Nhìn vào các bức tượng hoặc tranh vẽ nam thần khỏa thân thuộc văn hóa Hy Lạp, bạn sẽ có một đặc điểm chung là bộ phận sinh dục cực nhỏ. Trước thời kỳ hiện đại, phương Tây đánh đồng kích thước “cậu nhỏ” với phẩm giá đàn ông. Nam giới có “cậu nhỏ” càng nhỏ thì càng đứng đắn, học cao hiểu rộng.
Giả thuyết khoa học
Khỏa thân là đề tài quen thuộc trong thế giới nghệ thuật phương Tây. Nó vô cùng trực quan trong 3 lĩnh vực: điêu khắc, hội họa và khảm. Trong điêu khắc, tượng khỏa thân thường thấy nhất là David của Michelangelo (1475-1564). Nó được đánh giá là “kiệt tác thế kỷ”, “bức tượng được biết đến nhiều nhất trong lịch sử nghệ thuật”… Trong hội họa, khỏa thân phổ biến ở các bức tranh thuộc thời kỳ Phục hưng (thế kỷ VIII-XVI). Trong khảm, nó chiếm lĩnh các bức bích họa tôn giáo.
Đối tượng khỏa thân của nghệ thuật phương Tây là các nhân vật thần thánh và con người. Tuy nhiên, bất kể nam thần hay nam nhân cũng có một đặc điểm chung: dương vật siêu nhỏ. Nó nhỏ đến nỗi khi nhìn vào, bạn phải thắc mắc đối tượng là người lớn hay trẻ con. Xin trả lời: đa phần đều là người trưởng thành. Ngay cả David với khuôn mặt như thiếu niên của Michelangelo cũng là người lớn.
Vào năm 2005, có 2 bác sĩ ở Ý đã đưa ra giải thích khoa học về kích cỡ siêu khiêm tốn của “tiểu David”. Họ tuyên bố, nó nhỏ như vậy là vì David đang “sợ đến teo cả chim”! Nhà điêu khắc Michelangelo đã khắc họa David trong bối cảnh đối đầu với người khổng lồ Goliath. Sức mạnh thể chất vượt trội của Goliath khiến David rơi vào cảm giác căng thẳng tột độ, đến nỗi hai đầu lông mày nhíu lại, trán hiện nếp nhăn.
Ngoài David của Michelangelo, điêu khắc phương Tây còn rất nhiều tượng đàn ông khỏa thân. Từ thời trước Công nguyên, các nghệ nhân Hy Lạp đã đua nhau tạc, đúc tượng nam giới không mặc quần áo. Họ có khá nhiều bức tượng đàn ông đang vận động mạnh, ví dụ như lực sĩ ném đĩa. Một số nhà nghiên cứu văn hóa cũng đoán rằng, nguyên nhân khiến các “cậu nhỏ” của những bức tượng này quá nhỏ là “bị teo vì vận lực quá sức’.
Bé mới “chuẩn man”
Trong thực tế, sợ hãi và vận động mạnh chỉ là 2 trong muôn vàn dáng vẻ khỏa thân của nghệ thuật phương Tây. Ngoài ra, thế giới văn hóa này còn hàng loạt các tượng, tranh, khảm đàn ông khỏa thân bình thản, vui chơi hoặc chẳng làm gì cả. Dù vậy, “cậu nhỏ” của họ cũng vẫn cùng kích thước với “cậu nhỏ” của những đối tượng kia.
“Ngày trước, người Hy Lạp quan niệm kích thước dương vật gắn liền tác phong đàn ông. Nam giới có dương vật nhỏ và ỉu xỉu là người điều độ”, giáo sư Andrew Lear của Mỹ giải thích. Ông cũng cho biết phương Tây thời cổ và Trung đại cực kỳ chê trách “cậu nhỏ” quá khổ. Họ cho rằng, đó là dấu hiệu của đàn ông nghiện ngập và cuồng dâm.
Trong thần thoại Hy Lạp có một nhân vật nửa người nửa dê bị phỉ báng là Satyr. Vị thần này suốt ngày nhậu nhẹt, say sưa và đuổi bắt, dâm ô với các nàng Nymph. Ông ta có bộ phận sinh dục cực lớn và luôn cương cứng. Văn hóa phương Tây xem Satyr như hiện thân của quỷ Satan, hết sức ghét bỏ.
