Trong phép xưng hô xưa, tiếng “quân tử” được sử dụng khá thường xuyên, chỉ người đàn ông có học vấn và đạo đức.
Gốc gác của từ này có từ thuở xa xôi, cách đây cả mấy nghìn năm, ngay trong bài thơ nổi tiếng vào bậc nhất quyển sách gối đầu giường của các quân tử là Kinh Thi cũng mở đầu bằng câu: “Quan quan thư cưu, Tại hà chi châu; Yểu điệu thục nữ, Quân tử hảo cầu”. Từ “quân tử” cũng xuất hiện thường xuyên trong các thư tịch kinh điển khác của Nho gia.
Trong văn học cổ điển Việt Nam, người ta thấy từ “quân tử” xuất hiện nhiều lần nơi thơ Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ở đó, “quân tử” được hiểu như khái niệm “người đàn ông chân chính” có học vấn và đạo đức đạt đến chuẩn mực “trung dung”, tức không thái quá cũng không bất cập.
Điều này thể hiện cụ thể trong giao tiếp hằng ngày với bằng hữu thì theo tinh thần thanh đạm, đơn giản, nhưng chân tình và bền lâu, được Nguyễn Trãi khẳng định: “Quân tử nước giao âu những lạt” (Bảo kính cảnh giới, bài 51), trái với cách giao tiếp vồn vã nồng nhiệt ngọt ngào mà giả dối đầu môi của “tiểu nhân”.
Có thể truy nguyên gốc gác câu thơ Nôm kể trên của Nguyễn Trãi từ sách Trang Tử, thiên Sơn mộc: “Quân tử chi giao đạm nhược thủy”. Sách Trang Tử thuộc vào loại kinh điển của Đạo gia, nhưng cũng là bộ sách được các trí thức Nho giáo xưa nằm lòng.
“Đạm” xét theo nghĩa thông thường diễn tả cái vị nhạt nhẽo, nhưng ở đây nó là một phạm trù quan trọng trong mỹ học cổ điển phương Đông, nội hàm phong phú, thể hiện tinh thần văn hóa được khởi phát từ Lão Tử. Đạo Đức kinh viết: “Đạo nói ra lời, có vẻ nhạt nhẽo vô vị” (Chương 36), Trang Tử chủ trương “du tâm ư đạm” (để cho tâm mình rong chơi trong cõi thanh đạm – thiên Ứng đế vương). Dù được Lão Trang đề cao, xem như biểu hiện của Đạo, nhưng Đạm không phải chỉ riêng có ở Đạo gia, mà Phật giáo và Nho giáo cũng đề cao Đạm. Như sách Cảnh Đức truyền đăng lục viết: “Cái tâm của đạo nhân lắng trong như nước thu, thanh tịnh vô vi, đạm tĩnh không ngăn ngại” (Quy Sơn Linh Hựu thiền sư); sách Trung dung dạy: “Đạo của người quân tử là: đạm mà không chán, giản mà đẹp, ôn hòa mà có lý lẽ”.
Các nhà Nho xưa xem đạm bạc là “tính của đạo”, là “vị của đạo”, nên nó được xem như tiêu chuẩn lý tưởng cho việc tu thân và cả sáng tạo nghệ thuật.
Chu Hi khuyên người học thơ: “Làm thơ thì tốt nhất nên theo Đào Uyên Minh và Liễu Tông Nguyên, bằng không sẽ thiếu mất cái thú thanh đạm và cũng không tránh được việc sa vào trần tục, không đạt đến cái đẹp” (Luận Đào).
Trong chuyện “tửu sắc” tức quan hệ nam nữ và ẩm thực, người quân tử cần phải tỉnh táo, không để cho bản năng sai khiến mình, biết chừng mục vừa phải.
Nguyễn Trãi nói: “Chẳng say chẳng đắm là quân tử” (Bảo kính cảnh giới, bài 52). Đó là cái hạnh “tiết dục” (biết điều tiết ham muốn) mà người quân tử xưa phải rèn luyện và tuân thủ.
