Theo xu hướng chung của thế giới, tại Việt Nam thực phẩm hữu cơ cũng đang ngày càng được ưa chuộng. Báo cáo mới đây của Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công thương) cho biết Việt Nam hiện có 33 tỉnh thành đã phát triển mô hình nông nghiệp hữu cơ, diện tích đạt hơn 76.600ha, tăng gấp 3,6 lần so với năm 2010. Khoảng 60 doanh nghiệp đã đầu tư vào lĩnh vực được xem là có nhiều thuận lợi để phát triển này.
Với những doanh nghiệp muốn sản xuất thực phẩm hữu cơ theo chuẩn quốc tế, việc đầu tư sản xuất, phát triển thị trường còn khá mới mẻ này luôn được xác định là chiến lược lâu dài, không thể nóng vội. Trao đổi với Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần, ông Phạm Trung Kiên, Phó tổng giám đốc Saigon Co.op (Liên hiệp hợp tác xã thương mại TP. Hồ Chí Minh) đã chia sẻ một số nhận định và số liệu đáng chú ý.
Sau hai năm đi vào lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ, theo nhận định của ông số người tiêu dùng hiểu và sẵn sàng chi tiêu cho sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của Saigon Co.op có khả quan không? Các sản phẩm nào đang được tiêu thụ tốt nhất?
Các số liệu bán hàng của chúng tôi cho thấy lượng khách hàng có mua sản phẩm hữu cơ năm 2018 tăng trưởng hơn 16% so với năm 2017. Từ dữ liệu trên, chúng tôi thấy rằng số lượng người tiêu dùng hiểu và sẵn sàng chi tiêu cho sản phẩm nông nghiệp hữu cơ tại Saigon Co.op đang có những dấu hiệu phát triển khả quan.
Các sản phẩm hữu cơ chính đang kinh doanh tại Saigon Co.op gồm có các loại rau, gạo, thủy sản. Trong đó sản phẩm rau củ quả được người tiêu dùng quan tâm, tiêu thụ nhiều nhất và luôn trong tình trạng cung không đủ cầu. Hiện tại chúng tôi đang tập trung phát triển những sản phẩm mới cho các ngành hàng thực phẩm công nghệ, thực phẩm tươi sống, hứa hẹn năm 2019 sẽ có nhiều sản phẩm hữu cơ hơn cho bữa ăn của người tiêu dùng.
Thị trường đang tràn lan quảng cáo các sản phẩm hữu cơ, nhưng trong đó có nhiều loại sản phẩm chất lượng chưa thể xác định được. Việc này có gây khó khăn cho những sản phẩm hữu cơ thực sự khi muốn tiếp cận người tiêu dùng hay không? Nếu có, Saigon Co.op đã đối phó như thế nào?
Trong năm 2018, chúng tôi có thực hiện khảo sát nghiên cứu về thị trường sản phẩm hữu cơ Việt Nam và đúc kết được những kết luận đáng chú ý sau: “Người tiêu dùng thông thường nghĩ hữu cơ là sạch”, “63% người tiêu dùng hữu cơ Việt Nam hiểu đúng về sản phẩm hữu cơ và 40% trong đó có thể nhận ra được các chứng nhận hữu cơ”. Các số liệu trên cho thấy rằng, người tiêu dùng Việt Nam, kể cả người tiêu dùng có sử dụng sản phẩm hữu cơ vẫn chưa nhận định rõ về sản phẩm hữu cơ thật sự là gì. Điều này dẫn đến việc thị trường các sản phẩm tự xưng là hữu cơ nhưng chất lượng chưa thể xác định được vẫn có cơ hội phát triển, chiếm thị phần của các nhà bán lẻ, cửa hàng chuyên kinh doanh sản phẩm hữu cơ thật sự.
Do đó, có thể nói việc này gây khó khăn nhất định đối với những sản phẩm hữu cơ thật sự muốn tiếp cận với người tiêu dùng. Thứ nhất – giá của sản phẩm hữu cơ thật sự sẽ cao hơn ít nhiều so với các sản phẩm tự xưng là hữu cơ; thứ hai – sản lượng của sản phẩm hữu cơ thật sự hiện tại chưa nhiều nên người tiêu dùng – được đánh giá là nhạy cảm về giá – tìm kiếm nguồn sản phẩm khác mà phần nhiều trong số đó là sản phẩm hữu cơ tự xưng.
