Gần đến Tết năm ấy, chúng tôi có việc phải bay sang châu Mỹ. Hồi đó, giữa Việt Nam và Hoa Kỳ chưa bình thường hóa quan hệ giữa hai nước dù chiến tranh kết thúc đã lâu. Một nhóm nghị sĩ Mỹ thuộc hai đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa gợi ý với ta, nên tổ chức vài cuộc họp bàn tròn giữa các đoàn nghị sĩ của hai nước nhằm hiểu rõ hơn quan điểm của nhau, góp phần tìm giải pháp, và riêng đối với họ việc ấy còn là cái cớ để tạo thêm sức ép lên chính phủ đang cầm quyền. Hai cuộc họp dự kiến sẽ được tổ chức tại hai nước, một châu Mỹ, một châu Á, không dính líu đến cuộc chiến tranh do Mỹ gây nên tại Việt Nam.
Cuộc họp đầu, theo gợi ý của bạn, sẽ là thủ đô Kingston của Jamaica, một đảo quốc sử dụng tiếng Anh trong vùng biển Caribê (Caribbean) cách Cuba chừng 90 dặm (150km) về phía Nam. Jamaica tiếng địa phương có nghĩa là “Vùng đất của những con suối” – những con suối ngàn giữa đại dương xanh! Cuộc họp thứ hai sẽ làm ở đâu do đoàn Việt Nam đề xuất.
Đối với chúng ta, hành trình từ Hà Nội sang Kingston dài nửa vòng trái đất, khá vất vả, tốn kém nhưng đây là việc lớn và cũng là dịp để chúng ta tỏ bày thiện chí cho nên không khước từ. Oái ăm sao, cuộc gặp mặt dự kiến lại diễn ra vào ngày ba mươi Tết âm lịch, vào lúc người Việt Nam ta “giao” năm cũ “thừa” năm mới. Đường hàng không Việt Nam thời đó đâu đã đàng hoàng sãi cánh bốn phương như ngày nay. Vietnam Airlines chỉ đưa đoàn sang Bangkok trên chiếc máy bay Airbus 320 nhỏ xíu, từ đây đoàn đáp máy bay Thái hoặc Singapore đi tiếp sang sân bay Heathrow London, đến đó lại phải đổi ga, chuyển tới phi trường Gatwit cũng của thủ đô Anh mới có thể băng qua Đại Tây Dương sang Trung Mỹ.
Mùa đông năm ấy, nhiều nước Tây và Bắc Âu chịu mấy đợt rét đậm liên tiếp và kéo dài. Thành phố London nhiều ngày đêm như được khóa bộ áo tuyết. Đoàn Việt Nam gồm 5 đại biểu và mấy cán bộ, trong đó có hai đại biểu là thành viên Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội. Khi chúng tôi hạ cánh, sân bay Heathrow đã kẹt cứng người, gồm khách khởi hành từ đây cùng hành khách quá cảnh, thế nhưng đã mấy giờ qua không một máy bay nào cất cánh.
Chúng tôi chuyển từ Heathrow sang Gatwit bằng xe buýt của nhà ga, đến đây lại chờ. Hàng không dân dụng Anh hiện đại là thế, những cỗ xe xúc tuyết công suất lớn, những vòi nước to đùng cùng những cỗ máy rửa đường liên tục hoạt động, vậy mà dưới những trận gió tuyết ào ào vẫn không sao tạo đủ điều kiện cho máy bay cất cánh an toàn. Hành khách các chuyến bay từ những nơi khác đến Gatwit dồn lại mỗi lúc một đông hơn.
Ngoài trời, tuyết rơi gió rét mà bên trong, các sảnh, các quầy, mọi lối đi đều oi nồng ngột ngạt hơi người tứ xứ. Hành khách tự dồn ép nhau trong toà nhà lớn cửa đóng kín, lẽ đương nhiên cũng như tất cả mọi ngày vẫn có máy điều hòa không khí, có hệ thống thông gió chạy hết công suất, thế mà lúc này đến đâu cũng cảm thấy nóng hầm hập, chen lấn những người và người cùng đủ thứ hành trang lủng củng.
Đến dãy mấy phòng khách khá sang dành riêng cho các VIP, bình thường thoải mái vì ít khi quá tải hôm nay vẫn không đủ ghế ngồi. Sau những ngày căng thẳng bởi công việc cuối năm, một đêm ngủ gà ngủ gật trên máy bay và một ngày vật vờ trong không gian thiếu khí trời, tôi bị mệt, huyết áp tăng, được dẫn vào một phòng nhỏ có kê chiếc giường đơn, chắc dành cho nhân viên phục vụ, nằm nghỉ một lát và ngủ thiếp không biết từ lúc nào.
