Có thể nói vui Tết là một trong những phong tục truyền thống lâu đời nhất của người Việt chúng ta và đến nay vẫn còn giữ được những nét chính do cha ông truyền lại. Riêng về nền quân chủ ở Việt Nam, dù không còn tồn tại nữa, song những ngày Tết cung đình từ thế kỷ XIX trở về trước vẫn còn tạo được nhiều ấn tượng đậm nét trong lòng người đọc sử hôm nay.
Một trong những sử liệu lâu đời nhất của Việt Nam đề cập đến ngày Tết cung đình là bộ An Nam Chí Lược do Lê Tắc soạn trong thời gian lưu vong trên đất Trung Quốc, vào khoảng nửa đầu thế kỷ XIV, tương ứng với triều đại nhà Trần ở Đại Việt. Nếu chỉ xét về giá trị học thuật thì An Nam Chí Lược là bộ sử lâu đời nhất của nước ta, với nhiều sử liệu quý giá cho người cần tìm hiểu xã hội Đại Việt từ thế kỷ XIV trở về trước.
Cũng chính trong tác phẩm này, Lê Tắc là người đầu tiên miêu tả một cách chi tiết và khá thú vị về ngày Tết dưới thời Trần. Trong quyển 1, chương Phong Tục, ông đã viết: “Thường năm, trước lễ Tết hai ngày, vua đi xe ngự dụng, các quan tùy tùng đều mặc triều phục hầu đạo tiền, tế điện Đế Thích. Ngày 30 Tết, vua ngồi giữa cửa Đoan củng, các bề tôi đều làm lễ, lễ rồi, xem các con hát múa trăm lối. Tối lại qua cung Động Nhân, bái yết Tiên vương. Đêm ấy, đoàn thầy tu vào nội làm lễ “Khu Na” (đuổi tà ma quỉ mị). Dân gian thì mở cửa đốt pháo tre, cỗ bàn trà rượu cúng tổ. Con trai, con gái nhà nghèo, không có người mai dong để làm hôn lễ thì tự mình phối hợp với nhau.
Ngày Nguyên Đán, vào khoảng canh năm, vua ngồi trên điện Vĩnh Thọ, các tôn tử (con cháu nhà vua), các quan cận thần làm lễ hạ trước, rồi vào cung Trường Xuân, vọng bái các lăng tổ. Buổi sáng sớm, vua ngồi trên điện Thiên An, các phi tần sắp lớp ngồi, các quan trong nội đứng lộn xộn trước điện, đánh thổi các bài ca nhạc trước đại đình. Con cháu nhà vua và bề tôi sắp hàng bái hạ, ba lần rót rượu dâng lên. Xong các tôn tử lên điện chầu và dự yến. Các quan nội thần ngồi tiểu điện phía Tây, các quan ngoại thần ngồi hai bên tả, hữu vu, ăn tiệc, đến trưa lần lượt đi ra….
Ngày mồng hai Tết, các quan đều làm lễ riêng ở nhà. Ngày mồng ba Tết, vua ngồi trên gác Đại Hưng, xem các tôn tử và các quan nội cung đánh quả bóng (quả cầu thêu), hễ bắt được mà không rơi xuống đất là thắng.
Mồng năm Tết, lễ khai hạ, ăn yến xong thì để quan và dân lễ các chùa miếu, và du ngoạn các vườn hoa. Đêm nguyên tiêu (rằm tháng giêng), trồng những cây đèn ở giữa sân rộng, gọi là đèn Quảng Chiếu, thắp đến mấy vạn ngọn, sáng rực cả trên trời dưới đất, thầy tu đi quanh tụng kinh Phật, các quan liêu lễ bái, gọi là “chầu đèn” (triều đăng)”. (Sách đã dẫn – Viện Đại học Huế – 1961 – trang 45-46).
Đó là phong tục Tết xưa nhất trên đất nước ta.
Sang đến thời Lê-Trịnh, vào các thế kỷ XVII-XVIII, với một vua Lê ngồi làm vì, mọi quyền hành điều khiển chính sự đều nằm trong tay các chúa Trịnh, lễ Tết trong cung đình mang một sắc thái mới mẻ. Theo học giả Phan Huy Chú, tác giả bộ Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí, sáng ngày mùng một Tết, theo lệnh chúa Trịnh, quan Tiết chế (chức vụ này do người con trưởng chúa Trịnh nắm giữ) hướng dẫn các quan văn võ mặc phẩm phục vào chầu mừng nhà vua.
