Hổ để da, người để tiếng. Trong kinh doanh, tiếng tăm rất quan trọng, nhưng nhiều khi người đứng đầu doanh nghiệp đôi khi phải đứng ở ngã ba đường để chọn lựa giá trị cốt lõi: lợi nhuận, thương hiệu sản phẩm hay thương hiệu cá nhân gắn kết với sản phẩm đó.
Nếu tập trung đeo đuổi lợi nhuận, doanh nghiệp có thể gặp vấn đề về uy tín sản phẩm, cũng như khó được tôn vinh nhờ những đóng góp cộng đồng. Từ đó doanh nghiệp có thể khó mà phát triển bền vững và tối đa hóa doanh thu nhờ thương hiệu. Thậm chí có những doanh nghiệp loay hoay mãi mà không xây dựng được sản phẩm hoàn hảo vì lực mỏng mà kỳ vọng lại quá cao. Điều này cũng tương tự trong quân sự: nếu ngay từ đầu, quân còn mỏng mà người chỉ huy cố dàn trải lực lượng trên bình địa rộng thì dễ bị tiêu hao lực lượng vì địch dễ chiếm thế áp đảo nhờ binh hùng tướng mạnh.
Khi bắt tay vào hoạt động kinh doanh, ai cũng mong phát triển cho được thương hiệu sản phẩm và tin rằng mình có thể làm tốt điều đó, tức là sẽ tạo được ấn tượng tốt đẹp về sản phẩm và uy tín của doanh nghiệp sẽ vươn cao trên thị trường. Thế nhưng, khi bắt tay vào quá trình hoạt động thì dưới nhiều áp lực, việc xây dựng thương hiệu có thể không được ưu tiên hoặc bị vô ý bị lãng quên.
Bên cạnh đó, đa phần các nhà quản trị và giới chủ đều mong muốn khẳng định bản thân mình nhờ những tiếng tăm tốt đẹp của sản phẩm. Đó là lý do tại sao nhiều chủ doanh nghiệp ít khi chia sẻ quyền sở hữu thương hiệu hay công nghệ sản xuất.
Mặc dù ba vấn đề trên có quan hệ hữu cơ, bổ trợ nhau, nhưng đôi lúc giới chủ phải chọn một vấn đề để ưu tiên và đặt làm giá trị cốt lõi. Ví dụ có khi phải chọn cách bỏ bớt quyền sở hữu và sự gắn kết với thương hiệu sản phẩm để huy động cho được nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài. Khi đó, lợi ích thực tế về vật chất có thể thay thế cho các lợi ích về tinh thần.
Ở khía cạnh quản trị nhân sự, sự chọn lựa giá trị cốt lõi của chủ doanh nghiệp có tác động đến văn hóa quản lý. Đôi khi, vì thiếu vốn đầu tư, người chủ buộc phải giảm tầm vóc hay thanh danh của sản phẩm, nhưng điều đó sẽ ảnh hưởng đến lòng tự hào nghề nghiệp cũng như nhiệt huyết của đội ngũ nhân viên vì họ cũng biết tự hào với sản phẩm do mình làm ra. Hậu quả là những nhân viên biết giá trị của thương hiệu sản phẩm sẽ từ bỏ doanh nghiệp, tìm đến doanh nghiệp khác cùng ngành có sản phẩm tạo được uy tín cao hơn trong lòng người tiêu dùng.
Ngược lại, nếu đủ khôn khéo để động viên đội ngũ nhân viên tâm huyết với công việc, người lãnh đạo sẽ khiến các nhân viên của mình chẳng khác gì những tuyển thủ quyết tâm bảo vệ màu cờ sắc áo của toàn đội hơn cả bản thân. Thậm chí khi thương hiệu sản phẩm bị tổn hại vì lý do nào đó, họ còn hết lòng làm việc để vun đắp lại và tìm cách nâng cao nó hơn nữa.
Không người chủ nào cảm thấy hài lòng khi nhân viên tỏ ra thất vọng về sản phẩm mà doanh nghiệp làm ra hoặc buồn chán với tầm vóc của thương hiệu trên thương trường. Họ càng không muốn thấy nhân viên nói ra những điều không hay về doanh nghiệp của mình. Muốn những điều ấy không kxảy ra, phải biết quan tâm đến cả thương hiệu của nhân viên, chứ không phải chỉ của riêng ban lãnh đạo bằng cách gắn kết những giá trị đó với sản phẩm, vì theo lẽ thường, người ta ý thức bảo vệ tài sản cá nhân tốt hơn là tài sản chung. Kể cả trong điều kiện phải tiết giảm kinh phí, nếu nhân viên đồng tình và ý thức được bổn phận của mình, họ sẽ sẵn sàng bảo vệ và vun đắp cho sản phẩm, cho thương hiệu của doanh nghiệp dù có thể họ cam chịu thiệt thòi ít nhiều.