Tại buổi hội thảo Tư vấn xuất khẩu nông sản sang thị trường châu Âu được Cục Xúc tiến Thương mại và Cơ quan Xúc tiến nhập khẩu từ các nước phát triển (CBI – Hà Lan) tổ chức ngày 20-12, các chuyên gia nhận định rằng đầu năm 2014 là thời điểm thích hợp để Việt Nam tăng cường xuất khẩu nông sản vào thị trường châu Âu. Vì ở thị trường này, so với các mặt hàng không phải nhu yếu phẩm thì nông sản thực phẩm thường có mức tiêu thụổn định và ít bịảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng nợ công. Hơn nữa, nông sản nước ta xuất khẩu sang EU đang có lợi thế về mức ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) so với một số nước trong khu vực như: Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan…
Một số cơ hội xuất khẩu nông sản còn bỏ ngỏ
Liên minh châu Âu với hơn 500 triệu dân hiện là một trung tâm thương mại lớn của thế giới. EU đang áp dụng một chính sách thuế nhập khẩu chung cho cả 28 quốc gia thành viên. Vì vậy, khi đã quen với chính sách xuất khẩu của một nước bất kỳ thuộc EU thì chúng ta dễ dàng mở rộng xuất khẩu sang các quốc gia khác trong cùng liên minh này.
Theo một đại diện của Cơ quan Xúc tiến nhập khẩu từ các nước phát triển (CBI – Hà Lan) tại hội thảo, EU có mức tiêu thụ mật ong trên đầu người cao nhất thế giới và họ thích mật ong màu nhạt hơn nâu đậm. Tiếc thay, Việt Nam là một trong mười nước xuất khẩu mật ong hàng đầu thế giới với sản lượng khoảng 30-35 ngàn tấn/năm nhưng chúng ta lại không có mặt trong danh sách các nước cung cấp mật ong lớn nhất của EU (Trung Quốc, Argentina, Mexico, Brazil, Ấn Độ…). Khó khăn trong xuất khẩu mật ong của chúng ta là chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn về giám sát an toàn cũng như kiểm soát dư lượng các chất, nhất là chất Carbenzami. Việt Nam chỉ mới được phép nhập khẩu mật ong trở lại vào EU từ tháng 3-2013 sau hai lần bị nhắc nhở vào năm 2003 và 2005 và bị cấm nhập khẩu từ năm 2007.
Châu Âu là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất, chiếm 40% nhu cầu thế giới. Cà phê phần lớn đều được chế biến tại các nước EU nên rất ít cơ hội cho các nhà rang xay ở các nước đang phát triển. Đây cũng là thị trường truyền thống và lớn nhất của cà phê Việt Nam với gần 40% thị phần và trị giá 800 ngàn USD/năm và chủ yếu là cà phê nhân. Lưu ý là hiện nay, việc tiêu thụ cà phê ở nhiều nước thuộc khối EU đã bão hòa nên nhu cầu nhập khẩu không nhiều như trước, yêu cầu về sản phẩm cà phê chất lượng cao và sản xuất bền vững ngày càng gay gắt hơn.
Chè là một trong những mặt hàng nông sản có lượng xuất khẩu chưa phù hợp với năng lực sản xuất trong nước. Cả nước hiện có trên 450 cơ sở chế biến chè, năng lực 1,5 triệu tấn/năm và đặc biệt là giá chè của Việt Nam hiện đang ở mức thấp nhất thế giới (khoảng 1.041 USD/tấn) nhưng lượng xuất khẩu chè vào EU chỉ đạt 2% tổng nhu cầu của thị trường này. Các doanh nghiệp kinh doanh chè sang EU vẫn chưa có sự đồng thuận và liên kết chặt chẽ nên hay bị các đối tác nhập khẩu ép giá.
Thị trường hạt điều EU phát triển ổn định trong vòng 10 năm qua và đây là một thị trường nhập khẩu liên tục của nước ta. Năm ngoái, thị trường EU tiêu thụ 73 ngàn tấn với tổng giá trị lên đến 453 triệu euro. Tuy nhiên, hiện có một số nước EU đang phản ứng mạnh với việc tăng giá hạt điều trong những năm gần đây. EU đã cảnh báo về việc người tiêu dùng đang có xu hướng chuyển sang dùng các loại hạt khác thay thế cho hạt điều.
Các loại rau quả nhiệt đới của Việt Nam rất được ưa chuộng trên thị trường EU như: cà chua, đậu, hành tây và hẹ tây, măng tây, đậu Hà Lan, tỏi, xoài, ổi, mãng cầu… Mùa vụ khó khăn do thời tiết của các nước châu Âu là cơ hội cho rau, quả của các nước đang phát triển châu Á. Trong năm 2012, xuất khẩu rau, quả Việt Nam sang EU tăng trưởng chậm lại do vướng mắc các quy định về chất lượng của các nước nhập khẩu, do có nhiều lô hàng xuất khẩu vi phạm các quy định và bị trả lại.
