Vào nửa đầu thế kỷ XX, tổ chức nông thôn ở Nam bộ gồm thôn, xã, phường, ấp, hộ. Trong đó, ấp có quy mô nhỏ hơn làng xã, gồm một nhóm gia đình sinh sống bên nhau, khai phá trên một địa bàn nhất định, tạo ra những đặc trưng văn hóa riêng biệt về kinh tế, phong tục tập quán… Năm 1956, chính quyền Ngô Đình Diệm cải cách hành chính khắp miền Nam, các làng thống nhất gọi là xã và cấp dưới là ấp.
Cách đặt tên ấp ở Nam bộ khá đa dạng, với nhiều kiểu thức khác nhau. Đầu tiên là dựa vào đặc điểm địa hình, mà sông nước giữ vai trò chủ đạo với nhiều thủy danh: ấp Búng Lớn (xã Nhơn Hội), ấp Búng Nhỏ và ấp Búng Bình Thiên (xã Quốc Thái), ấp Búng Nhỏ (xã Khánh Bình) thuộc huyện An Phú (An Giang). Búng là “chỗ nước xoáy lớn”.
Các dạng địa danh chỉ địa hình sông nước khác như: ấp Giáp Nước (xã Thạnh Phú, huyện Châu Thành, Tiền Giang), ấp Vịnh (xã An Cơ, huyện Châu Thành, Tây Ninh), ấp Cù Lao (xã Đại Phước, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai), ấp Ngã Tắc (xã Long Thuận, huyện Bến Cầu, Tây Ninh), ấp Cái Tắc (xã Phú Mỹ, huyện Phú Tân, An Giang), ấp Cái Tắc (huyện Chợ Lách, Bến Tre), ấp Suối Sâu (xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng (Tây Ninh), ấp Rạch Bảy (xã Phú Hữu, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai), ấp Bàu Ao (xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất, Đồng Nai), ấp Bàu Sình (xã Suối Cao, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai), ấp Bàu Bông (xã Phước An, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai); ấp Bàu Dơi (huyện Giồng Trôm), ấp Xẻo Nhỏ, ấp Xẻo Sâu (huyện Giồng Trôm), ấp Xẻo Sâu (huyện Ba Tri) của Bến Tre; ấp Vàm (xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai), ấp Doi Lầu (xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ, TP.HCM), ấp Bưng Cơ (xã Lộc An, huyện Long Thành) và ấp Bưng Cần (xã Bảo Hòa, huyện Xuân Lộc) của tỉnh Đồng Nai, ấp Láng (xã Chà Là, huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh)…
- Xem thêm: Chức việc làng xã ở Nam bộ xưa
Địa hình “nổi” như: ấp Giồng Sâu, ấp Giồng Xếp (huyện Mỏ Cày Bắc, Bến Tre); ấp Núi Nổi (xã Tân Thạnh, thị xã Tân Châu, An Giang), ấp Núi Đỏ (xã Bàu Sen) và ấp Núi Tung (xã Suối Tre) thuộc thị xã Long Khánh (Đồng Nai), ấp Vườn Dừa (xã Phước Tân, tp Biên Hòa, Đồng Nai), ấp Gò Đá (xã Mỏ Công, huyện Tân Biên, Tây Ninh), ấp Trảng Ba Chân (xã Suối Ngô, huyện Tân Châu, Tây Ninh), ấp Truông Tre (xã Linh Xuân, huyện Thủ Đức, TP.HCM), ấp Bờ Xe (xã Thạnh Phú, huyện Châu Thành, Tiền Giang), ấp Bờ Bàu (huyện Ba Tri, Bến Tre), ấp Rẫy (thị trấn Tân Hiệp, huyện Châu Thành) và ấp Ruộng Cạn (xã Bình Nghị, huyện Gò Công Đông, Tiền Giang)…
