Từ bao đời nay, chiếc cổng làng đã trở nên thân thuộc với người Việt, đặc biệt là vùng đồng bằng Bắc bộ hoặc duyên hải miền Trung. Có thể nói ở đâu có làng quê, ở đó có cổng làng. Cùng với lũy tre, mái chùa, cây đa, giếng nước, mái đình, cổng làng thường hiện hữu trong mỗi giấc mơ về cố hương. Người tha hương nào cũng có thể thao thao “to như cái đình làng ta, đẹp như cái cổng làng ta”.
Khác với làng quê miền Đông hay miền Tây Nam Bộ thường trải dài theo kênh rạch, làng quê miền Bắc thường co cụm trong lũy tre ngăn ngắt, sau cổng làng cổ kính. Làng nào cũng có cổng. Chiếc cổng như con mắt thân thương của làng quê. Những cổng làng nhỏ bé rêu phong, trầm mặc nép dưới lũy tre, cây gạo, cây muỗm cổ thụ, dẫn vào con đường hun hút cỏ, xanh bời bời bụi mây, rồi dẫn vào bao cổng xóm.
Không rõ cổng làng có tự bao giờ. Có lẽ từ xa xưa, thời mới lập làng, lập xóm, cổng làng có nhiệm vụ chính là vọng gác tiền tiêu để bảo vệ làng, ngăn ngừa trộm cướp, giặc giã. Nhưng với những cổng làng còn tồn tại tới ngày nay, có thể nói rằng chúng là sản phẩm khi Nho giáo bén rễ sâu rộng ở nông thôn sau thế kỷ XV, làng quê trở thành một kiểu tiểu triều đình với ban bệ chức dịch cùng hệ thống thiết chế văn hóa như đình thờ Thành hoàng làng, văn chỉ, từ chỉ (thờ những người đỗ đạt cao trong làng, tổng).
Cổng làng có kết cấu khá đơn giản, nhỏ nhắn, thường được xây bằng gạch, với một vòm hoặc ba vòm, thậm chí năm vòm, mái thường được đắp bằng vôi vữa, gạch, hoặc sang hơn là lợp bằng ngói mũi hài và lắp cánh cổng gỗ lim có bánh xe gỗ. Cũng có những cổng làng khá đồ sộ, với vọng lâu như cổng làng Thổ Hà, hoặc làm bằng chất liệu đặc biệt là đá ong như cổng làng Mông Phụ.
Hai bên cổng là đôi câu đối thể hiện thần thái của từng làng, trên mái vòm thường là ba chữ Hán “Thiểu – Cao – Đại” (trời cao, đất dày, người thì nhỏ bé). Mỗi chiếc cổng còn biểu hiện cái hồn của làng quê. Qua quy mô và thần thái của cổng, người ta có thể biết đó là làng đỗ đạt quan tước hay là làng nghề, làng thuần nông, làng giàu sang hay làng nghèo khó.
Cổng làng cũng có nhiều nét chấm phá thơ mộng: “Cổng làng rộng mở ồn ào / Nông phu lững thững đi vào nắng mai” như trong thơ Đoàn Văn Cừ. Có khi cổng làng lại thể hiện sự tù túng, ngột ngạt với bộ cánh cổng bằng gỗ lim dày kin kít khi có lệnh truy sưu, nã thuế trước năm 1945 trong tiểu thuyết “Tắt đèn” của nhà văn Ngô Tất Tố. Trong một thời gian dài trước đây, cùng với lũy tre xanh, cổng làng là bức tường thành bất khả xâm phạm níu giữ nề nếp cổ truyền cũng như sự ao tù nước đọng của làng xã.
Chiếc cổng làng như một cổng thành thu nhỏ dưới thời phong kiến. Tại một đất nước mà văn hóa làng xã đậm nét như Việt Nam, nhiều khi chiếc cổng thành cũng chỉ là cổng làng được phóng đại. Hiện nay, những cổng thành (cổng nước) ấy cũng chẳng còn bao nhiêu ngoài những Ngọ Môn (Huế), Đoan Môn, Bắc Môn (thành cổ Hà Nội), cổng thành Sơn Tây… Có khi nếp cổng làng ấy còn tràn vào phố thị. Ở khu 36 phố phường của Hà Nội xưa, mỗi dãy phố đều được ngăn bằng những cổng gỗ, cổng tre, được đóng kín mít vào buổi tối để phòng trộm cướp.
