Bên cạnh việc rèn luyện thân thể bằng những động tác thể dục, hay các bài tập dưỡng sinh, nghỉ ngơi đầy đủ và hợp lý, con người còn tìm đến những dược thảo quý hiếm mang đến hạnh phúc phòng the trọn vẹn.
Những thang thuốc huyền thoại
Ở Việt Nam, nổi tiếng nhất là loại thuốc Minh Mạng thang, với “Nhất dạ ngũ giao sinh ngũ tử”, rồi “Lục dạ ngũ giao sinh ngũ tử”… Từ bài thuốc có thật dùng cho vua Minh Mạng, người ta huyền thoại hóa nó, thêu dệt những ly kỳ. Toa thuốc Minh Mạng được xây dựng trên bài thuốc Quy tỳ thang. Nghiên cứu cũng cho thấy, bài thuốc này là thuốc bổ, nâng cao thể trạng, trong đó có tăng cường sức khỏe tình dục cho vua.
Ngày nay, hầu như quý ông nào cũng thủ cho mình một hũ rượu thuốc theo kiểu “ông uống bà khen”. Thuốc được dùng phổ biến: sâm, nhung, dâm dương hoắc, nhục thung dung, sâm cau, tỏa dương, mật gấu, câu kỷ tử, ba kích… Nhiều động vật cũng được dùng: pín dê, tắc kè, cá ngựa, rắn…Thảo dược có tác dụng bổ thận tráng dương rất phong phú. Tuy nhiên, dùng thế nào phải có sự tư vấn của thầy thuốc giàu kinh nghiệm, bởi nếu không sẽ bị tác dụng ngược.
“Viagra” thảo dược tiêu biểu
Nhục thung dung: Từ hàng ngàn năm nay đã được tôn vinh như một loại “thần dược” của đấng mày râu. Loài thảo dược kỳ lạ này vốn là một loại nấm đặc biệt, chỉ mọc lên từ những chỗ mà tinh dịch của con ngựa bạch đực rớt xuống khi giao phối với ngựa cái…
Theo Đông y, nhục thung dung có vị ngọt, mặn, tính ấm; vào hai kinh thận, đại tràng; có tác dụng bổ thận, ích tinh, nhuận táo, hoạt tràng. Chủ trị nam giới liệt dương, nữ giới không có thai, đới hạ, băng lậu, lưng gối lạnh đau, cơ bắp không có sức, huyết khô tiện bí.
Sách Nhật Hoa Tử bản thảo viết: “Nhục thung dung nhuận ngũ tạng, trưởng cơ nhục, ấm lưng gối”. Sách Trung Dược Học viết: “Nhục thung dung bổ thận dương, ích tinh huyết, nhuận trường, thông tiện”. Sách Đông Dược học thiết yếu viết: “Nhục thung dung bổ thận dương, thông nhuận đường ruột”…
Các kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy, hàm lượng hoạt chất sinh học trong nhục thung dung rất phong phú. Theo Từ điển các vị thuốc dưỡng sinh hiện đại thì nhục thung dung có chứa các chất như: boschnaloside, orobanin, 8-epilogahic acid, betaine, nhiều loại axit hữu cơ và trên 10 axit amin.
Những chất này có tác dụng kiềm chế quá trình lão suy và kéo dài tuổi thọ, tăng thể lực, tăng cường khả năng miễn dịch, có tác dụng hạ huyết áp ở mức độ nhất định và có tác dụng như một loại hoóc-môn sinh dục. Chính vì thế, nhục thung dung là vị thuốc bổ thận với cả nam lẫn nữ.
Đỗ trọng (Eucomia ulmoides Oliv.): thuộc họ Đỗ trọng (Eucommiaceae). Vị thuốc này được ghi đầu tiên ở sách Bản kinh. Còn có tên là Mộc miên vì trong vỏ có chất sợi tơ bạc.
Bản thảo cương mục của Danh y Lý Thời Trân (thời nhà Minh, Trung Quốc) có chép: “Bàng Nguyên Anh kể lại: xưa có người thiếu niên mới lấy vợ bị bệnh yếu chân không đi được, uống các thuốc không khỏi, sau đó lương y Tô Lãm bắt mạch đoán rằng bệnh đó do thận hư, cho uống đỗ trọng 10 ngày là khỏi”.
Kết quả nghiên cứu dược lý học hiện đại cho thấy, đỗ trọng có tác dụng hạ huyết áp, giảm cholesterol trong huyết thanh, làm giãn mạch, tăng lưu lượng máu trong động mạch vành tim; làm hưng phấn hệ thống tuyến vỏ thượng thận – tuyến yên, ức chế cơn co tử cung, lợi niệu, trấn tĩnh, cải thiện khả năng sinh hoạt tình dục.
Thục địa: Với công dụng tư âm, dưỡng huyết, bổ can, ích thận, ích tinh, bổ tủy, tuấn bổ chân âm, kèm bổ huyết. Thục địa là vị thuốc chủ lực của nhiều bài thuốc bổ thận cho những trường hợp vô sinh, cả nam lẫn nữ, tăng cường sức khỏe nói chung, sức khỏe tình dục nói riêng.
Địa hoàng (Rehmania glutinosa (Gaerth): thuộc họ Hoa mõm chó (Scrophulariaceae). Sinh địa là thân rễ phơi hay sấy khô của cây địa hoàng; còn thục địa được chế biến từ sinh địa theo dạng đồ, nấu chín.
Theo GS-TS Đỗ Tất Lợi, sinh địa và thục địa đều là thần dược (thuốc quý rất tốt) để chữa bệnh về huyết, nhưng sinh địa thì mát huyết, người nào huyết nhiệt nên dùng, thục địa ôn và bổ thận, người huyết suy nên dùng.
Theo tài liệu cổ, thục địa vị ngọt, tính hơi ôn vào ba kinh: tâm, can, thận. Có tác dụng nuôi thận, dưỡng âm, bổ thận, làm đen râu tóc, kinh nguyệt không đều, tiêu khát, âm hư, ho suyễn.
Nghiên cứu y học hiện đại cũng khẳng định rằng, địa hoàng (sinh địa, thục địa) có tác dụng: hạ đường huyết, làm mạnh tim, hạ huyết áp, bảo vệ gan, lợi tiểu, cầm máu và tác dụng lên một số vi trùng nên có tác dụng kháng viêm… Y học cổ truyền, thục địa là vị thuốc chủ yếu để bổ thận, thuốc tốt nhất để dưỡng âm.