Sản vật địa phương cũng đi vào tên ấp, chiếm tỷ lệ khá cao với đủ loại động thực vật, từ các loại cây con trong rừng cho đến các loại cây trồng, vật nuôi ở nhà: ấp Rừng Dầu (xã Tiên Thuận, huyện Bến Cầu, Tây Ninh), ấp Bằng Lăng (xã La Ngà, huyện Định Quán, Đồng Nai), ấp Giồng Quéo, ấp Giồng Sao (huyện Ba Tri, Bến Tre), ấp Bàu Sim (xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TP.HCM), ấp Mây Đắng (xã Phước Thạnh, huyện Củ Chi (TP.HCM), ấp Gò Tranh (xã Bình Tân, thị xã Kiến Tường, Long An), ấp Giồng Lứt (huyện Giồng Trôm, Bến Tre), ấp Giồng Nâu (huyện Mỏ Cày Bắc, Bến Tre), ấp Cây Trôm (xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi, TP.HCM), ấp Bàu Tre (xã Tân An Hội, huyện Củ Chi (TP.HCM), ấp Sóc Tre (xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần (Trà Vinh), ấp Giồng Tre (huyện Bình Đại, Bến Tre), ấp Gò Dưa (xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường, Long An), ấp Me (thị trấn Tân Hiệp, huyện Châu Thành (Tiền Giang), ấp Cây Me (xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn, An Giang), ấp Cà Na (xã Lương Anh Trà, huyện Tri Tôn, An Giang), ấp Trâm Vàng (xã Thanh Phước, huyện Gò Dầu, Tây Ninh), 3 ấp So Đũa Bé, So Đũa Lớn, So Đũa Lớn A của xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A (Hậu Giang), ấp Giồng Trôm (huyện Ba Tri), ấp Mít Nài (xã La Ngà, huyện Định Quán, Đồng Nai), ấp Trầu (xã Phước Thiền, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai), ấp Cao Su (xã Long Giang, huyện Bến Cầu, Tây Ninh)…
Tên động vật được đặt cho tên ấp ở Nam Bộ ít hơn so với tên thực vật: ấp Con Trăn (xã Tân Hòa, huyện Tân Châu, Tây Ninh), ấp Voi (xã An Thạnh, huyện Bến Cầu, Tây Ninh), ấp Bàu Tép (xã Tiên Thuận, huyện Bến Cầu, Tây Ninh), ấp Bàu Chim (xã Phú Xuân, huyện Tân Phú, Đồng Nai), ấp Cá (thị trấn Tân Hiệp, huyện Châu Thành, Tiền Giang)… Ấp Vũng Gấm (xã Phước An, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) là nơi nổi tiếng với cá sấu rừng sát đã đi vào thành ngữ Dữ như cọp Vườn Trầu, ác như sấu Vũng Gấm.
Vị trí của ấp được đặc biệt chú ý qua tên gọi các hướng Đông, Tây, Nam, Bắc: ấp Đông (xã Kim Sơn) và ấp Đông (xã Long Định) của huyện Châu Thành (Tiền Giang), ấp Đông (thị trấn Vĩnh Bình, huyện Gò Công Tây (Tiền Giang), ấp Đông A (xã Đông Hòa, huyện Châu Thành (Tiền Giang), ấp Đông A, ấp Đông B (xã Nhị Bình) và ấp Đông B (xã Đông Hòa) của huyện Châu Thành (Tiền Giang)…
Hướng Tây thì có: ấp Tây (xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc, Long An); các ấp Tây (xã Kim Sơn), ấp Tây (xã Dưỡng Điềm), ấp Tây (xã Nhị Bình), ấp Tây B (xã Đông Hòa), ấp Tây 1, ấp Tây 2 (xã Long Định) của huyện Châu Thành và ấp Tây (thị trấn Vĩnh Bình, huyện Gò Công Tây) của Tiền Giang; các ấp Tây (xã Tân An Hội, huyện Củ Chi), ấp Tây A, ấp Tây B (xã Bình Trưng, huyện Thủ Đức), ấp Tây Ba, ấp Tây Nhất và ấp Tây Nhì (xã Phú Nhuận, quận Tân Bình cũ), ấp Tây Bắc Lân (xã Tân Thới Nhứt, huyện Hóc Môn của TP.HCM)…
Hướng Nam: ấp Nam (xã Dưỡng Điềm), ấp Nam (xã Đông Hưng), ấp Nam (xã Nhị Bình) của huyện Châu Thành, ấp Nam (xã Tân Điền, huyện Gò Công Đông) của Tiền Giang; ấp Nam Lân (xã Tân Thới Nhứt, huyện Hóc Môn, TP.HCM)…
