Đã là người Đông Á, lẽ đương nhiên sẽ háo hức mỗi dịp Tết đến xuân về. Tuy Tết âm lịch là chung, nhưng mỗi quốc gia lại có một cách thức “tiễn đông, nghênh xuân” rất khác. Người Hàn Quốc sẽ lo quỳ lạy long trọng. Người Mông Cổ bận rộn trả cho hết nợ nần. Người Tây Tạng láu lỉnh với trò bánh bao may rủi. Còn người Việt Nam chúng ta không thể thiếu bánh chưng tượng trưng cho sự đùm bọc, đoàn viên.
Tết Việt
Xét về mặt thời gian, Tết của người Việt bắt đầu từ ngày 23 tháng chạp âm lịch. Trong ngày này, nhà nhà lo làm cơm cúng Táo Quân, thả cá chép. Người Việt tin rằng vị thần bếp sẽ cưỡi cá chép lên thiên đình. Trước tối 30, người người đều đã sắm sửa Tết nhất xong xuôi. Con cháu tề tựu đông đủ, chuẩn bị bữa cơm tất niên đầm ấm. Trên bàn thờ gia tiên, mâm ngũ quả, kẹo mứt đã sẵn sàng. Trước 12g đêm, hai mâm cỗ, một trong nhà (cúng gia tiên) , một ngoài trời (cúng thiên địa) được bày biện đẹp đẽ. Thời khắc giao thừa vừa điểm, các trưởng lão lập tức thắp hương, khấn vái tổ tiên, trời đất, cầu xin năm mới được nhiều sức khỏe, phúc lộc.
Trong các vật phẩm ngày Tết của người Việt, tuyệt đối không thể thiếu bánh chưng. Truyền thuyết kể rằng Lang Liêu, hoàng tử thứ 18 của vua Hùng Vương thứ 6, là người đã sáng tạo ra món bánh này. Nước Văn Lang được xây dựng từ năm 2879 TCN. Trong truyền thuyết của Trung Hoa, Tết Nguyên đán bắt đầu từ thời Tam Hoàng Ngũ Đế (2852-2205 TCN). Rất có thể Tết Việt chẳng liên quan gì đến Tết Trung Quốc. Tổ tiên người Việt nhiều khả năng đã hình thành một truyền thống đón năm mới riêng, tách biệt hoàn toàn với văn hóa Trung Hoa.
- Xem thêm: Tết ở Bắc Mỹ
Suốt 3 ngày Tết, người Việt nô nức đi chúc Tết. “Mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy”. Ngày Tết vừa là dịp thể hiện sự biết ơn tổ tiên, hiếu kính cha mẹ, vừa là dịp vui chơi, tụ họp. Gặp mặt nhau, ai cũng vui cười, trao tặng những lời chúc tốt đẹp nhất. Chuyện năm cũ xí xóa hết. Người già được chúc thọ. Con nít được mừng tuổi. Làng nào làng nấy tổ chức lễ hội chơi xuân tưng bừng.
Tết Trung Quốc
Trên thế giới, Trung Quốc được xem như đại diện của Tết âm lịch. Lịch sử Trung Hoa xác thực, Tết Nguyên đán của người Hán bắt đầu từ thời nhà Thương (1766-1122 TCN). Tuy nhiên, nó không được tổ chức vào mùng 1 tháng giêng âm lịch, mà là ngày 1 tháng chạp. Suốt nhiều thế kỷ, Tết Trung Quốc bị lùi ngày càng lúc càng xa thời điểm mùng 1 tháng giêng. Mãi tới triều Hán (202 TCN-220 CN), nó mới được vua Hán Vũ Đế (30.6.156-29.3.87 TCN) thay đổi lịch, ấn định vào ngày mùng 1 tháng giêng đầu năm.
Nhắc đến Tết Trung Quốc là muôn vàn quy tắc và kiêng kỵ ngày xuân. Trước giao thừa, người Hán quan tâm quét dọn nhà cửa sạch đến mức không sót một hạt bụi. Họ quan niệm mỗi một hạt bụi của năm cũ đều là vận rủi của năm mới. Ai nấy nhất quyết quét bay bằng hết, để sảng khoái đón điều may sẽ tới cùng tân xuân.
Suốt 3 ngày xuân, người Trung Quốc kiêng dè đủ thứ. Họ đặc biệt tránh làm vỡ đồ đạc, làm trẻ con quất khóc, vay mượn, quét dọn, bị thương. Chỉ cần “search” cụm từ “những điều nên tránh trong dịp Tết ở Trung Quốc”, bạn sẽ thấy một lô một lốc các “đừng nên”. Chúng bao gồm từ đừng giặt giũ, gội đầu, ngủ trưa, mặc quần áo bị rách cho đến cả đừng uống thuốc và đi bệnh viện.
Tết Mông Cổ
Người Mông Cổ gọi Tết Nguyên đán là Tsagaan Sar (Lễ hội Trăng trắng). Thời gian tổ chức cũng như ở Trung Quốc, nhưng đặc trưng truyền thống thì nhiều nét khác.