Tuy vậy, nhiều khi bản năng tự nhiên và đạo đức xã hội xung đột khiến các đấng quân tử cũng rơi vào cảnh khó xử, như Hồ Xuân Hương diễn tả trong bài Thiếu nữ ngủ ngày: “Trưa hè hây hẩy gió nồm đông/ Thiếu nữ nằm chơi quá giấc nồng/ Lược trúc lỏng cài trên mái tóc/ Yếm đào trễ xuống dưới nương long/ Đôi gò bồng đảo sương còn ngậm/ Một lạch đào nguyên suối chửa thông/ Quân tử dùng dằng đi chẳng dứt/ Đi thì cũng dở ở không xong”.
Đến ải mỹ nhân thì anh hùng, quân tử chi đó đều khó qua. Nhiều người không đạt được hạnh tiết dục thực sự, mà chỉ che chắn bằng hình thức lễ nghĩa bên ngoài, thành ra đạo đức giả, nên Bà Chúa Thơ Nôm mới chế giễu: “Quân tử có thương thì đóng cọc/ Xin đừng mân mó nhựa ra tay” (Quả mít), “Mát mặt anh hùng khi tắt gió/ Che đầu quân tử lúc sa mưa” (Cái quạt).
Đức hạnh của người quân tử xưa thường được biểu trưng bằng một số loài cây cối hoa cỏ phổ biến như: mai, lan, cúc, trúc – cũng gọi là “tứ quân tử” (bốn vị quân tử), hay tùng, trúc, mai – cũng gọi là “tuế hàn tam hữu” (Ba người bạn trong giá rét. Ở Trung Quốc xưa, mai nở vào mùa đông không phải vào mùa xuân quen thuộc như ở Việt Nam). Bởi đặc tính sinh học của chúng có nhiều điểm tương tự đức hạnh chuẩn mực của người quân tử được những họa sĩ xuất thân văn nhân đặc biệt yêu thích và đưa vào tranh.
Chúng ta có thể hình dung cốt cách của người quân tử xưa qua hình ảnh của các loài cây cối hoa cỏ mà người xưa miêu tả, gửi gắm trong thi ca cổ. Trong số “tứ quân tử”, Trúc được ca ngợi nhiều nhất, như Nguyễn Trãi nói: “Đã từng có tiếng trong đời nữa/ Quân tử ai chẳng mảng danh?” (bài 1), “Danh quân tử, tiếng nhiều ngày” (bài 2).
Bởi sao? Bởi trúc có đặc tính mọc thẳng, ruột rỗng rang, xanh tốt quanh năm, tượng trưng cho tính kiên cường thẳng thắn, không tư lợi, không thay lòng đổi dạ, mắt trúc gọi là “tiết” lại đồng âm với “khí tiết” cao thượng của đấng trượng phu.
Mà “trượng phu” cũng là cách gọi khác của “quân tử”, cho nên Nguyễn Trãi mới nói: “Trượng phu tiết cứng khác người thay” (bài 3).
Tùng hay thông có thân cao lớn, sần sùi, có thể mọc và sống mạnh mẽ trên sỏi đá, bốn mùa xanh tươi, không sợ sương tuyết gió bão, đặc tính ấy được người xưa rất thích.
Chùm thơ tứ tuyệt Tùng của Nguyễn Trãi cho thấy phẩm chất kiên cường bất khuất của người quân tử, không chùn bước trước khó khăn gian khổ, luôn đứng vững chãi trước nghịch cảnh: “Thu đến cây nào chẳng lạ lùng/ Một mình lạt thuở ba đông” (bài 1), “Cội rễ bền dời chẳng động/ Tuyết sương đã thấy đặng nhiều ngày” (bài 2). Và đối với Nho giáo, tài năng của người quân tử phải được dùng để phò vua giúp nước: “Đống lương tài có mấy bằng mày/ Nhà cả đòi phen chống giỏi thay” (bài 2), “Hổ phách phục linh nhìn mới biết/ Dành còn để trợ dân này” (bài 3).
Trong các loài hoa, cúc được gọi là “ẩn quân tử” bởi hình ảnh của nó gắn liền với các ẩn sĩ không ham thích tham gia chính trị hoặc từ quan về vườn sống đời thanh đạm xa rời danh lợi.
Các đặc tính nổi trội nhất của cúc thường được ca ngợi là “tiết muộn” (các loài hoa khác nở vào mùa xuân, riêng cúc vào thu mới đơm hoa), “không sợ sương lạnh”, “thuần sắc”, tượng trưng cho đức tính độc lập, kiên cường, trung trinh của con người.