Hướng Bắc: ấp Bắc (xã Tân Phú, huyện Cai Lậy), ấp Bắc A, ấp Bắc B (xã Điềm Hy, huyện Châu Thành), ấp Bắc, ấp Bắc 2 (xã Tân Điền, huyện Gò Công Đông), ấp Bắc (thị trấn Vĩnh Bình, huyện Gò Công Tây) của Tiền Giang; ấp Bắc Lân (xã Vĩnh Lộc B, quận Bình Tân, TP.HCM)…
Kiểu đặt tên Thượng, Trung, Hạ cũng thấy phổ biến trong tên ấp ở Nam bộ: ấp Thượng (xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi (TP.HCM), ấp Thượng (thị trấn Vĩnh Bình, huyện Gò Công Tây, Tiền Giang); ấp Thượng 1, ấp Thượng 2, ấp Thượng 3 (xã Phú Mỹ, huyện Phú Tân, An Giang)…
- Xem thêm: Con mắt làng
Dạng ấp Trung hay Giữa thì có: ấp Trung (xã Phú Nhuận, quận Tân Bình cũ), ấp Trung (xã Bình Trưng, quận Thủ Đức), ấp Trung (xã Linh Xuân, quận Thủ Đức) của TP.HCM; các ấp Trung (xã Long Định), ấp Trung (xã Dưỡng Điềm), ấp Trung A, ấp Trung B (xã Nhị Bình) của huyện Châu Thành, ấp Trung (xã Tân Điền, huyện Gò Công Đông) thuộc tỉnh Tiền Giang); ấp Trung 1 (xã Phú Mỹ), ấp Trung 2 (xã Tân Trung), ấp Trung 3 (xã Phú Mỹ) thuộc huyện Phú Tân (An Giang); ấp Giữa (xã Hiệp Bình cũ, huyện Thủ Đức) và ấp Giữa (xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi) thuộc TP.HCM; ấp Giữa (xã Hiệp Thạnh, huyện Bến Cầu, Tây Ninh)… và ấp Hạ (thị trấn Vĩnh Bình, huyện Gò Công Tây, Tiền Giang)…
Ngoài ra, còn có dạng ấp Tiền, ấp Hậu như: ấp Tiền (xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi), ấp Tiền Lân (xã Tân Thới Nhứt, huyện Hóc Môn) của TP.HCM; ấp Hậu (xã Tân Thông Hội), ấp Hậu (xã Tân An Hội) của huyện Củ Chi (TP.HCM), ấp Hậu Lân (phường Tân Thới Nhất, quận 12, TP.HCM)…
Nam bộ có nhiều ấp Chánh, tức ấp giữ vai trò quan trọng của xã. Đó là “trái tim” của xã với chợ búa, nhà cổ, di tích, đình, chùa, những người giàu có đều tập trung nơi đây, lại gần trục lộ giao thông. Ví dụ như: ấp Chánh (xã An Thạnh, huyện Gò Dầu), ấp Chánh (xã Gia Bình), ấp Chánh (xã Lộc Hưng) của huyện Trảng Bàng, ấp Chánh (xã Hiệp Thạnh, huyện Bến Cầu) của tỉnh Tây Ninh); ấp Chánh (xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi), ấp Chánh Tây (xã Trung Mỹ Tây, huyện Hóc Môn), ấp Chánh 2 (xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn) của TP.HCM, nằm cạnh ấp Đình, gần thị trấn Hóc Môn; ấp Chánh (xã Đa Phước), ấp Chánh (xã Bình Đăng) của huyện Bình Chánh (TP.HCM); ấp Chánh Nhứt (xã Long Phụng, huyện Cần Giuộc, Long An), trên đường tỉnh 830, có đình Chánh Thôn; ấp Chánh (huyện Châu Thành, Bến Tre)…
Tương tự như ấp Chánh, ở Nam bộ ấp Chợ cũng là ấp trung tâm, đặc biệt giữ vai trò kinh tế quan trọng của xã như: ấp Chợ (xã Suối Nho), ấp Chợ (xã Phú Túc) thuộc huyện Định Quán (Đồng Nai); các ấp Chợ (xã An Phú), ấp Chợ (xã Tân Phú Trung), ấp Chợ (xã Phước Thạnh), ấp Chợ (xã Phú Hòa Đông), ấp Chợ (xã Trung An) của huyện Củ Chi (TP.HCM); ấp Chợ (phường Thủ Thiêm, quận 2).
