Thật buồn, không biết từ khi nào cuộc họp phụ huynh học sinh trở thành cuộc họp để thu tiền. Có những khoản thu lẽ ra phải nằm trong cái khoản được gọi là học phí, ví dụ tiền tổ chức học buổi chiều, tiền tổ chức học ôn thi cho lớp 12…, nhưng nó vẫn cứ được tách ra và được lấy ý kiến của phụ huynh xem có đồng ý không. Những khoản như vậy hầu như không một ai phản đối vì nó là những khoản thu hợp lý mà phụ huynh khó lòng nói không.
Nhưng bên cạnh đó, cũng có những khoản thu, mà nói thật, không ít phụ huynh mặc dù đồng ý nhưng cảm thấy có phần ấm ức.
Chẳng là mới đây người viết có đi họp phụ huynh ở một trường cấp 3 của quận 1, TP.HCM với nội dung sơ kết học kỳ 1. Sau khi được nghe phổ biến tình hình học tập của lớp, đến lượt vị đại diện hội phụ huynh học sinh lên thông báo một số tình hình khác, tất nhiên là có những khoản cần phải thu. Kết quả là tổng cộng số tiền phải đóng trong học kỳ 2, tức là những khoản phát sinh thêm trong học kỳ 2, là gần 1,2 triệu đồng cho mỗi học sinh – một khoản chi phí không nhỏ đối với những gia đình khó khăn.
Nhớ lại cuộc họp hồi đầu năm, mỗi phụ huynh cũng đã phải đóng 1 triệu đồng chỉ riêng cho ba khoản thu quỹ trường, quỹ lớp và trang bị máy lạnh.
Lần này, khoản thu khiến nhiều phụ huynh thấy băn khoăn là việc trang bị bảng tương tác, một thiết bị hỗ trợ cho việc học tiếng Anh của các em học sinh.
Theo lời của vị đại diện hội phụ huynh của lớp, việc đưa bảng tương tác thông minh vào trường học nằm trong đề án “Phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông và chuyên nghiệp TP.HCM giai đoạn 2011-2020” do Bộ và Sở đưa xuống. Giá của một bộ thiết bị, gồm bảng tương tác, phụ kiện đi kèm, phần mềm…, lên đến 185 triệu đồng và chỉ tiêu của trường này là nhận năm bộ như vậy, vị chi tổng chi phí lên đến 925 triệu đồng. Vị này nói thêm, “các anh chị đừng quá lo lắng, vì ngân sách nhà nước hỗ trợ 50% kinh phí, phần còn lại phụ huynh mới phải đóng”.
Thêm nữa, khoản tiền phụ huynh đóng còn được trả góp trong hai năm, nên nhà trường cũng chủ động phân kỳ để thu tiền. Cụ thể học sinh lớp 12 chỉ đóng một đợt (95.000 đồng/học sinh) do thời gian ra trường đã cận kề, lớp 11 đóng hai đợt, còn lớp 10 đóng ba đợt.
Một buổi họp phụ huynh – Ảnh minh họa
Nhưng điều đáng nói nhất ở đây là không ai có thể giải thích được cho các phụ huynh là bảng tương tác đó là cái gì, nó mang lại hiệu quả ra sao. Ngay cả cô giáo chủ nhiệm cũng bó tay, vì cô cũng chưa tìm hiểu, chưa thấy và tất nhiên là chưa biết sử dụng ra sao. Cô cũng trấn an phụ huynh rằng có vài giáo viên trẻ đang được cử đi học, tập huấn để về sử dụng thiết bị hiện đại này. Và cô cho biết thêm là trường cũng không muốn nhận các thiết bị này về nhưng cũng bị áp đặt từ cấp trên xuống thôi.
Đến đây một số vấn đề được đặt ra và chưa có câu trả lời thỏa đáng. Trước hết, việc đưa bảng tương tác vào trường tiểu học và mầm non đã rộ lên từ hồi tháng 10, 11 năm ngoái, và đã nhận không ít ý kiến phân tích, góp ý, trong đó có nhiều ý kiến phản biện, nhưng dường như chúng không được cơ quan quản lý quan tâm, giải đáp. Ngược lại, chủ trương này càng được mở rộng, “tấn công” tiếp vào các trường cấp 2 và cấp 3. Khi chính nhà trường và phụ huynh còn chưa thật hiểu rõ về bảng tương tác thì việc mua nó về sẽ khó tránh bị lãng phí. Lẽ ra, Bộ hay Sở Giáo dục phải có những nghiên cứu để tìm hiểu xem hiệu quả của việc sử dụng thiết bị này ra sao, có thật sự cần thiết cho học sinh trong điều kiện hiện nay không.
Để sử dụng hiệu quả các thiết bị hiện đại, yếu tố con người có lẽ là quan trọng nhất. Nếu một người chỉ biết nhắn tin và gọi điện thoại, ngoài ra không có nhu cầu gì thêm, thì việc mua cho mình một chiếc điện thoại iPhone 5 quả là lãng phí.
Chi phí để mua thiết bị là một số tiền không nhỏ, dù ngân sách đã hỗ trợ 50%, nhất là đối với những gia đình nghèo. Hiện có quá nhiều những khoản chi mang danh là tự nguyện nhưng lại chẳng tự nguyện chút nào đang tồn tại trong các trường học, lẽ nào các vị lãnh đạo không biết, hoặc biết mà lại làm ngơ.
Hơn nữa những đề án kiểu như “phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông” nếu không theo đuổi những mục tiêu cụ thể và không có cách làm phù hợp thường ít mang lại hiệu quả. Cứ nhìn vào chương trình dạy và học tiếng Anh từ xưa nay ở các trường công lập sẽ thấy ngay một điểm bất hợp lý là, học sinh dù được học tiếng Anh từ cấp 1, sang cấp 2, đến cấp 3 (khoảng 10 năm học liên tục), nhưng khi ra trường rất nhiều em không thể nói trôi chảy một câu giao tiếp bình thường.
Thiết nghĩ, thay vì dùng ngân sách để hỗ trợ đề án nói trên, Nhà nước nên dành khoản tiền này để sửa lại các trường học ở các vùng xa xôi, khó khăn, hỗ trợ thêm cho những người thầy, người cô ở những nơi này để các em học sinh ở đó ít ra cũng được hưởng cái gọi là sự công bằng trong giáo dục.
Cuối cùng, như ông bà đã dạy “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Sở dĩ, những chủ trương xã hội hóa kiểu như việc mua sắm bảng tương tác nói trên còn có đất sống chính là nhờ ở sự tiếp tay của không ít phụ huynh, trong đó có người viết, thông qua việc biểu quyết đồng ý tại các cuộc họp phụ huynh. Một tâm lý e dè, toan tính đã lấn át sự nhận thức, sự phân biệt đúng sai và dẫn đến sự thỏa hiệp của nhiều vị phụ huynh. Một lý do thường được dẫn ra trong trường hợp này, dù không mấy thuyết phục, là chỉ cần nhịn ăn một chút mà làm mọi người bằng lòng vẫn tốt hơn là đứng lên đấu tranh để rồi con mình biết tránh đâu. Rồi tôi còn tìm lý do khác để ngụy biện cho hành vi thỏa hiệp của mình, đó là thầy giáo tôi đã nói đặc điểm của người Việt Nam là “duy tình chứ không duy lý” nên có thể “chín bỏ làm mười”. Nhưng có lẽ, để xã hội này phát triển được, trong rất nhiều trường hợp yếu tố “duy lý” phải được đề cao và hạn chế các hành vi thỏa hiệp như tôi đã làm.
Quế Thanh