Mật ong là một trong những mặt hàng tiêu thụ mạnh ở thị trường EU
Những lưu ý cho doanh nghiệp nông sản Việt Nam
Các mặt hàng nông sản khi nhập khẩu vào thị trường châu Âu phải đáp ứng các tiêu chuẩn gắt gao về truy nguyên và an toàn thực phẩm. Mới đây, EU còn đưa ra các tiêu chuẩn mới và nghiêm ngặt hơn áp dụng với tất cả các sản phẩm thực phẩm xuất khẩu sang EU gồm: Hệ thống giúp nhận diện, đánh giá, và kiểm soát các mối nguy hiểm ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm (HACCP), Hệ thống quản lý chất lượng mới (ISO22000) và Quy định mới của EU về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cho phép. Nông sản thực phẩm nào có sự tồn dư lượng kháng sinh dù rất nhỏ cũng không được chấp nhận ở EU. Trong khi đó, gần 40% mẫu rau xuất khẩu của Việt Nam có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, 28,5% vượt quá hàm lượng Nitrat, 100% vượt ngưỡng coliform, 46,8% quá mức E.coli cho phép (theo kết quả phân tích của Cục Quản lý chất lượng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa công bố mới đây). Việc nông dân sử dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất như vậy nên nông sản của chúng ta bị một thị trường khó tính như EU trả lại là điều dễ hiểu. Ngoài yêu cầu cao về chất lượng hàng hóa, EU còn có rất nhiều quy định về nhập khẩu hàng hóa như: cấm nhập khẩu với các loại hàng hóa độc hại, mất an ninh, cấp giấy phép nhập khẩu áp dụng với một số hàng hóa như ngũ cốc…, hạn chế nhập khẩu bằng giấy phép hạn ngạch, luật chống bán phá giá, giấy chứng nhận kiểm dịch, nhất là đối với hoa, quả tươi.
Một yêu cầu quan trọng khi muốn xuất khẩu sản phẩm sang thị trường EU mà doanh nghiệp Việt Nam ít chú ý là trách nhiệm của doanh nghiệp đối với xã hội và môi trường, uy tín của thương hiệu và thương hiệu của quốc gia. Vấn đề trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp mà doanh nghiệp cần thực hiện sớm như: tiết kiệm năng lượng, giảm khí thải carbon, sử dụng vật liệu tái sinh, sử dụng năng lượng mặt trời, cái thiện nguồn nước, cứu trợ thiên tai, xây dựng trường học… và nhất là các chuẩn mực áp dụng với nhân viên và đối tác kinh doanh trong nước lẫn nước ngoài.
Với những doanh nghiệp mới bắt đầu giao thương vào thị trường EU, thì việc tìm kiếm cho mình các nhà môi giới và các đại lý tại các nước châu Âu là điều cần thiết để tiện cho việc trao đổi mua bán và giảm bớt rủi ro trong kinh doanh. Tuy nhiên, theo lưu ý của các chuyên gia tại hội thảo thì hiện nay vai trò của các đại lý đang giảm đáng kể do thông tin về thị trường này đã công khai trên mạng internet. Việc tìm kiếm các nhà tư vấn độc lập có vẻ hiệu quả hơn cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Một khuyến cáo đáng lưu ý khác là các doanh nghiệp Việt Nam nên tiếp tục sử dụng đôla Mỹ làm đồng tiền thanh toán trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa của mình để tránh nguy cơ mất giá của đồng euro.
[note color=”#c8c8c8″]Năm 2013, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt hơn 27 tỉ USD
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2013 đạt 27,469 tỉ USD; tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2012. Tuy nhiên, hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chính như gạo, cà phê, chè, sắn… đều giảm cả về giá và khối lượng.
Trong số này, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 13,1 tỉ USD, giảm 11,9%; giá trị xuất khẩu thủy sản ước đạt 6,7 tỉ USD, tăng 10,1%; giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 5,65 tỉ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2012.
Cà phê tiếp tục là mặt hàng có mức giảm lớn nhất, đạt 1,32 triệu tấn và 2,75 tỉ USD; giảm 23,6% về khối lượng và giảm 25,1% về giá trị so cùng kỳ năm 2012. Đức và Hoa Kỳ tiếp tục là hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm với thị phần lần lượt là 13,12% và 11,01%.
Khối lượng gạo xuất khẩu cả năm 2013 ước đạt 6,61 triệu tấn, thu về 2,95 tỉ USD, giảm 17,4% về khối lượng và giảm 19,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2012.
Trong khi đó, các mặt hàng như hạt điều, gỗ, tiêu có sự gia tăng đáng kể về giá trị. Cụ thể, hạt điều xuất khẩu cả năm đạt mức 257 ngàn tấn, thu về 1,63 tỉ USD, tăng 15,8% về lượng và 9,7% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Đặc biệt, ngành thủy sản tiếp tục là ngành xuất khẩu mũi nhọn với kim ngạch cả năm đạt 6,7 tỉ USD; tăng 10,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Hoa Kỳ vẫn là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam.
H.N[/note]
Xuân Lộc