Không phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp, nhưng những người nổi tiếng như nữ ca sĩ Madonna, nguyên tổng thống Mỹ Barack Obama hay diễn viên Ashton Kutcher… đều xây dựng nền tảng tài chính bền vững bằng cách đầu tư, cụ thể là đầu tư cổ phiếu. Tất nhiên, con đường đầu tư của họ không giống nhau. Tổng hợp những ghi nhận từ trang website chuyên về đầu tư Gobankingrates.com, dưới đây là ba bài học đầu tư thú vị từ những người nổi tiếng.
Ashton Kutcher: Đầu tư vào công ty tạo ra hạnh phúc
Ông thành công trong lĩnh vực người mẫu và diễn viên, với hàng loạt vai diễn lớn trong các bộ phim nổi tiếng như That’70s Show, Guess Who, Jobs (bộ phim kể về Steve Jobs), Two and a Half Men… Ở tuổi 39, Ashton Kutcher hiện còn được biết đến như một chuyên gia đầu tư vào những công ty khởi nghiệp, khi ông sở hữu danh mục đầu tư trị giá khoảng 250 triệu USD với cổ phần từ những công ty khởi nghiệp thành công như Spotify, Uber, Foursquare, Airbnb, Facebook, Twitter… (theo Celebrity Net Worth).
Chia sẻ về bí quyết thành công của một nhà đầu tư tay ngang trong một phân khúc đầu tư được xem là rủi ro nhất hiện nay (trung bình ở Mỹ, tỷ lệ thất bại của một công ty khởi nghiệp là hơn 80%), Ashton Kutcher nói về nguyên tắc chủ đạo của mình, đó là không bỏ cuộc và hướng vào sự hạnh phúc.
“Đầu tiên, đừng bao giờ bỏ cuộc. Tôi có thất bại trong đầu tư hay không ư? Tất nhiên, và nó khá nhiều. Tôi có thể kể đến các vụ đầu tư tồi tệ như Ooma hay Fashism… Thứ hai, đó là hãy tìm các công ty tạo ra sự hạnh phúc. Tôi nhận ra các công ty thành công cuối cùng là những tổ chức làm tốt nhất vai trò của họ, tức là tạo ra hạnh phúc cho người tiêu dùng. Vì thế, nếu bạn đầu tư vào một công ty đang giúp mọi người có được tình yêu, sức khỏe, hoặc tình bạn… thì tiền bạc rồi sẽ theo đuổi bạn” – Ashton Kutcher chia sẻ.
Madonna: Bắt đầu với những gì mình yêu thích
Sở hữu khối tài sản ước tính hơn 800 triệu USD, Madonna được biết đến với danh xưng nữ hoàng nhạc pop, với vô số giải thưởng về âm nhạc. Thế nhưng ít người biết, Madonna còn là một nhà đầu tư khá mát tay.
Cụ thể, năm 2010, Madonna đầu tư 1,5 triệu USD vào Vita Coco, một công ty sản xuất nước dừa, đang tìm cách phân phối sản phẩm tới nhiều cửa hàng tiện ích hơn. Theo các chuyên gia đầu tư, đây là một quyết định khôn ngoan của nữ siêu sao nhạc pop. Bởi hiện tại, Vita Coco đang chuẩn bị cán mốc doanh thu 1 tỉ USD, đã xuất hiện trên 30 quốc gia cùng hàng loạt sản phẩm mới chuẩn bị được tung ra thị trường (theo ghi nhận của trang Bloomberg).
Michelle Smith, chuyên gia tài chính người Mỹ, lý giải trên trang Gobankingrates.com: “Cách đầu tư của Madonna, rất đơn giản, đó là đầu tư vào những gì cô hiểu rõ và đánh giá cao. Theo đó Madonna đã uống nước dừa Vita Coco gần như mỗi ngày trong thời gian cô lưu diễn vòng quanh thế giới. Cô thích hương vị của nó, đánh giá cao giá trị nó mang lại, dựa vào đó tìm hiểu sâu hơn về công ty này, trước khi quyết định rót vốn đầu tư, và thành công”.
Barack Obama: Đầu tư không phải trò chơi của cảm xúc
Giới phân tích ước tính tổng giá trị tài sản của ông Barack Obama sau khi hết hai nhiệm kỳ tổng thống Mỹ là khoảng 40 triệu USD. Khi phân tích danh mục đầu tư của ông Obama, các chuyên gia nhận thấy một điểm rất kỳ lạ, dù trong nhiệm kỳ làm tổng thống của mình, ông luôn cố gắng thắt chặt việc sử dụng súng đạn ở Mỹ, nhưng trong danh mục đầu tư của ông lại có cổ phiếu của Smith & Wesson, một công ty chuyên sản xuất súng đạn, có doanh thu ròng năm 2016 đạt 722,91 triệu USD (theo Reuters).
“Đôi khi trong đầu tư, bạn không được làm điều mình thích, dù bạn có là tổng thống đi nữa” – Douglas Ehrman, chuyên gia tài chính với hơn 15 năm kinh nghiệm, bình luận.
Theo đó, trong đầu tư, có thể chúng ta bắt đầu tìm hiểu một cổ phiếu vì yêu thích nó, như Madonna với Vita Coco, nhưng khi chính thức gia nhập cuộc chơi, đó lại là một câu chuyện của lợi nhuận, tiền bạc, của những con số khô khan, chứ không phải là nơi giúp chúng ta thỏa mãn cảm xúc của mình.
Trong suốt sự nghiệp đầu tư, Douglas Ehrman đã chứng kiến rất nhiều nhà đầu tư có kinh nghiệm, tài năng, nhưng thường nhận về những khoản lỗ chỉ bởi họ quá yêu quý hoặc quá ghét bỏ một công ty nào đó. Vì cảm xúc cá nhân, họ đã bỏ qua những cơ hội đầu tư tốt hay nhận những rủi ro không đáng có.
“Hãy tỉnh táo. Đừng vì quá yêu thích chiếc điện thoại thông minh của bạn mà nghĩ rằng cổ phiếu của công ty đó là một khoản đầu tư tốt trong mọi trường hợp. Để tránh rủi ro, hãy đưa một số quy tắc quản lý danh mục đầu vào và đầu ra thật cụ thể. Nếu một cổ phiếu đã không thể cứu vãn và đang kéo danh mục đầu tư của bạn đi xuống, nó cần được thay thế. Yêu là để hiểu, chứ đừng trở nên mù quáng. Nhà đầu tư thành công là người phải luôn điều khiển được cảm xúc của mình” – Douglas Ehrman kết luận.
- Tuấn Thành