Cùng ngồi bên nhau trong những bữa ăn có nhiều lợi ích lâu dài. Chia sẻ, nói chuyện, trao và nhận sự phản hồi, góp ý của nhau, củng cố sự tự tin của con cái thông qua những câu chuyện, đồng thời giúp trẻ được tham gia vào việc trao đổi bằng lời.
Đối với trẻ mới lớn, cần thể hiện thái độ chậm rãi, để cho trẻ thấy bạn đang lắng nghe chúng. Chuyên gia tâm lý người Mỹ, Beryl Meyer cho biết: “Những bài học cuộc sống, như sự tôn trọng, nhận biết những ranh giới, đánh giá đúng ảnh hưởng tích cực của những lời nhận xét, phê bình có tính xây dựng, sự gắn bó thông qua tiếng cười, tất cả có thể xảy ra trong giờ ăn tối, tạo ra những kỷ niệm đẹp, giúp truyền cảm hứng và ảnh hưởng trong suốt cuộc đời”.
- Xem thêm: Cải thiện việc giao tiếp trong gia đình
Dưới đây là một số gợi ý:
- Cột dây ruy băng quanh một cái nĩa, hãy gọi đó là “cái nĩa biết nói”, sẽ giúp đem lại hiệu quả rất ấn tượng. Trước khi mọi người rời bàn ăn, mỗi người cần có một cái nĩa, đồng thời phải kể một câu chuyện của mình trong ngày, hay bất cứ điều gì khác, nhưng cần chia sẻ điều gì đó. Nếu con bạn còn nhỏ, cách này nhằm kích thích trí tưởng tượng, thu hút sự chú ý, dù chỉ trong một phút. Việc mọi người cùng vỗ tay khi mỗi người kết thúc câu chuyện, dù ngắn hay dài, cũng rất quan trọng.
- Khuyến khích các thành viên đặt ra đề tài để thảo luận sau đó. Có thể là một mục từ tạp chí, công thức nấu ăn mọi người muốn thực hiện, một quyển sách, bức tranh… Hay bất cứ điều gì bạn có thể tưởng tượng ra.
- Có những câu hỏi sáng tạo. Một số câu hỏi gợi ý là “Hôm nay, điều gì khiến con cảm thấy mình can đảm nhất? Con biết ơn về điều gì nhất? Hôm nay, con thể hiện tính sáng tạo của mình thế nào?”. Nhiều người chọn cách đi xung quanh bàn, chia sẻ với mỗi người về những điều tốt nhất hay xấu nhất diễn ra trong ngày của từng người. Số khác thích nói về một vấn đề khiến họ vui, buồn, giận hờn trong ngày.
- Thử chọn những chủ đề gia đình, có tính trung lập. Một số gia đình có xu hướng bỏ qua những cuộc thảo luận về bản thân, đi thẳng đến các sự kiện, như tin tức hay vấn đề thuộc địa phương, thay vì tập trung vào một thành viên gia đình đặc biệt hay một chủ đề.
- Nói về đề tài thể thao. Nếu con bạn yêu thích thể thao, không gì thú vị bằng để chúng nói về những đội bóng chúng thích chẳng hạn. Điều này giúp tạo ra những câu hỏi mở khác, đại loại như “Tại sao con thích đội bóng đó? Con thích cầu thủ nào nhất? Khi nào trận đấu diễn ra?”.
- Tạo bầu không khí vui vẻ. Thỉnh thoảng, có thể phủ lên khăn trải bàn những vỏ sò, giống như cảnh bãi biển, đồng thời nói về những kỷ niệm của chuyến nghỉ hè mà mọi người cùng yêu thích. Hoặc nghe nhạc, thảo luận về lý do tại sao bạn thích, không thích nghe một bản nhạc. Với những trẻ tuổi mới lớn, đây là cách trẻ yêu thích nếu mọi người có thể luân phiên chọn ra một danh sách các bài hát.
- Đừng thuyết giáo, cằn nhằn. Bữa ăn tối không phải là lúc để chất vấn con cái về bài tập ở nhà, hay bạn và bạn đời bàn luận về công việc. Hãy tôn trọng khi con cái bạn không muốn nói chuyện, nhưng cần nhắc nhở chúng vẫn phải ngồi vào bàn ăn. Bạn muốn trẻ biết được mình xem trọng những cuộc thảo luận, trò chuyện nhưng cũng đồng thời cần hiểu rằng không phải lúc nào mọi người cũng muốn điều này.
- Xem thêm: Quanh cái bàn ăn, giá trị của mái ấm