Để đối phó với tình trạng này, từ khi ra mắt sản phẩm hữu cơ đến nay, chúng tôi luôn kinh doanh các sản phẩm này với giá hợp lý nhất có thể để người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận với sản phẩm hữu cơ thật sự, đồng thời rút ngắn được khoảng cách giá giữa sản phẩm hữu cơ với các sản phẩm tự xưng. Bên cạnh đó, chúng tôi đã và đang tích cực tìm kiếm nguồn hàng mới, đa dạng hơn để người tiêu dùng có thể sử dụng sản phẩm hữu cơ một cách thường xuyên, liên tục. Ngoài ra, chúng tôi nhận thấy rằng việc truyền thông quảng bá cho người dân các kiến thức về hữu cơ, về các chứng nhận cũng rất quan trọng, điển hình là tại các quầy kinh doanh hữu cơ chúng tôi đều có để brochure giới thiệu kỹ về sản phẩm, các phim quảng cáo tại siêu thị.
Là nhà phân phối tiên phong đi vào lĩnh vực hữu cơ, khó khăn lớn nhất hiện nay của Saigon Co.op là gì? Và so với thời điểm bắt đầu chương trình này, Saigon Co.op có thêm thuận lợi nào?
Là nhà phân phối tiên phong đi vào lĩnh vực hữu cơ, khó khăn được cho là lớn nhất hiện nay của Saigon Co.op là nguồn cung. Hiện nay, tại Việt Nam các nhà cung cấp sản phẩm hữu cơ với giá cả phải chăng, số lượng tương đối, có chứng nhận hữu cơ quốc tế có thể nói là rất hiếm. Bên cạnh đó, cộng đồng nông nghiệp đang rời rạc và chưa có sự liên kết, dẫn đến việc khó có thể tìm ra nguồn cung đủ lớn cho thị trường. Saigon Co.op vẫn đang tìm kiếm và liên kết cộng đồng các nhà sản xuất hữu cơ cung ứng cho bữa ăn người tiêu dùng.
Tuy nhiên, so với thời điểm bắt đầu chương trình, Saigon Co.op đã có thêm các thuận lợi như: xây dựng được lòng tin với người tiêu dùng hữu cơ do tất cả các sản phẩm hữu cơ của Saigon Co.op đều có giá cả phải chăng, đạt được chứng nhận hữu cơ quốc tế như: USDA, EU, JAS và Naturland…; tạo được tiếng nói nhất định trong thị trường hữu cơ, giúp thu hút các nhà sản xuất hữu cơ hợp tác với Saigon Co.op và an tâm về đầu ra của sản phẩm.
Theo ông, để phát triển nông nghiệp hữu cơ, Chính phủ và cụ thể là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên có thêm chính sách gì?
Theo quan sát của chúng tôi từ nhiều nước, các quy định chính sách của chính phủ là đòn bẩy cho sự tăng trưởng của thị trường hữu cơ. Do đó, tôi nghĩ tại Việt Nam cũng không ngoại lệ, chính sách của chính phủ luôn có tác động nhất định đến thị trường nói chung và thị trường hữu cơ nói riêng. Để phát triển nông nghiệp hữu cơ, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên có thêm chính sách xây dựng hành lang pháp lý để được công nhận, chứng nhận sản phẩm hữu cơ, đảm bảo sự minh bạch trong sản xuất sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; có thêm các chính sách ưu đãi về vốn, thuế, đầu tư, đất đai; quy hoạch những vùng chuyên canh chuyên nuôi trồng sản phẩm hữu cơ để kêu gọi nhà đầu tư hỗ trợ những ứng dụng công nghệ cao, xúc tiến thương mại cho xuất khẩu… Bên cạnh đó cũng cần chính sách về đào tạo nguồn nhân lực nhằm nắm bắt kịp thời công nghệ mới trong sản xuất, nuôi trồng sản phẩm hữu cơ; ưu đãi các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhất là nông nghiệp hữu cơ; các chính sách cần cụ thể hơn và dễ tiếp cận hơn.