Rồi cũng đến lúc tiếng loa nhà ga đột ngột thông báo, hành khách chuyến bay… chuẩn bị nhanh chóng lên máy bay tiếp tục cuộc hành trình vượt Đại Tây Dương. Lúc này, hình như đã quá nửa đêm, nhiệt độ ngoài trời càng thấp, gió tuyết thêm lộng hành. Đại sứ ta tại London vốn là một người bạn cùng quê, ra sân bay đón đoàn từ chiều và vì đường đi ngập tuyết đã nán lại chờ đến lúc tiễn đoàn, gợi ý tôi nên nghỉ lại London một hôm, chờ sức khỏe ổn định trở lại và thời tiết khá hơn một ít như đài khí tượng dự báo, sẽ đi tiếp chuyến bay hôm sau. Các vị trong đoàn cũng khuyên tôi nên nghỉ lại đây, vì chặng đường tới từ London đến Kingston giữa miền Trung châu Mỹ khá xa.
Tôi lên xe của đại sứ về nghỉ tạm tại nhà anh. Sực nhớ hôm nay đã là 29 tháng chạp âm lịch, tính thêm chênh lệch múi giờ thì tại Hà Nội lúc này gần như đã vào Tết. Vậy là ngẫu nhiên và cũng là may mắn cho tôi được dự một bữa liên hoan cuối năm cùng toàn thể anh chị em không chỉ làm việc ở sứ quán mà còn tại nhiều tổ chức, cơ quan khác của ta ở thủ đô London, kèm các cháu lớn nhỏ rối rít đi cùng bố mẹ. Sau mấy câu chúc mừng ngắn gọn của ban tổ chức, mọi người cùng dự bữa cơm tất niên nơi xa xứ, mà thực đơn vẫn có gần đủ các món cổ truyền mang hương vị quê nhà. Có điều bánh chưng xanh do kiều bào ta mang đến làm quà Tết không gói bằng lá dong hay lá chuối mà được bọc giấy bóng kính xanh. Thịt mỡ, dưa hành đều có cả. Thay vào câu đối đỏ là mấy chữ “Chúc mừng năm mới” trên nền lụa thắm. Bầu không khí hôm nay nơi xa xứ ấm cùng và thân thương lạ thường.
Sau buổi liên hoan, mấy anh bạn dắt tôi lội tuyết từ trụ sở Đại sứ quán về nơi nghỉ, cách nhau chỉ có mỗi đoạn đường, nhưng anh em lo ông khách có thể chưa quen đi bộ trên những lối đi ngập tuyết, đã cử một anh thanh niên khỏe mạnh cặp kè sát nách tôi. Ngôi nhà cổng có gắn tấm biển đồng đề “Tư dinh Đại sứ”, trên thực tế là một khu nhà tập thể, bởi ngoài gia đình vị đại sứ còn thêm mấy gia đình nữa của cán bộ cùng cơ quan. Không có phòng dành cho khách, tôi nghỉ qua đêm trên tầng thượng, nơi không lắp dặt đường dẫn khí ấm, dù được một anh bạn mang từ nhà lên cho mượn một chiếc máy sưởi điện, tôi vẫn được trải nghiệm đầy đủ cái giá rét đêm đông nơi thành phố sương mù.
