Theo kinh nghiệm dân gian, mỗi người đều có một phiên bản “song sinh” ở đâu đó – giống hệt đôi mắt thừa hưởng từ người mẹ, cánh mũi từ người cha và thậm chí giống cả cái nốt ruồi khó chịu mà bạn muốn xóa bỏ trên gương mặt.
Quan niệm này tồn tại từ hàng ngàn năm qua và trở thành chủ đề của những tác phẩm văn chương cổ xưa nhất mà con người từng biết. Thế nhưng, liệu quan niệm đó có chứa đựng ít nhiều sự thực không?
Chúng ta đang sống trên hành tinh có hơn 7 tỉ người cho nên rất có thể sẽ có người nào đó được sinh ra với gương mặt giống hệt bạn?
Câu hỏi nghe có vẻ ngớ ngẩn, nhưng thực ra khá nghiêm túc – và câu trả lời thậm chí còn phức tạp hơn bạn tưởng.
Dự đoán trong tương lai không xa, gương mặt sẽ là yêu cầu duy nhất để mở khóa điện thoại hay mở cửa vào văn phòng bởi lẽ gương mặt chắc chắn là yếu tố đảm bảo bạn là người khác hẳn những người khác. Nhưng đến một ngày nào đó, mọi chuyện trở nên phức tạp đến khó hiểu.
Neil Douglas kể lại câu chuyện kỳ thú khi anh bay đến Ireland: “Tôi là người cuối cùng lên máy bay. Có ai đó đã ngồi vào ghế của tôi, vì thế tôi đề nghị anh ta chuyển chỗ. Anh ta quay lại và anh ta có gương mặt của tôi. Cả máy bay nhìn vào chúng tôi và cười. Và đó là khi tôi chụp một tấm ảnh selfie”.
Sự kỳ lạ tiếp tục xảy ra khi Douglas đến khách sạn và phát hiện ra người có bề ngoài giống hệt mình đó cũng đang làm thủ tục nhận phòng.
Sau đó, họ lại bất ngờ đụng mặt nhau tại quầy bar và thế là họ cho rằng định mệnh muốn họ uống với nhau một ly rượu.
Sáng hôm sau, khi thức dậy, Douglas nghe thấy chương trình radio của Argentina nói bức ảnh của họ đã lan truyền khắp nơi. Trên thực tế, trước đây chưa có ai nảy sinh ý tưởng nghiên cứu về vấn đề.
Năm 2017, nữ giáo sư Đại học Adelaide (Australia) Teghan Lucas tiến hành điều tra nguy cơ cảnh sát nhận lầm một người vô tội thành ra một kẻ sát nhân.
Dựa vào kho dữ liệu ảnh binh sĩ quân đội Mỹ và với sự giúp đỡ của các đồng nghiệp, Teghan cẩn thận phân tích gương mặt của gần 4.000 cá nhân, đo đạc khoảng cách giữa những bộ phận quan trọng như mắt và tai.
- Xem thêm: Kỳ lạ những người bị sét đánh không chết
Sau đó, Teghan Lucas tính toán xác suất gương mặt của hai người có thể giống nhau. Những phát hiện thú vị của Teghan là tin tốt lành cho hệ thống tư pháp hình sự, nhưng sẽ làm thất vọng cho bất cứ ai đang trông chờ tìm được người anh chị em song sinh thất lạc từ lâu.
Lý do là: cơ hội cùng chia sẻ 8 chỉ số kích thước giống nhau với một người khác là chưa đến 1 trong một ngàn tỉ. Thậm chí với 7,4 tỉ người trên hành tinh, cũng chỉ có một trong 135 cơ hội có một cặp mang gương mặt giống hệt nhau.
Teghan lập luận: “Trước đây thì bạn luôn có thể bị đặt câu hỏi ở tòa, kiểu như “nếu có ai đó trông giống hệt ông ấy thì sao?”. Giờ thì chúng ta có thể trả lời điều đó là cực kỳ khó xảy ra”. Khác hoàn toàn quan niệm mỗi người có một phiên bản “song sinh” thất lạc, Teghan cho rằng có lẽ không ai có người anh em song sinh nào cả.
Nhưng câu chuyện vẫn chưa hoàn toàn kết thúc ở đó. Nghiên cứu của Teghan dựa vào các số đo chuẩn xác – ví dụ như cho dù độ dài tai của phiên bản “song sinh” là 59mm trong khi tai của bạn nhỉnh hơn một chút là 60mm thì sự giống nhau này cũng không được tính đến.
Trong bất cứ trường hợp nào, có lẽ bạn không nhớ lần gần nhất bạn gặp một sự giống nhau kỳ lạ nào đó dựa trên độ dài tai của ai đó. Còn có một cách khác và nó hoàn toàn phụ thuộc vào quan điểm thế nào là một “bản sao”.