Nguyễn Trãi ca ngợi: “Người đua nhan sắc thuở xuân dương/ Nghỉ chờ thu cực lạ dường/ Hoa nhẫn rằng đeo danh ẩn dật/ Thức còn phô bạn khách văn chương/ Tính thanh nào đoái bề ong bướm/ Tiết muộn chẳng nài thuở tuyết sương”.
Mai có lẽ là loài hoa được nói đến nhiều nhất trong thơ cổ. Hình dáng khẳng khiu mà vững chãi, hương thơm kín đáo mà tinh tế, vẫn tươi tốt trong điều kiện khắc nghiệt, biểu trưng cho khí tiết thanh cao của người quân tử.
Nguyễn Trãi tán tụng: “Xuân đến nào hoa chẳng tốt tươi/ Ưa mày vì tiết sạch hơn người/ Gác đông ắt đã từng làm khách/ Há những Bô tiên kết bạn chơi”.
“Bô tiên” mà Nguyễn Trãi nhắc đến ở đây chỉ Lâm Bô, một thi nhân nổi tiếng thời Tống không vợ con, trồng mai, nuôi hạc bầu bạn và yêu chúng như vợ con, sống cuộc đời ẩn dật như thần tiên.
Nếu như trúc, tùng là biểu trưng cho người quân tử lúc thanh niên trai tráng bừng bừng sức sống, lúc đang hăm hở trên dặm dài sự nghiệp, thì cúc và mai là biểu trưng cho người quân tử lúc thoái lui, lão niên. Vậy nên Nguyễn Trãi mới nói: “Càng thuở già càng cốt cách/ Một phen giá một tinh thần” (Mai).
Lan được mệnh danh là loài hoa vương giả, có vẻ đẹp mảnh mai đài các, hương thơm dịu dàng, rất được các quân tử Tàu ưa chuộng thường đưa vào thơ vào tranh.
Ở Việt Nam ngày nay, lan là giống hoa phổ biến, được nhiều người ưa thích, nhưng ngày xưa người quân tử Việt Nam ít nói đến lan, có thể do đặc tính khó trồng khó chăm và cách biệt với đời sống bình thường hơn các loài hoa khác.
- Xem thêm: Quốc văn giáo khoa thư gối đầu giường
Thế kỷ 19, Cao Bá Quát từng viết bài Bồn lan họa Di Xuân ca ngợi đức tính “viễn tục”, “trinh tư”, “lượng tiết” của lan: “Hang sâu quen nhẽ khóm lan thơm/ Vắng vẻ còn hay lánh tục nhàn/ Thân rễ vốn nương nơi viện thẳm/ Lá cành thêm biếc chốn lan can/ Vẻ trinh sớm biết niềm sương gió/ Khí tiết đành thương tuế nguyệt tàn/ Cũng có tấm lòng đồng cảm đấy/ Ân cần gìn giữ vẻ hồng nhan” (nguyên tác Hán văn, bản dịch của Bùi Hạnh Cẩn).
Tuy nằm ngoài “tứ quân tử” và “tuế hàn tam hữu”, ít được nói đến hơn mai, cúc, nhưng vẻ đẹp của sen có khi còn được đánh giá là át cả các loài cây loài hoa khác.
Bậc danh Nho thời Tống là ông Chu Liêm Khê nói lý do việc mình yêu thích sen, bởi nó là loài hoa: “từ bùn mọc lên mà không nhơ, trơ trọi trên nước lăn tăn mà không ẻo lả, bên trong thông suốt bên ngoài thẳng ngay, không bò dưới đất, không nảy cành nhánh, mùi thơm truyền xa tinh khiết, cắm yên đứng thẳng, có thể ngắm từ xa, ngắm hoài mà không chán” (Ái liên thuyết).
Những đặc tính sinh học tự nhiên ấy của sen được ví với những đức tính tốt đẹp cao quý của người quân tử: ở trong đời mà không nhiễm ô uế của đời, cô đơn mà không bám víu a dua, ngay thẳng, không tham lam, không quỵ lụy, không bè phái, khiêm tốn, liêm khiết, là người đáng tin cậy và có thể giao du lâu dài.