Chiều hôm sau, chiều 30 Tết, sứ quán ta lại tổ chức cuộc gặp mặt đông hơn với kiều bào. Lại một cảnh ấm áp và xúc động nữa. Có lẽ ngoài tôi ra không mấy ai nhớ hay chẳng buồn quan tâm, lúc này ngoài kia càng về chiều gió lạnh càng hun hút và tuyết trắng càng rơi dày. Tôi có dịp làm quen với một số kiều bào ta, và đặc biệt ngỡ ngàng khi gặp lại nghị sĩ Anh Chris Mulin, lần này đi cùng người vợ Việt Nam. Hai ông bà cẩn thận đẩy vào sứ quán chiếc xe nôi bên trong là cháu bé đầu lòng mấy tháng tuổi ngủ ngon lành dưới đống chăn dày, chỉ hé lộ một phần khuôn mặt đỏ hỏn. Mùa hè năm ngoái, nhân có chuyến sang làm việc với Đài BBC, tôi có dịp tiếp xúc một số nghị sĩ trong Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Anh-Việt tại Điện Westminter, trong số đó có ông Chris Mullin xuất thân nhà báo từng sống và làm việc tại Sài Gòn trước năm 1975, khá thông thuộc tình hình và có cảm tình với nhân dân ta, tác giả cuốn tiểu thuyết Người cuối cùng rời khỏi Sài Gòn. Thế này sao ta dám gọi Tết tha phương? Tôi cảm thấy mấy từ khuôn sáo xa xưa ấy, trong cuộc sống ngày nay không hề da diết như mường tượng của mình qua tác động của văn chương từ thuở ấu thơ, mà trên thực tế ấm áp chan hòa nghĩa tình bạn hữu, đồng nghiệp, đồng bào…
Ngày đầu năm mới, cán bộ các cơ quan ta nghỉ việc, hai anh bạn ưu ái lái xe cho tôi đi một vòng thăm thăm mấy phố ở thủ đô London. Lúc đi ngang qua cạnh Công viên Hyde Park, một anh hỏi: “Anh có muốn ghé vào viếng cụ Các Mác?”. Trời! Một dịp may hiếm có. Vậy mà sao tôi lại ngớ ngẩn không tự mình nghĩ ra, khi anh bạn hỏi dọc đường có muốn xuống xe thả bộ mươi phút ở một nơi nào. Cũng như mọi thứ trong cái công viên danh tiếng nhất London lúc này, các tượng đài danh nhân cái nào cũng khá đồ sộ nhưng từ xa nhìn vào chỉ thấy những đống hay những cột tuyết trắng tùy thuộc đó là tượng cả người hay bán thân. Tới gần hơn một ít thì kỳ lạ thay, tôi nhận rõ giữa biển tuyết, đế và thân các bức tượng đồng hoặc tượng đá không còn nguyên dạng cho mình ngắm, trừ các khuôn mặt lộ thiên, như thể tuyết không dám đọng lại chỗ uy nghiêm nhất của các tượng đài. Nơi vốn là diễn đàn tự do bất kỳ ai muốn diễn thuyết bất cứ lúc nào và lúc nào cũng có những người chăm chú đứng nghe, hôm nay lạnh ngắt, tôi biết là nhờ anh bạn cùng đi đưa tay chỉ và giảng cho nghe.
- Xem thêm: Tết Sài Gòn trăm năm trước ra sao?
Dù mải mê với Tết, tôi làm sao dám không nghĩ tới công việc đang làm? Tuy nhiên, đúng như lời bạn tôi tính, lúc này nếu mình tôi bay tiếp sang Jamaica thì khi tới nơi cuộc họp bàn tròn ở đấy đã kết thúc, và theo kế hoạch các vị trong đoàn ta cũng đã chuẩn bị ra sân bay trở về nước kịp vui Tết với người thân. Đành nhờ anh em đổi vé máy bay, cho tôi quay lại thủ đô Bangkok nước Thái láng giềng gần gũi ngay trong đêm nay, ngày hôm sau vui Tết với anh em ta tại sứ quán một chốc rồi nối chuyến về Hà Nội, chắc vẫn kịp hưởng bầu không khí Tết cổ truyền cùng với gia đình nơi quê cha đất Tổ…
Quả đúng như tôi dự cảm, trong khuôn viên quen thuộc của đại sứ quán ta tại Bangkok, nhiều anh em đang tất bật căng căn nhà bạt lớn giữa khoảng trống trong vườn ngày thường hình như là cái sân chơi quần vợt. Cuộc gặp mặt mừng xuân tối nay tại Bangkok quy mô hoành tráng hơn bữa liên hoan cuối năm ở London nhiều. Không chỉ đông đảo Việt kiều làm ăn sinh sống tại thủ đô nước Thái, mà còn có nhiều đoàn đại biểu từ các tỉnh xa về cùng vui Tết cổ truyền dân tộc. Và, như mọi người đều biết, nói về thời tiết, vào cữ này, Tết ở Bangkok đâu có khác chi Tết tại Thành phố Hồ Chí Minh! Tôi vẫn chưa lại hẳn người sau mấy chuyến bay xa liên tiếp, tối hôm ấy chỉ nhìn ngó một lát lúc mở đầu rồi lặng lẽ rút về phòng riêng nghỉ. Nửa chừng thức giấc, đêm lúc này chắc đã khá muộn mà từ bên ngoài vẫn vọng lại tiếng nhạc, tiếng đàn, lời ca cùng những tràng pháo vỗ tay và tiếng reo hò của những người xa nhà cùng nhau vui Tết đón xuân.
Quảng cảnh thế này, sao ta dám gọi Tết tha phương?