Ấp Chợ ở vị trí trung tâm của phường Lái Thiêu (thị xã Thuận An, Bình Dương). Ấp Chợ (xã Phước Thiền, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) ngoài ngôi nhà việc của xã (ba ấp kia chỉ có nhà vuông), còn có đình Phước Thiền được công nhận là di tích cấp quốc gia. Trước kia, người Hoa có mặt ở xã kế cận là Hiệp Phước, nhưng dần dần họ chuyển về nơi đây sinh sống vì có chợ họp hằng ngày, buôn bán dễ hơn so với nơi cũ chỉ chuyên canh tác lúa nước, nên từ đây hình thành ấp Chợ của xã Phước Thiền.
Miền Tây có: ấp Chợ (xã An Thái Đông, huyện Cái Bè); ấp Chợ (xã Bình Đức), ấp Chợ (xã Thạnh Phú) của huyện Châu Thành (Tiền Giang); ấp Chợ (xã Kiểng Phước), ấp Chợ (xã Phú Tân), ấp Chợ (xã Vàm Láng) nơi có cảng cá và lăng Ông Nam Hải lâu đời của huyện Gò Công Đông (Tiền Giang); ấp Chợ (huyện Châu Thành), ấp Chợ (huyện Giồng Trôm, Bến Tre), ấp Thị (huyện Mỏ Cày Nam) của Bến Tre; ấp Thị, ấp Thị 1, ấp Thị 2 (thị trấn Chợ Mới), ấp Thị (xã Mỹ Hiệp), ấp Thị 1, ấp Thị 2 (xã Mỹ Luông), ấp Thị 1, ấp Thị 2 (xã Hội An) thuộc huyện Chợ Mới (An Giang)…
Ấp Chợ (xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước, Long An) nằm cạnh bến đò kinh Nước Mặn đào từ năm 1897, nối sông Vàm Cỏ với sông Cần Giuộc (sông Rạch Cát), trên tuyến đường thủy từ miền Tây lên Chợ Lớn (cùng năm thành lập tỉnh Chợ Lớn), cạnh đấy là ngôi miếu Quan Thánh xây năm 1906.
Cũng có một số ấp Chợ không có tính chất “trung tâm”, mà gắn với đặc điểm ở địa phương như: ấp Chợ Cầu (xã Đông Hưng Thuận, huyện Hóc Môn) và ấp Chợ Cũ (xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi) thuộc TP.HCM); ấp Chợ Trạm (xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước (Long An), nằm trên đường trạm nối tỉnh Gia Định với Gò Công xưa, nơi có đặc sản gạo Nàng Thơm Chợ Đào tiến vua; các ấp Chợ Cũ, ấp Chợ Mới, ấp Chợ Xếp thuộc huyện Mỏ Cày Bắc (Bến Tre)…
Một số ấp gắn với các cấp hành chính ở Nam bộ, đây là những địa danh đặc thù không thấy ở Bắc bộ và Trung bộ như: ấp Lân Nhì (xã Hiệp Thành, huyện Hóc Môn (TP.HCM); ấp Lân Bắc, ấp Lân Đông (huyện Chợ Lách, Bến Tre); ấp Sóc Triết (xã Cô Tô, huyện Tri Tôn, An Giang); ấp Hộ (xã Tân Điền), ấp Hộ (xã Tân Thành) thuộc huyện Gò Công Đông (Tiền Giang); ấp Thị Tứ (thị trấn Một Ngàn), ấp Thị Tứ (thị trấn Rạch Gòi), ấp Thị Tứ (thị trấn Bảy Ngàn) thuộc huyện Châu Thành A và ấp Thị Trấn (thị trấn Ngã Sáu) thuộc huyện Châu Thành (Hậu Giang); ấp Phủ (TP. Bến Tre), ấp Phủ (huyện Mỏ Cày Bắc) của tỉnh Bến Tre; ấp Châu Thành (huyện Châu Thành, Bến Tre); ấp Thủ Sở (huyện Mỏ Cày Nam, Bến Tre); ấp Dinh (xã Mỏ Công, huyện Tân Biên, Tây Ninh).