Bài thuyết này của ông cũng được nhiều thư pháp gia chọn để trình diễn tay nghề và tài năng, cũng được các nhà nghệ thuật viết, chạm lên đồ mỹ nghệ gốm sứ, gỗ, ngà, đá, ngọc… như một danh ngôn, một phương châm sống đẹp của con người.
Ở Việt Nam, sen là loài hoa phổ biến thân thuộc, đặc tính “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” cùng hương thơm thanh khiết khiến sen cũng được các quân tử yêu mến, bởi hình ảnh của sen dầu ít được nói đến song vẫn khắc họa rất rõ khí phách của người quân tử.
Nguyễn Trãi ngợi ca sen: “Lấm nhơ chẳng bén tốt hòa thanh/ Quân tử kham khuôn được thửa danh/ Gió đưa hương đêm nguyệt tĩnh/ Trinh làm của có ai tranh”.
Vào thế kỷ 19, trong nam Trịnh Hoài Đức cũng có bài Liên (sen), chỉ 20 chữ, nhưng cũng cho thấy được giá trị riêng biệt của sen: “Chống chọi với tuyết thì không bằng mai mùa đông/ Chống chọi với sương thì không bằng cúc mùa thu/ Nhưng khi vào mùa hạ nóng nực/ Mới biết sức sống mãnh liệt của sen đến thế nào”.
Sen còn được người Việt xếp vào bộ “tứ quý” gồm bốn loài hoa mộc tượng trưng cho bốn mùa: mai – xuân, sen – hạ, cúc – thu, thông – đông, thường được thể hiện trong tranh tết dân gian với màu sắc tươi tắn rực rỡ theo thẩm mỹ đại chúng.
Trở lên là nói về những chuẩn mực của người quân tử Việt Nam trong việc tu thân, tề gia. Nhưng chí hướng của người quân tử cũng như Nho sĩ không chỉ dừng lại ở đó, mà còn hướng đến mục tiêu cao xa hơn là trị quốc, bình thiên hạ.
Hầu hết, các Nho sĩ đều là những người có chí kinh bang tế thế, họ bôn ba nhọc nhằn cúc cung tận tụy với chức trách triều đình giao phó, để thỏa chí tang bồng hồ thỉ của mình.
Những lúc chồn chân mỏi gối, mệt mỏi trong trường quan bể hoạn, họ cũng biết tìm cho mình một chỗ để ngả lưng dừng chân giải khuây trong khóm hoa dòng suối, nhưng chỉ là tạm thời mà thôi, còn hành động thực sự thì rất hiếm người rũ bỏ được con đường công danh, ai ai cũng “nấn ná” mãi với “áng mận đào”.
Bởi chữ “danh” là sinh mệnh, giá trị, nỗi ám ảnh thường trực của của trí thức Nho gia. Chính điều này làm cho các quân tử thấy rõ sự vinh – nhục, thành – bại ở đời.
- Xem thêm: Ấy là hương vị tiếng nước tôi!
Quan niệm về công danh tuy mỗi người một kiểu, nhưng được các nhà Nho phát biểu rất rõ. Ngô Thì Sĩ dẫn lời em trai Mã Viện là Thiếu Du nói: “Người ta sinh ra ở đời chỉ nên giữ chức quan nhỏ, cốt đủ ăn đủ mặc trông coi phần mộ tổ tiên, tham cầu phú quý chỉ khổ thân mà thôi!” (Bài văn trách ma nghèo), nhưng qua đó ông cũng cho biết một phần cái chí công danh của mình: “Mong được công danh to lớn dài lâu”; Lê Quý Đôn khẳng định: “Kẻ sĩ làm quan, thi hành chính sự (…) lấy vỗ về binh nông, lấy lợi trừ hại, truyền bá những điều giáo hóa, đổi dời phong tục, đem hết khả năng tâm sức ra mà làm những điều nên làm theo đúng chức phận để thỏa lòng bề trên, ban ơn cho dân chúng.