Với người Hy Lạp, “cậu nhỏ” phải bé mới “chuẩn man”. Tất cả các hình mẫu đàn ông lý tưởng của họ; ví dụ như anh hùng, chiến binh, vận động viên… đều được khắc họa với kích thước dương vật siêu khiêm tốn. Chỉ có đúng một vị thần đáng kính của Hy Lạp là có “cậu nhỏ” lớn: Priapus. Đây là thần sinh sản, bảo vệ nông nghiệp, con trai của nữ thần Sắc đẹp Aphrodite và nam thần rượu vang Dionysus. Khổ nỗi, từ thuở vẫn còn trong bụng mẹ, Priapus đã bị nữ thần Hera (vợ của thần tối cao Zeus) nguyền rủa vĩnh viễn bất lực. Vì vậy, Priapus chẳng bao giờ biết được mùi vị trái cấm, dù thần ham muốn được thỏa mãn chẳng kém gì Satyr.
Trong cuộc sống đời thực, người Hy Lạp ngày xưa còn phỉ nhổ đàn ông có dương vật lớn là “đồ man rợ”. Trở lại thời cổ – trung đại tại bán đảo Hy Lạp, bạn sẽ thấy ngoài những thành thị văn minh còn rất nhiều nhóm bộ lạc theo lối sống săn bắt, hái lượm nguyên thủy. Những khi thiếu thốn thức ăn, họ tấn công các làng mạc, cướp bóc tài vật và hãm hiếp đàn bà, con gái. Người Hy Lạp căm tức và dè bỉu họ, gọi họ là “lũ súc sinh, quân thô bỉ”. Họ đánh đồng luôn các nam thành viên có bộ phận sinh dục lớn với những kẻ cuồng bạo này.
Đảo ngược nhận thức
Trong nhận thức của thế giới phương Tây cổ – trung đại, đàn ông lý tưởng là người thông thái, quyền lực và tiết chế. Nam giới chỉ đẹp nhất khi vẫn là trẻ con, bởi vì “chưa biết gì cả”. Một khi đã bước sang tuổi dậy thì, bộc phát bản năng, anh ta đều có khả năng hóa thành quỷ Satan. Muốn hấp dẫn và lấy được lòng tin của các chị em, các anh em phải có “cậu nhỏ” chậm phát triển. Người Hy Lạp cũng kỵ cắt bao quy đầu, và đó là lý do tại sao “cậu nhỏ” trong thế giới nghệ thuật của họ vĩnh viễn “như đứa trẻ”.
Có một điều kỳ quặc là phương Tây cổ – trung đại rất thịnh hành nhà tắm công cộng. Những năm thuộc thế kỷ X-XIV, hệ thống nhà tắm công cộng mở rộng khắp nước Ý, Hà Lan, lan sang cả Pháp, Anh… Nó điển hình bởi bể nước lớn và mọi người tắm chung, cả nam lẫn nữ. Dù muốn dù không, người ta vẫn phải thấy “kích thước tiêu chuẩn” là cực hiếm, và “lớn hay bé” không liên quan gì đến phẩm chất đạo đức. Thế nhưng lòng ngưỡng mộ “kích cỡ trẻ em” vẫn được duy trì đến tận hết Thời kỳ Phục hưng.
Ngoài lý do quan niệm, phương Tây còn cuồng “bé” vì nguyên nhân tôn giáo. Đa phần các nền văn hóa ở đây theo Thiên Chúa giáo và giáo luật của tín ngưỡng này cấm dục. Đàn ông, đàn bà chỉ quan hệ vì nghĩa vụ sinh con đẻ cái. Những kẻ thiếu đứng đắn bị chỉ trích, trừng phạt nặng nề. Do vậy, “cậu nhỏ” bé cũng được xem như một trong các tiêu chí đánh giá phẩm hạnh của nam tín đồ.
Ngày nay, tiêu chuẩn “cậu nhỏ” ở phương Tây đã đảo ngược hoàn toàn so với thời cổ – trung đại. Tuy nhiên, nỗi ám ảnh về kích thước thì hình như vẫn còn nguyên. Bất chấp y khoa đã khẳng định, “không có bằng chứng nào cho thấy, dương vật càng to thì càng khỏe hay càng bé thì càng yếu”, người ta điên cuồng đòi hỏi phải “lớn”.