Nhờ sự phát triển về khoa học và công nghệ, cuộc sống của con người ngày nay có đủ trang thiết bị hiện đại được sản xuất hàng loạt từ các cụm linh kiện điện tử và nhựa tổng hợp, nhưng khi không còn được sử dụng nữa thì chính các loại máy móc hiện đại lại trở thành nguồn chất thải rất độc hại đối với môi trường. Rác thải điện tử đang là mối hiểm họa mà nhiều nước phải đối đầu, nhất là các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Đã đến lúc cần xúc tiến các hoạt động tái chế phù hợp nhằm giảm thiểu lượng rác thải điện tử để bảo vệ môi trường, tiết kiệm nguồn tài nguyên và nâng cao hiệu quả kinh tế – xã hội.
Rác thải điện tử ngày một nhiều nhưng bối rối về cách xử lý
Tại ViệtNam, nguồn thải rác điện tử chủ yếu do doanh nghiệp điện tử trong nước nhập phế liệu từ nước ngoài về để tái chế hoặc do người dân sử dụng thải ra, cứ mỗi năm tăng trung bình 3 – 5%. Nhiều năm qua, mối nguy này đã được cảnh báo, nhưng đến nay việc quản lý và xử lý rác thải điện tử vẫn còn nhiều bất cập.
Các thiết bị điện tử như tivi, máy tính, máy in, điện thoại di động, đồ chơi điện tử… trở thành vật không thế thiếu trong cuộc sống hôm nay vì vô số chức năng và tiện ích do chúng mang lại đã quá rõ ràng. Do công nghệ thay đổi liên tục, giá của các thiết bị điện tử rẻ hơn trước đây, nhưng vòng đời của chúng cũng ngắn hơn nhiều so với các thế hệ trước, hậu quả là lượng rác thải điện tử ngày càng tăng. Chỉ sau một thời gian sử dụng, có khi chưa hết tuổi thọ thì thiết bị cũ đã bị loại bỏ để thay bằng những thiết bị mới. Vòng đời của một chiếc máy tính đã giảm từ sáu năm xuống còn hai năm, còn vòng đời của một chiếc điện thoại di động chỉ dưới hai năm. Đó là nguyên nhân chính làm cho rác thải điện tử ngày càng gia tăng đáng kể.
Thời gian gần đây, ở nước ta đã có những động thái nhằm khắc phục tình trạng này, nhưng do chưa xây dựng được chế tài cụ thể nên các cơ quan quản lý vẫn còn… loay hoay tìm biện pháp! Mới chỉ có những thông tư tạm thời về giới hạn hàm lượng cho phép của một số hóa chất độc hại trong sản phẩm điện, điện tử và quy định về thu gom rác thải điện tử… do các cơ quan hữu quan ban hành. Bà Nguyễn Thị Như Phương – thành viên Ban Chấp hành Hội Điện tử Việt Nam nhìn nhận: “Việc xử lý rác thải điện tử ở Việt Nam chưa hiệu quả, hầu như chỉ dựa vào tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp và người dân không xả bừa bãi là chính”. Ngay cả một số doanh nghiệp điện tử muốn tìm đối tác để xử lý rác thải theo đúng quy trình cũng vấp phải khó khăn, còn doanh nghiệp nào có trách nhiệm thu gom và xử lý rác thải điện tử thì làm theo kiểu đối phó là chính, lại chưa được đầu tư trang thiết bị đúng mức nên chỉ xử lý rác thải điện tử như rác thải thông thường. Ông Phan Cao Hiệp – Phó giám đốc Công ty Điện tử Bình Hòa cho biết: “Sản phẩm của công ty chúng tôi chỉ xuất khẩu, không tiêu thụ ở thị trường trong nước nên không phải thu gom. Còn chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất thì chúng tôi nhờ tới các nhà máy thu gom đã được Sở Tài nguyên và Môi trường cấp phép hoạt động. Họ hoạt động đúng chuẩn hay không thì đã có cơ quan chức năng giám sát”.