Thảm họa cá chết hàng loạt tại bốn tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế cách đây hơn một tháng đến nay vẫn còn là tâm điểm chú ý của dư luận trong và ngoài nước, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống của hàng vạn ngư dân và cũng là nỗi lo trĩu nặng của chính phủ về những hậu quả khó lường do chưa có kết luận nguyên nhân và thống kê hậu quả.
Mấy tuần qua, nhiều cuộc họp của chính phủ được tổ chức với sự tham dự của các bộ, ban ngành và lãnh đạo các địa phương, trong một cố gắng xác định nguyên nhân và triển khai các biện pháp khắc phục trước mắt. Tuy nhiên, đây chỉ mới là bề nổi của vấn đề, bởi thiệt hại này quá lớn, không đơn giản là ảnh hưởng đến đời sống người dân mà còn liên quan đến môi trường sinh thái, sức khỏe cộng đồng, an toàn thực phẩm, kinh tế, du lịch và quan trọng hơn cả là niềm tin vào khả năng giải quyết vấn đề của chính phủ.
Tính đến thời điểm này, chính phủ đã có tám văn bản chỉ đạo, giao nhiệm vụ trong đó có 17 đầu việc chính tập trung vào bốn vấn đề (1) xác minh, làm rõ nguyên nhân, (2) hỗ trợ, khắc phục hiệu quả, ổn định đời sống, (3) khôi phục, ổn định sản xuất và (4) giữ gìn trật tự an ninh xã hội và công tác bảo vệ môi trường.
Trong buổi làm việc hồi đầu tháng 5 với lãnh đạo các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do cá chết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cần có biện pháp quan trắc chủ động, hiện đại hơn để giám sát môi trường, sớm báo cáo kiểm điểm việc đúng sai ống xả thải của Formosa tại khu công nghiệp Vũng Áng bị nghi ngờ là tác nhân gây chết cá, đánh giá tác động môi trường của việc xả thải này. Ông cũng chỉ đạo các bộ ngành khác nhanh chóng vào cuộc để xác định đến cùng thủ phạm chính là gì, trên tinh thần khách quan, trung thực và thật cẩn trọng.
Người đứng đầu chính phủ cho rằng cho đến thời gian gần đây một số địa phương còn chậm trễ trong đề xuất giải pháp xử lý, công tác quản lý môi trường còn nhiều bất cập, chưa có sự phối hợp tốt giữa các bộ, ngành, chưa kịp thời quan trắc nước thải ở một số nhà máy liên quan. Trong khi đó một số đối tượng kích động, lôi kéo quần chúng gây rối, làm phức tạp tình hình.
Cho rằng các bộ, ngành chưa kịp thời xác định, công bố nguyên nhân, Thủ tướng nhìn nhận đây là sự việc bất thường, lần đầu tiên xảy ra tại nước ta trên vùng biển rộng, nên cần thận trọng. Nhưng dù thế nào đi nữa thì các ngành, địa phương phải đảm bảo đời sống của người dân, không để người dân đói, rơi vào tình cảnh quá khó khăn, bảo đảm cho ngư dân ra khơi đánh bắt bình thường.
Một lần nữa ông yêu cầu các bộ, ngành thực hiện các nhiệm vụ cụ thể đã đề ra ngay sau khi thảm kịch xảy ra, như Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam và các ngành chức năng, kể cả mời các nhà khoa học nước ngoài để kết luận, làm rõ nguyên nhân.
Bộ Công an khẩn trương thu thập toàn bộ chứng cứ, nếu phát hiện vi phạm có dấu hiệu hình sự thì kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật, không phân biệt tổ chức, cơ quan hay cá nhân nào.
Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương, theo quy định pháp luật, tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất gần biển, không để xảy ra tình trạng xả chất thải vi phạm tiêu chuẩn môi trường.
Bộ Y tế có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan sớm kết luận xem cá và các loại thủy hải sản khác có độc tố hay không, nếu có thì có tác động đến sức khỏe con người hay không để khuyến cáo người dân sử dụng thực phẩm bảo đảm an toàn.
Bộ Công thương tiếp tục triển khai đồng loạt các giải pháp huy động các doanh nghiệp chế biến trong hệ thống, tiêu thụ kịp thời thu mua hải sản đánh bắt xa bờ. Đồng thời phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hình thành khu hỗ trợ cho việc lưu trữ và tiêu thụ hải sản của bà con ngư dân tại tất cả các địa phương trong vùng.
Về các biện pháp hỗ trợ người dân, Thủ tướng đồng ý một số đề xuất của bộ, ngành, địa phương như cấp 4.500 tấn gạo cho ngư dân đánh bắt xa bờ với mức 15kg/người trong một tháng rưỡi; miễn lãi suất sáu tháng đối với ngư dân vay vốn đóng tàu đánh bắt xa bờ.