Dẫu thời có khó dễ, thế có nên chăng, nhưng theo thời mà châm chước, tính toán lo việc thì việc gì cũng thích đáng cả” (Tựa Phủ biên tạp lục); Ninh Tốn bảo: “Nam tử chỉ yếu kỳ sự nghiệp” (Người con trai cần có sự nghiệp phi thường – Du học kinh sư 1); Nguyễn Công Trứ phát biểu nhiều lần: “Làm trai đứng ở trong trời đất, phải có danh gì với núi sông” (Nợ tang bồng, Đi thi tự vịnh, Con tạo ghét ghen); Cao Bá Quát viết: “Trong bốn bể đều ngô Nho phận sự” (Trải khắp đường đời);…
Không ít người chủ trương phải thi cử học hành đỗ đạt để làm vinh dự cho bản thân và dòng họ, đó là nhiệm vụ của người đàn ông, không được xao nhãng hay “mưu đồ” ẩn dật theo kiểu ông Đào Uyên Minh, như lời dạy rõ ràng của cha Phùng Khắc Khoan: “Cách xa cha nhớ thuộc nòi nào/ Tính vốn thông minh kiến thức cao/ Một nếp phải lo chuyên Khổng học/ Từng giờ cố sức chớ theo Đào/ Hiển dương hai chữ cần ghi kỹ/ Viễn đại tiền đồ chớ biếng xao/ Cả họ ngóng con mong hiển đạt/ Ngày về vui vẻ bõ công lao” (nguyên tác Hán văn, bản dịch của Trần Lê Sáng).
Cuộc sống lý tưởng của nhà Nho là khi trẻ làm việc hết mình để thi thố tài năng, thực hiện chí khí hoài bão lợi nước an dân, trả cái “nợ tang bồng”, lúc già hưu quan phong lưu nhàn hạ “thảnh thơi thơ túi rượu bầu”.
Song do nhiều yếu tố mà hiếm người đạt được nhân sinh lý tưởng ấy, như Nguyễn Bỉnh Khiêm nói: “Mấy người trọn được chữ thân danh”.
Trương Hán Siêu chết khi chưa về đến nhà do làm quan xa bệnh tật xin hồi hương; Nguyễn Phi Khanh ôm hận vì không được nhà Trần cho làm quan; Nguyễn Trãi chết khi đang còn tại chức; Trịnh Hoài Đức tuy được làm quan chức cao, nhưng phải tha hương, ốm đau không được về, khi chết thì ước nguyện hồi hương của ông mới thành hiện thực…
Danh lợi khiến con người cảm thấy cuộc sống cuộc đời có mục đích thực tế rõ ràng, để phấn đấu để theo đuổi tìm kiếm giá trị nhân sinh.
Nhưng những tai ương hiểm họa cũng nảy sinh từ đó. Không phải các trí thức không thấy được điều này, không những thế, họ còn thấy rất rõ, như lời Nguyễn Trãi: “Đến trường đào mận ngạt chăng thông” (Thuật hứng 5), “Chân mềm ngại bước dặm thanh vân” (Bảo kính cảnh giới 31), “Tuổi đã năm mươi đầu đã bạc, Ấy còn bìu rịn lấy chi vay!” (Tự thán 5), “Ắt ngại lanh chanh áng mận đào” (Vô đề),…
- Xem thêm: Giấy vàng xưa vẫn truyền gia bảo
Hơn nữa, ông còn cảm thấy xấu hổ cho mình vì lụy danh: “Phải lụy vì danh đã hổ thay” (Tự thán 5), thậm chí ông còn như thấy được tai ương sẽ ập đến do chữ danh gây ra: “Lỗi thác vì nơi lụy bởi danh” (Bảo kính cảnh giới 31),...
Nhưng trí thức luôn tự đặt lên vai mình trọng trách xã hội, nên dù biết chính trường là nơi đáng sợ, thậm chí có thể mất mạng ở đó, song “trách nhiệm xã hội” vẫn khiến họ từ giã ngôi nhà yên bình của mình để ra gánh vác việc nước việc đời, tìm kiếm công danh sự nghiệp.
Kết quả Nguyễn Trãi theo tiếng gọi của “chí nam nhi” và “trách nhiệm xã hội” mà tiếp tục dấn thân vào chính trường và mất mạng trong đó.
Tuy bản thân ông không thực hiện trọn vẹn được giá trị nhân sinh cho riêng cuộc đời ông, song những giá trị nhân sinh ông tạo ra và để lại thì lại có ý nghĩa lớn lao và trường cửu, đó có lẽ cũng là niềm an ủi, hạnh phúc của Nguyễn Trãi – một người quân tử.