Mới đây, nhiều người được gặp lại hình ảnh thân thương ấy qua hàng trăm bức ảnh của họa sĩ Quách Đông Phương. Họa sĩ cho biết tại phố Sơn Tây – nơi anh ở, có từ năm 1929, tồn tại một cái cổng ngõ rồi mới vào nhà. Khi nhà cửa đất đai bị chia năm xẻ bảy thì cổng ngõ biến mất. Anh chỉ nghe kể lại, nhưng cái cổng ấy cứ mãi sống trong tâm tưởng.
Sau khi trưng bày hơn 20 kiểu ảnh cổng làng trong triển lãm ảnh “Cuộc trò chuyện tháng Tư” năm 2000, trong cuộc triển lãm tiếp theo, Quách Đông Phương cho ra mắt hơn 500 bức ảnh, mà theo anh, đó chỉ là già nửa những gì anh đã ghi nhận được từ năm 1997 tới nay.
Anh đã lang thang khắp đồng bằng Bắc bộ để chớp lại hàng nghìn kiểu ảnh về cổng làng quê vì lo sợ nó sẽ biến mất hoặc sẽ bị tô vẽ thành lem luốc. Trước đây, nhiều cổng làng cổ kính bị phá tan nát trong phong trào hợp tác xã vì nhiều lý do, trong đó hay được viện cớ nhất là để cho xe cơ giới đi vào. Khi những nhà cao tầng dần mọc lên, chiếc cổng làng khép nép đi, trông thật thảm hại.
Những năm gần đây, cùng với phong trào lên đời làng văn hóa, nhiều làng quê phục dựng lại cổng làng. Có điều thường nó không theo hình dáng cũ, mà được đồ sộ hóa, hoành tráng hóa với lầu cao, có năm, ba cửa, được tô trát hàng chữ quốc ngữ vặn vẹo, điểm phấn tô son kệch cỡm.
May mắn thay, trong những mảnh vụn ấy, vẫn còn những nếp xưa như cổng làng Mông Phụ, Thổ Hà, Bối Khê, Ước Lễ… Cổng làng Mông Phụ ở xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, tỉnh Hà Tây, được xây dựng cách đây vài trăm năm, kết cấu đơn giản với đá ong, lợp ngói vảy cá, ngày ngày vẫn đóng mở hai cánh cổng làm bằng gỗ lim dày, dẫn vào không gian ngan ngát hương sắc Việt cổ.
Cổng làng Thổ Hà ở xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang được xây từ năm 1692 với đôi câu đối “Nhất thiên phong thổ huy hoàng cảnh / Vạn cổ sơn hà tráng lệ cư” (tạm dịch: Một cõi trời phong tục đất đai cảnh huy hoàng / Nghìn xưa sông núi ở chốn tráng lệ). Thả bộ một chút là tới chùa Đoan Minh cổ kính với những hàng cột gỗ lim to đến một vòng tay người ôm và hàng chục pho tượng được chế tác tinh tế, sinh động và đến đình Thổ Hà – một trong những ngôi đình cổ nhất, đồ sộ nhất xứ Kinh Bắc.
Với năm cửa (ngũ môn), hai tầng, cổng làng Bối Khê ở xã Thanh Hưng, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây là một trong những cổng làng đẹp nhất, đồ sộ nhất. Qua cổng là cầu gạch cổ nối liền hai bờ của dấu tích dòng sông Đỗ Động, từ đó dẫn thẳng vào chùa Bối Khê rêu phong, hoặc bẻ làm hai nhánh dẫn vào các ngõ xóm.
“Xưa kia, cổng bao giờ cũng có linh hồn, là gương mặt ông quan, thi sĩ, trọc phú, nông dân. Những chiếc cổng làng quê nhắc nhở chúng ta từng có một quá khứ tốt đẹp khi mỗi người sống biết giữ nếp gia phong, biết sống tử tế với cộng đồng dù cuộc sống còn nghèo, trong khi ngày nay chúng ta đang giàu lên mà lại bị nghèo đi về văn hóa, tâm linh” – đó là tâm sự của Quách Đông Phương.