“Việt Nam có thể bị kẹt ở bẫy giá trị gia tăng thấp do không phát triển các chức năng có giá trị cao” – đó là khuyến nghị mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB) nhân dịp tổ chức này công bố hai báo cáo: Việt Nam trước ngã rẽ – Tham gia chuỗi giá trị toàn cầu thế hệ mới và Nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài”.
Theo báo cáo, Việt Nam đã là một trong những quốc gia có tỷ lệ xuất nhập khẩu trên GDP thuộc mức cao nhất và đang trở thành một trong những nền kinh tế mở cửa nhất về thương mại với thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam mới chỉ chuyên sâu vào các hoạt động sản xuất ở công đoạn cuối cùng, đem lại giá trị gia tăng thấp và kết nối với trong nước còn yếu. Hiện nay, doanh nghiệp Việt đang phải đối mặt với sức ép từ hai phía: các thị trường cung ứng giá rẻ như Campuchia, Bangladesh, Indonesia,… và thứ hai là người máy, tự động hóa. Do đó, để bước lên nấc thang cao hơn Việt Nam phải có cải cách toàn diện dựa trên ba trụ cột: đẩy mạnh kết nối, cải cách môi trường kinh doanh và đẩy mạnh công nghệ đổi mới sáng tạo.
Trong những năm qua, Việt Nam đã ban hành rất nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, qua khảo sát 28 chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, báo cáo của Ngân hàng Thế giới đã chỉ ra rằng chỉ có tám chương trình trong số này lấy SME làm trọng tâm, còn lại các chính sách đều mang tính chung chung và không thực sự hướng tới đúng đối tượng. Sự tham gia của khu vực tư nhân trong các chương trình hỗ trợ này cũng còn ít và chủ yếu tập trung vào hỗ trợ tín dụng. Báo cáo của WB cũng chỉ ra rằng, nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp rơi vào tình trạng lỗi thời ngay khi vừa ban hành do quá trình xây dựng quá dài. Điển hình như các Chương trình Đổi mới công nghệ Quốc gia đến năm 2020, Chương trình Phát triển công nghệ cao Quốc gia và Chương trình phát triển sản phẩm Quốc gia đã phải mất đến ba năm để được phê duyệt. Với những thay đổi nhanh chóng của SME, thời gian trễ dài đồng nghĩa với việc các chính sách này không còn phản ánh được nhu cầu thay đổi của doanh nghiệp.
Một điểm yếu nữa của các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp của Việt Nam chính là sự chồng chéo giữa các chương trình của các Bộ. Ví dụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có một dự án đổi mới, trong khi Bộ Khoa học và Công nghệ có các dự án đổi mới khác. Ngoài ra, còn có sự chồng chéo trong các chương trình liên quan đến thông tin, như Bộ Công thương có Cổng Thông tin thị trường nước ngoài, Bộ Khoa học và Công nghệ có chương trình Techmart, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có Cổng thông tin doanh nghiệp riêng, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin thuộc Bộ Công thương có Cổng thương mại điện tử… Mặc dù mục tiêu và đối tượng mục tiêu của các trang web thông tin này có thể khác nhau, nhưng có những điểm tương đồng trong thông tin được cung cấp.
Đánh giá về những phát hiện trong báo cáo của WB, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương, thừa nhận hệ thống đòn bẩy chính sách của Việt Nam hiện nay có hai điểm yếu, đó là quá chung chung, không có mục tiêu cụ thể và cơ quan nhà nước tư duy theo hướng phân mảnh, thiếu tính kết nối theo chuỗi. Theo đó, ông Hiếu cho rằng Việt Nam phải xây dựng lại toàn bộ hệ thống đòn bẩy chính sách chứ không thể chỉ “chỉnh trang”.
Các chính sách hỗ trợ phải thay đổi tư duy và hỗ trợ rất cụ thể. Hiện tại các khóa học hỗ trợ đổi mới sáng tạo và đào tạo lực lượng lao động đều rất chung chung và vô bổ. Trong khi báo cáo của WB chỉ ra nguồn nhân lực Việt Nam đang thiếu hai kỹ năng đó là quản lý, điều hành và giao tiếp với đối tác. Do đó, các chương trình đào tạo phải rất cụ thể và đáp ứng đúng nhu cầu của người lao động. Tuy Nhà nước không thể thay doanh nghiệp làm công việc đào tạo này nhưng có thể hỗ trợ về chính sách để khuyến khích doanh nghiệp đào tạo.