Trời vẫn còn đêm. Tấm lụa mỏng đen bao trùm cảnh vật và dưới ánh đèn bệch bạc, khu phụ sản như không bao giờ biết ngủ. Những chiếc áo trắng tới lui lúc vội lúc khoan. Thỉnh thoảng tiếng trẻ sơ sinh ré lên rồi im lặng, còn lại âm thanh cười nói nhẹ nhàng của những người chăm lo phần sinh nở.
Mùi tanh máu thoảng trong không khí và tiếng vật dụng kim loại khe khẽ vang lên trong phòng mổ. Rồi một chiếc băng ca đẩy đi… Người đàn bà trẻ nhắm mắt, cựa quậy khó khăn như có gì đè lên người. Búi tóc xổ lỏng lẻo ơ hờ trên gối và khuôn mặt xanh xao chưa qua hết cơn đau. Bác sĩ đến gần: – Bà khỏe chứ? Mắt vẫn nhắm, chị đưa bàn tay trái run rẩy hướng về phía bác sĩ, giọng lạc đi: – Bác sĩ, con tôi ra sao? – Nó khỏe mạnh bình thường. – Con gì? (Sôi nổi) Trai hay gái? – Tôi đã báo tin mừng cho bà hồi nãy rồi: một thằng con trai, kháu lắm. – Bác sĩ có chắc không? Có chắc nó là con trai không? Tôi có chiêm bao không đây? Bác sĩ phì cười không trả lời, hỏi: – Sao bà cứ nhắm mắt vậy? – Tôi… sợ nhìn thấy con. Tôi vừa mong vừa sợ nhìn thấy con. – Sao vậy? – Con tôi, con… trai hay gái hả bác sĩ, nó đâu? – Trai. Nó đang nằm trong phòng đặc biệt.
Người đàn bà mở choàng mắt hoảng hốt: – Phòng đặc biệt? Tại sao vậy? – Bà bình tĩnh, nó chẳng sao cả. Chỉ là phòng hờ bảo vệ trẻ sơ sinh ấy mà. Có người đang bị cúm. – Nó nằm trong đó với ai? – Bữa nay có bốn trẻ ra đời, nó nằm với các bạn trong ấy. Người đàn bà thở ra, lại nhắm mắt. Môi chị run run và giữa hai mí khép lăn tăn dòng nước nhỏ: – Bác sĩ chắc chắn nó là con trai chứ? – Tại sao bà cứ hỏi hoài như vậy? – Vì tôi không muốn… bị là người đàn bà vô sinh. – Lạ chưa, bà sinh lần này là lần thứ tư mà. – Ba lần kia đều con gái, là vô sinh. Là không có con. Mà cây độc không trái, gái độc không con. Tôi là gái độc. Tôi vô tích sự. Tôi là người vợ xấu…
Vẻ mê sảng với câu nói lòng thòng ấm ức ấy khiến bác sĩ bỡ ngỡ, dịu dàng đổi cách xưng hô: – Ai nói với chị lạ lùng như vậy? Chị lắc đầu quầy quậy rồi bật khóc. Bác sĩ nắm chặt bàn tay trái chị thô ráp, vỗ về: – Chị nín đi, mới sinh khóc không tốt. Với lại cũng đừng động đậy vết mổ nhiều. Một lát, giọng chị ngập ngừng, mặt ánh chút hồng: – Có… ai biết tôi sinh con trai không? Mà có đúng nó là con trai không? – Sao không đúng, tất cả nhân viên trong phòng hộ sinh đều biết mà. – Không… ý tôi là… người gia đình tôi kia.
Bác sĩ nhìn quanh phòng. Chỉ là màu trắng. – Chị đi sinh một mình mà. Nhân tiện chị tỉnh rồi thì cho biết phải thông báo với ai? Chị xua mạnh tay, lắc đầu: – Khoan, khoan đã. Tôi phải nhìn thấy con tôi. Phải biết chắc nó là con trai, là nó khỏe mạnh cái đã. Tôi không muốn bị lầm. Nó đâu hả bác sĩ? Sao không cho tôi ôm nó? Mọi lần sinh xong người ta đặt con lên bụng tôi mà? Hay ít gì cũng phải cho tôi đi thăm nó chứ? – Hiện tại chưa thăm nó được vì chị phải nằm yên cho vết mổ đừng bị động cái đã. Còn nó thì phải nằm trong phòng đặc biệt cho an toàn. Bắt đầu ngày mai chị lo tập đi, không được nằm lâu. Y tá sẽ giúp chị. Rồi sẽ tha hồ thăm con. – Nhưng mà… lỡ người nhà thăm hỏi… (Lắc đầu) Mà chẳng ai thăm hỏi gì đâu. Lần sinh cuối chẳng ai biết tôi đi sinh nữa là. Lần này… nếu là con gái nữa thì… – Tôi hiểu. Chị bỗng cao giọng, mặt đỏ gay nói nhanh muốn hụt hơi: – Hiểu cái gì? Làm sao bác sĩ hiểu được? Ông là đàn ông thì hiểu cái gì? Ông có đẻ đái gì mà hiểu? Ngay cả nếu là đàn bà mà không làm dâu, làm sao ông hiểu được? Ông có sinh hoài con gái đâu mà hiểu? Ông có bị gia đình chồng chì chiết đâu mà hiểu? Ông có bị chồng thất vọng rồi nhậu nhẹt say sưa đâu mà hiểu? Làm sao ông hiểu được. Làm sao ai hiểu được… Ông nói dối.