Vua Lê ngự giữa điện Kính Thiên, Tiết chế phủ đứng ở phía Đông sân rồng, các quan văn võ đứng hai bên sân rồng. Phần chủ yếu trong nghi lễ là phần các quan quì xuống nghe viên quan Đại trí từ đọc tờ biểu của Tiết chế phủ, đại ý: ”Khâm sai tiết chế thủy bộ chư doanh tên là… cùng công hầu bá và các quan văn võ, vâng chỉ của chúa, kính cẩn vâng lời: nay gặp tiết chính Nguyên đán, chúng tôi kính nghĩ rằng Hoàng đế Bệ hạ kính chịu mệnh Trời, sáng cầm nghiệp lớn, gặp ngày chính đán, thêm hưởng phúc lành, chúng tôi khôn xiết vui mừng chúc tụng, kính chúc nhà vua sống lâu muôn năm” (Phan Huy Chú – sđd – Lễ nghi chí – NXB Khoa học-Xã hội – Hà Nội 1992 – trang 66-68).
Sau đó, quan truyền chế tuyên đọc tờ chế của vua với nội dung ngắn gọn “Hoàng thượng chế rằng: Phúc thịnh vượng hanh thông, với các ngươi cùng hưởng” (Hoàng thượng chế viết: Thái hanh chi khánh, dữ khanh đẳng đồng chi).
Sau nghi lễ chúc mừng năm mới tại cung điện vua Lê, Tiết chế phủ lại dẫn các quan đến phủ chúa để chúc mừng chúa Trịnh. Sáng mùng một Tết, chúa Trịnh đến hành lễ ở Thái miếu và Cung miếu rồi quay về phủ, ngồi trên sập rồng (long tọa) để bách quan lạy mừng. Xong nghi thức, chúa ban tiền thưởng xuân cho các quan từ nhất phẩm triều đình trở xuống và cho mọi người được dự yến. Tiệc yến xong, các quan làm lễ tạ ơn, chúa lui vào cung, Tiết chế phủ về phủ. Các quan lại sang phủ Tiết chế chúc mừng Thế tử. Đến đó thì nghi thức rườm ra ngày chính đán (mùng một Tết) mới kết thúc.
Giáo sĩ Pháp Alexandre de Rhodes từng sống ở Đàng Ngoài những năm 1627-1630, dưới thời vua Lê Thần Tông và chúa Trịnh Tráng, từng chứng kiến lễ Tết tại thành Thăng Long (thời đó gọi là Kẻ Chợ), có kể lại trong tác phẩm Histoire du Royaume de Tunquin (Lịch sử Vương quốc xứ Đàng Ngoài). Đọc Rhodes, chúng ta biết rằng ngoài những nghi thức trong ngày lễ chính đán, ngày mùng ba Tết, bách quan tề tựu tại cung điện để tháp tùng vua Lê và chúa Trịnh đi hành lễ ở một địa điểm ngoại thành. Vua ngồi trên ngai vàng do binh lính khiêng trên vai, còn chúa thì ngồi trên xe thếp vàng, theo sau là các Tiến sĩ, Cử nhân tại địa phương.
Khi đám rước dừng lại trên một cánh đồng ở ngoại thành, nơi nhiều người dân đã có mặt từ sớm để chờ giờ hành lễ, nhà vua bước xuống ngai, làm lễ tế Trời Đất, rồi đi xuống ruộng, tay cầm cày, mở một luống cày trên cánh đồng nhằm khuyến khích dân chúng siêng năng cày cấy để mùa màng tươi tốt, lúa gạo đầy sân. Ngày lễ trên gọi là lễ hạ điền.
Cuối thời Lê và dưới triều Nguyễn, còn có hai nghi thức quan trọng khác trước ngày Tết, đó là lễ tiến xuân ngưu và lễ hạp ấn. Hàng năm, vào tháng 11 âm lịch, Tư thiên giám (cơ quan coi về ngày tháng, thời tiết) xem lịch để biết tiết lập Xuân rơi vào ngày nào hầu thông báo bộ Công làm con trâu bằng đất để tiến hành lễ tiến xuân ngưu. Con trâu đất nặn xong trước ngày lập Xuân được đưa đến một đàn lập sẵn trong phạm vi kinh thành Thăng Long, quan Phủ Doãn và hai quan huyện Thọ Xương và Quảng Đức dùng cành dâu đánh vào con trâu đất rồi cho đem vào sân cung điện nhà vua để làm lễ tiến xuân ngưu. Vâng chỉ chúa Trịnh, bá quan văn võ mặc phẩm phục vào triều làm lễ. Mục đích của lễ tiến xuân ngưu nhằm tống khí lạnh, vì tháng 11 âm lịch là tháng Sửu, nên làm con trâu bằng đất, vì đất có công dụng ngăn nước.
