Những người trẻ mơ được du học ai cũng biết lý do rồi. Để chạy trốn nền giáo dục kém cỏi của Việt Nam. Ngoài ra, đi du học còn rèn luyện cho bạn trẻ biết tự lập. Tuổi trẻ thích đi đây đó. Thời nay hiếm có ai lại chỉ biết ru rú xó nhà. Đi phượt, cắm trại… mới là người trẻ sành điệu.
Vậy mà có những chàng, nàng trẻ tuổi lại thấy chẳng cần du học. Có đi thì cũng chơi là chính. Báo chí đã từng phản ánh buổi sáng sớm thiên hạ đi làm thấy lố nhố đám cô cậu mặt xanh rớt vì thức trắng đêm trong các bar và sòng bạc, đang chờ tàu để về nhà… ngủ.
Ở Việt Nam sướng hơn. Việc gì phải qua Mỹ – cái xứ cứ đòi phải giỏi, giỏi, giỏi. Bao nhiêu bạn bè đi định cư bên đó, đếm trên đầu ngón tay mới có được người hội nhập vào xã hội của họ, thăng tiến, làm người công chức, trí thức có tên tuổi. Số phụ nữ sang đó, người thì ở nhà nội trợ nuôi con, người làm “neo” dịch vụ móng chân móng tay, bán hàng là nhiều.
- Xem thêm: Không có… “thiên đường”
Muốn giỏi vào tầm cỡ như nhà văn “Phan Việt” tiến sĩ giảng dạy hẳn hoi, mà đời cô tả trong “Xuyên Mỹ” đọc nhiều khi thấy “ớn” quá. Phải nhiều nghị lực và giỏi giang lắm mới chuyển hết bờ Đông sang bờ Tây nước Mỹ kiếm việc làm, sống theo lối Mỹ. Lái xe đường dài, thuê nhà cửa, dọn tới dọn lui. Nhiều khi bực bội quá, nhà văn nói học tiến sĩ là “mớ kiến thức giẻ rách”. Nghe thì biết là sống căng thẳng tột độ.
Thế nên nhiều thiếu gia cậu ấm cô chiêu thấy ở nhà sướng hơn. Có đi học cũng là cho biết, trang bị bằng cấp về nhà nằm đợi chỗ làm “thơm tho”. Chỉ những ai có chí khí lắm mới mở công ty, hoặc may mắn hơn, đi làm thuê cho một công ty nước ngoài kiếm đồng lương kha khá. Còn thiếu gì cô cậu học xong về chẳng biết làm gì. Mà cũng không sốt ruột. Bố mẹ đại gia có cơ ngơi nhà cửa sẵn sàng. Sinh hoạt đầy đủ, việc nhà có vài ôsin. Đâu phải lo đi tìm đồ ăn rẻ, chợ châu Á, gặm bánh mì đi thư viện đọc sách mệt lử.
Sướng hơn Mỹ nếu ở Việt Nam có tiền, có đời sống dễ chịu. Chẳng phải chịu thách thức, cũng không phải đi tìm cơ hội như chiến đấu độc lập tự thân lo thân như khi đi du học xứ người.
Cứ xem những anh chàng du học viết gì là biết anh ta thuộc dạng nào. Giàu có thì cũng vẫn gặp phải sự phân biệt đẳng cấp ngay trên xứ Mỹ. Những anh chàng Mỹ to con cưỡi siêu xe giá hàng trăm ngàn đô. Các cô diện váy ngất trời đeo túi hàng hiệu. Ngay đám con nhà châu Á – con nhà Trung Quốc thôi cũng có tiền trong tài khoản lên tới 6-7 con số không.
Làm sao bì được khi ta trong đêm đói mèm quất tô mì gói chua cay. Nhiều chàng, nàng ước muốn đơn giản chỉ muốn về nhà. Du học chỉ là “nhìn theo cái vẫy tay của bố trước cửa passport Control và bóng mẹ mờ ảo trên webcam”…
Có anh tự ngẫm so sánh kiểu hài hước mà có thật: “Người Tây ăn chậm, đi lẹ, hôn công khai, tè lén. Người Việt ăn nhanh, đi chậm, hôn lén, tè công khai. Người Tây họp bàn thì tranh luận, xong rồi làm là nhất trí. Người Việt khi bàn thì nhất trí, khi làm là tranh luận…”. Đi du học để biết người biết ta là thế.
- Xem thêm: Người đi, kẻ… đòi về
Nếu kể ra thì nhiều dạng người lắm. Những người dùi mài quyết chí học hành thành công, thương nhớ quê nhà ráng học thành tài cũng nhiều. Mà đám ăn chơi phá của rồi về cũng không phải hiếm.
Ai cũng nhớ thương quê nhà – người đi xa vật lộn trong gian khó càng mong ngày đoàn tụ. Nhưng cũng có một số bạn trẻ, ở quê nhà sướng hơn. “Yêu Việt Nam” chỉ vì ở đó mọi thứ dễ dàng, cha mẹ đã chuẩn bị cho hết rồi. Việc gì phải tranh đấu và tự lực cho cực. Sướng hơn Mỹ.