- Xem thêm: Sinh con trước buổi bình minh
Ai cũng nói dối… Người đàn bà trẻ nức nở đến bật người lên. Bác sĩ vòng tay ôm chị, khe khẽ vỗ vào lưng như người ta dỗ trẻ con. Lâu lắm. Chim rộn ràng líu lo ngoài cửa. Trời bắt đầu ửng sáng. Người đàn bà đã trải qua một đêm chuyển dạ khó khăn phải mổ. Và bây giờ chị khóc, vẻ điên cuồng, như thể những dòng nước mắt không đủ sức cuốn trôi những gì chị đã thốt ra.
Cô y tá vào phòng gọi bác sĩ vẻ khẩn cấp. Ông cẩn trọng đặt chị nằm xuống: – Chị ráng ngủ một chút đi cho lại sức. Đừng khóc nữa, thằng bé sẽ bị ảnh hưởng cũng khóc theo, tội nghiệp nó. Và ông đi ra, bỏ lại sau lưng đôi mắt mở to ngơ ngẩn nhìn theo với bàn tay quẹt nhanh nước mắt, vẻ ráng tỉnh táo cho một cái gì thiêng liêng quý báu hơn nỗi buồn phiền. Có những ánh mắt rất lạ trong đời…- Cô ơi, cô y tá ơi, làm ơn cho tôi hỏi thăm một tí.
Cô y tá để xe thuốc ở cửa, vào phòng. Thân hình khỏe khoắn như áp đảo người đàn bà yếu ớt trên giường: – Chị muốn hỏi gì? – Con tôi… cô có biết là tôi sinh hôm qua không? Cô y tá gật đầu: – Chị mổ. Mọi việc tốt đẹp. Chị ngủ ngon không? – Không, tôi không ngủ. Tôi muốn biết con tôi. Cô có biết nó không? Biết hả? Con… gì hả cô? Nó là trai hay gái? – À, cái đó thì tôi mới tới làm ca sáng, chưa biết. Hôm qua sinh bốn đứa, ba gái một trai. – Ba gái lận à? Vậy thì… con tôi là con gì? Cô vui lòng coi thử giùm được không? – Sao? Chị thích con gì? Con nào cũng là con của chị mà. Khoan, có gì mà hoảng hốt vậy. Để tôi đi coi cho. Chị tên gì nào? Khi cô y tá trở về vừa tới cửa, ông bác sĩ gọi giật lại.
Qua cánh cửa mở, người đàn bà trẻ nhìn hai người nói chuyện ngoài kia, vẻ chị lo âu khiến buổi sáng chuyển mình u ám. Chẳng biết bác sĩ nói gì, thỉnh thoảng hất hàm về phía giường chị, cô y tá gật lia. Tiếng xe đẩy trong hành lang và mùi bữa ăn sáng rộn rã khắp nơi. Đêm rồi cũng qua và một ngày thực sự bắt đầu… Cô y tá vào phòng chị vẻ thênh thang, mỉm cười: – Tin mừng nè, chị có con trai. (Đặt mấy viên thuốc lên bàn) Ủa, chị không vui à? Sao lại đăm chiêu vậy? Người đàn bà vẫn làm thinh, mặt quay vào tường, vai rung rung. Cô y tá tới gần: – Cái gì vậy? Tôi chẳng hiểu gì cả. Tại sao chị khóc? Sinh con trai mừng quá hả? Không phải hả? Chớ tại sao khóc? – Cô… cô nỡ nào lừa tôi. Tôi thấy hết. Ông bác sĩ biết tôi mong con trai, dặn cô nói dối rồi… Cô y tá bật cười: – Chị đa nghi như Tào Tháo. Có, bác sĩ có dặn dò tôi nhưng không phải nói dối. Ông ấy bảo chiều nay giúp chị đứng lên bước tới bước lui cho chị mau khỏe để có thể đi thăm thằng bé. – Thiệt không cô? Đừng phỉnh tôi tội nghiệp. Nhưng… hôm qua có tới ba đứa con gái lận mà? – Thì chị là người duy nhất sinh con trai mà. Thôi tươi tỉnh đi, lát nữa ăn sáng xong uống chỗ thuốc này, vài ngày sau cứng cáp rồi lo cho con. – Sao không cho nó ra cho tôi thăm một tí hả cô? Làm ơn đi cô. – Phải có phép của bác sĩ chị ạ. Hôm qua có người bị cúm mà. Chị có muốn thằng bé bị lây bệnh không?
