Trong cuộc họp công sở nọ, giờ vui giải lao bên lề, mấy cô cậu trẻ trung lại trêu nhau chuyện yêu đương. Thôi hai bạn này lấy nhau đi cho rồi. Than ế mà ngồi cạnh nhau, cả hai mơ tưởng những đâu. Quay sang nhau lấy quách. Hai bạn đồng nghiệp nhìn nhau. Một người nói: “Thà chết còn hơn lấy đứa cùng cơ quan”. Người kia còn dữ hơn: “Không bao giờ! Trừ khi đột biến gien, may ra mới lấy bạn nhé”.
Lúc này sếp mới quay ra góp vui: “Bạn này nhiêu rồi?”. “Dạ hai mươi sáu”. “Trời, hai mươi sáu là ế rồi. Các em biết không? Tuổi như tụi em phải lấy người hơn mình ít nhất mười lăm tuổi.
Cứ yêu đương mấy người bạn cùng lớp bằng tuổi nhau, nghĩ là dễ cảm thông, vui vẻ, nhưng vào gia đình rồi mới cãi lộn chẳng ai chịu nhường quyền ai, bỏ nhau lia chia kìa, chồng chẳng ra chồng, vợ cũng vậy luôn. Bọn anh ấy à? Ông sếp xoa xoa cái đầu hói, giờ mà lấy vợ, bọn anh lấy cô hai mươi thôi”.
- Xem thêm: Tình yêu đội sổ
Thế mới lại thấy cái sự tươi trẻ quan trọng thế nào, xưa cũng như nay, các cô cậu cứ nghĩ đó là nhu cầu làm ăn thành đạt thời đại mới, có ngờ đâu nó đã “tiến một bước dài” trong hôn nhân đến thế.
Thì không có gì lạ ở nơi làm ăn, các công sở và những nghề “hot” như PR, MC,… liên quan đến quảng bá, thương hiệu, marketing, họp báo, làm event, tổ chức thi thiết kế poster, xây dựng kịch bản chương trình này nọ… – những nghề mà các bậc phụ huynh già một chút nghe lùng bùng lỗ tai.
Lạc hậu rồi, nên xã hội có đối xử không ra gì cũng ráng mà chịu. Giờ ngay các chuyên gia, các quan chức, ngôi sao truyền hình, truyền thông, doanh nhân… cũng phải đẹp. Vẻ đẹp giờ còn oai hơn cả đồng hồ Casio hay Rolex mà Kevin Costner đeo.
Trẻ đẹp hoặc không trẻ nữa nhưng vẻ thanh xuân lịch lãm chính là quyền lực mới. Nói ông, bà, anh, chị kia giàu có, thành đạt, giỏi giang lắm, mà nhìn xấu, già, thì ngay lập tức bị nghi vấn, đánh dấu hỏi liền.
Trách các cô gái, phụ nữ thi nhau phẫu thuật thẩm mỹ làm gì, họ sống chết là điều rủi ro thôi, chứ giờ người ta đang sống trong thế giới chuộng hình thức rồi. Câu “cái nết đánh chết cái đẹp” giờ đâu còn ai nhắc nữa, có nhắc cũng chẳng ai để vào tai. Mà cách nay cả chục năm rồi, xứ Mỹ, đàn ông đã tiêm botox xóa nhăn ở mặt, ở tay rồi. Họ xóa đốm tàn nhang bằng tia laser.
Nhưng đàn ông bị vướng một mâu thuẫn này: Hễ để già nua nhăn nheo thì không được, nhưng lộ ra là đi sửa sắc đẹp thì lại… hỏng. Sẽ bị cho là không nam tính, yếu ớt. Vì thế họ phải làm đẹp một cách kín đáo.
Không thể có chuyện đi phẫu thuật thẩm mỹ rồi băng kín mít nằm nhà mấy ngày liền được. Phải coi như không có chuyện gì xảy ra. Thậm chí, xóa nhăn cũng không được biến đổi hoàn toàn. Phải để lại một vài nếp nhăn, không nâng chân mày. Họ cũng không bơm miệng.
Tóm lại là kín đáo từ từ để không gây sự thay đổi đột ngột. Đàn ông làm chính trị gia giờ không phải già xấu, bụng bự, đầu hói hay nói ê a nữa, mà là võ sĩ, đánh cầu, đi bơi, du lịch mạo hiểm. Cả thế giới thờ hình mẫu cái đẹp, cái khỏe, cái lịch lãm, nên không thể xưa cũ.
Đó, thế giới thay đổi rồi. Có lẽ trong tương lai không còn ai xấu nữa. Giống như bên Hàn Quốc, ngành thẩm mỹ phát triển đến mức thi sắc đẹp, ban giám khảo phát bệnh vì chọn lựa loay hoay một hồi vào chung kết, có tới mấy chục cô giống nhau y boong. Chẳng biết chọn cô nào.
Các cụ bô lão nói, sản xuất ra hàng loạt, giờ biết chọn ai. Thế nên đừng trách phụ nữ bây giờ liều mạng đổi lấy cái đẹp. Họ táo tợn hơn đàn ông nhiều. Gọt cả khuôn mặt, làm cả môi cười thường trực (Đi đám ma chắc phải đeo khẩu trang quá. Cười ở đó có mà ăn tát. Đẹp mấy thì ở đó vẫn bị gọi là… cười đểu).
Ai da, chuyện làm đẹp thôi đừng có bàn, phải chúi mũi vào phát minh đi, an toàn đi. Cả thế giới chuộng hình thức và dùng dao “chém gọt” cả hình hài con người do Chúa sáng tạo. To gan thế còn trách gì phụ nữ hay mạo hiểm chết người.