Ngoài ra các ngành chức năng, các địa phương cần cảnh giác, bảo đảm an ninh an toàn, không để xảy ra mất an ninh trật tự, không để bị động, bất ngờ.
Trong khi đó thì hàng loạt những thông tin được báo chí đưa tin cho thấy tình hình một số hộ nuôi cá lồng tại Thanh Hóa và Đồng Nai, tức ngoài vùng biển ô nhiễm, đang tiếp tục điêu đứng vì nạn cá chết hàng loạt mà thiệt hại mỗi nơi lên đến hàng tỉ đồng. Diễn biến này đặt ra thêm nhiều thách thức khác.
Hôm giữa tuần qua, một đoàn chuyên gia gồm năm nhà khoa học đến từ Mỹ, Đức, Nhật, Israel và Việt Nam đã đến Hà Tĩnh tìm hiểu, xác định nguyên nhân cá chết.
Sau khi nghe báo cáo tình hình trong buổi làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các chuyên gia quốc tế về hải dương học, địa chất, môi trường khẳng định sự quan tâm và sẵn sàng giúp chúng ta điều tra, xác định nguyên nhân và có hay không tình trạng ô nhiễm môi trường dẫn đến việc thủy sản chết làng loạt.
Một trong những chuyên gia là Giáo sư Roberto Mayerle, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Công nghệ Đại học Kiel (Đức) cho biết nếu chúng ta đồng ý, đoàn sẽ đưa thêm chuyên gia, mang thêm trang thiết bị để điều tra nguyên nhân cá chết hàng loạt vừa qua.
Trong cuộc tiếp xúc với các nhà nghiên cứu vừa nói, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà bày tỏ mong muốn các nhà khoa học quốc tế tích cực hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong việc điều tra, xác định nguyên nhân sự cố hải sản chết bất thường này cũng như lâu dài trong công tác bảo vệ môi trường biển Việt Nam. Ông nói “Bộ Tài nguyên và Môi trường mong muốn và tạo điều kiện để các nhà khoa học nước ngoài tham gia luôn vào việc đánh giá hoạt động của các nhà máy đang xả trực tiếp ra biển vịnh Vũng Áng; tham gia khảo sát quan trắc chất lượng nước biển khu vực này. Chúng tôi sẽ cùng các nhà khoa học rà soát lại toàn bộ hệ thống quan trắc bờ biển để xác định các công việc cần thiết trong thời gian tới nhằm tăng cường năng lực, bảo đảm ứng phó nhanh với các sự cố môi trường biển có thể xảy ra”.
Trước đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, trong đó có mời các nhà khoa học quốc tế để tìm nguyên nhân cá chết, bắt đầu hoạt động từ ngày 5-5 và duy trì đến khi kết thúc công tác kiểm tra này.
Liên quan đến việc đánh giá chất lượng môi trường nước biển, ngày 2-5 sau khi phân tích từ 9 đến 16 chỉ số mẫu nước biển tại bốn tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế, Tổng cục Môi trường đánh giá các hàm lượng kim loại nặng nằm trong giới hạn cho phép.
Những thông tin trên đây cho chúng ta một niềm hy vọng rằng nguyên nhân cá chết hàng loạt sẽ sớm được công bố, qua đó nếu tình hình nghiêm trọng thì cơ quan chức năng tìm phương án giải quyết cùng với sự tiếp sức của người dân. Trong trường hợp kết quả nghiên cứu không cho thấy là một nguy cơ, thì những thông tin được công bố chắc chắn sẽ tạo được niềm tin trong xã hội hơn là hình ảnh các quan chức ăn cá hay tắm biển tại những vùng bị nghi ngờ ô nhiễm môi trường sinh thái được đăng tải trên các phương tiện truyền thông.
Dù kết quả nghiên cứu thế nào đi nữa thì hiện tượng cá chết hàng loạt đang gây những hiệu ứng xã hội bất lợi. Người dân vì tiếc của hoặc kỷ luật tiêu dùng kém sẽ không loại trừ khả năng đưa hàng trăm tấn cá chết vào sản xuất nước mắm, làm phân bón hay chế biến thức ăn gia súc. Tất cả đều có hại cho sức khỏe con người, có khi trở thành gánh nặng lâu dài cho ngành y tế. Hiện nay, một bộ phận người tiêu dùng đã tích trữ muối và nước mắm cũng vì nỗi lo này. Thông tin chậm trễ về nguyên nhân cá chết cũng sẽảnh hưởng đến ngành du lịch, xuất khẩu thủy hải sản vì sự quan ngại của người tiêu dùng và du khách về an toàn thực phẩm và ô nhiễm môi trường biển.
Chính vì vậy, nguyên nhân cá chết hàng loạt cần được công bố sớm không chỉ trong nước mà cả bên ngoài, nhất là các thị trường truyền thống của ngành du lịch và xuất khẩu thủy sản của chúng ta.
Hoàng Hải (DNSGCT)