Theo truyền thống, đời người thường trải qua ba giai đoạn: học tập, làm việc và về hưu. Khi mà tuổi thọ tiếp tục tăng lên, nhiều người sẽ làm việc lâu hơn trước đây, có thể lên đến 60 năm hoặc lâu hơn nữa.
Vậy nếu cuộc đời của chúng ta kéo dài một thế kỷ thì ta nên suy nghĩ và lên kế hoạch như thế nào cho hợp lý? Đây là câu hỏi trung tâm của quyển sách The 100-year Life: Living and Working in an Age of Longevity (tạm dịch: Cuộc đời 100 năm: Sống và làm việc trong thời đại trường thọ). Quyển sách mở ra những tầm nhìn quan trọng cho các cá nhân, công ty, thể chế giáo dục và chính phủ về cách phản ứng tốt nhất đối với những hệ quả khi tuổi thọ tăng lên.
Điều cần suy nghĩ về kế hoạch cuộc đời
Theo hai tác giả Lynda Gratton và Andrew Scott, một trong những thách thức chính của đời sống trường thọ là làm sao tiết kiệm đủ để sống một quãng đời về hưu dài 30-40 năm. Vậy mọi người có nên tuân theo mô thức truyền thống và về hưu ở tuổi 60-65? Thực tế, nhiều chính phủ đang tăng độ tuổi về hưu lên và nhiều người già buộc phải làm việc lâu hơn.
Theo tính toán của Gratton và Scott, một người sinh năm 1998 sẽ cần phải tiết kiệm 25% thu nhập trọn đời của họ (làm việc suốt 44 năm) để đủ sống trong 35 năm về hưu. Các tác giả đặt ra vấn đề là liệu mọi người còn nên tuân theo cấu trúc cuộc đời gồm ba giai đoạn (học tập, làm việc và về hưu) nữa hay không.
- Xem thêm: Hưởng thụ tuổi già
Lập kế hoạch cuộc đời từ những mục tiêu của bản thân
Thay vì buộc phải trải qua hàng thập niên bám trụ với một nghề nghiệp ảm đạm, các tác giả thúc giục mọi người hãy chủ động và bắt đầu lập kế hoạch cho một cuộc đời nhiều giai đoạn. Họ có thể học tập rồi theo một nghề nào đó trong vài năm, nhưng sau đó lại tiếp tục được đào tạo và theo những nghề mới; đồng thời họ cũng có thể tạm nghỉ để lập gia đình, theo đuổi sở thích hay đi du lịch hoặc có thể làm tất cả những chuyện đó.
“Kế hoạch cuộc đời” sẽ bao gồm những đam mê lâu dài, các sở thích mới, lập công ty khởi nghiệp hoặc đến với một trải nghiệm giáo dục hoàn toàn khác. Bằng cách này, họ sẽ tối đa hóa những lợi ích của một đời sống trường thọ thay vì trải qua cuộc đời như “một sự đày ải”. Xét về các mối quan hệ cá nhân, việc kết giao và tình bạn sẽ trở nên quan trọng hơn khi mọi người tìm cách chuyển đổi công việc, nghề nghiệp thường xuyên hơn và thậm chí là chuyển sang quốc gia khác.
Lên kế hoạch chọn “người đồng hành”
Việc chọn người bạn đời có lẽ ngày càng phụ thuộc vào sự sẵn lòng hợp tác của người đó trong các nhu cầu gia đình và nghề nghiệp – có thể hỗ trợ tài chính cho gia đình trong khi người kia đang đi học, được đào tạo hoặc tạm nghỉ để nuôi dạy con.
Hệ quả là mọi người sẽ ít dựa vào một nền giáo dục quá tốn kém và sâu rộng ngay từ đầu. Các thể chế giáo dục sẽ cần thay đổi để thích nghi với số lượng sinh viên lớn tuổi ngày càng tăng lên – cả qua kênh trực tuyến và tại khuôn viên trường. Giới doanh nghiệp cũng phải ứng phó với vấn đề phân biệt tuổi tác vì họ sẽ thuê nhiều nhân viên lớn tuổi.
Nếu như người lớn tuổi có thể truyền những kinh nghiệm quý giá trải qua hàng thập niên cho người trẻ, thì người trẻ cũng đóng vai trò quan trọng giúp cho người lớn tuổi giữ được sự trẻ trung. Các doanh nghiệp cũng cần linh hoạt hơn về giờ làm việc, chế độ làm việc bên ngoài văn phòng, được nghỉ để đi học và những phúc lợi khác chẳng hạn như nghỉ cuối tuần lâu hơn.