Dấu vết của những vùng đất mới khai phá còn lưu lại ở địa danh ấp như: ấp Mới (xã Tân Phong, huyện Tân Biên), ấp Xóm Mới 1, ấp Xóm Mới 2 (xã Trí Bình, huyện Châu Thành) của Tây Ninh; ấp Tân Lập (xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TP.HCM); các ấp Tân Lập (xã Bảo Bình, huyện Cẩm Mỹ), ấp Tân Lập (xã Phú Túc, huyện Định Quán), ấp Tân Lập (xã Phước Tân, tp Biên Hòa), ấp Đất Mới (xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch), ấp Đất Mới (xã Long Phước, huyện Long Thành), ấp Tân Lập 1, ấp Tân Lập 2 (xã Cây Gáo, huyện Trảng Bom) của tỉnh Đồng Nai; ấp Mới (xã Long Định, huyện Châu Thành, Tiền Giang); ấp Xóm Mới (huyện Ba Tri, Bến Tre)…
Nguồn gốc dân tộc, chuyển cư, lập nghiệp cũng thể hiện trong tên ấp ở Nam bộ: ấp Sóc Lào (xã Đôn Thuận) của huyện Trảng Bàng, ấp Xóm Khách (xã Long Giang) của huyện Bến Cầu, ấp Chăm (xã Suối Dây) của huyện Tân Châu thuộc Tây Ninh; ấp Xóm Huế (xã Tân An Hội, huyện Củ Chi, TP.HCM); ấp Việt Kiều (xã Xuân Hiệp), ấp Việt Kiều (xã Suối Cát) thuộc huyện Xuân Lộc (Đồng Nai); ấp Kinh Tế (xã Bình Minh, thị xã Tây Ninh); ấp Một Tân Sinh (xã Bình Trị Đông, huyện Bình Chánh, TP.HCM)…
Tên ấp phản ánh ngành nghề ở địa phương: ấp Xóm Lò (xã Tiên Thuận, huyện Bến Cầu, Tây Ninh); ấp Xóm Cối (huyện Mỏ Cày Bắc, Bến Tre); ấp Cát Lái (xã Phú Hữu, huyện Nhơn Trạch), ấp Đồn Điền 1, ấp Đồn Điền 2, ấp Đồn Điền 3 (xã Túc Trưng, huyện Định Quán), ấp Hàng Cháo (xã Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu), ấp Lác Chiếu (xã Bảo Quang, thị xã Long Khánh), ấp Lò Than (xã Xuân Bảo, huyện Cẩm Mỹ) thuộc tỉnh Đồng Nai…
Nhân vật địa phương thường xuất hiện trong tên ấp ở Nam bộ, đó là những người mang chức vụ trong bộ máy hành chính có đóng góp, được dân chúng mến mộ bởi tài đức hoặc là người có công khai phá, để lại dấu ấn ở địa phương, được đặt tên nhằm ghi lại công ơn: ấp Giồng Ông Đông (xã Phú Đông, huyện Nhơn Trạch), ấp Ông Tạ (xã Tân An), ấp Ông Hường (xã Thiện Tân) của huyện Vĩnh Cửu, ấp Xã Hoàng (xã Long An, huyện Long Thành) thuộc tỉnh Đồng Nai; ấp Ông Lễ, ấp Ông Nhan Tây (xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường, Long An); ấp Ông Cốm, ấp Ông Thung thuộc huyện Mỏ Cày Bắc (Bến Tre); ấp Lái Hiếu (xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang); ấp Bà Đen (xã An Cư), ấp Tà Lọt (xã An Hảo) thuộc huyện Tịnh Biên, An Giang, ấp Bà Ký (xã Long Phước, huyện Long Thành, Đồng Nai), ấp Bà Trường (xã Phước An, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai)…
Cá biệt có trường hợp dùng vật linh để đặt tên: ấp Sơn Lân, ấp Sơn Long, ấp Sơn Phụng, ấp Sơn Quy thuộc huyện Chợ Lách (Bến Tre).