David Aldous, chuyên gia phân tích số liệu thống kê Đại học U.C.Berkeley (Mỹ), phân tích: “Tất cả đều phụ thuộc vào suy nghĩ chúng ta là gì khi nói “giống nhau về mặt con người” hay “giống nhau qua phần mềm nhận dạng khuôn mặt””.
Francois Brunelle, người đã chụp ảnh hơn 200 cặp giống nhau cho dự án “Tôi không giống ai cả” (I’m not a look-alike), đồng ý với điều này.
Khi được nhìn tách riêng ra, các chủ thể mà Brunelle chụp trông như là những bản sao chép hoàn hảo song ông đánh giá “khi bạn đưa họ lại gần và nhìn họ đứng cạnh nhau, đôi lúc bạn cảm thấy họ hoàn toàn không giống nhau”.
Nếu như các chi tiết không nhất thiết phải giống hệt nhau, đến lúc đó bỗng nhiên khả năng có một người giống bạn trở nên thực tế hơn. Nhưng liệu có thật không? Để tìm ra câu trả lời, đầu tiên chúng ta phải hiểu rõ điều gì đang diễn ra khi chúng ta nhận ra một gương mặt giống nhau.
Ví dụ như trường hợp gây ảo giác về Bill Clinton và Al Gore từng được lan truyền trên internet trước khi họ tái đắc cử năm 1997. Đó là bức ảnh chụp hai người đàn ông không nổi bật gì đứng cạnh nhau.
- Xem thêm: Những chuyện khó tin về nụ hôn
Nhưng khi quan sát gần hơn, bạn có thể thấy những chi tiết ẩn sâu bên trong gương mặt Al Gore – như mắt, mũi, miệng – đã bị thay thế bằng các chi tiết của Clinton.
Thậm chí không tính tới các chi tiết này, cấu trúc gương mặt cơ bản nguyên vẹn của Al Gore trông hoàn toàn bình thường.
Đó là minh chứng đáng suy gẫm về cách thức não bộ con người lưu trữ hình ảnh gương mặt – dường như là giống tấm bản đồ hơn là hình ảnh.
Ví dụ như khi bạn bất ngờ gặp người bạn trên đường, não bộ lập tức nhận diện các đặc điểm của người này – như là đường ngôi tóc, màu da – một cách riêng lẽ tựa như nhận diện Ý chỉ qua hình dáng của nước này.
Nhưng sẽ thế nào nếu họ vừa cắt tóc? Hay nếu họ trang điểm? Để đảm bảo các đặc điểm có thể nhận ra dù trong hoàn cảnh nào, não bộ sử dụng một khu vực được gọi là vùng nếp cuộn hình thoi (khu vực hoạt động nhận biết gương mặt người) để kết nối mọi mảnh rời rạc lại với nhau.
Nếu so sánh việc nhận dạng với việc tìm ra một quốc gia trên bản đồ, thì khá giống với lúc bạn tìm xem quốc gia đó có đường biên giới với, ví dụ như Pháp và một đường bờ biển.
Tóm lại, đó là cách để nhận ra bạn bè chính xác hơn so với việc chỉ nhận diện đặc điểm của họ một cách rời rạc. Điều quan trọng là chính điều này cũng làm giảm đi sự quan trọng của các chi tiết tinh tế hơn.
Nick Fieller, chuyên gia phân tích số liệu thống kê trong dự án “Nhận diện gương mặt với sự hỗ trợ của máy tính”, bình luận: “Đa số mọi người tập trung vào những đặc điểm hời hợt bên ngoài như cách rẽ ngôi tóc, kiểu tóc, lông mày”.
Các nghiên cứu khác cũng cho thấy chúng ta thường nhìn vào mặt người khác theo trình tự mắt, miệng và mũi.
Vì thế, đây chỉ là vấn đề tìm hiểu xem liệu có khả năng có ai đó là phiên bản giống bạn không. Winrich Freiwald, nhà nghiên cứu về nhận diện gương mặt Đại học Rockefeller, phát biểu: “Thực ra, trên thế giới chỉ có chừng đó bộ gien quy định hình dáng gương mặt cho nên chắc chắn là có khả năng xảy ra”.
Còn Nick Fieller nhận xét: “Với ai đó có một gương mặt “bình thường” thì có lẽ không mấy khó khăn để tìm ra một người giống họ”.
Hãy thử giả định ta có một người đàn ông tóc vàng, mắt nâu, và mũi khá to, gương mặt tròn và râu rậm. Để tìm hiểu xem mức độ phổ biến của nhiều đặc tính như vậy thì khó có thể thấy, nhưng Nick Fieller tìm thấy một bước khởi đầu đầy hứa hẹn: 55% dân số toàn cầu có mắt nâu.
Trong khi đó, cứ 10 người lại có một người có mặt tròn – theo nghiên cứu do một công ty mỹ phẩm thực hiện. Sau đó đến mũi.
Một nghiên cứu dựa trên các bức ảnh chụp ở châu Âu và Israel cho thấy kiểu mũi to là phổ biến nhất (chiếm 24,2%).