Trước hết, người Mông Cổ nhất định phải gom góp tiền bạc, trả bằng sạch nợ nần. Đến ngày cuối năm, người nào cũng phải hết nợ. Ngoài vấn đề tiền bạc, họ còn giải quyết luôn “ân oán”. Mọi khúc mắc tình cảm, hiềm thù cá nhân đều được lôi ra thanh toán. Đến thời khắc giao thừa, tất cả đều thảnh thơi, vui vẻ đón mừng xuân.
Bình minh ngày mùng 1 vừa thức giấc, người Mông Cổ đã sẵn sàng xuất hành. Họ mặc quần áo truyền thống, theo đúng hướng hoàng đạo hợp với tuổi của mình, bước ra ngoài trời. Đàn ông Mông Cổ nhắm ngọn núi gần nhất, trèo lên đỉnh ngắm mặt trời mọc. Phụ nữ lo nấu trà sữa, dâng cúng thiên địa. Xong xuôi, họ quay lại lều chúc thọ các lão niên. Cách chúc mừng của người Mông Cổ rất đặc biệt. Họ nắm lấy hai khuỷu tay của người lớn tuổi, sau đó đưa mặt chạm lần lượt vào má trái và má phải.
Tết Tây Tạng
Với người Tây Tạng, Tết là dịp lễ quan trọng nhất. Nó được gọi tên là Losar (Tân niên). Thời gian tổ chức Tân niên rất dài, 15 ngày, nhưng quan trọng nhất vẫn là 3 ngày đầu tiên của năm âm lịch.
Người Tây Tạng bắt đầu Tân niên từ ngày 29-30 tháng chạp âm lịch. Trong ngày này, họ nhất định phải chuẩn bị đủ nguyên liệu để làm bánh Guthuk. Chúng bao gồm bột, tỏi, thịt bò, hành tây, củ cải, cà chua, rau chân vịt, rau mùi. Bánh Guthuk giống hệt bánh bao. Người ta nhào bột, chia viên, cán mỏng ra làm vỏ bánh, sau đó đặt nhân vào giữa, gói lại. Nhân Guthuk ngày Tết rất đa dạng, bao gồm từ đường, đậu, thịt, đến cả than, giấy, đá, ớt, bông gòn, len, đồng xu.
Những thứ như than, đá, bông, len, đồng xu tất nhiên không thể ăn. Song với người Tây Tạng, mỗi một thứ nhân bánh Guthuk đều đại diện cho một ý nghĩa. Ví dụ, len tượng trưng lòng tốt, đồng xu tượng trương cho sự thịnh vượng, ớt đại diện cho khó khăn. Trời vừa tối, mọi người trong nhà quây quần quanh nồi bánh Guthuk. Mỗi người múc một chiếc bánh, cái nhân bên trong là đại diện cho vận mệnh năm tới của họ. Tất nhiên, trò “bói bánh” này chỉ nhằm mục đích mua vui mà thôi.
Sau bữa tối náo nhiệt với bánh Guthuk, người Tây Tạng đốt pháo và đốt đuốc. Họ ôm đuốc và bê chỗ bánh Guthuk còn thừa vừa chạy vừa la hét inh ỏi tới ngã tư làng. Cả bánh thừa lẫn đuốc đều bị ném xuống đất. Người Tây Tạng tin, hành động này xua tan mọi ma quỷ hắc ám và vận rủi, rảnh rang đón năm mới đầy phước lành.
Tết Hàn
Người Hàn Quốc gọi Tết Nguyên đán là Seollal. Như hầu hết các nền văn hóa đón Tết âm lịch, cư dân xứ kim chi cũng lo dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị cơm nước, hoa quả cúng năm mới.
Tối ngày cuối năm, tất cả lo tắm rửa sạch sẽ, thay quần áo, mặc Hanbok truyền thống. Người Hàn rất coi trọng việc thức trọn đêm giao thừa. Ngay cả đám trẻ con cũng bị dọa, nếu dám ngủ gật là lúc sáng dậy, lông mày sẽ biến thành màu trắng.
Trong các nền văn hóa Đông Á, Hàn Quốc nặng lễ tiết nhất. Người nhỏ tuổi phải chúc Tết các bậc trưởng bối bằng hành động quỳ lạy và thái độ kính cẩn tuyệt đối. Tùy vào việc là nam hay nữ, cách thức quỳ lạy có phần khác nhau. Khi đứng dậy, họ tiếp tục chắp tay, cúi đầu, nói câu chúc truyền thống “Chúc ông bà/cha mẹ nhiều hạnh phúc trong năm mới”.
Ngoài ra, vẫn còn một vài phong tục Tết cổ truyền thú vị khác như Shogatsu (Tết Nhật), Songkran (Tết Thái Lan), Chol Chnam Thamy (Tết Campuchia)… Nhưng vì chúng không được tổ chức trùng với ngày đầu năm của âm lịch nên hãy tạm gác lại, chờ dịp khác.