Tên ấp một chữ ít thấy, thường là những ấp có lịch sử lâu đời như: ấp Mỹ, ấp Phong, ấp Thạnh, ấp Thới, ấp Vĩnh (TP. Bến Tre), ấp Đồng (xã Phước Tân, TP. Biên Hòa, Đồng Nai), ấp Trường (xã Hảo Đức, huyện Châu Thành, Tây Ninh), ấp Ràng (xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi, TP.HCM)…
Kiểu dùng tên chữ, số hoặc kết hợp chữ với số như: ấp A, ấp B (xã Tiên Thuận, huyện Bến Cầu, Tây Ninh); ấp Long Thạnh A, ấp Long Thạnh B, ấp Long Thạnh C, ấp Long Thạnh D (xã Tân Châu, thị xã Tân Châu, An Giang); ấp Tân Quới Đông A, ấp Tân Quới Đông B (huyện Mỏ Cày Nam), ấp Tân Quới Tây A, ấp Tân Quới Tây B (huyện Mỏ Cày Nam) thuộc Bến Tre; ấp 10, ấp 20, ấp 30, ấp 40, ấp 50, ấp 60 (TP. Bến Tre); ấp 1A, ấp 1B (huyện Giồng Trôm, Bến Tre); ấp Phú Thượng 1, ấp Phú Thượng 2, ấp Phú Thượng 3 (xã Kiến An, huyện Chợ Mới, An Giang); ấp Trung Phú 1, ấp Trung Phú 2, ấp Trung Phú 3, ấp Trung Phú 4, ấp Trung Phú 5, ấp Trung Phú 6 (xã Vĩnh Phú, huyện Thoại Sơn, An Giang), ấp K6 (thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai)… Đây là cách đặt tên ấp có tính chất hiện đại, một số do chia tách địa giới các ấp nên thêm các chữ cái hoặc số đếm bên cạnh địa danh gốc.
Dấu vết các công trình quân sự thời Nguyễn cho đến giai đoạn kháng chiến chống Mỹ còn được thể hiện qua tên gọi của ấp như: ấp Bảo (xã Long Giang, huyện Bến Cầu, Tây Ninh), ấp Lũy (xã Phước Lại, huyện Cần Giuộc, Long An), ấp Pháo Đài (xã Phú Tân, huyện Gò Công Đông, Tiền Giang), ấp Đồn (xã Bình Đăng, huyện Bình Chánh, TP.HCM), ấp Căn Cứ (huyện Giồng Trôm, Bến Tre), ấp Tua Hai (xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành, Tây Ninh)…
Tên ấp ở Nam bộ thường hay gắn với các cơ sở tín ngưỡng như, phổ biến nhất là các ấp Đình, ấp Miễu như: ấp Đình (xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi), ấp Đình (thị trấn Hóc Môn) thuộc TP.HCM), ấp Miễu Hội (xã Thạnh Phú, huyện Châu Thành, Tiền Giang), ấp Lăng (xã Tân Trung, huyện Gò Công Đông, Tiền Giang), ấp Gò Chùa (huyện Ba Tri, Bến Tre), ấp Ao Vuông (huyện Bình Đại, Bến Tre), ấp Xóm Tháp (xã Tân Phong, huyện Tân Biên, Tây Ninh)…
Những công trình giao thông chiếm tỷ lệ khá lớn trong các tên ấp ở Nam bộ: ấp Bến (xã An Thạnh, huyện Bến Cầu, Tây Ninh), ấp Bến Dựa (huyện Ba Tri, Bến Tre), ấp Cầu (xã Tân Phong, huyện Tân Biên, Tây Ninh), ấp Cầu Tre (xã Lợi Bình Nhơn, TP. Tân An, Long An), ấp Cầu Ván (xã Phú Túc, huyện Định Quán, Đồng Nai), ấp Cống (huyện Chợ Lách, Bến Tre), ấp Đá Hàn (xã Hiệp Thạnh, huyện Gò Dầu, Tây Ninh), ấp Bến Đò (xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TP.HCM), ấp Kinh Gãy (huyện Chợ Lách, Bến Tre), ấp Cầu Xáng (xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh, TP.HCM), ấp Ga (thị trấn Tân Hiệp, huyện Châu Thành, Tiền Giang), ấp Sân Bay (xã Tân Phong, huyện Tân Biên, Tây Ninh), ấp Lộ 25 (xã Bàu Hàm, huyện Thống Nhất, Đồng Nai)…
Phương thức đặt tên ấp ở Nam bộ khá đa dạng với nhiều kiểu thức khác nhau, phần nhiều mang tính chất dân dã, nhằm phản ánh những dấu ấn đặc thù của địa phương, từ tự nhiên cho đến xã hội trong quá trình chinh phục, khai thác và giữ gìn vùng đất này.