Những chiếc xe vespa, xe gắn máy đời mới bằng gỗ đủ kiểu chất đầy trong chiếc thùng giấy lớn. Bên góc thùng còn có mấy chiếc thuyền buồm thật đẹp, thật tinh xảo. Thùng giấy được niềng chặt vào một chiếc xe Wave trông có vẻ bụi bặm giang hồ lắm.
Điều suy nghĩ của tôi quả đúng như thần. Bởi khi ông chủ của mấy thứ đồ gỗ ấy hai tay cầm hai chiếc xe đến bàn cà phê buổi sáng của chúng tôi, cất lên tiếng nói thì nghe rõ giọng Bình Định rồi. Mấy chiếc vespa, xe gắn máy đặt xuống bàn, nhìn gần càng rõ nét sắc sảo, tinh tế.
Này nhé, chiếc vespa có yên nâu, tay lái trắng bóng, hai thùng xe tròn trặn che phủ bánh sau, bánh trước cũng màu nâu núp dưới vè xe màu trắng điểm nâu thật bắt mắt. Mọi chi tiết, đường nét giống như in xe thật, không chê vào đâu được. Chiếc môtô bên cạnh cũng vậy. Từ cổ xe, tay lái, bình xăng, yên ngồi trước đến yên xe sau và cả tấm bửng nhỏ gắn ở yên sau nữa…
Anh bạn tôi, kẻ thường chạy loại xe này phải tấm tắc khen quá trời luôn. Đúng là không thiếu một chi tiết, ngay cái chân chống và bàn đạp cũng y hệt. Lại thêm chiếc môtô đôi có chiếc xe nhỏ bên cạnh nữa chứ, thú vị thiệt đó. Một tên trong bọn chạy ra chiếc thùng bên ngoài, bê vào bàn cà phê chiếc thuyền buồm lớn. Trời! Thứ này mới đúng là “pro” đây.
Chiếc thuyền cao hơn thước, bên dưới thiết kế giống loại thuyền đi biển xưa. Nhưng tuyệt diệu nhất chính là ba cánh buồm, ván được xẻ mỏng, uốn cong làm vải buồm, có cả chiếc thang bắc lên cao với dây cột chằng chịt nữa. Buồm căng gió, sống động đến mức người nhìn phải sững sờ, ngây ngất.
Tôi nhớ nhiều lần xem phim nước ngoài, nhiều gia đình giàu có sang trọng đã từng trưng bày những chiếc thuyền buồm thế này như những món đồ lưu niệm. Mấy chiếc thuyền buồm màu cánh gián trước mắt tôi sáng nay cũng tuyệt đẹp có kém gì, hơn nữa lại được chế tác từ những thợ mỹ nghệ Bình Định nữa.
Mải ngắm nghía mấy món đồ gỗ tinh xảo, giờ mới quay qua phỏng vấn ông chủ xe, người đàn ông khoảng ngoài bốn mươi đang đứng cười thật hiền bên bàn cà phê kia. Anh cho biết mình tên Trần Kim Lai, quê ở Phù Cũ, một vùng đất đồi ở giữa hai huyện Phù Mỹ và Hoài Nhơn của tỉnh Bình Định.
Cả nhà anh chuyên chế tác đồ gỗ mỹ nghệ rồi đem vào miền Nam bán. Chỉ với chiếc xe wave màu xanh đây anh đã chạy từ Bình Định vào thẳng Phan Rang, nghỉ một chặng rồi chạy luôn xuống Vĩnh Long, từ Vĩnh Long chạy qua Cần Thơ, tìm nhà trọ nghỉ lại. Anh nói mình bán ở thành phố Cần Thơ đã bốn ngày nay rồi. Hỏi anh còn đi xuống nữa không, anh cười thật hiền.
Điểm chính của anh là Cà Mau và Phú Quốc đó. Ôi, nghe mà phục lăn lóc luôn. Tìm hiểu một chút về chuyên môn, anh vui vẻ kể về các loại gỗ sử dụng trong xưởng nhà ở quê. Ví dụ mấy chiếc thuyền buồm công phu kia phải làm từ gỗ cẩm (cẩm lai) và phải mua gỗ khúc nên giá khá cao, từ triệu đến 3 triệu đồng một chiếc, còn mấy chiếc vespa, môtô hay xe gắn máy kia nhờ mua gỗ vụn từ mấy chỗ đóng bàn ghế, loại gỗ lòng mứt trắng, gỗ căm xe… nên chỉ bán từ 100 ngàn đến gần 200 ngàn đồng một chiếc thôi.
Bà chủ quán cà phê thích mê chiếc vespa nên mua ngay một chiếc, anh bạn đi môtô cũng lấy chiếc môtô giống hệt xe mình. Anh Lai cho biết mình còn gởi mớ đồ chỗ nhà trọ, chờ thùng đồ vơi dần sẽ tiếp tục về Cà Mau bán tiếp. Hỏi mỗi lần vào đây anh đi bao lâu. Trả lời lần lâu nhất là ba tháng, còn lại là một, hai tháng. Về gia cảnh, người bán đồ gỗ mỹ nghệ cho biết anh có bốn con, hai đứa lớn đang học đại học, một đứa năm nay sẽ ra trường.
Đáng nể quá phải không? Chụp cho anh Trần Kim Lai tấm hình kỷ niệm, lòng lại bồi hồi cảm xúc. Cứ nghĩ về những người dân miền Trung đất đai khô cằn, hằng năm gồng mình gánh bao trận bão lũ mà ý chí, tinh thần vẫn kiên cường, chịu thương chịu khó để khắc phục hoàn cảnh, tiếp tục vươn lên. Trên từng chặng, từng chặng, một thân một mình vượt qua hàng ngàn cây số, làm sao đếm hết được bao nỗi vất vả, bao giọt mồ hôi đổ xuống trên đường.
Mấy ông bạn cà phê cứ săm soi mấy món đồ gỗ, chắt lưỡi thán phục. Chế tác tinh xảo thế này, nếu là mình, mình không bán với giá đó đâu. Bởi đâu chỉ làm bằng máy, nhiều chi tiết phải làm thủ công nữa đó. Còn tiền thuê nhà trọ, tiền ăn uống dọc đường. Không biết rồi anh lời lóm được bao nhiêu… Đúng là “khúc ruột miền Trung” sao nhọc nhằn lắm nỗi! Vậy mà, trước mắt chúng tôi, người Bình Định kia vẫn vui vẻ, tươi cười kể lể chuyện nhà cửa, chuyện làm ăn với chúng tôi, những người mới gặp gỡ chân tình như đã quen nhau từ lâu rồi.
Có điều vui nữa là khi tôi đưa hình lên Facebook ngay sau đó thì một cô học trò cũ đã nhắn tin xin số điện thoại anh bạn này để liên hệ liền. Cô hiện đang quản lý một cơ sở sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ của thành phố, bản thân lại rất thích đồ gỗ. Vậy là đã móc nối cho “anh bạn Bình Định” một mối làm ăn rồi. Đúng là mọi thứ đều có cơ duyên phải không?
Sáng hôm nay, như mọi ngày ra uống cà phê cùng bạn bè, vậy mà hình như tôi đã thu hoạch khá nhiều điều vừa thú vị, vừa bổ ích. Nhìn anh bạn Bình Định dẫn xe đi cùng chiếc thùng giấy cột chặt sau yên, sao thấy có chút gì bịn rịn, lưu luyến. Người đâu mới lần đầu gặp gỡ mà như đã sớm thân quen. Lòng thầm nhủ: hẹn gặp nhé anh Lai! Hẹn gặp nhé, lần sau!