- Xem thêm: Những bộ phim sinh đôi ở Hollywood
Theo quan điểm của Nick Fieller, đó cũng là kiểu mũi kém hấp dẫn nhất. Cuối cùng – có bao nhiêu màu tóc trên đời? Nếu bạn thấy câu hỏi này quá tầm phào để làm nghiên cứu thì bạn đã nhầm.
Trong số 24.300 người tham gia một khảo sát ở công viên chủ đề Florida, 82% đàn ông có kiểu tóc ngắn còn màu tóc vàng tự nhiên, chỉ chiếm khoảng 2%.
Được mô tả là “thủ đô để râu” của thế giới, ở Anh hầu hết mọi đàn ông đều để một kiểu râu nào đó và gần như cứ sáu người lại có một người để râu quai nón.
Một phép tính đơn giản (đàn ông x mắt nâu x tóc vàng x mặt tròn x mũi to x tóc ngắn x râu quai nón) cho ra kết quả là khả năng một người sở hữu tất cả các đặc điểm trên chỉ là tỷ lệ một người trên 100.000 người (tương đương 0,00001020%).
Điều này khiến nhân vật tưởng tượng của chúng ta có ít nhất là 74.000 người giống ông ta. Tất nhiên rất nhiều trong số các tỷ lệ trên không phải toàn cầu, vì thế tỷ lệ này rất không chính xác. Nhưng nếu dựa vào số người trông giống với nhưng người nổi tiếng thì ta thấy con số này không phải là hiếm hoi.
Nhân vật Neil Douglas của chúng ta nói: “Sau khi bức ảnh được lan truyền khắp nơi, tôi nghĩ có lẽ có cả một đội quân nho nhỏ những người trông giống tôi”.
Có thể hầu hết chúng ta đều có một ai đó giống mình trên đời – nhưng có phải với tất cả mọi người không?
David Aldous nhận định: “Có sự khác biệt rất lớn giữa việc đôi khi may mắn và luôn luôn may mắn”. Thêm vào đó, quan niệm gương mặt giống nhau rất mang tính chủ quan.
Vài người gặp rắc rối khi phải nhận diện chính họ trong ảnh, trong khi có người lại hiếm khi quên một gương mặt. Và, cách mà chúng ta nhận diện sự giống nhau bị tác động rất nhiều từ sự quen thuộc.
Francois Brunelle phân tích: “Một số người trông rất giống nhau khi họ ở gần nhau, nhưng họ lại thấy là “Không, tôi không thấy giống. Thực sự, tôi không thấy vậy”. Với những người khác thì hai người đó rõ ràng là rất giống nhau, cho nên khi nghe họ chối bỏ thì ta thấy có vẻ như họ hơi điên điên”. Thậm chí như vậy, Nick Fieller nghĩ vẫn có cơ hội nào đó để tìm ra người giống mình.
Friewald đồng ý: “Tôi nghĩ hầu hết mọi người đều có ai đó có gương mặt hơi giống nếu họ không quá khác biệt và có gương mặt bất bình thường.
Tôi nghĩ là trong kỷ nguyên kỹ thuật số mà chúng ta đang bước vào, vào lúc nào đó chúng ta sẽ biết vì sẽ có ảnh của gần như tất cả mọi người trên internet. Vậy tại sao chúng ta lại quá hứng thú với việc này?
Bởi vì nếu bất ngờ gặp ai đó giống mình, bạn ngay lập tức cảm thấy gắn bó vì hai người cùng có điểm chung”.
Brunelle đã nhận được sự thích thú từ hàng ngàn người đang tìm kiếm người giống họ, đặc biệt là từ Trung Quốc – mà ông cho là bởi chính sách một con.
Kết quả nghiên cứu cho thấy chúng ta đánh giá những người giống mình là đáng tin cậy và hấp dẫn hơn – một thông tin vẫn được cho là có liên quan kết quả bỏ phiếu khi ta đi bầu cử.
Điều này có thể sâu xa là bắt nguồn từ quá khứ tiến hóa của con người, khi sự giống nhau trên gương mặt là chỉ dấu hữu ích về sự thân thích. Ngày nay, trong thế giới toàn cầu hóa, điều này không còn đúng nữa.
Lavinia Paternoster, nhà di truyền học Đại học Bristol, nói: “Hoàn toàn có thể xảy ra trường hợp có hai người với các đặc điểm nhận dạng gương mặt giống nhau nhưng ADN của họ thì cũng chẳng giống nhau gì hơn nếu so với ADN của bất kỳ ai khác”.
Và trước khi bạn quá hào hứng về việc tráo đổi cuộc đời với “người sinh đôi” kia, chẳng có gì đảm bảo hai người có bất cứ đặc điểm thể chất nào giống nhau cả.
Neil Douglas thừa nhận: “Vâng, tôi cao 1,7m còn anh ấy cao 1,92m… vì thế giống nhau chỉ mỗi gương mặt”.