Lễ hạp ấn diễn ra vào ngày 25 tháng chạp, quan giữ ấn của triều đình và ở các công đường cho lau rửa ấn thật sạch sẽ rồi bọc vải lụa cất kỹ, đợi sang năm mới sẽ mở ra sử dụng (khai ấn). Làm như thế không có nghĩa là mọi việc ở triều đình và các công sở đều bị đình chỉ hoàn toàn. Những nơi trên vẫn giải quyết các việc khẩn cấp và bất thường, có điều quyết định phải chờ đến sang năm mới đóng dấu. Ngày lễ chính đán, Tư Thiên giám chọn thời điểm tốt, khải lên chúa (với vua, dùng chữ “tấu”, với chúa, dùng chữ “khải”) để định ngày khai ấn, và sau đó yết lệnh cho mọi người biết.
Dưới triều Nguyễn, ngày Tết thời vua Gia Long được một chứng nhân đương thời là Michel Đức Chaigneau (con trai Jean Baptiste Chaigneau, người từng làm quan qua hai triều Gia Long, Minh Mạng với tên Việt là Nguyễn Văn Thắng) miêu tả trong tác phẩm Souvenirs de Hue (Những hồi ức về Huế) xuất bản năm 1867 tại Pháp. Theo Michel Đức, hàng năm, vua Gia Long có lệ tặng quà cho các quan đại thần. Quà thường gồm quần áo hay vải vóc dệt ở Trung Quốc, đựng trong hộp màu vàng, được quân lính dùng lọng che và mang đến tận nhà người nhận quà.
Trong mối quan hệ tốt đẹp giữa nhà vua và các giáo sĩ (không như dưới triều vua Minh Mạng), nhân dịp lễ Tết hàng năm, một Giám mục Pháp tên de Véren thường ngồi kiệu đến cung điện, biếu nhà vua hai chai nước thơm Eau de Cologne, và nhà vua tỏ ra ưa thích món quà này lắm. Sáng mồng một Tết, bá quan mặc phẩm phục đại triều, tập hợp ở cung điện, quan nhất phẩm đứng ở hàng đầu, quan nhị phẩm hàng thứ hai, theo thứ tự như thế cho đến người có phẩm cấp thấp nhất (thông thường là quan tứ, ngũ phẩm trở lên). Các quan quỳ xuống, chúc tụng nhà vua muôn tuổi (vạn tuế) rồi sau đó ai về nhà nấy.
Một năm sau khi Pháp thực sự chiếm lấy toàn cõi Việt Nam theo tinh thần hòa ước Giáp Thân 1884, vua Hàm Nghi xuất bôn mưu cuộc kháng chiến, chính quyền thực dân đã đưa ông hoàng Chánh Mông lên ngôi với niên hiệu Đồng Khánh, trong lúc giới sĩ phu và người dân yêu nước đang hướng về cuộc Cần Vương do cựu hoàng Hàm Nghi phát động. Người ta đồn rằng vua Đồng Khánh đang bị Pháp giam lỏng, là tù nhân của Pháp.
Tin đồn khiến cho các tướng lãnh và quan chức Pháp bối rối, sau khi cân nhắc kỹ, tướng Prudhomme, người chỉ huy quân Pháp tại Trung Kỳ, quyết định tổ chức cho nhà vua một chuyến diễu hành qua các đường phố Huế trong ngày Tết nguyên đán năm Bính Tuất, trùng vào ngày 4.2.1886. Một sĩ quan Pháp là đại úy Ch. Gosselin đã dành một phần khá dài trong tác phẩm L’empire d’Annam (Paris 1904) để miêu tả nhiều chi tiết thú vị về sự kiện này.
Lần đầu tiên trong ngày Tết cổ truyền, người dân nhìn thấy mặt rồng của tân quân, một điều mà trước vua Đồng Khánh, không ai dễ gì thấy được. Tổ chức sự kiện bất ngờ này, tướng Prudhomme làm được một lúc hai việc, một là đánh tan tin đồn rằng nhà vua đang bị cầm tù, hai là làm cho lòng người bớt hướng về cựu hoàng Hàm Nghi đang sống lang bạt dọc theo con sông Gianh từng chia cách đất nước dưới thời Trịnh-Nguyễn phân tranh.
• Tác giả là người viết nhiều sách liên quan tới sử học dạng khảo cứu.