Người đàn bà trẻ chợt im như lỡ lời. Người ta đưa khay thức ăn vào và cô y tá đi ra. Người đàn bà gượng ngồi lên vuốt tóc, ăn uống rất nhanh như đã nhịn đói nhiều ngày. Rồi uống thuốc. Buổi chiều. Từng bước gường gượng có lúc cắn môi dằn cơn đau, chị bước chung quanh giường, tới chiếc bàn nhỏ, nương nương tới bên cửa sổ. Bên ngoài nắng ngả màu vàng rượm. Cây ăng ten trên nóc nhà ai in bóng lên tường bên kia khoảng sân thênh thang bệnh viện. Dưới sân, nhiều xe hơi đậu cạnh mấy thùng rác to và lối đi lát gạch mon men giữa hàng cổ thụ.
Trời vào thu dìu dịu không có gió, chỉ thỉnh thoảng một làn không khí hiu nhẹ như hơi thở người đàn bà bên khung cửa sổ nhìn mông lung vô định ra xa. Trông chị buồn buồn. Rồi đôi mắt quá to trên thân hình ốm yếu như chợt nhớ điều gì, lại chầm chậm từng bước vịn tường. Chiều bệnh viện yên ắng êm ru như thể chuyện đau đớn chết chóc chưa bao giờ có trên mặt đất. Và bước chân chậm chạp của người đàn bà trẻ chẳng gây âm thanh nào như thể chị vẫn còn nằm nướng trên giường. Và cũng im ả như thế, thời gian bay chầm chầm… Chị ngừng lại đầu giường lắng nghe.
- Xem thêm: Quên
Tiếng chân ai có vẻ hấp tấp vội vàng từ hành lang vọng vào. Một hay hai hay ba người rượt đuổi nhau mà không cười nói, trò chơi con người âm ỉ đi kiếm kho tàng. Và họ bước vào phòng chị khi kho tàng còn đứng ở đầu giường, mắt vẫn còn dò hỏi. Hai cô y tá đến dìu nhẹ đặt chị nằm, cô khác theo sau bác sĩ, trên tay mang một gói nhỏ trắng bóc tinh tươm. Chị chưa kịp thấy vì cô y tá sửa cho đầu giường cao lên đã che hoạt cảnh ấy. Nên khi bác sĩ đến cúi xuống cầm tay chị thì giác quan thứ sáu đã thình lình đổ chàm lên mặt người mẹ trẻ.
Mắt chị mở to như chưa bao giờ. Bác sĩ dịu dàng: – Chị bình tĩnh nhé. Tim cháu rất yếu ngay từ đầu. Chúng tôi đã làm hết khả năng có thể… Rất tiếc là… Bây giờ chị áp cháu vào lòng đi. Có thể đây là những giây phút cuối cùng… Cô y tá đặt đứa bé lên ngực chị, nó nhỏ bé thoi thóp như con chim sẻ kiệt sức, lịm người, tai tái. Không một lời, người mẹ ôm ấp con với vòng tay tưởng chừng vô tận. Góc chiếc khăn quấn chạm cứa vào vết mổ. Chị vuốt ve tấm lưng con qua lớp vải bọc, mắt mở to không hồn. Và mặt chị không thể nào tái hơn được nữa.
Trong thoáng chốc mọi người nhìn nhau, họ sợ không phải tim thằng bé sẽ ngưng mà là con tim của mẹ nó. Chiều bệnh viện dửng dưng mới đây giờ sao mà trịnh trọng… Những bóng áo blouse trắng bất động nghiêm trang, mắt mở như có cây gì chống. Ánh mắt người mẹ trẻ mênh mông. Mọi thứ sững lại, thiêng liêng. Chỉ có hai tay chị như được Thiên Chúa tiếp sức, ngọ ngoậy vuốt ve chiếc lưng con mỏng manh èo uột. Mỗi người mẹ đều có hai tay ve vuốt và một lồng ngực cho con tựa đầu vào… Ba cô y tá quay mặt nhìn chỗ khác, có gì trườn ra từ mắt họ làm rượp ướt lông măng trên má…
Thời gian lửng lơ trố mắt nhìn. Rồi một rồi hai rồi ba rồi bốn… chỉ phút chốc trôi qua hay đã cả trăm năm, hai bàn tay bất động búp bê bỗng cựa quậy phép lành, mấy cánh ngọc lan nhỏ xíu chợt ngo ngoe rựng đỏ. Cổ ông bác sĩ có cái gì chạy lên trụt xuống. Mọi khuôn mặt im sững. Chỉ người mẹ trẻ sinh khí bất ngờ, mắt sáng rực cuống quýt cầm hai bàn tay nhỏ xíu của con cố cúi hôn nhưng không tới, mân mê hối hả… Thằng bé ú ớ khóc những tiếng nho nhỏ đầu tiên tặng mẹ rồi hoảng hồn khóc ré trước tiếng cười tiếng la người lớn. Vị bác sĩ ngỡ ngàng lắp bắp: “Phép lạ! Đúng là phép lạ!”. Người mẹ thì lạc giọng: – Con trai của mẹ, trời ơi con trai của mẹ! Người đàn bà đau khổ miệng cười tươi mà đôi mắt tràn lan những nước…