công nghệ mới, nhằm rút ngắn thời gian từ 20 giờ sơ chế trong kho lạnh hiện nay xuống còn khoảng 2 giờ, từ đó giúp doanh nghiệp và hộ nông dân giảm giá thành và tăng năng lực cạnh tranh sản phẩm các loại rau của Lâm Đồng trên thị trường quốc tế.
Ngoài thị trường Hàn Quốc, các đối tác từ Singapore, Nhật Bản cũng đã tiếp xúc, đặt vấn đề thu mua các loại xà lách thủy canh của Trường Phúc, dự kiến nhiều đơn hàng xuất khẩu lớn sẽ được triển khai trong thời gian tới.
- Xem thêm: Đầu tư sản xuất thực phẩm hữu cơ
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, hai năm trở lại đây, cơn sốt trồng rau thủy canh tại đây đã bắt đầu hạ nhiệt do khó khăn trong vấn đề tiêu thụ sản phẩm.
Để đầu tư trồng rau thủy canh thương mại đòi hỏi sự đầu tư ban đầu khá tốn kém, không dưới 600 triệu đồng/1.000m2, bao gồm nhà kính, hệ thống dẫn nước, giàn đỡ, giá thể, máy bơm, hạt giống… trong đó có nhiều thiết bị phải nhập từ Thái Lan, Ấn Độ và Malaysia.
Với chi phí đầu tư ban đầu cao, giá thành 1kg rau ăn lá thủy canh đã lên đến gần 25.000 đồng, trong khi giá bán dường như không đổi, đã khiến cho người trồng rau thủy canh gặp khó.