Từ thiện là một phạm trù đạo đức được hình thành và phát triển từ thuở ban sơ khi có xã hội loài người. Nguồn gốc lòng từ thiện bắt rễ từ bẩm tính của con người – chức năng làm mẹ của mọi sinh vật – nhằm bảo vệ giống nòi trước mọi hiểm họa đối với con cái. Khi con người nảy sinh ý thức và hình thành nên cộng đồng, xây dựng nên xã hội, thì tính từ thiện trong từng con người trở thành ý thức tương trợ lẫn nhau, tạo thành động lực để cộng đồng tồn tại và phát triển lớn mạnh. Và từng bước ý thức tương trợ đó trở thành một phạm trù đạo đức trong cộng đồng, đó là ý thức từ thiện xã hội.
Người có ý thức từ thiện tham gia làm việc thiện không chờ đến khi có cuộc sống dư giả, mà họ có thể bắt đầu bằng công sức lao động của mình và luôn sẵn sàng gắn bó với công tác thiện nguyện này, từ ý chí và khả năng mà họ có được. Mặt khác, trong xã hội, những người làm kinh doanh gặp thuận lợi, được dư giả cũng không quên góp phần cho công tác từ thiện. Qua sự đóng góp sức người sức của của lớp lớp những nhà hảo tâm này, các tổ chức từ thiện không ngừng phát triển đa dạng, lớn mạnh cho đến ngày nay.
Với sự phát triển của lịch sử văn minh, loài người ý thức được các yếu tố tạo nên sự tồn tại của xã hội thì từ thiện không chỉ là một phạm trù đạo đức nữa mà trở thành một động lực phát triển trong đó mọi thành viên đều có trách nhiệm tham gia. Những người có khả năng, đạt được nhiều thành đạt trong xã hội, trí tuệ càng cao thì càng nhận thức được trách nhiệm lớn lao của mình trước xã hội và thiên nhiên. Từ đó việc tham gia hay thành lập ra tổ chức từ thiện trở thành sự nghiệp của họ. Sự nghiệp này quan trọng không kém so với sự nghiệp mà họ đã tạo trước đó.
Đây là những hiện tượng mới của xã hội loài người đầu thế kỷ XXI. Điều này chúng ta có thể thấy được từ những người thành đạt trong sự nghiệp như các ông Bill Gates (Microsoft), Warren Buffett (Berkshire Hathaway), Mark Zuckerberg (Facebook), Lý Gia Thành (Hongkong), Lawrence S. Ting (Đài Loan)… Họ đã đem phần lớn tài sản, lên đến hàng tỉ USD, cống hiến cho sự nghiệp từ thiện. Bên cạnh đó cũng có biết bao con người bình thường khác, mặc dù không quá thành đạt trong con đường kinh doanh để có được những tài sản lớn, nhưng cũng đã đóng góp cả cuộc đời cho sự nghiệp từ thiện, để lo cho những mảnh đời bất hạnh trong xã hội, bằng mọi hình thức, trên khắp thế giới như chúng ta được biết qua giới thiệu của báo chí.
Ý thức tham gia vào công việc từ thiện xã hội của mọi người quả thật đã bước lên một tầng cao hơn so với ngày xưa. Khi con người nhận ra rằng tham gia vào công việc từ thiện là một trách nhiệm xã hội, thì điều này thuộc về nhận thức giá trị và ý nghĩa cuộc sống, thể hiện một nhân cách, một nhân sinh quan, thể hiện tầng nấc văn minh của từng cá nhân, tầng nấc văn minh của xã hội.
So với khi xưa, người có hành vi giúp người hay tham gia vào việc từ thiện, ngoài những người xuất phát từ phản ứng tự nhiên của lòng trắc ẩn, thì hầu hết trong nhận thức đều nghĩ rằng làm từ thiện là để “tích đức” cho mình, cho con cháu. Hay phổ biến hơn nữa, đó là bớt đi một miếng ăn cho việc từ thiện để mong tránh được những điều không may mắn…
Thật ra, bản chất cao cả của từ thiện là cái tâm “không vụ lợi cá nhân” trong hành vi từ thiện. Như bản năng tình mẹ đối với con. Điều này tư tưởng Phật giáo đã thể hiện qua câu chuyện Đạt Ma sư tổ (vị Tổ Thiền tông) trả lời vua Lương Võ Đế về việc nhà vua cho xây quá nhiều chùa. Chính vì cho rằng mục đích xây chùa của vua là nhằm tích đức cho cá nhân mình nên Đạt Ma sư tổ đã trả lời là “không có công đức gì!”. Câu chuyện đối đáp của Đạt Ma sư tổ và Lương Võ Đế nói lên ý nghĩa một hành vi không vụ lợi cá nhân trong việc làm từ thiện theo phẩm hạnh bồ tát của Phật giáo. Và sâu hơn là biểu dương tư tưởng vô ngã của Phật giáo Đại thừa ở đỉnh giác ngộ cao nhất.
Chúng ta đang sống trong xã hội hiện đại, một xã hội thế tục có thật, thì mọi hành vi đều hướng đến một mục đích cụ thể. Và đạt đến mục đích thì mới cho là có hiệu quả, mới gọi là có ích lợi. Việc đóng góp tiền của, công sức của người làm công tác từ thiện, dù từ mục đích nào đi nữa, cũng đều là hành vi đáng trân trọng và cần được biểu dương.
Điều quan trọng là mục tiêu của tổ chức từ thiện nói chung phải đem lại lợi ích, mà chủ yếu là quan tâm đến lợi ích của người nhận. Người nhận đã được lợi ích thế nào, cải thiện được những gì cho họ và cho xã hội.
Người ta thường nói, biết thì dễ – làm mới khó (tri dị hành nan). Điều tốt ai cũng biết nhưng có thực hiện được hay có điều kiện thực hiện hay không lại là một việc khác. Đó là câu nói xưa nay chúng ta thường nghe. Một hành vi từ thiện không chỉ là để yên lòng mình, thỏa mãn đạo đức cá nhân mà còn mang giá trị cao hơn, đó là tinh thần trách nhiệm to lớn mà từng con người cảm nhận được trong cuộc đời đối với xã hội. Điều này có thể gọi là “sự giác ngộ đời người”, về giá trị tồn tại của con người trong xã hội.
Đây chính là lý do vì sao có người cả đời hiến thân cho sự nghiệp từ thiện. Hay có những người đã cống hiến hầu hết của cải của mình cho những chương trình từ thiện như chúng ta đã biết. Những con người đó có cuộc sống đời thường như bao nhiêu người khác. Họ có thể không thuộc một tôn giáo nào. Nhưng họ nhận ra trách nhiệm cao cả và hành động một cách có hiệu quả nhất, thể hiện sự giác ngộ đời người ở tầm cao nhất. Họ chính là thánh nhân, là Bồ tát, là Chúa cứu thế của thời nay.